Làm thế nào để có cái nhìn tâm linh về vụ tấn công vào Điện Capitol
americamagazine.org, Linh mục Dòng Tên Bryan N. Massingale, Matt Malone, 2021-01-07
Linh mục Bryan Massingale, giáo sư đạo đức thần học tại Đại học Fordham cùng Linh mục Dòng Tên Matt Malone thảo luận về vụ tấn công ngày 6 tháng 1 vào Điện Capitol.
Linh mục Matt Malone: Chúng tôi nhớ lại các sự kiện ngày hôm qua, khi đám đông theo chủ nghĩa nổi loạn do tổng thống đương nhiệm Mỹ kích động xông vào chiếm Quốc hội làm gián đoạn công việc của các nhà lập pháp trong việc thực thi nhiệm vụ hiến pháp của họ và làm lung lay đến cốt lõi nền tảng dân chủ. Đó là sự kiện gây sốc, nhưng có lẽ đây không phải sự kiện hoàn toàn đáng ngạc nhiên, với những gì chúng ta đã trải qua trong bốn hoặc năm năm qua. Để giúp chúng ta hiểu sự kiện này qua video phát trực tiếp, tôi đã cùng với Linh mục Bryan Massingale, giáo sư thần học và đạo đức xã hội tại Đại học Fordham, cha cũng là người đã viết một bài về vụ tấn công tại Capitol cho tạp chí America.
Cha Bryan, cha đã viết bài báo này cho tạp chí America khi những sự kiện này đang diễn ra. Từ cái nhìn của cha, cha nhìn thấy gì?
Tôi bật truyền hình lên vì nhận được tin nhắn: “Cha xem cái này chưa?” Tôi hỏi: “Xem cái gì?” Bởi vì tôi hoàn toàn chờ tất cả các báo chí sẽ đưa tin kiểu phản đối rất thường xuyên. Tôi bật truyền hình lên và thất thần trước những gì tôi thấy trước mắt, tôi thấy cảnh Điện Capitol hoàn toàn bị những kẻ bạo loạn tràn ngập – chúng tôi thực sự không thể gọi họ là những người biểu tình, bởi vì họ không thực thi quyền hội họp ôn hòa mà tất cả chúng ta đều đồng ý với Hiến pháp. Họ đến đó để thực sự bắt giữ chính phủ làm con tin, để đóng cửa, để dùng bạo lực và đe dọa nhằm phá vỡ chính quá trình dân chủ và họ làm như vậy theo sự xúi giục của tổng thống đương nhiệm của Hoa Kỳ.
Tức giận, theo Thánh Tôma Aquinô là động lực
thúc đẩy ý chí đến công lý.
Khi tôi nhìn những sự kiện này diễn ra, tôi lạnh xương sống. Tôi tức giận, tôi bàng hoàng vô cùng. Và bài viết tôi viết cho tạp chí America tuôn trào từ sự tức giận sâu đậm này. Tôi tự vấn: Tôi có nên viết bài này trong thời gian thực tại này không, thậm chí khi không kềm nén được cơn giận của mình không? Và sau đó tôi chợt nhớ lại, theo Thánh Tôma Aquinô, tức giận là động lực thúc đẩy ý chí đến công lý. Quá thường xuyên, sự bất công sinh sôi trong xã hội chúng ta là do chúng ta không đủ tức giận. Sự khác biệt giữa tức giận mà tôi đang cảm thấy, hy vọng vậy, và sự tức giận mà chúng ta thấy trên đường phố Washington, vốn chỉ đơn giản là một cơn thịnh nộ ảo hướng đến những kết cục bất công. Loại tức giận mà trong cương vị người đi theo Chúa Kitô phải có là sự tức giận hướng đến việc bảo vệ điều đúng, bảo vệ sự thật. Và tôi nghĩ sự thật về cơ bản đã bị tấn công trong các sự kiện ngày hôm qua.
Và theo nhận định của cha, sự thật, hay tập hợp sự thật, cái gì đàng sau vụ tấn công hôm qua tại Điện Capitol?
Sự thật là chúng ta có một cuộc bầu cử công bằng và chính đáng. Một cuộc bầu cử công bằng và chính đáng là quyết tâm đạt được của gần 60 quyết định của các tòa án khác nhau bằng nhiều lần kiểm phiếu lại ở nhiều bang khác nhau. Riêng ở Georgia, đã có ba cuộc kiểm lại khác nhau. Bang Wisconsin đã kiểm phiếu lại một phần. Pennsylvania kiểm lại một lần. Ở Arizona, cũng kiểm lại một lần. Trong tất cả các quy trình hành chính và tư pháp này, không có bằng chứng nào cho thấy có sự gian lận trên bình diện chung hay bất cứ điều gì bất hợp pháp.
