Thiên Chúa không thể nói dối

545

Thiên Chúa không thể nói dối

Ronald Rolheiser, 2021-01-25

Dối trá là sự dữ tai hại nhất, là tội nguy hiểm nhất, xúc phạm nặng nề nhất, và là tội không thể tha thứ. Có lẽ thời nay chúng ta cần được nhắc nhớ chuyện này, bởi nền văn hóa hiện thời đang có nguy cơ đánh mất khái niệm về hiện thực và sự thật. Chẳng có gì nguy hiểm hơn thế.

Có một câu trong Kinh Thánh hiếm khi được trích dẫn, nằm trong Thư Thánh Phaolô gởi tín hữu Do Thái, đơn giản nói thế này: “Thiên Chúa không thể nói dối được” (Do Thái 6, 18). Chắc chắn là thế, không thể nào khác được. Thiên Chúa là Sự Thật, làm sao Thiên Chúa nói dối được? Vì Thiên Chúa nói dối sẽ là chối bỏ bản tính của Thiên Chúa. Như thế, chúng ta nói dối là đi ngược lại với Thiên Chúa. Dối trá chính là bất kính và phạm thượng. Nó là phỉ báng bản tính của Thiên Chúa.

Nếu nhận thức được thế, thì có lẽ gần đây, chúng ta không thật tâm với xác quyết này. Khắp mọi nơi, từ vô số các bài đăng trên mạng xã hội, tin nhắn, blog, cho đến phát biểu của các nhân viên cấp cao trong chính phủ, công ty kinh doanh hay thậm chí trong cả giáo hội, chúng ta đều thấy một sự tách ly ngày càng xa rời hiện thực và sự thật. Dối trá và tạo ra phiên bản sự thật của mình, bây giờ đã trở thành một thứ được xã hội chấp nhận (đến một mức độ đáng kinh sợ).

Chuyện gì đã làm thay đổi như vậy? Chẳng phải trong bao lâu nay chúng ta vẫn không nói dối đó sao? Trong chúng ta có ai dám nói mình chưa hề nói dối hoặc ngụy tạo thông tin theo cách này hay cách khác? Vậy thì thời nay có gì khác thời xưa?

Cái khác là, trước thế hệ này, chúng ta vẫn còn có thể khó chịu vì sự dối trá của mình, thấy hổ thẹn và buộc phải thừa nhận mình bất lương. Nhưng bây giờ đã không còn như thế này nữa. Thời nay, mối quan hệ của chúng ta với sự thật đang rạn nứt đến mức độ chúng ta không còn phân biệt được, cả về đạo đức và thực tế, giữa dối trá và sự thật. Hiện giờ, một lời dối trá chỉ đơn giản là một thể thức khác của sự thật.

Và chuyện này tác động chúng ta thế nào? Nó là thứ chúng ta đang sống cùng, nó tác động mọi nơi mọi lúc. Trước hết, nó phá vỡ ý thức hiện thực chung, và cả cộng đồng không còn một nhận thức luận chung, không còn ý thức thiện ác chung nữa. Người ta không còn liên hệ với hiện thực theo cùng một cách như nhau nữa. Sự thật với người này lại là dối trá với người khác. Chúng ta không còn có thể xác định cái gì cấu thành một lời dối trá.

Nó không chỉ hủy hoại sự tin tưởng giữa chúng ta, mà nó còn tác hại sự ôn hòa lành mạnh và cả những đặc tính tôn giáo và luân lý của chúng ta. Như trong một bài tôi viết cách đây vài tháng, chúng ta tin rằng có bốn đặc tính siêu việt của Thiên Chúa. Đó là Duy nhất, Chân, Thiện, Mỹ. Bởi Thiên Chúa là Duy nhất, trọn vẹn và nhất quán, nên không thể nào có sự mâu thuẫn nội tại trong Ngài. Điều này có vẻ trừu tượng và hàn lâm quá, nhưng nó lại chính là mỏ neo giữ cho chúng ta được ôn hòa lành mạnh. Chúng ta tỉnh táo chỉ khi chúng ta luôn có thể tin rằng hai cộng hai bằng bốn. Sự Duy nhất của Thiên Chúa chính là mỏ neo đó. Nếu chuyện đó thay đổi, thì cái neo giữ sự tỉnh táo của chúng ta sẽ mất đi. Khi hai cộng hai không còn bằng bốn, thì chúng ta chẳng còn gì biết chắc hay đáng tin tưởng nữa. Đấy là mối nguy hại tối cùng của tình trạng thời nay. Chúng ta là con thuyền trôi dạt.

Mối nguy tiếp theo của dối trá là nó tác hại trực tiếp đến những người dối trá. Fyodor Dostoevsky đã tóm gọn nó thế này: “Những kẻ dối trá với chính mình, lắng nghe lời dối trá của họ đến nỗi trở nên không thể phân biệt sự thật trong bản thân và quanh bản thân, để rồi mất đi mọi sự tôn trọng đối với bản thân và tha nhân. Và khi không còn tôn trọng, họ chẳng còn yêu thương nữa”. Jordan Peterson thì nói thêm: Nếu chúng ta nói dối đủ lâu “thì sẽ xuất hiện sự ngông cuồng và ý thức thượng đẳng vốn đi kèm với những lời dối trá thành công, và nó là một trong những mối nguy lớn nhất, khi có vẻ ai cũng bị lừa, ai cũng ngu ngốc trừ mình ra, nên mình làm gì cũng được, chẳng bao giờ phải trả giá”. Và còn có câu: “Nó dễ bị tôi thao túng. Thế nên, nó đâu đáng để tôi tôn trọng”.

Cuối cùng, là lời cảnh báo nặng nhất của Chúa Giêsu nói trong phúc âm thánh Gioan. Ngài bảo nếu chúng ta nói dối đủ lâu, thì cuối cùng sẽ tin vào lời dối trá của mình và nhầm lẫn giữa dối trá và sự thật, và nó trở thành tội không thể tha thứ (một sự xúc phạm Thần Khí) bởi vì kẻ nói dối chẳng còn muốn được tha thứ.

Cuối cùng, dối trá phá vỡ sự tin tưởng giữa chúng ta. Sự tin tưởng tồn tại dựa trên niềm tin rằng chúng ta đều chấp nhận rằng hai cộng hai bằng bốn, rằng chúng ta đều chấp nhận nó là hiện thực, chúng ta đều chấp nhận rằng hiện thực có thể bị bóp méo bởi một lời dối trá, và một lời dối trá là giả dối chứ không phải một thể thức của sự thật. Dối trá hủy hoại sự tin tưởng đó.

Dối trá trong một thế giới xem nhẹ hiện thực và sự thật cũng có thể gây ra sự cô độc cho chúng ta. George Eliot từng viết rằng: “Còn gì cô đơn hơn là không thể tin tưởng?” Quá đúng. Cô đơn nhất là khi không thể tin tưởng. Vậy mà thế giới của chúng ta là thế đấy.

J.B. Thái Hòa dịch

Bài đọc thêm: Ông Hoàng Nói dối