Bảy lý do chính đáng để di tặng

64

Bảy lý do chính đáng để di tặng

lavie.fr, Élodie Chermann, 2016-08-24

Dụ ngôn của Tin Mừng là triệt để và không du di. Khi người giàu muốn nới rộng kho lẫm của mình để chứa cho đủ tài sản, Thiên Chúa đã nhắc nhở: “Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?” (Lc 12, 20). Một triết lý sống tóm tắt trong câu nói hài hước nhưng sâu đậm: “Chúng ta chưa thấy xe dọn nhà nào đi sau xe tang!” Ai cũng nghiêm túc tự hỏi: chúng ta bám dính như thế nào với của cải vật chất của mình? Chúng kéo dài cuộc sống của chúng ta đến bao xa? Và làm thế nào chúng ta chuyển đổi bản năng làm chủ của mình thành tinh thần liên đới mãi mãi, liên đới đến cùng? Theo nghiên cứu của nhà báo Élodie Chermann thì động lực chọn cơ quan để lại di sản của những người được hỏi rất khác nhau (chủ yếu là phụ nữ!). Hoàn tất nghĩa vụ người công dân, đóng góp vào khiếm khuyết của các cơ quan công cộng, góp phần đóng góp giúp cho tương lai nhân loại, cho lại những gì mình được nhận là lý do thường được nêu đến nhất. Nhưng rất ít người Pháp chọn giải pháp này. Chúng tôi không biết đầy đủ, nhưng di sản của các cá nhân (theo quyền của người thừa kế) đã tài trợ cho một số hoạt động vì lợi ích chung, các dự án từ thiện, tương trợ, dự án của Giáo hội. Giúp đỡ lẫn nhau của người công dân… đã về với thiên thu! (Bà Elisabeth Marshall, tổng biên tập)

Họ đã chọn để lại cho các cơ quan từ thiện một phần hay toàn bộ tài sản của mình. Một cách nhất quán, cho đến cùng, với đức tin hay với các giá trị theo niềm tin của họ hoặc các giá trị họ thiết thân.

Ở tuổi 70, 80 trở lên, họ chọn để lại nhà cửa, đồ đạc hoặc tiền ở ngân hàng cho một tổ chức từ thiện. Đó là quyền của họ! Bà chưởng khế Nathalie Couzigou-Suhas ở Paris nhắc lại: “Di tặng là một cách để lại di chúc ta hay một phần tài sản của mình sau khi chết cho bất kỳ ai mình muốn, trong tinh thần tôn trọng quyền của những người thừa kế”. Trong cuộc nghiên cứu của cơ quan TNS Sofres được thực hiện năm 2007 cho hiệp hội Những người Quảng đại Pháp thì 4% người Pháp từ 60 tuổi trở lên cho biết họ muốn thực hiện bước đi này.

Chủ yếu là phụ nữ độc thân hoặc góa bụa, sống ở vùng Paris, đã tốt nghiệp đại học và có thu nhập đáng kể. Đâu là động cơ chính của họ? Hỗ trợ một chính nghĩa thiết thân của họ hoặc tránh phần lớn tài sản của họ vào tay Nhà nước. Đạo đức và niềm tin tôn giáo thường là các điểm chính.

1- “Tôi tin chắc tài sản của tôi sẽ đến tay hiệp hội tôi chọn” (ông Alain, 70 tuổi)

Ông Alain làm ở Đài truyền hình Pháp, ông về hưu, ông không còn bà con. Để tránh tài sản vào tay Nhà nước, ông dự trù tặng cho ba tổ chức từ thiện. Ông cho biết: “Tôi đã viết chúc thư cách đây cũng khá lâu!” Khi cha tôi mất năm 1983, ông chưởng khế dặn mẹ tôi và tôi, nếu chúng tôi không có di chúc thì tất cả tài sản của chúng tôi sẽ về tay Nhà nước khi chúng tôi qua đời. Vì vậy, lúc đó chúng tôi đã làm di chúc.”

Sau khi mẹ ông mất, ông đã xem lại di chúc, tinh thần di chúc vẫn giữ nguyên tinh thần. Ông cho biết việc này làm cho các người thân của ông ngạc nhiên: “Sau đó tôi nói chuyện với người láng giềng tôi đã viết di chúc, ông có vẻ ngạc nhiên. Ông nói tôi còn trẻ, tôi không nên lo lắng điều này bây giờ. Nhưng tôi có thể bị tai nạn xe hơi ngày mai! Và sau đó, nó sẽ đơn giản hóa cho quá trình thừa kế của tôi”. Với di chúc, mình biết tài sản của mình sẽ đến nơi mình đã chọn.