Và khi các luật sư của tổng thống bị chất vấn trả lời trước tòa, họ chưa bao giờ có thể đưa ra bất kỳ bằng chứng thuyết phục nào để giải quyết vấn đề này. Vì thế tôi thấy “sự thật” là nền dân chủ của chúng ta đã bị chiếm đoạt; cuộc bầu cử này là bất hợp pháp; chúng ta phải bằng cách nào đó để cứu đất nước khỏi một cái gì đó có hại. Và “sự thật” – đó là lời nói dối – là thứ hoàn toàn độc hại đối với nền dân chủ. Nói theo danh từ công giáo, nó gây tổn hại sâu sắc đến lợi ích chung. Đó là lý do vì sao tôi trích dẫn Giáo hoàng Gioan-Phaolô II trong bài viết của tôi, ngài nói: “Sự thật là mẹ, là cơ sở và là nền tảng của công lý.” Những gì chúng ta thấy qua các sự kiện hôm qua là sự thật và theo nghĩa tu từ học là quan trọng. Chúng ta không thể có một xã hội công bằng nếu người dân không muốn công nhận sự thật, ngay cả khi sự thật đó là một sự thật không được ưa chuộng hoặc sự thật mà họ không mong muốn.
Chúng ta không thể có một xã hội công bằng nếu người dân không muốn công nhận sự thật.
Bây giờ, cũng như cha, tôi cũng bị sốc và kinh hoàng trước những gì tôi nhìn thấy. Nhưng có một cái gì trong lòng. Tôi không hoàn toàn ngạc nhiên, vì điều này có một cái gì liên quan đến những gì tôi hiểu là sự thật sâu xa hơn ở đó, đó là thực tế của thân phận con người, vì nó tồn tại trên đất nước này từ góc nhìn hạn chế của tôi. Nhưng cha cũng đã nói trong bài viết của cha về một sự thật sâu sắc hơn những gì đang diễn ra ở đây trong các sự kiện này.
Chắc chắn như vậy. Nếu tôi có thể đặt điều này trong bảng sắp hạng của Thánh I-nhã, thì động lực của Tuần Linh Thao đầu tiên theo Thánh I-nhã là trước tiên chúng ta nhìn nhận Chúa yêu thương chúng ta không điều kiện, một cách nào đó vượt quá công trạng chúng ta. Kế đó, tình yêu này dẫn dắt chúng ta đến việc xem xét nơi nào trong cuộc sống chúng ta, chúng ta bị ngăn chận để không đến được với tình yêu này của Chúa, hoặc không trung thành với tình yêu của Ngài. Và như thế, sự thật sâu đậm nhất – và với tất cả sự tôn trọng của tôi với Tổng thống Biden và những người khác đã nói ngày hôm qua “không phải đó là người Mỹ chúng ta” – sự thật sâu sắc hơn, ngày hôm qua đã tiết lộ một phần sâu đậm trong chúng ta là người Mỹ; chúng ta đã có một sự khoan dung lâu dài, ít nhất là trong bốn năm qua, đối với sự dối trá và lừa lọc, đạo đức giả và thói tự mê.
Tổng thống này đã nhậm chức trong làn sóng kêu gọi oán giận và bất bình của người da trắng.
Ngoài ra, chúng ta có có một lịch sử ăn sâu lâu đời về đặc quyền chủng tộc và phân biệt chủng tộc da trắng. Và tổng thống này đã nhậm chức trong làn sóng kêu gọi oán giận và bất bình của người da trắng. Đó là cơ sở cho quyền lực của ông và cho lời kêu gọi của ông ngay từ ngày đầu tiên và tiếp tục trong suốt nhiệm kỳ tổng thống của ông. Ngày hôm qua chúng ta đã thấy qua thành phần những người biểu tình về thông điệp của họ, về sự kêu gọi thuần bạo lực: tất cả những điều đó là một phần con người chúng ta trong tư cách là người dân Mỹ và một phần của của chính sách mà chúng ta đã trở thành. Dưới một vài khía cạnh, không có gì đáng ngạc nhiên về những gì đã xảy ra. Như tôi đã giải thích trong bài báo, đây là kết quả tất yếu của bài học bốn năm qua đã mang lại cho chúng ta.
Hôm qua trong bài xã luận của chúng tôi đăng ở báo America, chúng tôi đã kêu gọi chú ý đến cụm từ này, mà không chỉ Tổng thống Biden mà một số giám mục đã sử dụng và cha cũng đề cập: “Đây không phải là chúng tôi.” Một trong những điều mà tôi nghĩ các biên tập viên đã làm đúng, như cha nói: Đây là một phần của con người chúng ta và chúng ta phải đối diện với nó. Chúng ta phải trung thực với nó. Nó không phải là toàn bộ con người chúng ta nhưng nó là một phần rất quan trọng trong việc định hình chúng ta là ai. Tôi nghĩ những người da trắng thường bị sốc khi nhận ra đây vẫn là một phần của cuộc sống dân tộc chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta phải đối diện với một thực tế hiển nhiên khi cha thấy những người mặc áo phông bài do thái và phân biệt chủng tộc mang cờ Liên minh miền Nam vào Điện Capitol, điều mà ngay cả quân đội Liên minh miền Nam cũng không làm được ở đó. Có một cách biệt nghiêm trọng ở đây giữa nhận thức của những người da màu trong các thực tế này và nhận thức của người da trắng không?
