Lời của Đức Phanxicô về hôn nhân đồng tính: mới hay tiếp tục?
Đức Phanxicô trong buổi tiếp kiến chung vào 21 tháng 10 năm 2020 tại Vatican. (Ảnh CNS / Paul Haring)
presence-info.ca, Cindy Wooden, 2020-10-21
Các tuyên bố gần đây của Giáo hoàng về hôn nhân đồng giới đang thu hút sự chú ý của giới truyền thông, điều này tạo một sự mới mẻ trong bài phát biểu của Giáo hoàng. Đây có phải là trường hợp này không?
Đức Phanxicô thường cởi mở với ý tưởng về luật công nhận các kết hợp dân sự, bao gồm cả các cặp đồng tính để bảo vệ quyền cho họ.
Các nhận xét của Đức Phanxicô trong một đoạn ngắn từ bộ phim tài liệu, Francesco, tương tự như quan điểm của ngài khi ngài còn là Tổng Giám mục giáo phận Buenos Aires, ngài lặp lại các nhận xét ngài đã đưa ra trong một số cuộc phỏng vấn, “hôn nhân” không chỉ giữa một người nam và một người nữ, nhưng luật về kết hợp dân sự có thể bảo vệ pháp lý cho các cặp vợ chồng đã sống với nhau lâu dài.
Nói bằng tiếng Tây Ban Nha trong phim, Đức Phanxicô cho biết: “Người đồng tính có quyền có được gia đình. Họ là con cái của Chúa và họ có quyền có được gia đình. Không ai nên bị đuổi hoặc bị làm cho khổ sở vì điều này. Những gì chúng ta cần tạo ra là luật kết hợp dân sự. Bằng cách này, họ sẽ được hợp pháp”.
Cuốn phim được ra mắt ở Rôma ngày 21 tháng 10. Nhiều lần Đức Phanxicô đã tuyên bố công khai, các cha mẹ không nên, không được từ chối một đứa trẻ chỉ vì đứa bé đồng tính, và trong một số trường hợp, ngài đã nói về quyền mà tất cả mọi người phải có gia đình.
Trong một cuộc phỏng vấn với truyền hình Mexico năm 2019, được hỏi về việc phản đối hôn nhân đồng tính ở Argentina và sự cởi mở của ngài với các người đồng tính nam nữ, song tính và chuyển giới (LGBT) với tư cách là giáo hoàng, ngài nói: “Tôi luôn bảo vệ giáo điều. Nói về hôn nhân đồng giới quả là mâu thuẫn”
Nhưng ngài cũng nói thêm: “Người đồng tính có quyền trong gia đình; người có xu hướng đồng tính có quyền có được gia đình và cha mẹ có quyền công nhận con mình là đồng tính; chúng ta không thể ném ai ra khỏi gia đình hoặc làm cho cuộc sống của họ trở nên không sống được.”
Trong quyển sách Chính trị và Xã hội đối thoại với nhà xã hội học người Pháp Dominique Wolton, hai người đã thảo luận về hôn nhân đồng giới và sự kết hợp dân sự trong bối cảnh thảo luận về truyền thống, hiện đại và sự thật.
Trong quyển sách xuất bản năm 2017 này, Đức Phanxicô nói, hôn nhân là một từ “lịch sử”. Vì từ bao giờ, trong toàn nhân loại chứ không riêng gì trong Giáo hội, hôn nhân là giữa một người nam và một người nữ. Bạn không thể thay đổi nó như vậy. Ngài nói, chính “bản chất” của chúng, chúng ta gọi đó là “kết hợp dân sự”.
Trong một phỏng vấn được đăng trên tờ báo Ý Corriere della Sera năm 2014, khi được hỏi về các biện pháp châu Âu đã làm để hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới hoặc thông qua luật kết hợp dân sự. Ngài tuyên bố: “Hôn nhân là giữa một người nam và một người nữ. Các quốc gia thế tục muốn hợp thức hóa các kết hợp dân sự để điều chỉnh các hoàn cảnh chung sống khác nhau, do nhu cầu điều chỉnh các khía cạnh kinh tế giữa mọi người, chẳng hạn như bảo đảm chăm sóc sức khỏe. Đó là các hợp đồng chung sống với nhiều loại khác nhau, nhiều hình thức khác nhau mà tôi không thể liệt kê hết được”.
Ngài nói: “Như thế cần phải xem các trường hợp khác nhau và đánh giá theo sự đa dạng của chúng,” ngài gợi ý một số hình thức kết hợp dân sự sẽ được chấp nhận.
Theo quyển tiểu sử của tác giả Austen Ivereigh về Đức Phanxicô, năm 2010 Jorge Mario Bergoglio đã phản đối chính phủ Argentina khi họ bắt đầu hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới. Tác giả Ivereigh viết: “Ngài nói với một nhà hoạt động công giáo đồng tính, cựu giáo sư thần học Marcelo Marquez, rằng ngài ủng hộ quyền của người đồng tính cũng như công nhận sự hợp pháp của các kết hợp dân sự. Nhưng ngài hoàn toàn phản đối mọi nỗ lực nào nhằm định nghĩa lại hôn nhân trong luật pháp.”
Quyển sách viết tiếp, giáo hoàng tương lai, “đã không phản đối mạnh mẽ đạo luật năm 2002 về kết hợp dân sự chỉ áp dụng cho Buenos Aires và đạo luật này đã cho các quyền cho hai người sống chung với nhau hơn hai năm, bất kể giới tính hoặc xu hướng tình dục của họ. Ngài xem đây như một dàn xếp thuần túy về mặt dân sự và pháp lý, không ảnh hưởng đến hôn nhân”.
Năm 2003, Bộ Giáo lý Đức tin đã xuất bản một tài liệu kêu gọi người công giáo phản đối “sự công nhận hợp pháp của sự kết hợp giữa các người đồng tính” đặc biệt khi sự công nhận này sẽ đồng hóa các kết hợp hôn nhân và cho phép cặp nhận con nuôi.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch