Con đường dài của tổng thống công giáo Joe Biden

267

Con đường dài của tổng thống công giáo Joe Biden

Tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ đã có một cuộc  hồi sinh chính trị bất ngờ khi ông thắng cử. Một trong số các đặc điểm nổi bật của ông: đức tin công giáo của ông.

lavie.fr, Henrik Lindell, 2021-01-20

Cựu phó tổng thống và ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden gặp gỡ các thành viên giáo sĩ và các nhà hoạt động cộng đồng tại Nhà thờ Bethel AME ở Wilmington, Delaware vào ngày 1 tháng 6 năm 2020.

Cách đây 4 năm, ít quan sát viên nào có thể tưởng tượng ông Joe Biden, cựu phó tổng thống của Barack Obama, một ngày nào đó sẽ thắng cử tổng thống nước Mỹ. Giới quan sát cho rằng người đứng giữa được đảng Dân chủ bị chia rẽ đề cử là chuyện khó phù hợp. Nhưng người kỳ cựu và thực sự sống sót trên chính trường ở Washington đã bất ngờ dành chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng năm ngoái, trước khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 11 năm 2020.

Cách đây chưa đầy một năm, ông đã thắng trong Siêu Thứ Ba Super Tuesday, ngày 3 tháng 3 – một giai đoạn quan trọng, khoảng 15 tiểu bang tổ chức bầu cử sơ bộ trong cùng một ngày. Ông đã thắng 10 trong số 14 tiểu bang – bao gồm Texas, Virginia, Minnesota và Massachusetts. Ông Bernie Sanders, cánh tả của đảng, đã thắng các bang còn lại, trong đó quan trọng nhất là bang California. Nhưng Biden không chỉ đánh bại Bernie Sanders về số phiếu bầu, điều này rất cần thiết và trái với mọi hy vọng, đặc biệt ông thắng luôn bà Elisabeth Warren, ứng cử viên cánh tả của đảng và Michael Bloomberg, đối thủ chính của ông trong số các cử tri ôn hòa.

Tỷ phú Michael Bloomberg, cựu thị trưởng New York, người tài trợ cho chiến dịch tranh cử của mình cuối cùng quyết định chấm dứt tranh cử để ủng hộ Joe Biden. Trong các cuộc bầu cử sơ bộ tiếp theo ở các bang lớn như Michigan và Missouri, ông đã dẫn trước ông Sanders. Cuối cùng, không cần phải bàn cãi gì nhiều, tháng 8, Đảng Dân chủ đề cử ông làm ứng cử viên chống lại Trump.

Một người có lòng tin sâu đậm

Rõ ràng ông thắng nhờ dự án chính trị của ông khác với dự án cấp tiến của đảng xã hội chủ nghĩa của ông Sanders. Để chống lại ông Sanders, người đặc biệt muốn toàn bộ hệ thống y tế được quốc gia hóa, ông Biden đề xuất tiếp tục con đường thực dụng của Obama, bằng cách giữ an sinh xã hội dựa trên bảo hiểm tư nhân. Sau đó, ông có một lợi thế lớn: toàn bộ cơ cấu cuối cùng đã đứng sau lưng ông, như bà Hillary Clinton đã được bốn năm trước đó.

Khác với bà Hillary Clinton, người được cho thuộc giới tinh hoa và thường sống ngoài địa bàn, ông Joe Biden mang lại cho chiến dịch tranh cử của đảng Dân chủ không những sự gần gũi với tầng lớp trung lưu, mà còn mang lại cả chiều kích tôn giáo. Joe Biden đích thực là người có lòng tin và ông không che giấu điều này. Tại các cuộc mít-tinh tranh cử, ông nói về đức tin của mình một cách có hệ thống không bao giờ ngần ngại trích dẫn Kinh Thánh. Đây là một lập luận mạnh mẽ tiềm tàng để thu hút tín hữu cơ đốc – ngay cả những người bảo thủ thường thích Đảng Cộng hòa hơn Đảng Dân chủ, bị xem là ít nhạy cảm với đức tin.

Biden tạo sự khác biệt đáng kể trong lĩnh vực này so với nhiều đảng viên Dân chủ khác. Ông John Kenneth White, nhà khoa học chính trị tại Đại học Công giáo Hoa Kỳ, ở Washington DC, khẳng định: “Trước hết, đức tin công giáo định hình Joe Biden”. Ông nói tiếp: “Joe Biden không thể không nói về ông mà không nói đến đức tin của ông vào Chúa và lòng mộ đạo của ông. Đức tin của ông là một phần con người của ông.”