Đó là điều đã được nhận xét liên tục vào ngày hôm qua, đặc biệt là khi so sánh phản ứng của cơ quan thực thi pháp luật với vụ tấn công Điện Capitol hôm qua và cuộc biểu tình của phong trào Cuộc sống người Da đen đáng được tôn trọng, Black Lives Matter vào mùa hè vừa qua, họ đã phải đối diện với một lực lượng quân đội lớn mạnh. Hôm qua, truyền hình đã chiếu những bức ảnh chụp hồi mùa hè khi Vệ binh Quốc gia xếp hàng trên các bậc thang của Điện Capitol, sâu gần bốn hoặc năm tầng như một hàng rào nhằm bảo vệ Điện Capitol. Và ngày hôm qua những gì chúng ta thấy là một nhóm khác – một nhóm nguy hiểm hơn rất nhiều – đã được đối xử với phản ứng gần như hoàn toàn ngược lại, những người bạo loạn gần như không gặp một phản đối nào khi đi vào. Thậm chí họ còn chiếu những bức ảnh tự chụp của cảnh sát Điện Capitol với những người bạo loạn. Nhiều người đã nói, ngày hôm qua, nếu đây là một nhóm nổi dậy, bạo loạn của người da đen hoặc da nâu, thì họ đã bị thực thi pháp luật một cách hoàn toàn khác.
Vệ binh Quốc gia xếp hàng trên các bậc thang của Điện Capitol, sâu gần bốn hoặc năm tầng như một hàng rào nhằm bảo vệ Điện Capitol.
Nếu đây là một nhóm nổi dậy, bạo loạn của người da đen hoặc da nâu, thì họ đã bị thực thi pháp luật hoàn toàn khác.
Sự tương phản giữa cách chúng ta đối xử với những người nổi dậy da trắng và những người đang thực thi các quyền hợp pháp của Tu chính án đầu tiên của họ dấu chỉ nói lên ở đất nước này. Đó là điều cực kỳ đáng nói ở đất nước này. Đó là điều mà nhiều người Mỹ da trắng vẫn còn bị sốc. Nhưng nhiều người da màu nói, đây mới thực sự là một ví dụ khác về tiêu chuẩn kép của công lý tồn tại ở đất nước này.
Tôi nhận thấy trong các cuộc nói chuyện và cả trong các trao đổi ngắn với những người bạn da trắng và gia đình tôi, ngày hôm qua, chúng tôi, người da trắng đã thực sự không hiểu điểm mà cha vừa đưa ra. Tôi nghĩ đó là do chúng ta thường coi phân biệt chủng tộc, thành kiến chủng tộc, là nhận thức có ý thức. Như thể ai đó đứng trước Điện Capitol với chiếc dùi cui và nói: “Tôi sẽ không phản ứng với những người này như tôi đã phản ứng với họ cách đây hai tháng.” Đó không phải là thực sự những gì chúng ta đang nói ở đây, phải không? Đó là một cái gì đó sâu sắc hơn thế.
Không. Chúng ta đang nói về cách mà các cơ quan ở trong khuôn khổ do bản sắc chủng tộc của họ. Vì vậy, khi chúng ta nhìn nhóm người da đen hoặc da nâu biểu tình, ngay lập tức chúng ta liên tưởng làn da đen hoặc da sẫm thì nguy hiểm hơn là đe dọa. Và với người da trắng, làn da trắng của họ ở trong một khuôn khổ khác. Chúng ta cho họ hưởng ân huệ giả định nghi ngờ vì dù sao những người này là những người chúng ta biết – họ giống chúng ta. Chúng ta xem họ là những người có đạo đức hơn hoặc những người mà chúng ta cho họ có thiện ý tốt nhất. Trong khi đó, chúng ta sẽ không giả định về sự vô tội như vậy với những người có làn da sẫm màu.
Chúng ta liên tưởng ngay, làn da đen hoặc da sẫm thì nguy hiểm hơn là đe dọa.
Chúng tôi cũng thấy điều này với người da trắng, như cha nói, đây là thành viên trong gia đình chúng ta, những người chúng ta biết họ ủng hộ tổng thống hoặc bỏ phiếu cho ông, vì thế nếu chúng ta chỉ trích tổng thống, những người biểu tình hoặc ủng hộ ông quá nhiều rồi thì chúng ta cũng cũng ngầm chỉ trích cả họ, những người mà chúng ta yêu thương, bạn bè, gia đình chúng ta.
Điều đó làm chúng ta mù quáng để có thể thực sự thấy những gì đang diễn ra ở Mỹ. Điều thực sự đang diễn ra ở Mỹ là hệ thống ưu việt cho người da trắng đã có từ lâu. Tính ưu việt đối với người da trắng đang bị thách thức bởi nhân khẩu học của quốc gia đang thay đổi. Sự lo lắng này là điều tổng thống không tạo ra nhưng ông khai thác và khéo léo thao túng. Thật không may, các thành viên của cộng đồng đức tin đã không thẳng thắn để chống đối và định danh nó.
Đúng. Vì vậy, quan điểm của cha là tổng thống đã không tạo ra thực tế về cái mà chúng ta có thể gọi là sự bất công mang tính hệ thống nhưng ông đã lợi dụng nó một cách vô liêm sỉ?
