Cái tôi và Ái kỷ
Phật tử có một câu châm ngôn diễn đạt nhiều về bản tại hơn chúng ta. Họ nói rằng bạn có thể hiểu được hầu hết những gì sai trái trong thế giới và trong bản tại bằng cách nhìn vào một tấm ảnh nhóm. Lúc nào cũng thế, bạn luôn nhìn trước tiên vào biểu hiện của mình rồi mới xem đến tấm ảnh này có đẹp cho cả nhóm hay không. Về căn bản, chúng ta xác định giá trị của mọi sự dựa trên căn cứ là ‘mình thế nào’.
Rene Descartes hẳn sẽ mỉm cười với chuyện này. Ông mở đầu cuộc truy tầm triết học với câu hỏi này: Điều gì là không thể nghi ngờ, là chắc chắn? Điều gì chúng ta có thể chắc chắn rằng nó có thật. Và câu trả lời của ông, quả quyết của ông là: Tôi suy tư, vậy tôi hiện hữu! Đến tận cùng, điều thật nhất đối với chúng ta chính là ý thức của mình. Và cũng rõ ràng một sự thật là, chúng ta bị giam hãm trong một nhà tù, cho đến khi nào tìm được sự trưởng thành thắng vượt các bản năng tự nhiên. Nhà tù nào? Các nhà tâm lý gọi nó là ái kỷ, một ưu tư bản thân quá đáng giữ chúng ta gắn chặt vào bản thân và vào những mối ưu tư, tình cảm của riêng mình. Như câu nói của Phật tử về tấm ảnh nhóm, chúng ta ít nghĩ về những gì người khác đang làm, tâm điểm của chúng ta trước hết là nhắm đến bản thân mình.
Và tình trạng này không phải là một sự ấu trĩ có thể tẩy đi bằng cách xác nhận rằng mình đã trưởng thành, lớn lên vượt ra khỏi cái tôi, và không còn ích kỷ nữa. Cái tôi và con cái của nó, tính ái kỷ, không dễ dàng biến mất khi chúng ta xem mình là trưởng thành và có tâm linh. Chúng là những thứ không chữa trị được, bởi là một phần bẩm tại của chúng ta. Hơn nữa, chúng không được định để biến đi, và tự bản chất, cũng không phải là một thiếu sót đạo đức. Cái tôi của chúng ta là trung tâm tính cách ý thức, là một phần cấu thành của chúng ta, và mỗi một người chúng ta cần một cái tôi mạnh mẽ để vững vàng, đúng mực, lành mạnh, tự bảo vệ mình, và có thể trao đi bản thân cho người khác.
Nhưng thường thì người ta rất sốc, khi có ai nói rằng những con người vĩ đại, những thánh nhân, có cái tôi rất mạnh. Ví dụ như, Phanxicô thành Assisi, Têrêsa thành Avila, Teresa Hài Đồng Giêsu, và Mẹ Teresa, với tất cả sự khiêm nhượng của mình, có cái tôi rất mạnh, cụ thể là họ có một ý thức rõ ràng về bản tính của mình, về thiên tư của mình, và tầm quan trọng của mình. Tuy nhiên, trong mỗi trường hợp, họ cũng có một ý thức đi kèm mạnh mẽ rằng con người và tài năng của họ không bắt nguồn từ chính họ và không phải là để cho họ mà thôi. Nhưng, như dân Israel ý thức mình là dân được chọn, họ cũng rõ rằng nguồn cội các thiên tư của họ là nơi Thiên Chúa, và tài năng của họ không phải để cho họ nhưng cho tha nhân. Và, như thế, đó là sự khác biệt giữa việc có cái tôi mạnh và tính ích kỷ. Người ích kỷ có một cái tôi mạnh mẽ và có tài năng, nhưng người đó nhận thức bản thân như là đấng tạo hóa và mục đích của tài năng đó. Ngược lại, những con người vĩ đại có những cái tôi mạnh, nhưng luôn luôn ý thức rằng tài năng của họ không đến từ họ, nhưng là một sự chảy qua họ để trao cho tha nhân.
Như thế, mục đích của sự trưởng thành, không phải là giết đi cái tôi, nhưng là có một cái tôi lành mạnh, một cái tôi chung phần trong một cái tôi lớn hơn, biết nghĩ đến hình ảnh chung của cả nhóm. Nhưng, đến được sự trưởng thành đó là một đấu tranh sẽ rất thường, khiến chúng ta, hoặc quá thổi phồng, quá đầy cái tôi và quá ít nhận thức về Thiên Chúa, hoặc rơi vào khủng hoảng suy thoái, quá trống rỗng các giá trị của riêng mình và quá vô tri về Thiên Chúa.
Trưởng thành và sự thánh thiện không nằm ở việc giết chết hay khinh thường cái tôi, như kiểu trong một số linh đạo, dù có ý tốt nhưng lầm đường, mà xem rằng bản tính con người là xấu xa. Cái tôi là bản tại và quan thiết đối với cấu thành tự nhiên của chúng ta, là một phần trong DNA bản tính của chúng ta. Chúng ta cần một cái tôi lành mạnh để được và tiếp tục lành mạnh. Vậy nên, không phải là giết chết hay khinh thường cái tôi, nhưng phải cho cái tôi một vai trò chính đáng, chính chắn, để giữ chúng ta đúng mực, giữ các tài năng của mình, và cả nguồn cỗi lẫn mục đích của tài năng đó.
Nhưng điều này lại chỉ có thể đạt được theo một cách ngược đời. Chúa Giêsu nói rằng chúng ta chỉ có thể tìm được sự sống khi mất đi sự sống. Lời kinh lừng danh của thánh Phanxicô thành Assisi, cho chúng ta một diễn đạt kinh điển chung về điều này: Lạy Chúa toàn năng, xin cho con đừng tìm kiếm quá nhiều, tìm an ủi người hơn được người ủi an, tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết, tìm yêu mến người hơn được người mến yêu. Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân. Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ, chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời. Chi bằng cách chối bỏ cái tôi, chúng ta mới có một cái tôi lành mạnh.
Cuối cùng, tôi xin đưa ra một vài khôn ngoan về cái tôi từ danh sư Đạo giáo, Trang Tử: Nếu bạn đi qua sông, trong một con thuyền nhỏ, và một thuyền khác đâm vào bạn, thì bạn sẽ nổi giận nếu có ai đó đang lái con thuyền đó, nhưng bạn sẽ không nổi giận như thế nếu con thuyền đó không có ai. Tại sao lại không nổi giận? Trang Tử trả lời rằng: Một người để cái tôi của mình ra đi ‘không dấu vết.’ Người đó không làm ai nổi giận cả.
J.B. Thái Hòa chuyển dịch