Các phụ nữ đội mũ đỏ trong tiểu thuyết mới của nhà báo kỳ cựu Vatican

129

Các phụ nữ đội mũ đỏ trong tiểu thuyết mới của nhà báo kỳ cựu Vatican

cruxnow.com, Elise Ann Allen, 2020-08-29

Bà Lucetta Scaraffia, tổng biên tập phụ trang “Phụ nữ, Giáo hội, Thế giới” của báo L’Osservatore Romano ngày 1 tháng 2 năm 2019 trong một cuộc phỏng vấn ở Rôma. (Hình: Gregorio Borgia / AP.)

Nhà báo người Ý, Lucetta Scaraffia, cựu biên tập viên trang Phụ nữ của báo L’Osservatore Romano vừa xuất bản quyển tiểu thuyết mới nêu bật vai trò của phụ nữ trong Giáo hội công giáo, nhân vật chính là một nữ hồng y.

Trong một phỏng vấn với báo Crux, bà Scaraffia cho biết: “Ngày nay, vấn đề phụ nữ là một trong các vấn đề nghiêm trọng và cấp bách nhất trong Giáo hội”, bà cho biết bà chọn cách viết tiểu thuyết vì “có thể nói những điều khó diễn tả hơn là khi viết sách hay các bài chuyên mục”.

Năm 2012 bà Scaraffia là người có sáng kiến làm phụ trang “Phụ nữ, Giáo hội, Thế giới” cho báo L’Osservatore Romano của Vatican, nhưng năm 2019, bà và 10 thành viên khác của ban biên tập đã từ chức vì mất quyền tự lập.

Năm nay, bà xuất bản quyển tiểu thuyết mới có tên “Nữ hồng y“ (La Donna Cardinale) kể câu chuyện của giáo hoàng Ignatius, người gốc Guatemala, sau khi được bầu chọn ngài đã phải đối diện với sự chống đối của một giáo triều thù nghịch với các nỗ lực cải cách của ngài, đặc biệt là cải cách Ngân hàng Vatican.

Trong khi các vị có trách nhiệm trong giáo triều chuẩn bị cái chết của giáo hoàng, Ignatius đề cử một phụ nữ làm ngoại trưởng Vatican và phong bà làm hồng y để đặt dấu ấn cho tầm nhìn cải cách của ngài. Ngài cũng được các nữ tu hỗ trợ, họ ngạc nhiên về các âm mưu lật đổ giáo hoàng, thường được bàn thảo trong các bữa ăn tối mà họ phục vụ.

Bà Scaraffia nhấn mạnh, quyển tiểu thuyết của bà không nhằm cổ động cho việc phong chức nữ linh mục, nhưng muốn chứng tỏ tầm quan trọng việc phụ nữ tham gia vào vai trò lãnh đạo Giáo hội.

Bà ghi nhận: “Tôi chưa bao giờ ủng hộ phụ nữ làm linh mục, với tôi, đây là một bước tiến đến việc giáo sĩ hóa Giáo hội, nhưng các phụ nữ phải được lắng nghe và phải tham gia vào việc điều hành Giáo hội với tư cách là giáo dân”.

Cho đến năm 1917 khi công bố Bộ Giáo luật, trong đó quy định chỉ các linh mục hoặc giám mục mới có thể được phong hồng y, các giáo dân cũng được phép đội mũ đỏ, ghi thêm rằng phụ nữ cũng được trao chiếc mũ đỏ thẫm, “một phẩm giá ngang bằng với nam giới và với vai trò nắm giữ công việc điều hành.”

Bà Scaraffia, được nhiều người xem là một trong các phụ nữ có ảnh hưởng nhất khi nói về các vấn đề của Vatican, từ lâu bà đã lên tiếng về các vấn đề phụ nữ trong Giáo hội công giáo, bà cho biết, thời gian bà phụ trách phụ trang “Phụ nữ, Giáo hội, Thế giới” đã giúp bà quan sát rất gần với thực tế của các nữ tu, đặc biệt hình ảnh của họ.

Bà nói: “Tôi đã khám phá thực tế của các nữ tu, một thực tế lạ lùng của một đời sống sâu đậm, dấn thân vững mạnh trong công việc truyền giáo, có khả năng sáng tạo và một lòng dũng cảm hiếm thấy nơi các nam tu sĩ. Nhưng tôi cũng khám phá các hoàn cảnh sống ô nhục của họ, chẳng hạn đời sống phụ nữ phục vụ của họ, dù họ có tước vị tiến sĩ hoặc kinh nghiệm mục vụ phong phú.”

Bà nói, rất nhiều nữ tu này cũng là nạn nhân lạm dụng tình dục, và thường các vụ lạm dụng này dẫn đến việc phải phá thai.

Bà nhấn mạnh: “Chính những trường hợp phá thai được yêu cầu và được trả tiền này của các giáo sĩ mà sự ngược đãi này còn bị che giấu và không được nói đến hơn cả các vụ lạm dụng trẻ vị thành niên,” bà công nhận mọi thứ đang thay đổi và trên thế giới các bà của các nam tu sĩ đã khiếu nại khi họ bị lạm dụng.

Một bước quan trọng mà bà Scaraffia cho biết đã mang lại lợi ích cho tất cả phụ nữ, chứ không chỉ cho các nữ tu, đó là quyết định của Đức Phanxicô trong Năm Thánh Lòng Thương Xót 2015, ngài cho phép tất cả các linh mục được tha tội phá thai.

Trước khi có sắc lệnh này, phá thai được xem là một “tội dành riêng”, chỉ giám mục, hoặc linh mục được giám mục chỉ định mới có quyền tha.

Dù chúng ta sẽ không bao giờ biết có bao nhiêu phụ nữ đến xưng tội phá thai sau khi Đức Phanxicô thay đổi tiêu chuẩn, nhưng bà Scaraffia nhấn mạnh, “trong đời sống Giáo hội, các vấn đề mang tính biểu tượng có giá trị rất lớn”.

Bà cho biết, giá trị biểu tượng của việc này nói lên “phụ nữ không còn bị cho là tội nhân tiềm tàng, thậm chí còn có tội hơn kẻ giết người, vì kẻ giết người có thể xưng tội với bất kỳ linh mục nào. Và điều này rất quan trọng cho tất cả phụ nữ ”.

Bà cũng ủng hộ việc cho phép phụ nữ có tiếng nói mạnh hơn trong các Thượng hội đồng Giám mục, nhưng bà cho biết, hiện nay trở ngại chính ngăn cản phụ nữ tham gia đầy đủ vào đời sống của Giáo hội, đó là “trước hết là các vấn đề liên quan đến tập quán, tâm lý truyền thống cần phải vượt qua.”

Bà lưu ý, chẳng hạn không có quy tắc nào ngăn cản phụ nữ được đề cử vào “thượng nghị viện” của giáo hoàng hay Hội đồng các hồng y cố vấn cho ngài về cải cách và quản trị Giáo hội.

Theo bà Scaraffia, các chủ tịch các tổ chức tôn giáo quốc tế “có thể và nên tham gia; các phụ nữ có năng lực và trách nhiệm được chính các nữ tu bầu. Vì sao không ai nghĩ đến chúng tôi?”

Marta An Nguyễn dịch