lavie .fr, Eùlisabeth marshall, 2015-09-23
Giai thoại đã tạo cảm hứng cho tác giả Michel Cool để ông đề tựa cho quyển sách mới nhất của mình: đó là ngày 17 tháng 12-2014, tại Quảng trường Thánh Phêrô, 3000 người nhảy điệu tango khổng lồ để mừng sinh nhật 78 tuổi của Đức Phanxicô. Ký giả, nhà văn, cựu chủ bút báo Sự Sống (La Vie,) xem màn trình diễn đặc sắc này như một biểu tượng của một cuộc cách mạng lương thức và tâm hồn mà Đức Phanxicô đang thực hiện. Nhưng làm sao ngài tác dụng được trên lương thức thế giới?
Tuần này ngài đọc diễn văn ở Liên Hiệp Quốc. Đức Phanxicô đã tuyên bố điều gì mà chưa có người có trách nhiệm nào chưa nói?
Đó là người soi sáng lương thức nhân loại, người lấp đầy cho sự trống rỗng của một bài diễn văn chính trị thiếu phối cảnh và rất hiếm khi nó được theo dõi xem nó có hậu quả hay không. Sự tự do trong lời nói của ngài đã nhắc lại cho chúng ta nhớ giá trị của các nguyên tắc phổ quát, và nhân danh thực tế kinh tế, các giá trị này thường bị phỉ báng. Đức Phanxicô mang lại tầm cao thượng cho lời nói trước quần chúng, cho diễn văn chính trị theo nghĩa cao thượng của Hy Lạp. Triết gia gia Edgar Morin nói Thông điệp “Chúc tụng Chúa” của ngài là Hồi chuông của một nền văn minh mới! Đức Giáo hoàng nói những gì ngài làm và làm những gì ngài nói: đó là thế giá lớn lao của ngài. Có một cái gì thể hiện uy quyền của Chúa Kitô nơi Đức Phanxicô: không vặn vẹo giữa con người thật và điều mình nói, không đọc diễn văn cho có đọc, không hai mặt.
Đâu là bí quyết làm cho lời của ngài có uy tín với tất cả mọi người?
Khi Đức Phanxicô mời những người bụi đời, những người vô gia cư ngồi vào bàn ăn của mình thì ngài đã làm cho bổn phận cao cả của sự đón tiếp thành chính nghĩa. Khi ngài đối thoại với người chuyển giới nạn nhân của sự kỳ thị, thì ngài mang thịt da đến cho lời giảng dạy về lòng thương xót của mình. Khi ngài mở cánh cửa Vatican để đón tiếp người tị nạn, thì ngài đã thực thi chính các quy định của tình đoàn kết. Như người ta thường nói về Thánh Phanxicô Axixi: “Ngài nói với cả thân thể của mình”, lời của ngài có da có thịt. Và ngài mời gọi tín hữu cũng làm như vậy.
Đức Phanxicô biết làm cho các điểm yếu của mình thành sức mạnh. Một tâm lý rất hiện đại…
Niềm vui của giáo hoàng sáng rọi ở Quảng trường Thánh Phêrô, đó là niềm vui của một người biết rút tỉa bài học từ những không may của mình: bị mất một lá phổi khi 21 tuổi, bị các tu sĩ Dòng Tên chống đối và gạt ra bên lề, bị gây tranh cãi khi còn làm Tổng Giám mục địa phận Buenos Aires. Con người này biết xây dựng từ những yếu đuối của mình. Vượt qua thử thách đã làm cho ngài trở nên khiêm tốn và gần gũi với tất cả các lồi lõm của cuộc hiện sinh. Khả năng trung thực với chính mình, làm tỏa rạng tâm hồn sâu đậm của mình khi đảm đương trách nhiệm, là lời chứng hùng hồn cho tất cả “tù khổ sai” và nạn nhân của một xã hội chuộng bề ngoài và chuộng bịp bợm. Nhưng đó là điều mà một vài người công giáo trách ngài: ngài quá quan tâm đến những người bên lề, người bệnh và chưa quan tâm đủ đến người “lành mạnh”…
Ông viết, với Đức Phanxicô, ngài sẽ thực hiện một cuộc thay đổi thực sự theo chiều dọc?
Giáo hội theo một hình thức cai quản thừa hưởng từ thời Trung cổ và thời Phục Sinh, theo y khuôn Đế quốc La Mã: một chế độ quân chủ tuyệt đối với “trưởng tế tối cao”. Đức Phanxicô thích cách quản trị của thời buổi hiện nay, có lý và đi sát thực tế. Vào thế kỷ 19, với sự biến mất các Lãnh địa của giáo hoàng, giáo hoàng xem như bị giam kín ở Vatican. Sau đó Giáo hội ứng xử như một đô thị bị vây, đứng trước một thế giới tân thời mà khi nào Giáo hội cũng dè chừng… Và bây giờ có một người từ Châu Mỹ La Tinh đến, họ kêu gọi thay đổi tận căn phong cách này! Thế giới có thiện cảm với Đức Phanxicô chứ không đụng độ với ngài. Ngài thích tính khác biệt hơn là thần thánh hóa việc thờ phượng: không phải các nghi thức mà khả năng con người tạo được quan hệ với Chúa và anh em mình mới là thần thánh. Người tín hữu Kitô là người Samaritanô: họ giúp người khác đứng đậy và đi tiếp con đường của mình.
Đi ra khỏi cái kén, có phải đó là cái gì mà cuối cùng Đức Phanxicô mời gọi không?