Ồ – khai thác một cách vô liêm sỉ và thao túng nó. Như tôi đã nói trong bài báo, thật dễ cho chúng ta khi đổ tất cả trách nhiệm trên tổng thống. Quả thực, ông xứng đáng nhận phần trách nhiệm quan trọng, dù sao ông là nhà lãnh đạo điều hành quốc gia. Tuy nhiên, phải công nhận, tổng thống không thể làm được những gì ông làm mà không có sự thuận tình, hỗ trợ, hành vi tạo điều kiện khả thể cho một loạt các thực thể: những người đã biết sự kém cỏi của ông nhưng lại không tố cáo; những người lặp lại những lời nói dối của ông về cuộc bầu cử bị đánh cắp vì lợi ích ngắn hạn của riêng họ; hoặc những người đã thao túng điều này một cách gian xảo vì lợi ích chính trị của riêng họ; hoặc những người biết chuyện gì đang xảy ra nhưng họ nói họ không đối đầu với ông vì sợ một câu tweet của ông.
Tổng thống không thể làm được những gì ông làm mà không có sự thuận tình, hỗ trợ, hành vi tạo điều kiện khả thể.
Nói cách khác: Một loạt các hành vi tạo điều kiện khả thể cho phép tổng thống làm những gì ông đã làm và trở thành sức mạnh hủy diệt nền dân chủ chúng ta như ông đã làm.
Và tất nhiên, trong đội quân những người đã kích động tổng thống hoặc chỉ đơn giản là im lặng vì sợ hãi hoặc tư lợi – có rất nhiều người công giáo trong nhóm này phải không? Chúng ta phải thẳng thắn về vấn đề này, như một trong những độc giả của chúng tôi đã đặt câu hỏi.
Đối với tôi, với tư cách là linh mục công giáo, điều tôi băn khoăn nhất, nói thẳng ra là tức giận nhất. Tôi nhớ khi tổng thống Obama được bầu năm 2008 và tôi có mặt trong một cuộc họp tại Hội đồng Giám mục công giáo Mỹ (U.S.C.C.B) có trụ sở chính ở Washington, D.C. Tôi tình cờ nghe một giám mục – người mà tôi sẽ không nói ra bây giờ – nói việc bầu ông Obama là đồi Gôn-gô-ta của Giáo hội. Chúng ta trên đường đến đồi Can-vê vì bầu tổng thống Obama. Một giám mục thời Obama đã so sánh ông với Stalin vì ông ủng hộ Đạo luật chăm sóc sức khỏe với giá cả phải chăng cho mọi người (Affordable Care Act).
Chúng ta chưa bao giờ nghe các giám mục Mỹ chỉ trích thẳng thừng tổng thống đương nhiệm với các chữ tận tột như thế; dù trên thực tế, trong suốt nhiệm kỳ tổng thống của mình, ông liên tục đe dọa và phá hoại mọi quy tắc dân chủ mà đất nước này thực thi. Vì thế chúng ta có sự im lặng của hệ thống cấp bậc Mỹ trong tư cách một nhóm khi đề cập đến một số hành vi nghiêm trọng nhất của tổng thống. Nhưng có một điều tế nhị hơn xảy ra với phía công giáo. Trong cuộc bầu cử, chúng ta đã nói đến một số vấn đề mà người công giáo nên cân nhắc, ý thức và đi đến quyết định sẽ bầu cho ai trong cuộc bầu cử. Nhưng các giám mục cho biết trong tài liệu chính thức của họ “Đào tạo nhận thức cho tín hữu công dân” thì vấn đề phá thai là vấn đề hàng đầu.
Là cộng đồng đức tin công giáo, chúng ta chưa bao giờ phải đối diện với sự chồng chéo đáng kể giữa những phần tử cuồng tín nhất của phong trào chống phá thai và sự chồng chéo của họ với những người ủng hộ không khoan dung về chủng tộc.
Theo ngôn ngữ mục vụ, điều đó được cho là những chuyện khác thực sự không quan trọng. Điều thực sự quan trọng, đó là sự hiểu biết rất hạn hẹp về thế nào là phò-sự sống. Tôi nghĩ trong tương lai, đây là điều mà cộng đồng đức tin công giáo phải thẳng thắn giải quyết. Nói cách khác: chúng ta phải hiểu một cách sâu đậm thế nào là phò-sự sống. Tôi nghĩ những gì thường xảy ra, đó là khẩu hiệu “phò-sự sống” đã bị hiểu sai để chỉ còn có nghĩa là chống phá thai và trong trong cương vị cộng đồng đức tin công giáo, chúng ta chưa bao giờ phải đối diện với sự chồng chéo đáng kể giữa những phần tử cuồng tín nhất của phong trào chống phá thai và sự chồng chéo của họ với những người ủng hộ không khoan dung về chủng tộc. Bởi vì chúng ta chưa bao giờ định danh nó hoặc đối diện trực tiếp với điều này, cộng đồng đức tin công giáo trở nên chính thức, và vì thế, trở thành người ủng hộ những yếu tố tồi tệ nhất của sự không khoan dung về chủng tộc ở đất nước chúng ta.
