Ở Ba Lan và Ý, giới trí thức kêu gọi tôn trọng sự tưởng nhớ Đức Gioan-Phaolô II

166

Ở Ba Lan và Ý, giới trí thức kêu gọi tôn trọng sự tưởng nhớ Đức Gioan-Phaolô II

la-croix.com, Claire Lesegretain, 2020-12-14

“Lời kêu gọi về sự thật và tôn trọng sự tưởng nhớ của Đức Gioan-Phaolô II” được 1.700 nhân vật, chuyên gia, học giả kể cả Đại sứ Hanna Suchocka, đạo diễn Krzysztof Zanussi và cựu Bộ trưởng Adam Daniel Rotfeld đưa ra.

“Lời kêu gọi về sự thật và tôn trọng sự tưởng nhớ của Đức Gioan-Phaolô II”. Đó là tiêu đề của một bức thư được luân lưu từ vài ngày nay ở Ba Lan và Ý và được Hãng truyền thông công giáo Ý ACI loan tin.

Theo ACI, 1.700 nhân vật đã ký vào bức thư, gồm Đại sứ Ba Lan Hanna Suchocka tại Tòa thánh, đạo diễn, nhà biên kịch và nhà sản xuất Ba Lan Krzysztof Zanussi, ông Adam Daniel Rotfeld, cựu Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ba Lan.

Lời kêu gọi cũng được các chuyên gia, nhà nghiên cứu, các viện trưởng, các giáo sư đại học hỗ trợ, những người dấn thân như lời kêu gọi nêu lên, để “tìm kiếm và truyền tải sự thật, với tư cách là công dân, vì sự thật là nền tảng của tranh luận công khai”.

Những lời buộc tội được đưa ra trong bản Phúc trình về cựu hồng y McCarrick

Lời kêu gọi này được đưa ra sau khi ngày 10 tháng 11, Tòa thánh Vatican công bố bản “Phúc trình về sự “Nhận biết của thể chế và Quy trình ra quyết định của Tòa thánh đối với Cựu hồng y Theodore McCarrick”, trong đó có một số cáo buộc Đức Gioan-Phaolô II.

Trong lá thư của mình, các nhà trí thức này nhấn mạnh, việc phân tích kỹ bản Phúc trình không đưa ra “bất kỳ sự kiện nào có thể tạo ra những cáo buộc” chống lại Đức Gioan-Phaolô II. Họ cũng nhấn mạnh đến sự khác biệt giữa việc công nhận một tội ác và các quyết định xấu của cá nhân do hiểu biết không đầy đủ hoặc do thông tin sai lệch.

Lời kêu gọi đưa ra: “Rõ ràng cựu hồng y Theodore McCarrick nhận được sự tin tưởng của nhiều nhân vật nổi tiếng, kể cả Tổng thống Hoa Kỳ, ông cố gắng che sâu mặt tối và tội ác của của đời mình.”

Bản tổng kết đặt lại vấn đề

Từ mười mấy năm nay, dưới ánh sáng của những tiết lộ về lạm dụng tình dục trong Giáo hội, một số người đã đặt vấn đề về Đức Gioan-Phaolô II. Vì thế bà Christine Pedotti và ông Anthony Favier trong quyển sách gần đây, Đức Gioan-Phaolô II, bóng tối của một vị thánh (Jean-Paul II, l’ombre du saint, nhà xuất bản Albin Michel) cáo buộc Đức Gioan-Phaolô II trong vụ Maciel, người sáng lập Binh đoàn Kitô “đã chọn che mặt và chọn thinh lặng.”

1.700 trí thức và nhân vật chính trị không đồng ý với “những tấn công không căn cứ hoặc có động cơ ý thức hệ chống lại hình ảnh bất kỳ ai, kể cả Giáo hoàng Ba Lan”, họ nhắc lại Thánh Gioan-Phaolô II đã có tác động tích cực đến lịch sử của thế giới: “Ngài là người cổ động quan trọng cho quyền tự do của các dân tộc và quốc gia trên toàn thế giới, Ngài đóng một vai trò quan trọng trong quá trình giải phóng các quốc gia ở Trung và Đông Âu khỏi ách thống trị của Liên Xô”.

Những người ký tên trong bức thư cũng nhắc lại: “Đối với người công giáo, Đức Gioan-Phaolô II là tấm gương về sự thánh thiện trong cuộc sống. Với tín hữu của các tôn giáo khác và những người ngoại đạo, ngài là nguồn cảm hứng và là điểm quy chiếu quan trọng.”

Bức thư liệt kê một số ví dụ như, (mở lại hồ sơ Galileo vào năm 1979 với mục đích phục hồi, thăm nhà thờ Do Thái ở Rôma, tiếp theo là buổi cầu nguyện đáng kể ở Assisi với đại diện các tôn giáo năm 1986, sự ăn năn của Giáo hội công giáo vào năm 2000), chứng minh rằng ngài đã can đảm thực hiện các hành động cách mạng, xây dựng sự thống nhất và san bằng các chia rẽ lịch sử.

Vì thế các nhà trí thức này kêu gọi “tất cả những ai thiện tâm hãy trung thực khi nói về Đức Gioan-Phaolô II và ngưng loan truyền những lời dối trá chống lại ngài.”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Có nên suy nghĩ lại về việc phong thánh cho các giáo hoàng không?