Nỗi ám ảnh của ngài là người tín hữu sẽ mất uy tín khi họ khép mình lại và để bị nhiễm bởi sự toàn cầu hóa của thói ích kỷ, của nọc độc dửng dưng. Đức Phanxicô đến từ một Giáo hội đặt ưu tiên hàng đầu là lo cho người nghèo. Đó là sự khác biệt rõ rệt với các Giáo hội của chúng ta, những Giáo hội lo cho sự phóng khoáng của phong tục tập quán nhiều hơn. Có thể nói nạn nghèo khổ gần như sờ nắn được mỗi tuần ở Buenos Aires: không có vị tiền nhiệm nào của ngài thấy thực tế sát cận của các thành phố ổ chuột như ngài! Là người thừa kế Giáo hoàng Phaolô VI, ngài có niềm xác quyết Giáo hội không phải là Giáo hội của một số người ưu tú tự đủ, mà Giáo hội là ơn của Chúa cho tất cả mọi người. Trên điểm này, lời kêu gọi đoàn kết với người tị nạn là một thử nghiệm: ngài có tìm ở nước Pháp một tiếng vang mạnh như tiếng vang tạo ra, khi nước này sắp ra đạo luật hợp pháp hóa hôn nhân cho tất cả mọi người không? Đối với Đức Phanxicô, trong thời buổi của “chiến tranh thứ ba từng phần”, tạo ra do sự loại trừ, nạn khủng bố, khủng hoảng môi sinh, nạn di dân thì tín hữu Kitô mang lại một tiềm năng to lớn, họ là những người cứu hộ tình huynh đệ, những người làm dễ dàng cho sự hòa giải.
Là tu sĩ Dòng Tên, ngài đưa Giáo hội “đi linh thao”. Đó là cái gì?
Để thúc đẩy lại tinh thần truyền giáo. Nếu tu sĩ Dòng Tên này muốn đưa toàn Giáo hội đi linh thao là để cho tất cả mọi người trong Giáo hội dần dần quay về với Tin Mừng hơn và sẵn sàng rao giảng Tin Mừng, với lòng trung thực và đáng tin, đến bất cứ nơi nào mà con người bị hiểm nguy và bị mất hy vọng. Vì thế ngài liên tục kêu gọi người tín hữu phải đi ra, phải mở lòng, phải gặp gỡ, lời kêu gọi này làm không ít tín hữu quen ngồi tụ lại với nhau bực mình… Theo quan niệm của Thánh I-Nhã, sống theo tinh thần Tin Mừng là “chiêm niệm trong hành động”. Mùa hè vừa qua, ngài tuyên bố ở Bôlivia: Khi thực hiện lòng kiên nhẫn yêu thương mà “đức tin chúng ta được cải biến”.
Sinh ra trong gia đình người di dân, vì thế ngài đặc biệt hiểu các chuyện thời sự đang xảy ra?
Qua kinh nghiệm riêng của mình, chính Đức Jorge Bergoglio là một người ở ngoại vi, ngài mang trong mình một nền văn hóa bị bất gốc và sự hội nhập của thân sinh mình. Chính vì tỏ lòng đoàn kết với những người bị đánh giá thấp, những người bị sỉ nhục mà Đức Phanxicô đã hướng hành vi đầu tiên của triều giáo hoàng mình khi, ở Lampedusa, trước bàn thờ lắp ghép bằng các tấm ván của chiếc thuyền bị đắm, ngài đã kêu gọi lương thức nhân loại tỉnh dậy. Nhưng ngài cũng triển khai khía cạnh thiêng liêng của hiện tượng di dân. Chúng ta tất cả đều là khách hành hương đang đi trên con đường về nhà Cha. Tính siêu hình học của người phải sống lưu vong, mà nét đẹp nuối tiếc một quê hương đã mất, nhắc chúng ta nhớ, tất cả chúng ta đều là khách lữ hành, chẳng có gì ở trần thế này thuộc về chúng ta. Nhưng vì chúng ta biết, chúng ta đã được một người nào đó chờ, chúng ta phải tháp tùng những người bị xe hư; những người mà bây giờ rất nhiều, họ buồn rầu và không tìm được niềm vui.
Đức Phanxicô sẽ là một gương mẫu mới của Kitô giáo không?
Ở Quảng trường Thánh Phêrô, tôi nghe một người đàn bà hét lên “Cám ơn Cha!” khi ngài đi qua. Một nụ cười biết ơn tỏa rạng trên khuôn mặt ngài. Đối với bà cũng như đối với nhiều người đang mang gánh nặng, Đức Phanxicô được xem là người cha thiêng liêng, không phải là vị guru, cũng không phải là một siêu sao. Với cách riêng của mình, chấp nhận con người thật của giáo dân, ngài đi theo họ với cái nhìn phản ảnh cái nhìn của người Mục tử Nhân hậu: ngài không phán xét, nhưng ngài trìu mến và đặt lòng tin tưởng nơi họ. Giáo hoàng này có thể cho người khác thấy các yếu đuối của mình, như uống thuốc trong buổi tiếp kiến chung, ngài cho thấy sự mong manh không phải là điều khiếm khuyết hay xấu hổ: nó là con đường mà chính Chúa Kitô đã dùng để mặc khải cho chúng ta thấy hương vị đích thực của tình yêu. Đức Phanxicô là giáo hoàng của xúc giác, ngài muốn chạm và muốn được chạm, ngài còn hơn là một mẫu gương: ngài là người cha, một người có thân thể và… tự tin!
Marta An Nguyễn chuyển dịch