Trong căn nhà của Đức Phanxicô dành cho các cựu nữ tu ngoài đường phố
lastampa.it, Salvatore Cernuzio, 2020-01-30
Tại trung tâm Rôma, hai căn nhà của nhà dòng Scalabrini tiếp nhận các phụ nữ ở trong tình trạng dễ tổn thương: các người di cư, các bà mẹ đơn thân, cựu nữ tu rời nhà dòng không tiền bạc, không có gì nuôi thân, không giấy tờ.
Các bức tường của căn nhà màn vàng Tân Nghệ thuật ở khu phố Parioli, Rôma, giữa các tòa đại sứ và các di tích lịch sử ẩn giấu các câu chuyện thấm đẫm đau khổ. Đó là các phụ nữ di dân, nhiều người có con còn rất nhỏ, áo quần đủ màu sắc phơi ngoài vườn cho thấy tình trạng này. Và đây là câu chuyện của các nữ tu người Á châu hoặc Phi châu, đã rời bỏ cuộc sống bị bóp nghẹt dù đã 15 năm ở trong dòng, họ bị khủng hoảng hoặc bị nhà dòng đuổi và bây giờ ở trong tình trạng cực kỳ bấp bênh. Không giấy tờ, không tiền bạc, không gia đình, phải chấp nhận “thỏa hiệp” chỉ để có ăn, có chỗ ngủ, để không bị ở ngoài công viên, ngoài nhà ga.
Báo động ở Vatican: các cựu nữ tu sống ngoài đường
Các thảm kịch vẫn trong tranh tối tranh sáng của các vấn đề gai góc mà Giáo hội phải đối diện mỗi ngày. Đôi khi báo động được gióng lên như trường hợp đã xảy ra cách đây vài ngày khi phụ trương hàng tháng “Phụ nữ, Giáo hội, Thế giới” của báo L’Osservatore Romano đăng tin và khi hồng y João Braz de Aviz, Bộ trưởng Bộ Đời sống Thánh hiến đã hướng sự chú ý vào các vấn đề của các tu sĩ: từ kiệt sức đến “lọt tin tức.”
Đặc biệt tin hồng y cho biết Đức Giáo hoàng đã quyết định “thành lập căn nhà ở Rôma để tiếp nhận các nữ tu phải ra ngoài, nhất là khi họ là các nữ tu nước ngoài” được loan đi khắp thế giới. Trong sự phản đối chung, trong sự bảo mật tối đa của Vatican để tránh việc săn lùng nơi này (vì có liên quan đến các trẻ vị thành niên) trang Vatican Insider được đặc ân quan sát căn nhà giáo hoàng mong muốn, mà trên thực tế phần lớn căn nhà dành cho các phụ nữ sống trong tình trạng dễ bị tổn thương.
Căn nhà Đức Giáo hoàng mong muốn dành cho các phụ nữ dễ bị tổn thương được các tu sĩ dòng Scalabrini quản lý.
“Chào mừng phụ nữ” (Chaire Gynai) là tên của tổ chức có nguồn gốc từ chữ Hy lạp “Chào mừng phụ nữ.” Đức Phanxicô giao căn nhà này cho các tu sĩ Scalabrini, một gia đình tôn giáo luôn quan tâm đến các vấn đề xã hội, đặc biệt là các thảm kịch của người di dân. Tháng 5 năm 2017, hai căn nhà đã được khánh thành tại Rôma để thực hiện dự án tiếp nhận thứ hai này và được Bộ Phát triển Nhân bản Toàn diện theo dõi.
Một căn nhà ở đường Pineta Sacchetti, căn kia ở khu phố Parioli. Hai căn nhà này là nơi ở của các người tị nạn từ Sprar, các bà mẹ đơn thân có con sinh ra sau một vụ bạo lực và năm cựu nữ tu đã rời nhà dòng. Mới đầu có bảy nữ tu. Người trẻ nhất 32 tuổi và người lớn nhất 60 tuổi; các nữ tu là người Nigeria, Senegal, Ấn Độ và Phi Luật Tân. Tất cả đều đã khấn trọn. Trong số này không có cựu nữ tu nào đi làm điếm, nhưng đa số bị chấn thương tương tự như một vụ hiếp dâm với các hệ quả tâm lý.
Các nữ tu bỏ con đường tu trì: đó là những con người, không phải là các trường hợp
Sơ Etra Modica giải thích: “Trong lúc này chúng ta đừng gọi họ là những trường hợp, họ là những con người”, sơ Etra Modica là nữ tu truyền giáo Dòng Scalabrin, người điều phối chương trình. Sơ đi thẳng vào vấn đề: “Giáo hoàng xin chúng tôi có đức ái với tất cả phụ nữ đau khổ, kể cả các nữ tu đã bỏ dòng. Đối với chúng tôi, các nữ tu này cũng như các người di cư khác. Chúng tôi không dùng danh xưng “cựu nữ tu” khi đồng hành với họ trên con đường tái xây dựng cuộc sống và chấp nhận sự thất bại”.
Nữ tu đầu tiên đến năm 2017 sau khi bị khủng hoảng nghề nghiệp sâu đậm, sơ bỏ tất cả và thấy mình ngoài vỉa hè. Sơ đến gõ cửa nhà Parioli, các tu sĩ Cabrini tiếp nhận. Ba nữ di dân khác đến sau: “Sơ lập tức phục vụ. Sơ được ra ngoài nhưng vẫn tiếp tục làm thiện nguyện”. Cũng như sơ, một cựu nữ tu khác hoàn thành con đường từ 6 tháng đến 1 năm. Sơ Etra giải thích: “Giới hạn của chúng tôi đặt ra hầu như không bao giờ được tôn trọng, có người ở đây gần hai năm. Họ chưa ra ngoài được vì còn rất mong manh”.