Làm thế nào để cha hiểu hoặc giải thích cho mọi người về sự khác biệt giữa những gì Giáo hội tuyên bố về cuộc sống và cách của các nhà lãnh đạo chúng ta ở cấp quốc gia và ngay cả ở cấp cộng đồng, dường như lấy và chọn khi họ sử dụng giá trị này?
Có những lúc tôi thực sự không biết phải giải thích như thế nào. Vì tôi đã nói về điều này trong các cuộc bầu cử: Đây không phải là giáo lý chính thức của Giáo hội công giáo. Dù cả khi bắt đầu với tuyên bố chống phá thai đã được Bộ Tín Lý ban hành năm 1974, chúng ta, những người công giáo, được gọi để phản đối không chỉ việc phá thai mà còn phản đối những thực hành làm cho việc phá thai trở thành một lựa chọn thu hút hay một quyết định thu hút. Từ đó, mỗi giáo hoàng mở rộng sự thấu hiểu của chúng ta về ý nghĩa thế nào là phò-sự sống. Thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II, trong chuyến thăm mục vụ cuối cùng của ngài đến Hoa Kỳ, ngài đã kêu gọi người công giáo phải phò-sự sống không điều kiện. Và với việc phò-sự sống không điều kiện, năm 1994 tại St. Louis ngài lên tiếng chống việc an tử, chống án tử hình, chống biện pháp phò-sự sống để loại bỏ, như ngài tuyên bố, “mọi hình thức phân biệt chủng tộc” – phân biệt chủng tộc, khi bạn đặt nó trong một bối cảnh rõ ràng, trong ngữ cảnh mà tôi trích dẫn ở đây, “phò-sự sống vô điều kiện.”
Không thể làm ngơ trước nạn phân biệt chủng tộc và tuyên bố chúng ta bảo vệ tính chất thiêng liêng của mỗi sự sống con người.
Mùa hè vừa qua chúng ta thấy điều này với Đức Phanxicô khi ông George Floyd bị giết, ngài tuyên bố, chúng ta không thể làm ngơ trước nạn phân biệt chủng tộc và tuyên bố chúng ta bảo vệ tính chất thiêng liêng của mỗi sự sống con người. Và vì vậy, tôi thực sự không hiểu sự khác biệt giữa sự giảng dạy của giáo hội phổ quát về những vấn đề này – điều này khá rõ ràng – và việc người nhiều giám mục Mỹ tiếp nhận nó, và phải nói thẳng, là có quá nhiều giáo sĩ chúng tôi.
Một trong những chuyện thực sự làm tôi ngạc nhiên trong suốt quá trình bầu cử là tầm mức các cuộc trao đổi công giáo của chúng ta trong đất nước này, chúng ta đã hành động như thể đây là bất kỳ cuộc bầu cử tổng thống nào khác và các thách thức đã không quá cao như thực tế cho thấy.
Đúng vậy. Và tôi nghĩ một trong những điều chúng ta cần phải xem xét trên cương vị người công giáo trong việc phân định chính trị trong tương lai: Chúng ta cần hiểu tính cách quan trọng này. Trong các bản văn trước đây về quyền công dân của người tín hữu, các giám mục đã làm rõ hơn quan điểm này. Với mỗi tài liệu tiếp theo, điểm đó được đưa ra nhưng lại được trình bày ít rõ ràng hơn và ít thẳng thắn hơn. Những gì chúng ta thấy ở đây là sự mù quáng gần như hoàn toàn đối với tính cách của các ứng cử viên, phù với sự hiểu biết rất hạn hẹp về cương vị của họ trên vấn đề sự sống và tự do tôn giáo.
Chúng ta cần hiểu tính chất quan trọng này.
Chúng ta đã hành động như thể tất cả những gì chúng ta tranh luận ở đây là chính sách, chứ không nhìn vào thực tế chúng ta có phải là người theo chủ nghĩa dân tộc được thừa nhận là người thẳng thắn về điều này. Ông đã nói: “Tôi là một người theo chủ nghĩa dân tộc”. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn không dính đến cuộc trò chuyện của chúng ta về bầu cử. Tôi bàng hoàng khi thấy, chúng ta, những người đã không tạo được mối liên hệ sâu sắc đó. Đơn giản chúng ta xem thường tính khí của ông. Và miễn là ông đứng về phía chúng ta trên hai vấn đề rất cụ thể này, phần còn lại chúng ta để cho ông hoàn toàn hành động.
Tôi cũng lưu ý đến một điểm bổ sung, các thể chế trong đời sống chính trị của chúng ta đã bị tấn công trong suốt nhiệm kỳ tổng thống của ông và chính phương tiện mà qua đó chúng ta phân xử các chính sách xung quanh những giá trị này và quyết định những gì chúng ta sẽ làm với tư cách là một quốc gia. Và tôi tự nghĩ, nếu không có điều này, thì tổng thống này tuyên bố các ưu tiên của ông là gì? Tôi nhanh chóng nhận ra, tôi thường đang nói chuyện với một nhóm người có thế giới quan và luồng thông tin hoàn toàn khác, không nhất thiết phải có các giá trị khác nhau, một thế giới mà tôi đơn giản tôi không hề thấy. Đâu là các nguồn lực nào trong truyền thống của chúng ta có thể giúp chúng ta vượt qua hố sâu thông tin khổng lồ về sự thật này?
