Đức Phanxicô và ayatollah Ali al-Sistani: cuộc gặp lịch sử

221

Đức Phanxicô và ayatollah Ali al-Sistani: cuộc gặp lịch sử

cath.ch, I. Media, 2021-01-28

Ngày 28 tháng 1, hồng y Louis Raphaël Sako, Thượng Phụ Giáo hội Can-đê cho biết, Đức Phanxicô sẽ gặp ayatolla Ali al-Sistani trong chuyến đi Iraq của ngài từ ngày 5 đến 8 tháng 3. Hai năm sau khi Đức Phanxicô gặp Imam của Al-Azhar, giáo sĩ sunnite Ahmad Al-Tayyeb, ngài tiếp tục theo đuổi giấc mơ kết tình huynh đệ qua cuộc gặp gỡ với một trong những nhà cầm quyền shiite lớn nhất thế giới.

Đức Hồng y Louis Raphaël Sako trong một lần gặp Đức Phanxicô ở Vatican

Một cuộc hẹn được đề cập nhưng chưa bao giờ được xác nhận, trong cuộc họp báo do Dịch vụ Đông phương tổ chức với sự hợp tác của Hội đồng Giám mục Pháp, hồng y Sako cho biết Đức Phanxicô sẽ gặp ayatollah Ali al-Sistani ngày thứ bảy 6 tháng 3. Cuộc gặp sẽ diễn ra trước khi Đức Phanxicô đến thăm Đồng bằng Ur, vùng đất của Tổ phụ Abraham, tại đây sẽ có buổi lễ liên tôn được tổ chức với các đại diện của tín hữu shiite sunnite.

Vì thế ngài sẽ dừng chân ở thành phố linh thiêng Nadjaf của Hồi giáo shiite, nơi có lăng mộ của Imam Ali và nơi ayatollah Ali al-Sistani cư ngụ. Theo hồng y Sako, cuộc gặp được giữ kín, hai vị có thể bàn về tầm quan trọng của tình huynh đệ và hòa giải. Tuy nhiên, hiện tại chúng ta không mong đợi có một tuyên bố chung về tình huynh đệ sẽ được ký kết, như trường hợp ở Abu Dhabi, trong cuộc họp năm 2019 giữa Đức Phanxicô và chính quyền người sunnite Ahmad Al-Tayyeb.

Ayatollah Al-Sistani, “giáo hoàng” người shiite

Nhưng sự kiện này sẽ có một tiếng vang toàn cầu do tính cách và ảnh hưởng của ayatollah trong thế giới hồi giáo. Phóng viên Georges Malbrunot của báo Figaro, chuyên gia về Trung Đông nói với hãng tin I. Media: “Ali al-Sistani là người có thẩm quyền tinh thần cao nhất của người shiite ở Iraq, ngài là ‘giáo hoàng’ của họ”.

Ở tuổi 90, nhà lãnh đạo tôn giáo thực sự là người giám hộ cực kỳ được kính trọng và có ảnh hưởng ở Irak cũng như ở ngoài Irak. Nhà báo  Georges Malbrunot giải thích: “Để đưa ra một ví dụ, chẳng hạn sau khi can thiệp vào Iraq năm 2003, các quan chức Mỹ ở Baghdad thường xuyên đến gặp ngài để trình bày quan điểm của họ và lắng nghe suy nghĩ của ngài, đặc biệt là về hiến pháp mới của đất nước”. Ông Malbrunot là cựu con tin của Quân đội hồi giáo ở Iraq, ông nhấn mạnh đến tầm ảnh hưởng thực sự của nhà lãnh đạo tôn giáo có hàng trăm ngàn tín hữu: “Ngài là người, vào năm 2014, đã ban hành án lệnh fatwa – một sắc lệnh tôn giáo – kêu gọi huy động dân chúng chống lại nhà nước hồi giáo cực đoan Daesh. Vì thế ngài có khả năng huy động được những nhóm rất lớn”.

Một người am tường đất nước cho biết: “Nếu giáo hoàng không đến gặp ayatollah thì có vẻ như một Đạt-lai-Lạt-ma đến Ý mà không cất bước đến chào giáo hoàng.” Ông nói tiếp: “Là nhà lãnh đạo trong thế giới hồi giáo sunnite, marja, ngài là bậc thầy tinh thần của một cộng đồng rất lớn các tín hữu trong thế giới hồi giáo”.