“Tha thứ” và “hàn gắn” đất nước

Sức mạnh đức tin đã giúp ông vượt qua những thử thách kinh hoàng: ông mất người vợ đầu tiên và con gái trong tai nạn xe năm 1972, và năm 2015, người con trai đầu của ông qua đời vì ung thư não. Giáo sư John Kenneth White cũng là người công giáo, nhớ lại trong một buổi gặp tình cờ với phó tổng thống một buổi chiều năm 2015 ở nhà thờ của ông, cùng với vợ là bà Jill: “Đó là ngay sau cái chết của Beau Biden, con trai của ông. Hai người đến không báo trước. Họ dự thánh lễ 5 giờ chiều như các giáo dân khác, không kèn không trống và không có màn bắt tay. Họ chỉ là một cặp vợ chồng có tang đang cho thấy đức tin riêng của mình và sự chịu đựng của họ.”

Giáo sư White thấy đây là bằng chứng, ông Joe Biden là hiện thân tốt hơn bất kỳ ứng cử viên nào khác, điều mà Tổng thống George Washington gọi là “đức tính hữu hình”, theo “các nguyên tắc bất di bất dịch của lòng đạo riêng tư cần thiết cho nền tảng của chính sách quốc gia”.

Có một điều chắc chắn: bản chất gương mẫu trong đời tư của Joe Biden và những hành vi công khai của ông thì rõ ràng ngược với những gì Donald Trump cho thấy về bản thân của ông.

Nhiều khẩu hiệu được ông dùng trong chiến dịch tranh cử đề cập đến các giá trị tinh thần sáng lập của đất nước. Vì thế, một trong các khẩu hiệu chính: “Chúng ta đang ở trong một trận chiến vì linh hồn của nước Mỹ”. Ông cũng nói đến sự cần thiết phải “tha thứ” và “hàn gắn đất nước” sau bốn năm cực kỳ chia rẽ của tổng thống Trump. Các động từ – “chữa lành”, “tha thứ” – có một âm hưởng rất mạnh mẽ với cử tri kitô giáo.

“Đức tin là một phần con người của ông”

Là giai thoại chăng? Không phải. Sự kiên định của ông Biden về chiều kích thiêng liêng đã làm cho nhiều đảng viên Dân chủ ngần ngại khi kết nối lại với Đảng. Giáo sư Wgite nói tiếp: “Tôi nghĩ điều quan trọng là cử tri nên nghe thông điệp của ông về đức tin và tôi sẽ nói thêm, họ muốn nghe!”

Năm 2016, các ứng viên đảng Dân chủ thực sự đã bị chỉ trích vì đã không tính đến cho đủ yếu tố tôn giáo, đặc biệt là bà Hillary Clinton, dù giữ đạo của mình, nhưng đôi khi cố tình coi thường các đề xuất vận động tranh cử của một số nhà thờ ở vùng nông thôn, nơi ông Trump dành được một số phiếu rất lớn.

Giáo sư John Kenneth White xác nhận: “Quá thường xuyên, các đảng viên Dân chủ tránh nói về đức tin. Nếu họ có được sự ủng hộ quan trọng của những người không đi nhà thờ thường xuyên hoặc những người không giữ đạo, thì họ khó có phiếu của những người đi nhà thờ thường xuyên. Tổng thống nước Mỹ gần đây thực sự nói về đức tin của mình là tổng thống Jimmy Carter. Thêm một lần nữa, vì đây là một phần con người của ông. Khi ông Joe Biden nhấn mạnh đến sự cần thiết phải hàn gắn đất nước sau nhiệm kỳ tổng thống Donald Trump, ông nhắc đến thông điệp của tổng thống Carter đưa ra sau nhiệm kỳ tổng thống Richard Nixon (bị rút ngắn vì vụ bê bối Watergate năm 1974).

Vượt lên đau khổ cá nhân

Dù sao khía cạnh này, có thể giải thích một phần sự gia tăng lòng mến mộ của quần chúng năm ngoái đối với ông Joe Biden trong các cuộc bầu cử sơ bộ. Có một cái gì đó thực sự đã xảy ra với chính ứng cử viên không chỉ qua con số toán học bầu cử: ông thực sự được người dân mến mộ. Điều này được chứng minh qua sự tham dự vào cuộc bầu cử sơ bộ, đã tăng rất nhiều vào ngày Siêu thứ Ba so với bốn năm trước, rõ ràng mang lại lợi ích cho Biden.