Đây là một câu hỏi thực sự quan trọng và một câu hỏi rất đau đớn. Một trong những điều mà chúng ta phải hiểu, tôi có phải tin một người khôn ngoan hơn chúng ta đã nói: “Sự thật làm cho chúng ta tự do”. Một trong những cách, trong tư cách là người công dân để hiểu sự thật là có sự khác biệt giữa quan điểm và thực tế. Là người công giáo, chúng ta tin có một thực tế khách quan và một sự thật khách quan. Nó có thể không phải là những gì chúng ta mong muốn, nhưng đó là sự thật. Một trong những chuyện mà chúng ta phải chịu đựng trong Giáo hội công giáo là chúng ta rất do dự khi đối diện với giáo dân về những sự thật đau đớn có thể làm cho chúng ta không được lòng giáo dân. Tôi đã nói điều này trước đây về sự phân biệt chủng tộc. Và tôi đã nói thất bại lớn nhất của Giáo hội công giáo khi đối diện với tội kỳ thị là chúng ta luôn muốn điều chỉnh cách trình bày thông điệp của nhà thờ và cách trình bày thực tế xã hội chúng ta theo cách không làm cho người da trắng khó chịu.
Các quyết định cần được soi sáng bởi Tin Mừng, chứ không phải bởi đảng phái chính trị hoặc lòng trung thành chính trị của chúng ta.
Chúng ta cũng thấy điều này về mặt phân định chính trị, chúng ta không muốn thẳng thắn chỉ trích tổng thống, vì chúng ta không muốn bị cho là bè phái. Nhưng chúng ta phải phân biệt giữa việc nói: “Không, chúng tôi không chỉ trích ông ấy vì ông ấy là đảng viên Đảng Cộng hòa” hoặc “Không, tôi không chỉ trích ông ấy vì tôi thuộc Đảng Dân chủ”. Tôi đang chỉ trích ông ấy vì các chính sách, cách cư xử, cách nói của ông ấy xúc phạm đến các giá trị kitô giáo và đạo đức kitô giáo. Bạn không thể gọi họ là nhóm người phá hoại, những kẻ xâm lược. Bạn không thể nhốt trẻ em trong lồng với lý do vì an ninh quốc gia và cho đó là hành xử của người kitô hữu. Thẳng thắn mà nói, tôi nghĩ chúng ta phải làm việc rất nhiều để chỉnh lại các giáo sĩ và giáo lý viên, huấn luyện các giáo sĩ và giáo lý viên cách chúng ta giúp giáo dân có được một lương tâm xã hội. Một lương tâm xã hội không phải là thực tế đảng phái mà là lương tâm nói lên khi chúng ta lấy những quyết định về cuộc sống chung của mình, những quyết định cần được soi sáng bởi Tin Mừng, chứ không phải bởi đảng phái chính trị hoặc lòng trung thành chính trị của chúng ta. Đó không phải là một giáo sư của Đại học Fordham nói, đó là từ bản tóm tắt học thuyết xã hội của Giáo hội công giáo; dạy chúng ta mọi đảng phái chính trị và mọi phe trung thành với chính trị cần phải phê phán. Ít nhất, chúng ta phải thẳng thắn chỉ trích – và ngay cả lên án – kiểu bạo loạn mà chúng ta đã thấy ngày hôm qua ở Washington, D.C., nơi có những người một tay cầm biểu ngữ Trump, tay kia cầm thánh giá. Chúng ta nói: “Không. Đây không phải là những thực thể ngang nhau.” Chúng ta phải luôn tuân theo các nhà lãnh đạo chính trị trong mọi chính sách về chính trị, dù đó là Donald Trump hay Joseph Biden, dưới ánh sáng Tin Mừng.
Một trong những thách thức mà tôi chứng kiến ở Giáo hội trong những năm vừa qua, – và tôi nghĩ cha cũng sẽ đồng ý với tôi điều này, đó là cách chúng ta nói về việc đào tạo lương tâm là quá hợp pháp. Như khi chúng ta cân nhắc một loạt luật và xem “luật nào quan trọng nhất.” Chúng ta đã tính toán dựa trên một loạt mệnh đề nào đó. Có một khía cạnh tâm linh sâu sắc đối với quá trình đào tạo lương tâm này. Một trong những độc giả của chúng tôi muốn nói điều này; ông hỏi khi cha cảm thấy tức giận, kiểu tức giận mà cha đã nói sáng nay khi phản ứng với những sự kiện này, làm thế nào điều này ở trên tiến trình hình thành lương tâm của cha. Hoặc, nó có thể dẫn đến việc hình thành lương tâm của cha. Làm thế nào để cha phân biệt được sự khác biệt giữa sự tức giận chính đáng và sự tức giận không dẫn dắt chúng ta theo hướng chúng ta muốn đi?