Ông tặng cho Hiệp hội Khuyết tật Pháp (APF) để duy trì truyền thống gia đình: “Bà tôi khi còn sống với chúng tôi, hàng năm bà cho Hiệp hội này. Chắc chắn vì bà nghĩ có một ngày nào đó bà sẽ bị khuyết tật. Khi bà mất năm 1984, hai mẹ con tôi tiếp tục cho. Chính nhờ lòng hảo tâm của mọi người mà Hiệp hội mới có thể tiếp tục làm việc năm này qua năm khác, đề xuất nơi ăn chỗ ở cho người khuyết tật, tổ chức các kỳ nghỉ hè cho họ hoặc thành lập các doanh nghiệp phù hợp để họ có thể làm việc. Nhưng chúng ta không thể tặng gia tài mỗi năm! Để lại di tặng, tôi có thể cho APF nhiều hơn và giúp các hiệp hội khác.”

Ông Alain có một di sản quan trọng, ông có thể tặng nhiều hiệp hội khác nhau. Ông cho biết: “Hiệp hội Khuyết tập Pháp sẽ thừa kế ngôi nhà và một căn hộ của tôi. Còn Hiệp hội Người mù Pháp sẽ nhận hai căn hộ, Mái ấm Cachan sẽ nhận ba. Còn khoản tiết kiệm của tôi thì sẽ chia đôi. Để làm mọi chuyện được dễ dàng, ông gởi bản sao di chúc cho ba hiệp hội, “không phải để họ cám ơn mà để làm các nơi liên hệ biết tiến trình này.”

2- “Tôi không muốn nhà nước hưởng” (bà Jacqueline, 70 tuổi)

Bà Jacqueline chưa hề nghĩ đến cái chết… cho đến ngày bà bị vấn đề sức khỏe. Bà làm thư ký và đã về hưu. Độc thân, không con cái, bà nghĩ đã đến lúc mình phải viết di chúc. Bà cho biết: “Năm 2000, tim tôi bắt đầu đập nhanh. Tôi làm việc suốt đời và tôi trả đủ thuế. Nhất là tôi không muốn Nhà nước hưởng chút ít tiền tiết kiệm tôi có. Nhất là ở Pháp, tiền của công chúng bị Nhà nước dùng tùy tiện!”

Được chưởng khế giúp đỡ, bà làm di chúc để lại toàn bộ tiền tiết kiệm cho các tổ chức từ thiện, nhưng bà thay đổi nhiều lần về việc phân phối. “Cuối cùng tôi quyết định giao cho Hiệp hội Tim mạch Pháp là người thừa kế toàn bộ, vì với tôi, Hiệp hội này như gia đình thứ nhì của tôi. Tuy nhiên bà hứa sẽ không quên Hiệp hội Foch Foundation, bệnh viện chữa trị cho bà, tổ chức Bác sĩ không biên giới rất tích cực ở châu Phi và Hiệp hội chống Ung thư. Bà xúc động nói: “Đó là Hiệp hội tôi đặc biệt quý vì tôi bị ung thư thận, mẹ tôi bị ung thư vú và cha tôi bị ung thư đại trực tràng, ông qua đời năm ông 53 tuổi. Khi Quốc gia không cho một xu để nghiên cứu thì người dân phải lo!”

3- “Không nên chờ để làm di chúc” (bà Marie-José, 76 tuổi)

Bà José là con gái duy nhất, bà luôn mơ có con, nhưng cuộc đời không cho bà người con nào. Đó là lý do vì sao từ năm 1965 bà ở bên cạnh Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc Unicef. Đầu tiên bà là người tài trợ, sau đó bà là thiện nguyện viên. Bà cho biết: “Tôi chán những người bằng tuổi tôi. Tôi thích tiếp xúc với trẻ em hơn. Unicef là tổ chức rất năng động, có các dự án và cố gắng thực hiện đến nơi đến chốn. Chẳng hạn họ giúp các trẻ vị thành niên bị cô lập ở nước ngoài và có kết quả cụ thể.”

Bà là chủ tịch ủy ban Lot-et-Garonne từ năm 2009, bà nghĩ mình sẽ trung thành với ủy ban Unicef của Pháp. Bà kể: “Tôi góa chồng năm 2010, tôi quyết định giao tất cả tài sản của tôi cho Unicef: Căn hộ ở Agen 65 mét vuông có nhà kho và nhà để xe, bảo hiểm nhân thọ và một số tiền tiết kiệm. Tôi không nghĩ mình nên chờ đến khi bệnh hoặc không làm gì được để lo di sản của mình”.

4- “Vì thế tôi có thể đóng góp để làm điều tốt sau khi tôi qua đời” (bà Antoinette, 90 tuổi)

“Ở Tây phương, chúng ta hoàn toàn bỏ cái chết ra khỏi đầu. Chúng ta sống như thể mình vĩnh cửu. Kết quả: nhiều người ngày nay sợ để lại di tặng. Vì họ có cảm giác sẽ đẩy họ nhanh xuống mồ. Với tôi thì ngược lại, đó là một cách để mình kéo dài cuộc sống của mình ở quả đất này. Làm điều tốt sau khi thể xác mình ra tro. Vì cuộc sống không dừng lại ở chúng ta! Tất cả chúng ta đều có trách nhiệm với tương lai nhân loại.

