Kết quả của Nhập Thể trong đời sống thiêng liêng (2/6)

221

Kết quả của Nhập Thể trong đời sống thiêng liêng (2/6)

Trích sách: Khát Khao Nên Thánh, Đi tìm một Linh đạo Kitô, The Holy Longing: The Search for a Christian Spirituality, Ronald Rolheiser

 Để hiểu thế nào là bí tích Hòa Giải và Chữa Lành

Khi Chúa Giêsu còn ở trần thế, ai được chữa lành và hòa giải với Chúa đều chỉ chạm đến Ngài, hoặc được Ngài chạm đến. Cái chạm thể lý ấy có mặt ở mọi nơi trong sứ vụ của Chúa Giêsu. Dân chúng luôn luôn cố gắng chạm đến Ngài và Ngài chữa lành bằng cách chạm đến họ.

Một ví dụ điển hình đủ để chứng minh điều này, trong phúc âm thánh Mác-cô, chúng ta đọc câu chuyện sau đây5: Có một bà kia bị băng huyết đã mười hai năm, bao phen khổ sở vì chạy thầy thuốc đã nhiều, đến tán gia bại sản, mà vẫn tiền mất tật mang, lại còn thêm nặng là khác. Được nghe đồn về Đức Giêsu, bà lách qua đám đông, tiến đến phía sau Người, và sờ vào áo của Người. Vì bà tự nhủ: “Tôi mà sờ được vào áo Người thôi, là sẽ được cứu.” Tức khắc, máu cầm lại, và bà cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh. Ngay lúc đó, Đức Giêsu thấy có một năng lực tự nơi mình phát ra, Người liền quay lại giữa đám đông mà hỏi: “Ai đã sờ vào áo tôi?” Các môn đệ thưa: “Thầy coi, đám đông chen lấn Thầy như thế mà Thầy còn hỏi: Ai đã sờ vào tôi ?” Đức Giêsu ngó quanh để nhìn người phụ nữ đã làm điều đó. Bà này sợ phát run lên, vì biết cái gì đã xảy đến cho mình. Bà đến phủ phục trước mặt Người, và nói hết sự thật với Người. Người nói với bà: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh.”

Để ý câu chuyện này, bà kia được chữa lành nhờ chạm đến Chúa Giêsu, ngay cả trước khi bà xin Chúa. Như thế, có hai khoảnh khắc chữa lành: đầu tiên hết, cái chạm trong thầm lặng, sau đó là cái chạm  cụ thể giữa bà và Chúa Giêsu. Tại sao có sự khác biệt giữa hai khoảnh khắc chữa lành? Cuộc đối thoại thêm được gì cốt yếu cho cái khoảnh khắc chạm ấy? Có thể giải thích một cách liều lĩnh là, khi bà chạm đến áo Chúa Giêsu, chính yếu bà đã được chữa lành, và khi bà cụ thể nói chuyện với Chúa Giêsu và nói cho Chúa biết sự thật thì bà được chữa lành trọn vẹn.

Bản văn này là một bài mẫu. Nó cho thấy một mô hình. Trong đó, chúng ta thấy mô hình nhập thể, thế nào là cách làm để chữa lành và hòa giải ở thế giới này. Đơn giản nó nói với chúng ta cứ làm giống như người đàn bà kia, chúng ta sẽ được chữa lành và được nên trọn nhờ chạm vào nhiệm thể Chúa Kitô; là chi thể của nhiệm thể Chúa Kitô, chúng ta được mời gọi để chữa lành và làm nên trọn bằng cách chạm đến người khác. Tôi xin mạo muội chứng minh điều này qua các ví dụ sau:

Ơn hòa giải và ơn tha tội

Nền tảng của Bí Tích hòa giải là gì? Chúng ta được tha tội thế nào?

Người Công Giáo và Tin Lành đã tranh luận một thời gian dài về chuyện này: Người Công Giáo nhấn mạnh đến việc cần phải xưng với linh mục số lần và tội nào; còn người Tin Lành cho rằng chỉ cần chân thành sám hối với Chúa là đủ. Ai đúng? Các tranh luận ấy vượt quá giới hạn quyển sách này, ở đây chỉ cần chú ý là cả hai đều nhấn mạnh đến một chuyện rất quan trọng, và cả hai, ở một mức độ nền tảng, nhấn mạnh đến chân lý nhập thể tận căn, chính xác là, bí tích tha tội cốt yếu là chạm đến áo Chúa Giêsu, nhờ nhiệm thể Chúa Kitô. Chúng ta được tha tội như phụ nữ kia được cầm máu nhờ chạm đến nhiệm thể Chúa Kitô, nghĩa là nhờ Thánh Thể và cộng đoàn.