“Ý thức một cuộc gặp như vậy sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với chúng tôi”

Tuy nhiên, trong chương trình không chính thức được lưu hành từ tháng 12 -2020 thì cuộc gặp thượng đỉnh này không có trong chương trình. Nhiều người lo lắng và họ hành động – cả về phía những người shiite và phía Giáo hội công giáo ở Iraq – để đảm bảo cuộc họp có trong chương trình nghị sự.

Điểm đáng chú ý, ayatolla Ali al-Sistani luôn từ chối gặp nguyên thủ quốc gia, vì thế đây là một ngoại lệ – do đó ngài gặp người kế vị Thánh Phêrô hơn là người đứng đầu Thành phố Vatican.

Ngoài hồng y Sako, một trong những nhân vật làm việc trong bóng tối để có cuộc gặp gỡ này, còn có linh mục Amir Jajé, dòng Đa Minh ở Baghdad, thành viên của Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn. Trả lời cho hãng tin I. Media trước khi hồng y Sako tuyên bố có cuộc gặp, linh mục giải thích các đại diện người shiite đã liên lạc với linh mục ngay khi chuyến thăm Iraq của Đức Phanxicô được công bố.

Các thành viên của cộng đồng shiite đã nói rõ, không có cuộc gặp là điều không chấp nhận được. Linh mục Amir Jajé cho biết: “Một lãnh đạo người shiite nói với tôi: ‘cha biết, một cuộc gặp như vậy rất quan trọng với chúng tôi không. Việc hai người ân phước này gặp nhau sẽ tiếp thêm sức mạnh cho những người hoạt động vì đối thoại và tình huynh đệ trên thế giới”, linh mục hy vọng một văn bản như văn bản của Viện hồi giáo Abu Dhabi có thể được ký trong dịp này.

Ở giai đoạn này, hồng y Sako nghĩ khả năng này là không phù hợp. Về vấn đề này, linh mục Pascal Gollnisch, giám đốc Dịch vụ Đông phương xác nhận, thông thường, những tuyên bố chung như vậy xảy ra sau một quá trình đối thoại lâu dài nhưng đây mới chỉ là cuộc gặp lần đầu.

Nếu cuộc gặp mang tính ngôn sứ này là có thật – nằm trong tinh thần của thông điệp mới nhất của giáo hoàng về tình huynh đệ nhân loại, Fratelli tutti – thì chiều kích chính trị và ngoại giao của việc Đức Phanxicô dừng chân ở thành phố Nadjaf này cũng mang tính ngôn sứ. Ayatollah Ali al-Sistani có quốc tịch Iran, ngài  được công nhận vì tính độc lập và lòng mong muốn thấy Iraq giành lại chủ quyền bằng cách tự giải phóng khỏi sự giám sát của nước ngoài. Nhà báo Georges Malbrunot giải thích: “Mối quan hệ của họ với Iran rất khó khăn, vì Iran can thiệp rất nhiều vào các vấn đề của Iraq”.

Không đến thành phố Nadjaf sẽ là “không đúng”. Nguồn tin giải thích: “Điều này sẽ đặt người shiite ở Iraq vào một tình huống hết sức tế nhị. Đối với cuộc đấu tranh giành ảnh hưởng đang diễn ra trong nội bộ shiite, một sự cạnh tranh tạo ra hai trường phái tư tưởng khác biệt, đó là trường phái của Qom ở Iran và của Nadjaf ở Iraq.

Qom ở Iran là một phần di sản của ayatollah Khomeini, người lên nắm quyền ở Iran sau cuộc cách mạng năm 1979. Trường phái này vẫn còn ở Iran, đặc biệt họ xem không nên có sự tách biệt giữa quyền lực trần thế và quyền lực tinh thần. Đây không phải là trường hợp của trường phái Nadjaf, do ayatollah Ali al-Sistani đại diện. Trong bối cảnh này, một số người cho rằng việc không gặp ayatollah Ali al-Sistani sẽ được xem là một sỉ nhục, thậm chí bị xem là ủng hộ ngầm Iran.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Năm điểm cần biết về chuyến đi Irak của Đức Phanxicô

Tòa thánh và các Giáo hội Irak, vai trò khai phá của Đức Phanxicô

Hồng y Sako: “Việc giáo hoàng đến Iraq là một hành động tiên tri”