Người châu Âu chúng ta đã dành hàng thế kỷ để khai thác các nguồn tài nguyên không trở lại với chúng ta. Tôi hy vọng trong hai hoặc ba thế hệ, sự giàu có trên thế giới cuối cùng sẽ được chia sẻ tốt hơn và các nước nghèo nhất cũng sẽ có phần của mình. Tôi vẫn lạc quan. Tôi tin chắc chuyện này sẽ hoạt động! Đó là lý do vì sao tôi quyết định giao ngôi nhà của tôi ở Saint-Raphael cho Hiệp hội Quả đất Liên đới (Ủy ban Công giáo Phát triển và chống đói nghèo – CCFD – Terre solidaire). Để chọn lựa cuộc sống của tôi nhất quán đến cùng với đức tin của tôi. Những gì mình tin là chưa đủ. Đã đến lúc phải qua hành động!”

5- “Tôi không thể không làm gì” (bà Fernande, 80 tuổi)

Một căn hộ hai phòng 40 mét vuông, một biệt thự ước tính khoảng 230.000 âu kim ở Agde, một ngôi nhà 240 mét vuông ở Feyzin, thêm một căn hộ ở Bayonne. Đó là tài sản bà Fernando dự định để lại cho người con trai một của mình. Bà xúc động nói: “Nhưng sau khi bị đột quỵ, Serge bị ung thư phổi. Sau sáu đợt điều trị hóa chất, cái chết lởn vởn trong đầu con tôi…”

Dù bà vẫn còn tin vào phép lạ, nhưng bà đã phải nghĩ đến một lựa chọn khác cho kế thừa của mình. Bà nói: “Nếu Serge chết trước tôi, tôi sẽ để lại tất cả cho nghiên cứu y khoa. Một cuộc chiến thiết thân với bà vì bà đã làm việc 31 năm tiếp xúc với bệnh nhân tại Viện An sinh xã hội. Bà nói: “Trong các trung tâm thanh toán, tôi biết tất cả điều bất hạnh trên thế giới.”

Gia đình bà cũng không thoát. Bà kể: “Chồng tôi bị nhồi máu cơ tim năm 1977, sau đó là ung thư tuyến tiền liệt, cháu trai tôi chết vì xơ nang, vì thế tôi không thể không làm gì. Tôi phải hành động!”

6- “Đó là cách để nói lời cảm ơn đến hiệp hội” (bà Geneviève, 98 tuổi, góa chồng khi bà 95 tuổi)

Bà Geneviève nói: “Hiệp hội Khuyết tật Pháp đã cho chúng tôi rất nhiều, gia đình tôi và tôi. Vì thế di tặng này là để nói lên lòng biết ơn của chúng tôi với Hiệp hội, để khuyến khích họ tiếp tục hành động. Con gái duy nhất của bà qua đời năm 1985, bị khuyết tật vận động nặng bẩm sinh. Bà kể: “Con tôi bị giới hạn hành động. Nhưng bất chấp tất cả, con tôi học hàm thụ và đã thành công.”

Bà Geneviève kể tiếp: “Nhờ Hiệp hội Khuyết tật, con tôi làm nhân viên văn phòng ở đó vài năm. Mùa hè con tôi đi nghỉ hè với Hiệp hội. Con tôi rất thích, còn tôi thì được thoải mái 15 ngày. Vào thời đó tôi không có khả năng mướn người giúp việc và cũng không được hưởng trợ cấp nào của Nhà nước. May có Hiệp hội APF ở đó!”

7- “Tiền của tôi sẽ được dùng vào việc gì đó hữu ích” (Bà Danièle, 70 tuổi, ly hôn và không có con)

Chúng ta không chọn gia đình của mình. Bà Danièle hiểu rõ điều này. Bà kể: “Hai cháu trai của tôi là bà con duy nhất còn lại của tôi, nhưng chúng không liên lạc gì với tôi. Vì thế tôi không để lại gì cho các cháu. Chúng không xứng. Tôi để lại cho Hiệp hội Cha Phêrô (Fondation Abbé Pierre). Bà nhấn mạnh: “Tôi luôn quý Cha Phêrô vì tinh thần dấn thân của Cha. Tôi nhận báo của Hiệp hội và tôi thấy Hiệp hội hoạt động rất nhiều cho người nghèo và người không nhà. Vì thế tôi tin chắc tiền của tôi để lại sẽ làm một cái gì hữu ích và cụ thể”.

Marta An Nguyễn dịch

Bài đọc thêm: Khi Giáo hội đồng hành với các ân nhân tặng di sản

Christian de Cacqueray: “Ý thức về cái chết đặt câu hỏi cho hiện tại”