Chạm đến cộng đoàn có thể được chữa lành như thế nào? Bạn tưởng tượng một bối cảnh: Bạn đang ngồi chơi với gia đình buổi tối. Bạn thấy khó chịu, mệt mỏi và bị coi thường. Có một cái gì làm bạn mất kiên nhẫn, rồi bỗng bạn mất bình tĩnh. Bạn hét lên với mọi người, nói họ ích kỷ và ngu ngốc, bạn ném tách cà phê, bạn đứng phắt dậy, đóng sầm cửa lại bỏ đi. Rồi thì bạn ngồi một mình trong phòng riêng. Dần dần bạn tỉnh táo lại, bạn hối lỗi, bạn hết tội nghiệp mình, nhưng tự ái thương tổn, và thái độ hung bạo vừa mới xảy ra ngăn không cho bạn đi xin lỗi. Cuối cùng, bạn đi ngủ, để lại mọi chuyện chưa hòa giải. Sáng hôm sau, bạn hối hận hơn, bạn lúng túng nhưng vẫn còn tự ái, bạn vào bàn ăn. Mọi người đang ăn sáng. Bạn lấy tách cà phê (nó vẫn còn nguyên, được rửa sạch sẽ và móc vào chỗ cũ), rót một ít cà phê, bạn không nói gì, bạn ngồi vào bàn, mỗi hành động của bạn đều nói lên lòng hối lỗi và tự ái bị tổn thương. Gia đình bạn không ngu, bạn cũng không ngu. Ai cũng biết như thế. Điều thiết yếu đã được nói lên mà chẳng dùng lời lẽ nào. Bạn đang chạm đến áo Chúa Giêsu, bạn đang làm một hành vi cơ bản để hoà giải, lời nói điệu bộ của bạn nói lên một cái gì quan trọng hơn là lời: “Tôi muốn ở lại với gia đình”. Ngay lúc ấy, bạn được cầm máu (dù trong khoảnh khắc). Nếu lúc đó, bạn chết bất đắc kỳ tử, thì bạn chết trong hòa giải với gia đình.

Nhưng đây còn hơn hẳn phép loại suy về thế nào là hòa giải trong nhập thể. Đây là thực tế. Theo thiển ý, những gì mô tả trên đây là hình thức thô thiển, lột trần nhất của bí tích Hòa Giải. Chúng ta được tha tội khi sống trong cộng đoàn, khi đồng bàn ăn uống với nhau. Tắt một lời, chúng ta không bao giờ vào hỏa ngục chừng nào chúng ta chạm đến cộng đoàn với tấm lòng chân thành sám hối. Nói rõ ràng, nếu tôi phạm tội trọng tối thứ bảy, dù tình trạng thể lý ngày chúa nhật thế nào đi nữa, thì khi vào nhà thờ với lòng thành thật ăn năn, tôi đã được tha tội rồi. Tôi đang chạm đến áo Chúa Giêsu.

Thánh Âu-tinh, vốn hiểu biết của ngài về nhiệm thể Chúa Kitô ít ai bì kịp, trong các bài giảng chúa nhật Phục Sinh cho tân tòng, đã nêu lên khi người kitô hữu cùng đứng với nhau chung quanh bàn thờ đọc kinh Lạy Cha, trong tư cách cộng đoàn, thì tất cả tội chúng ta sẽ được tha.

Ngài nói đúng. Đó là sức mạnh của nhập thể. Đó là năng lực và trách nhiệm, mà Thiên Chúa cho chúng ta qua Chúa Giêsu. Chúng ta có thể tha tội cho nhau; không phải nhờ chúng ta, nhưng là nhờ sức mạnh Chúa Kitô trong chúng ta. Như chính Chúa Giêsu đã nói với chúng ta: “Quả thực, Thầy nói với anh em, bất cứ ai tin vào Thầy, sẽ làm được những việc Thầy đã làm, và sẽ còn nhiều hơn thế nữa.”