Theo nhiều quan sát viên, hai điểm mốc dường như đã đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Điểm chung: Biden đã nói chuyện ở đó để nói một đức tin cá nhân của mình và cách ông vượt lên nỗi đau cá nhân. Đầu tiên là cuộc tranh luận ngày 26 tháng 2 trên CNN, ông trả lời câu hỏi của một mục sư da đen có vợ bị giết trong vụ thảm sát phân biệt chủng tộc do một người theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng ở nhà thờ Charleston năm 2015. Ông nhấn mạnh: “Trong nhà thờ này, mục sư đã tha thứ cho thủ phạm của vụ thảm sát, có nghĩa là mục sư đã thực hiện một hành động tối thượng của đức ái kitô”. Sau đó, ông kể lại, chính ông đã đến nhà thờ da đen tang tóc này để tìm hy vọng sau cái chết của con trai mình.

Điểm nổi bật thứ hai: Bài phát biểu sau chiến thắng sơ bộ ở bang Nam Carolina ngày 29 tháng 2, chủ yếu ông cũng nói một chuyện tương tự, nhấn mạnh đến khả năng tìm hy vọng qua đức tin. Trong cả hai trường hợp, cảnh video này đã nhanh chóng lan truyền và hình ảnh một ứng cử viên có thể nói với tư cách là chính trị gia có trách nhiệm – không giống như trường hợp của Donald Trump – về các vấn đề chính như phân biệt chủng tộc và sự hợp nhất của đất nước, nhưng còn với tư cách con người, không chỉ là một chính trị gia, nhưng còn là người cha nói thẳng từ trái tim mình, để nói những lời hợp nhất, có ý nghĩa với hàng triệu người Mỹ.

Những điểm trở ngại với một số người bảo thủ

Trong bối cảnh bi thảm của đại dịch tàn phá nước Mỹ, ông Joe Biden sau đó đã phải tự đặt mình, về mặt chính trị bằng thái độ nhân ái và tinh thần trách nhiệm đứng trước một Donald Trump, luôn phủ nhận tình trạng nghiêm trọng lớn lao của tình hình.

Dù vậy. Nếu Joe Biden nối kết lại với truyền thống kitô giáo của đất nước và của Đảng của ông, ông vẫn theo chủ nghĩa tự do, do đó ông ủng hộ việc thay đổi nhiều phong tục, hôn nhân đồng tính và phá thai. Đây là những điểm quyết định đối với nhiều người bảo thủ, những người thường từ chối việc phá thai. Thậm chí vì lý do này, ông đã bị một nhà thờ công giáo từ chối cho rước lễ năm 2015, theo một đường lối được một số giám mục đồng ý.

Giáo sư White nhắc lại: “Đúng là một số người công giáo bỏ phiếu chỉ dựa trên những gì các ứng cử viên nói về phá thai, nhưng không phải đây là tất cả! Người công giáo gốc Tây Ban Nha là khối cử tri quan trọng, và họ cân nhắc những gì các người được dân bầu nói về vấn đề nhập cư chẳng hạn”. Ông Biden thực sự có quan điểm “ủng hộ người nhập cư.” Ông dự định chứng minh điều này vào ngày nhậm chức của mình, bằng cách ký sắc lệnh đơn giản hóa các quy tắc đối với người nhập cư có điều kiện lưu trú từng gặp khó khăn dưới thời Donald Trump.

Chính trị gia kỳ cựu 78 tuổi, nổi tiếng với các lời nói hớ và biết tự trào, Joe Biden đã có được một lập luận đơn giản và khiêm tốn khi đối diện với nhiệm kỳ tổng thống hỗn loạn của Donald Trump, ngay cả nơi các giáo dân bảo thủ: “Đừng so sánh tôi với Đấng Toàn Năng. Xin so sánh tôi với lựa chọn thay phiên”. Ông là tổng thống công giáo thứ hai sau tổng thống  John F. Kennedy là người đầu tiên.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Đức tin công giáo của Joe Biden sẽ hình thành mối quan hệ của ông với giáo hoàng và các giám mục Hoa Kỳ như thế nào

Joe Biden có thể cứu công giáo Hoa Kỳ khỏi phái cực hữu không?