Tờ báo xưa như nước Ý nhìn về tương lai
cattolicanews.it, Katia Biondi, 2020-06-05
Báo L’Osservatore Romano ra đời ngày 1 tháng 7 năm 1861, nhưng nhờ trang mạng nên tờ báo có một tuổi trẻ mới. Giám đốc trẻ Andrea Monda kể thế giới được nhìn như thế nào từ đài thiên văn đặc biệt được xem là trung tâm Giáo hội.
Từ ngày 18 tháng 12 năm 2018, ông Andrea Monda, 54 tuổi là giám đốc báo L’Osservatore Romano. Một thách thức có tầm quan trọng không nhỏ, đứng đầu một trong các tờ báo lâu đời nhất thế giới và ở thời điểm lịch sử của Giáo hội, của đối thoại liên tôn. Đó là không nói đến phải thích ứng với Đức Phanxicô, người đã cách mạng cách giao tiếp. Chỉ cần nghĩ đến các cử chỉ, các bài giảng của ngài ở Nhà nguyện Thánh Marta, các cuộc gọi điện thoại bất ngờ cho giáo dân, các cuộc gặp lịch sử của ngài, và nhất là tất cả những gì về quan hệ hồi giáo với Abu Dhabi, trong tinh thần hướng về Tình huynh đệ nhân loại cho hòa bình thế giới và cùng tồn tại chung. Đại dịch cũng không ngăn ngài có các cách giao tiếp mới: hình ảnh ngài ở Quảng trường Thánh Phêrô hoang vắng và lời nói của ngài “Lạy Chúa, xin đừng bỏ mặc chúng con trong cơn giông bão” vẫn còn ở trong tâm trí mọi người.
Ông điều khiển báo L’Osservatore Romano, ông có thể nói về giai đoạn bắt đầu không?
Đó là một giai đoạn rất căng thẳng trong địa vị tôi vừa được chỉ định, ở trọng tâm “hiện trường” bên cạnh các nhân vật chính. Năm 2019 là năm kỷ lục các chuyến tông du. Khi vừa được đề cử, tôi đã đi Ngày Thế Giới Trẻ ở Panama, rồi đi Abu Dhabi, Ai Cập, chứng kiến sự kiện lịch sử của việc ký kết Tài liệu Tình huynh đệ Nhân loại. Sau đó là đi Phi châu, Á châu, từ Madagascar đến Tokyo. Hai sự kiện lớn khác ở Vatican, cuộc họp thượng đỉnh các chủ tịch Hội đồng giám mục thế giới về các vụ lạm dụng tình dục và Thượng Hội đồng Amazon: các khoảnh khắc với cường độ mãnh liệt vẫn còn ghi khắc trong tâm trí tôi. Ngày 20 tháng 12 năm 2019, tôi ở sân trường trung học Albertelli, ngôi trường chính xác một năm trước khi tôi dạy bài học cuối cùng về tôn giáo, với Đức Giáo hoàng nói chuyện với các học sinh của tôi, tôi không bao giờ quên chuyện này. Đó là chuyến đi ra ngoài của Đức Phanxicô trước khi các sinh hoạt của ngài bị ngưng lại vì đại dịch. Dù vậy ngài đã xoay sở để đối diện với thách thức lớn lao của tình trạng khẩn cấp sức khỏe, với lòng dũng cảm và một sáng kiến phi thường, chỉ cần nghĩ đến hành vi của ngài ngày thứ sáu 27 tháng 3 ở Quảng trường Thánh Phêrô trống vắng dưới cơn mưa là chúng ta hiểu.
Tờ báo lịch sử lâu năm của người công giáo trên khắp thế giới, làm thế nào tờ báo đáp ứng với các thách thức của thời đại?
Từ cuối tháng ba, đại dịch đã ảnh hưởng đến Vatican, chúng tôi tạm dừng in (nhưng sắp in lại) và trong thời gian này, chúng tôi phát triển trên mạng kỹ thuật số. Đặc biệt chúng tôi đổi mới và củng cố trang mạng, tạo bản tin để độc giả đăng ký nhận bản tin mỗi ngày. Vài tuần sau chúng tôi có “áp” để độc giả dễ dàng tham khảo. Chúng tôi nhận tin nhắn khích lệ của độc giả mới đã tải ứng dụng. Một trong các tờ báo xưa cổ nhất thế giới, ra đời ngày 1 tháng 7 năm 1861, tiến triển theo thời đại và bây giờ có mặt trên mạng. Đó là điều tối thiểu chúng tôi có thể làm cho cơ quan truyền thông của Giáo hội, có mặt trên khắp thế giới để thông báo tin tức và Tin Mừng.
Có phải sự xuất hiện của Đức Phanxicô đã đánh dấu bước ngoặt trên lãnh vực truyền thông không? Có cần phải suy nghĩ lại về cấu trúc tờ báo để có các mục hợp với các chủ đề thiết thân của Đức Phanxicô không?