Tôi luôn cậy đến Thánh Tôma Aquinô. Tôi nhận ra tôi đang nói chuyện với một tu sĩ Dòng Tên và Thánh I-nhã có nhiều điều về phân định thần loại, điều mà tôi sẽ trở lại trong giây lát.
Còn về vấn đề tức giận, Thánh Tôma Aquinô đã dạy, chúng ta có thể phạm tội tức giận theo ba cách. Cách thứ nhất, ngài nói, “với một đối tượng không thích hợp”, sự tức giận bị định hướng sai. Một trường hợp cổ điển, khi tôi giận vợ hoặc chồng, hoặc một người quan trọng với tôi, tôi giận qua đồng nghiệp ở sở làm (giận cá chém thớt). Cách thứ hai là “giận quá mức” khi cơn giận trở thành cơn thịnh nộ và mất kiểm soát, nó bị định hướng sai – tôi nghĩ các bạn đã thấy nhiều trong ngày hôm qua ở Washington, D.C.
“Thần lành” luôn dẫn dắt chúng ta tạo ra một xã hội công bằng.
Cách thứ ba là tức giận “do thiếu sót”. Ngài nói đến tội tức giận khi chúng ta không tức giận vào lúc đáng lẽ phải tức giận. Và sau đó, ngài nói, “như khi đối diện với bất công, bởi vì tức giận là động lực thúc đẩy ý chí đến công lý.” Tôi nghĩ Thần lành cho chúng ta một cách rất lành mạnh để nhận biết khi nào tức giận là thích hợp và cần thiết; khi nào nó tàn phá và làm điên lên; khi nó không hướng dẫn chúng ta; khi nó không thực hiện điều mà Thánh I-nhã gọi là “thần lành”. Thần lành luôn hướng dẫn chúng ta tạo ra một xã hội công bằng và một xã hội mà công lý được xác định không phải bởi những gì tốt cho cá nhân tôi mà là tốt cho chúng ta với tư cách là một người dân.
Đức Gioan-Phaolô II nói câu hỏi được đưa ra cho mỗi nhóm nhân loại phải đối diện là: “Chúng ta đang sống cùng nhau như thế nào?” Đó là câu hỏi mà chúng ta cần tự hỏi mình với tư cách là công dân Hoa Kỳ, với tư cách là người công giáo Hoa Kỳ, thẳng thắn hơn so với những gì chúng ta đã nói trước đây. Chúng ta đang sống với nhau như thế nào? Hình thức nào của đời sống chung của chúng ta? Và hình thức nào của đời sống chung không thể được xác định đơn giản bằng cách nhìn vào một hoặc hai vấn đề hạn hẹp. Chúng ta cần nhìn vào sự sống còn của giống loài chúng ta. Chúng ta cũng cần phải xem xét: những người thấp bé nhất trong chúng ta, họ sống như thế nào? Tôi muốn nói đến đoạn Tin Mừng 25 của Thánh Mát-thêu đã cho chúng ta một ví dụ tiêu biểu về đời sống chung của chúng ta. Những người đói được đối xử như thế nào? Những người không có áo mặc được đối xử như thế nào? Những người lạ được chào đón như thế nào? Chúng ta đối xử với các tù nhân như thế nào, vì Chúa Giêsu nói đó là thách thức để làm môn đệ của Chúa. Đó là thử thách trên con đường đi theo Chúa. Chúng ta phải đối xử với Chúa Giêsu như thế nào, như Mẹ Têrêxa Calcutta đã nói, “Ngài đến ngụy trang nơi người nghèo”. Và trong bài diễn thuyết chính trị của chúng ta, ít nhất là trong các cuộc bầu cử vừa qua, tôi đã không nghe nói gì nhiều đến người nghèo – ngoại trừ xem họ là dê tế thần – và điều này trái ngược với đức tin kitô giáo của chúng ta.
Câu hỏi này – làm thế nào để chúng ta sống chung với nhau? Đâu là đời sống chung thực tại của chúng ta và cuộc sống chung mà chúng ta hình dung là gì? – là một khuôn mẫu thực sự hữu ích. Vì vậy, chúng ta có thể làm gì ở mức độ thực tế ngắn hạn hoặc dài hạn? Độc giả của chúng ta có thể làm gì trong cuộc sống cá nhân của họ để mang lại thay đổi xung quanh các thực tế này?
Chúng ta cần thành thật về những gì chúng ta đã sai trong phân tích của mình hoặc trong cách tiếp cận của chúng ta với tổng thống hiện tại. Chúng ta cần có một cái nhìn lâu dài và nghiêm túc với tư cách là một cộng đồng đức tin. Ở đây chúng ta đã sai ở đâu? Chúng ta đã bỏ lỡ điều gì? Hay chúng ta đã che mắt điều gì? Điều gì làm chúng ta không muốn đối diện với những những chuyện đã ở đó suốt thời gian qua nhưng lại làm cho chúng ta phiền toái?
