Đối thoại của Đức Phanxicô với Nhóm Ladarô: Phẩm giá là gì? (2)
Sống như con của Chúa
fr.zenit.org, Anne Kurian, 2020-06-06
Đức Phanxicô nói với các thành viên Nhóm Ladarô: “Nhân phẩm… là cách sống trước mặt Chúa và với người khác. Đó có nghĩa là ý thức về thực tại, khiêm nhường và nhu cầu của người khác… Sống với phẩm giá của giàu có, của khó nghèo, của đời sống lâu dài, đời sống ngắn ngủi, với sức khỏe hay bệnh tật. Nhưng hãy sống như con của Chúa.”
Một nhóm thành viên của tổ chức Nhà Ladarô, một tổ chức gồm các người trẻ ở chung với người vô gia cư, Nhóm bắt đầu ở Pháp và bây giờ lan ra cả Âu châu. Nhóm được Đức Hồng y danh dự giáo phận Lyon, Philippe Barbarin hướng dẫn đến Nhà Thánh Marta ngày 29 tháng 5 – 2020. Trong buổi gặp này, Đức Phanxicô nói chuyện qua video với các bạn “cùng thuê nhà” của Nhà Ladarô trên thế giới.
Sau các câu hỏi 1, 2 và 3, chúng tôi tiếp tục với câu hỏi thứ 4, Đức Phanxicô cho biết: “Khi vào buổi tối, cha nhận ra cha đã cư xử xấu, cha xấu hổ. Và xấu hổ là một ơn mà chúng ta phải xin.”
Câu hỏi của anh Alexis ở thành phố Toulouse, Pháp:
“Làm sao có thể sống đúng phẩm giá khi mình bị tàn tật tinh thần, không mang lại cho người khác những gì họ muốn, chẳng hạn muốn làm việc nhưng khả năng tập trung lại quá yếu, nhận thức về thực tế quá thiên lệch, thể xác yếu khó làm việc mà không bị thương…v.v.? Có phải yếu và bệnh tự chính nó như một ơn gọi không?”
Có hai chữ trong câu hỏi của con làm cha xúc động: chữ đầu tiên, bệnh tật – bệnh tâm thần hoặc bệnh thể chất ngăn không cho mình làm việc như người khác mong muốn. Chữ thứ nhì: phẩm giá. Phẩm giá là chìa khóa để sống tốt, dù chúng ta có bệnh hay không. Con có thể có đầy đủ sức khỏe, con là nhà chơi thể thao giỏi nhất, có sức khỏe bằng sắt, nhưng con không có phẩm giá thì con cũng chẳng có giá trị gì. Nhân phẩm là chìa khóa để sống trong mọi hoàn cảnh nào của thể chất: dù mình khỏe mạnh hay bệnh tật. Bản thân cha, tối đến, cha làm phút hồi tâm, cha cầu nguyện xem những gì đã xảy ra trong ngày của mình, cha đã sống ngày hôm nay như thế nào. Có một câu hỏi luôn đến với cha: mình có sống xứng đáng không? Với phẩm giá không?
Chữ thứ nhì: phẩm giá, thế nào là phẩm giá? Có phải phẩm giá là ăn mặc lịch sự không? Có địa vị xã hội cao không? Có bằng đại học không? Có nhiều tiền không? Có một địa vị quan trọng trong xã hội chính trị không? Những điều này có phải là phẩm giá không? Không! Tất cả những người này có thể họ xứng đáng, họ có thể có nhân phẩm. Nhưng họ không nhất thiết xứng đáng với những gì họ làm. Để nói một cách đơn giản, nhân phẩm là một cách sống trước mặt Chúa và trước mặt người khác. Và khi chúng ta nói đến nhân phẩm, có nghĩa là ý thức thực tế các sự việc, khiêm nhường, cần đến người khác: sống phẩm giá là sống với ơn của mình, ơn mà chúng ta nhận được. Và ơn này, đó là ơn con Chúa. Sống với phẩm giá của giàu có, của khó nghèo, của đời sống lâu dài, đời sống ngắn ngủi, với sức khỏe hay bệnh tật. Nhưng hãy sống như con của Chúa. Với tất cả sức mạnh nội tâm Chúa ban để mình là con Chúa. Nhưng cũng với lòng khiêm tốn để biết mình không phải là cha của Chúa. Dường như theo cha, phải trả lời câu hỏi của con dưới khía cạnh: “Làm thế nào để sống dù mình bệnh tật?”, vậy nên trả lời dưới khía cạnh những gì mang lại ý nghĩa cho tất cả mọi sự: ơn của nhân phẩm. Khi vào buổi tối, cha nhận ra cha đã cư xử xấu, cha xấu hổ. Và xấu hổ là một ơn mà chúng ta phải xin. Ở nước Argentina của cha, người ta nói một người không quan tâm đến gì là người không biết “xấu hổ”. Ơn xấu hổ là ơn như Thánh Phêrô cảm nhận vào ngày Thứ Năm Tuần Thánh, sau khi chối Chúa ba lần và bắt gặp ánh mắt của Chúa. Tin Mừng nói ông ra ngoài khóc lóc thảm thiết. Thiếu nhân phẩm, xấu hổ và những giọt nước mắt nóng hổi. Xấu hổ và nước mắt mang lại ơn Chúa.
Marta An Nguyễn dịch
Bài đọc thêm: Đức Phanxicô đối thoại với Nhóm Ladarô: Vùng ngoại vi là trọng tâm trái tim của Chúa (1)
(Còn tiếp)