Chắc chắn với Đức Bergoglio, chúng tôi đối diện với người giao tiếp tuyệt giỏi. Mỗi cử chỉ của ngài trở nên một sự kiện truyền thông. Điều này đòi hỏi đội ngủ truyền thông đầy đủ – ngài đã thành lập Ban Truyền thông năm 2015 – luôn sẵn sàng đưa ra các sinh hoạt của Giáo hoàng và Tòa Thánh. Cơ quan dưới sự điều khiển của ông Paolo Ruffini và của giám đốc biên tập Andrea Tornielli, điều phối tất cả các phương tiện truyền thông của Tòa Thánh, báo L’Osservatore Romano và Radio Vatican và bây giờ là Vatican News. Báo L’Osservatore Romano đã có các chuyên mục mới như Đức Phanxicô đã nói, tờ báo của Giáo hội, đề nghị các chìa khóa để chú giải, chẳng hạn chuyên mục “Bệnh viện dã chiến” để giải thích bản chất của Giáo hội, một chuyên mục gồm các chuyện ở những nơi Giáo hội săn sóc các vết thương của những người đau khổ. Một chuyên mục khác là “Chăm sóc căn nhà chung” cảm hứng từ Thông điệp Chúc tụng Chúa Laudato Si’, và một chuyên mục khác dành riêng cho thế giới trường học và giáo dục “#CantiereGiovani”, đó chỉ là nêu lên một vài chuyên mục.
Trong thời đại dịch, tờ báo được định hình như thế nào? Báo có dành chỗ cho các vấn đề khác vấn đề được phân tích bình thường không?
Chắc chắn và không những chỉ đăng các tin tức thời sự. Chúng tôi bắt đầu một loạt bài phỏng vấn “Phòng thí nghiệm – Sau đại dịch” để suy nghĩ về thế giới hậu-đại dịch, bắt đầu là hình dung thế giới sẽ đi ra khỏi tình trạng khẩn cấp và chúng ta muốn như thế nào, những gì chúng ta học về đại dịch này. Chúng tôi cũng đã phỏng vấn tiếng nói của những người dấn thân hàng đầu trên thế giới, như chính trị gia Antonio Guterres, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, bà Ursula Von Der Leyen, chủ tịch Ủy ban Âu châu và ông David Sassoli, chủ tịch Nghị viện Âu châu, cũng như tiếng nói của các nhà xã hội học, các kinh tế gia, các triết gia, các nhân vật trong Giáo hội, các thi sĩ, các nghệ sĩ, những người “có tầm nhìn”, có thể đọc dấu chỉ thời đại, mang một hướng đi và ánh sáng hy vọng cho thế giới.
Từ tờ báo của ông, đâu là các thách thức phải đối diện trên thế giới, nhất là về mặt chính trị, kinh tế, xã hội…
Chiều thứ sáu 27 tháng 3, khi cầu nguyện ở Quảng trường Thánh Phêrô trống vắng, Đức Phanxicô đã nhắc chúng ta, chúng ta tất cả ở trên cùng chiếc thuyền và không ai có thể tự mình cứu mình. Điều này áp dụng cho từng gia đình nhỏ nhất, đến thành phố, đến quốc gia, đến toàn châu lục. Chúng ta nghĩ đến Âu châu: nếu chúng ta không thấy ý nghĩa của hiệp nhất, của tinh thần đoàn kết, những giá trị được đặt ra từ nguồn gốc nền tảng của thể chế, thì khi đó lời cảnh báo của ngài trong ngày lễ Hiện Xuống sẽ xảy ra: “Còn tệ hơn điều này hay đại dịch, đó là phí phạm nó.”
Báo chí phải đối diện liên tục với tình trạng độc giả sụt giảm, họ thích theo dõi thông tin theo cách mới hơn là cách cũ. Tờ báo của ông đối diện với sự thay đổi này như thế nào?
Ngày nay chúng tôi cố gắng ở lại nơi độc giả đang ở trên mạng. Từ nhiều năm nay bên cạnh báo L’Osservatore Romano có cổng thông tin Vatican News càng ngày càng phát triển. Ngày nay truyền thông mang ý nghĩa của “làm chứng”, người giao tiếp thể hiện với hình ảnh và trách nhiệm cá nhân, đó là cách giao tiếp thuyết phục và thắng lợi. Và đó cũng là lý do báo L’Osservatore Romano dành nhiều chỗ cho chuyện kể, các chuyên mục mà tôi đã nói ở trên, tất cả dựa trên kể chuyện, các câu chuyện cá nhân, dựa trên kinh nghiệm sống cụ thể. Sau thông điệp Ngày Thế Giới Trẻ truyền thông, tôi muốn tạo một chuyên mục phát hành vào ngày thứ năm với chủ đề câu chuyện, các nhân vật lớn bình luận lời của Giáo hoàng và suy nghĩ về ý nghĩa việc kể chuyện, nói chuyện và giao tiếp trong thời đại này.
Đức Phanxicô có cho ông ý kiến về các bài báo đăng hằng ngày không?
Có, và tôi đã có thể hiểu và trân trọng, ngài đã rất chú ý khi đọc báo. Qua các cách khác nhau, nhiều lần ngài cho ý kiến, may mắn thay thường là tích cực và khích lệ, ít nhất là cho đến bây giờ.
Marta An Nguyễn dịch