Cầm buộc và cởi mở…

Chúng ta phải làm gì khi người thân yêu không còn chia sẻ cùng niềm tin, các giá trị sâu xa, và luân lý với chúng ta?

Lấy ví dụ chung, ở cương vị cha mẹ, các con bạn không còn đức tin. Chúng không đi nhà thờ, không cầu nguyện, không theo luật giáo hội (đặc biệt là các vấn đề liên quan đến giới tính và hôn nhân), lại  xem việc sống đạo của bạn là ngây ngô hoặc đạo đức giả. Bạn đã tranh luận, đã đấu tranh với chúng, cố gắng dùng mọi cách thuyết phục nhưng chẳng đi đến đâu. Cuối cùng, bạn phải sống cảnh đáng buồn của lối sống hiện nay: bạn giữ đạo, con cái không giữ đạo. Một trong những mối giây liên hệ sâu đậm của gia đình bị cắt. Lại thêm bạn lo cho con cái sống không có Chúa, hay ít nhất là thế. Bạn có thể làm gì?

Đương nhiên bạn tiếp tục cầu nguyện và sống theo xác quyết của mình, trong hy vọng thuyết phục chúng qua lối sống hơn là qua lời nói. Nhưng bạn có thể làm nhiều hơn nữa. Bạn tiếp tục yêu thương và tha thứ cho chúng, và đến một lúc nào đó, chúng nhận ra tình yêu và lòng tha thứ của bạn, chúng sẽ nhận tình yêu và lòng tha thứ của Chúa. Bạn là nhiệm thể Chúa Kitô, con cái đang chạm đến bạn. Trong mầu nhiệm nhập thể khó tin này, chính bạn đang làm những gì mà Chúa Giêsu đòi hỏi khi Ngài nói: “Dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.”  Và: “Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.”

Nếu bạn là chi thể của nhiệm thể Chúa Kitô, thì khi bạn tha thứ cho ai, người đó sẽ được tha, nến bạn giữ ai trong tình thương, thì người đó cũng được nhiệm thể Chúa Kitô giữ lại trong tình thương. Hỏa ngục chỉ có thể xảy ra khi một người tự dặt mình ra khỏi yêu thương và tha thứ, tình yêu thương và tha thứ của con người, khi họ đã tước đi khả năng được yêu thương và được tha thứ của mình, theo đó họ đã chủ động chối bỏ các giáo huấn luân lý và tôn giáo, và việc sống tình yêu thương con người chân thật. Để làm rõ hơn vấn đề này:

Nếu con cái, anh chị em hay người thân yêu của bạn sống xa đức tin và đạo đức, thì cho đến lúc nào bạn vẫn còn yêu thương họ, giữ họ trong mối hiệp thông và ơn tha thứ, thì họ đang chạm đến áo Chúa Giêsu, được nhiệm thể Chúa Kitô gìn giữ và được Chúa thứ tha, không cần biết họ có giữ mối liên bên ngoài với nhà thờ hay theo lề luật đạo đức kitô giáo hay không.

Bạn chạm đến ai là chính Chúa Giêsu chạm đến người ấy. Cũng thế, khi bạn yêu mến ai, cho dẫu người ấy khước từ tình yêu và sự tha thứ của bạn, thì người ấy vẫn được cứu. Điều ấy vẫn đúng ở cõi chết. Nếu người thân của bạn chết trong trình trạng xa cách với giáo huấn Giáo Hội hữu hình, ít nhất là bề ngoài, thì tình yêu và lòng tha thứ của bạn sẽ tiếp tục hiệp thông họ trong nhiệm thể Chúa Kitô và tiếp tục tha thứ cho người ấy, sau khi họ chết.

G.K. Chestenon, một trong các nhà biện hộ lớn cho kitô giáo của mọi thời, đã viết một ngụ ngôn ngắn thế này: “Một người kia gần như không quan tâm gì đến đời sống thiêng liêng chết và bị xuống hỏa ngục. Các bạn thân của anh ở trần gian nhớ anh rất nhiều. Một bạn đồng nghiệp xuống cổng địa ngục xem có cách nào đem anh lên không. Dù bạn đó cầu xin thế nào thì song sắt địa ngục vẫn không mở. Cha xứ của anh cũng đến biện hộ cho anh: “Anh không phải là tín hữu hoàn toàn xấu, xin cho anh ấy thì giờ để hoàn thiện. Xin để anh ấy đi”. Ai van xin, cánh cổng địa ngục vẫn đóng chặt. Cuối cùng, mẹ anh đến. Bà không cầu xin cho anh được cứu. Nhẹ nhàng và với âm giọng lạ thường, bà nói với Sa-tan: “Hãy cho tôi vào”. Ngay tức thì, bản lề khẻ lay động và cánh cửa địa ngục mở ra. Vậy đó, tình yêu xuyên thấu địa ngục và cứu người chết.”