Các nữ tu rời nhà dòng nhưng không muốn về nước
Năm nữ tu này đang vào một nhà dòng khác, trong đó có một nữ tu trẻ chưa trưởng thành khi khấn. Sơ Etri cho biết: “Các sơ rất hài lòng khi ở đây”. Tuy nhiên mọi thứ không phải lúc nào cũng trôi chảy: một vài sơ vẫn còn nuôi “nỗi giận trong lòng”: “Họ cộc cằn, hung hăng khó mở lòng vì nói chuyện có nghĩa là phải xé lòng ra. Gần như tất cả đều không thể và không muốn trở về nước của mình”.
Vì sao? “Họ sẽ làm gì ở đó?” Đối với các nữ tu Phi châu thì còn vấn đề bộ lạc, văn hóa, gia đình, tất cả sẽ từ chối họ. Với các nữ tu Ấn Độ thì họ còn bị tệ nạn “đẳng cấp”. Họ thích ở lại dù đời sống khó khăn và phải làm việc bất hợp pháp. Sơ Etri giải thích: “Đôi khi chúng tôi hiểu, tình trạng giới hạn mà các nữ tu trước đây làm như người chăm sóc, dọn dẹp trong nhà xứ, có khi linh mục còn bắt lên giường, hoặc ở trong những nơi mà họ bị sách nhiễu. Họ chấp nhận làm bất cứ điều gì, điều này làm cho họ dễ bị tổn thương hơn. Họ sợ hãi khi nghĩ người thân biết họ ra ngoài”.
Một tiến trình tái sinh và tái hội nhập vào xã hội
Vì thế con đường tiến hành rất chậm: bắt đầu là lập hồ sơ, tiếp đó là vấn đề giấy tờ (thay giấy tờ tu sĩ qua giấy tờ cư trú), rồi chữa trị miễn phí tâm lý do các chuyên gia của hiệp hội “Dune” đảm nhiệm. Được các thiện nguyện viên và các tu sĩ Scalabri phối hợp với sơ giám đốc Eleia Scariot hỗ trợ, các phụ nữ được theo các lớp huấn nghệ và các công việc gia đình. Các công việc hữu ích giúp họ tìm lại thăng bằng sau khi “bỏ áo dòng”. Sơ Etra cho biết: “Công việc khó nhất là tìm lại được tự tin: đàn ông-phụ nữ, phụ nữ-phụ nữ và với Giáo hội. Chúng tôi nhắm đến sự phát triển toàn diện.”
Đức Giáo hoàng và Tòa Thánh gần gũi với các phụ nữ
Các sáng kiến được Đức Giáo hoàng hỗ trợ thông qua Cơ quan Từ thiện Giáo hoàng và Bộ Thánh hiến, tuy bộ không còn trách nhiệm trên các nữ tu này nhưng luôn muốn gần gũi họ. Các tu sĩ Scalabrini nhanh chóng làm báo cáo đến Bộ và báo động nếu có trường hợp nguy cơ. “Chúng tôi có mang lưới giữa Cộng đoàn Sant’Egidio và Trung tâm Astalli và nhiều phụ nữ biết công việc của chúng tôi, họ nói cho biết: “Tôi có một người bạn đang đau khổ, họ cần được theo dõi, họ muốn bỏ đi.”
Nguyên nhân các cuộc khủng hoảng: từ các vấn đề tâm thần đến lạm dụng quyền lực
Ngoài các khủng hoảng có tính cách nghề nghiệp, còn có các mâu thuẫn cộng đoàn, cách quản lý sai của nhà dòng, các lạm dụng quyền lực có khi do đào tạo quá cứng nhắc (các trường hợp này thấy rõ ở Mỹ). Các nữ tu thường bị trả về nếu họ có vấn đề tâm thần: “Chúng tôi có một phụ nữ mắc chứng lưỡng cực, đã không được khám phá khi vào tu viện”. Đa số vấn đề đến từ Á châu: “Tuy có nhiều ơn gọi nhưng lại có nhiều vấn đề”.
Một vài bề trên chống đối chương trình
Sơ Etra ghi nhận: “Công việc phục hồi không phải dễ, nhưng kinh nghiệm thì “thật đẹp.” Và đây là cả một “thách thức” vì một vài bề trên không chấp nhận chương trình: “Họ không chống lại nhưng không tỏ ra chấp nhận hoàn toàn. Chẳng hạn các tu sĩ Scalabrini chúng tôi đưa ra sáng kiến “Hãy nhận nuôi một phụ nữ”: một nhà dòng để dành một khoản tiền trong vòng một năm để lo cho trường học, sức khỏe, tiền nhà. Một vài nhà dòng tham dự, một số khác từ chối. Các phản ứng có khi còn kèm theo lời chỉ trích và thành kiến mà các cựu nữ tu thường gặp phải: “Quý vị không làm việc, quý vị không bao giờ làm gì”. Thêm một đau lòng cho các phụ nữ đấu tranh để tìm một chỗ đứng cho mình.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Đức Phanxicô tiếp các tu sĩ dòng Scalabrin ngày 30 tháng 10-2018 tại Vatican