Trong bài xã luận của cha ngày hôm qua, cha đã dùng từ “ăn năn”. Tôi nghĩ ăn năn là từ khóa cho ngày mai. Chúng ta phải thành thật về việc chúng ta đã sai như thế nào; và trung thực về những tiếng nói trong cộng đồng chúng ta đã hiểu đúng – mà chúng ta đã không lắng nghe – Tại sao chúng ta không lắng nghe họ? Chúng ta cũng phải thành thật mà nói, trong tương lai: chủ nghĩa dân tộc của người da trắng – chúng ta còn gọi đó là chủ nghĩa Trump – sẽ không biến mất sau ngày 20 tháng 1; rằng cơn giận dữ, cơn thịnh nộ, tình trạng vô chính phủ hư vô mà chúng ta đã thấy ngày hôm qua ở Washington, D.C. sẽ không biến mất. Chúng ta cần gọi đó là mối nguy hiểm rõ ràng và hiện hữu đối với sự sống còn của nền dân chủ chúng ta.
Những gì con người phá vỡ, chia rẽ và phân chia, chúng ta có thể hàn gắn với sự giúp đỡ của Chúa để chữa lành, đoàn kết và phục hồi.
Điều thứ ba, đặc biệt trong cương vị là người công giáo, chúng ta phải xem lại mình về tội phân biệt chủng tộc và chúng ta cần thành thật về sự đồng lõa có ý thức và vô thức của chính mình với tội này. Mùa hè vừa qua trong cuộc biểu tình Cuộc sống người Da đen đáng được tôn trọng, tôi đã viết một bài tiểu luận, trong đó tôi phác thảo một loạt các bước mà cộng đồng công giáo phải thực hiện. Vì tội phân biệt chủng tộc là căn bệnh ung thư ăn mòn sẽ phá hủy nền dân chủ nếu chúng ta không chăm sóc nó thẳng thắn hơn những gì chúng ta đã không làm. Nhưng điều cuối cùng mà người công giáo chúng ta phải làm, là chúng ta phải có hy vọng. Đó là lý do vì sao tôi muốn kết thúc với ghi chú hy vọng, chúng ta đã có cuộc nói chuyện rất căng thẳng sáng nay và chúng ta cần phải làm như vậy vì đây là những chuyện nặng nề và nghiêm trọng.
Những gì chúng ta thấy hôm qua là chưa từng có. Chúng ta phải nhìn thẳng vào nó. Tôi thường nói với mọi người, cách tốt nhất để dự đoán tương lai là giúp để tạo ra nó. Đời sống con người, đời sống xã hội là kết quả do con người quyết định. Điều này có nghĩa, là con người, chúng ta có thể thay đổi sự việc. Ở phần cuối quyển sách Công lý chủng tộc và Giáo hội Công giáo, tôi nói những gì con người phá vỡ, chia rẽ và phân chia, chúng ta có thể hàn gắn với sự giúp đỡ của Chúa để chữa lành, đoàn kết và phục hồi. Hợp tác với ân sủng của Chúa, chúng ta có quyền tự quyết – chúng ta có khả năng – tạo ra một xã hội tốt đẹp hơn. Chúng ta cần hiểu cách tốt nhất để dự đoán tương lai của đất nước chúng ta và của Giáo hội, chúng ta phải trở thành những người chủ động – những người đồng sáng tạo với Chúa để tạo một tương lai công chính hơn mà chúng ta tin đó là tầm nhìn của Chúa và ý Chúa.
Linh mục Bryan N. Massingale, giáo sư thần học và đạo đức xã hội tại Đại học Fordham, New York. Cha là tác giả quyển sách Công lý chủng tộc và Giáo hội Công giáo (“Racial Justice and the Catholic Church”Orbis, 2010).
Linh mục Dòng Tên Matt Malone, Giám đốc kiêm Tổng biên tập tạp chí America Media. Cha bắt đầu nhiệm kỳ ngày 1 tháng 10 năm 2012. Vào thời điểm được bổ nhiệm, cha là tổng biên tập trẻ nhất trong lịch sử tạp chí Hoa Kỳ. Cha nhận giải thưởng Hiệp hội Báo chí Công giáo hạng nhất năm 2006 về viết xã luận. Bài viết của cha được đăng trên nhiều ấn phẩm trong nước và quốc tế, trên The New York Times, The Boston Globe và The Washington Post. Cha vào Dòng Tên năm 2002, được cố hồng y Edward Egan, tổng giám mục New York phong chức ngày 9 tháng 6 năm 2012. Cha từng học và có các bằng ở các trường Đại học Massachusetts Amherst, thạc sĩ ở Đại học Fordham; Cử nhân Thần học (Danh dự, hạng nhất) ở Đại học London và bằng Cao học Thần học thiêng liêng Đại học Công giáo Louvain (với lời khen thương của hội đồng giám khảo). Cha là thành viên sáng lập của REMUS (Religion, Mimesis and Society), một nhóm nghiên cứu liên ngành tại Đại học Heythrop chuyên về tư tưởng của triết gia René Girard. Cha là thành viên của Nhóm Hội thảo Colloquium về Bạo lực và Tôn giáo và là tuyên úy của Câu lạc bộ Báo chí New York.
Marta An Nguyễn dịch
Bài đọc thêm:
Hình ảnh vụ tấn công Điện Capitol ngày thứ tư 6 tháng 1-2021