Trong nhập thể, Thiên Chúa mặc lấy xác phàm trong con người Giêsu, trong Thánh Thể và trong tất cả những ai có lòng tin. Lòng nhân từ, sức mạnh, và lòng thương xót đã đến trần gian trong Chúa Giêsu, thì ít ra trong khả thể, sẽ ở lại trong chúng ta, là nhiệm thể Chúa Kitô. Những gì Chúa Giêsu đã làm, thì chúng ta cũng có thể làm; thực vậy, chúng ta được mời gọi để làm những điều như thế.

Xức Dầu cho nhau lúc lâm chung…

Trong cuốn phim Xác Chết Bước Đi, có một cảnh đau lòng: Sơ Helen Prejean, một nữ tu Công Giáo, người giúp cho một tù nhân sắp chết, anh đang bị trói trên ghế và bị tiêm thuốc gây chết người, xơ nói với anh khi anh chờ cái chết, anh hãy nhìn khuôn mặt tôi: “Điều cuối cùng anh làm trước khi chết là nhìn khuôn mặt của người rất yêu anh.” Anh đã làm và đã chết trong yêu thương thay vì chết trong cay đắng.

Trong chương mười hai, phúc âm Thánh Gioan, thuật lại sự kiện bà Maria, đã làm điều tương tự như thế cho Chúa Giêsu. Tại Bết-ta-ni, những ngày trước khi chịu chết, cô đã lấy dầu thơm hảo hạng để xức chân Chúa Giêsu, Ngài nói: “Cô ấy xức dầu cho ngày mai táng của Thầy.”

Câu nói đó có nhiều ý nghĩa khác nhau, một trong những ý nghĩa đó Chúa Giêsu muốn nói: “Vì lý do đó, để thanh thản chết, đừng ở trong cay đắng. Biết rằng mình được yêu, lòng hận thù sẽ tiêu tan và sẽ ra đi thanh thản hơn.” Đó là ý nghĩa của xức dầu.

Trong Giáo Hội Công Giáo, chúng ta có bí tích xức dầu bệnh nhân. Xức dầu có nghĩa là hoàn tất những gì Kinh Thánh chép: “Ai trong anh em đau khổ ư? Người ấy hãy cầu nguyện. Ai vui vẻ chăng? Người ấy hãy hát thánh ca. Ai trong anh em đau yếu ư? Người ấy hãy mời các kỳ mục của Hội Thánh đến; họ sẽ cầu nguyện cho người ấy, sau khi xức dầu nhân danh Chúa. Lời cầu nguyện do lòng tin sẽ cứu người bệnh; người ấy được Chúa nâng dậy, và nếu người ấy đã phạm tội, thì sẽ được Chúa thứ tha. Vậy, tha thứ cho nhau, cầu nguyện cho người khác sẽ cứu chữa bạn; Vì lời cầu nguyện chân thành của người thiện tâm phát sinh hiệu quả mạnh mẽ.”

Kỳ mục trong Hội Thánh là người có đủ ân sủng và chín chắn để nói với người khác, như nữ tu Helen Prejean.

“Trong cay đắng và tức giận, trong đau đớn, bạn nhìn vào mặt tôi, bạn sẽ gặp khuôn mặt của người yêu thương bạn. Bạn cầm tay tôi và bạn cự lại được với nỗi cay đắng. Bạn tha thứ, bạn ra đi trong bình an.” Vì thế, ai trong chúng ta thăm người đau yếu hay người sắp chết, xức dầu cho họ, dù chúng ta không đủ lời hay nói năng ấp úng, vì khi xức dầu cho người đó, chúng ta làm như linh mục làm trong bí tích Xức Dầu cho bệnh nhân. Bạn cầm tay người bệnh, nói lời yêu thương an ủi với người hấp hối, theo cách mà người phụ nữ ở làng Bê-ta-ni đã làm với Chúa Giêsu và theo cách nữ tu Helen Prejean đã làm cho Partrick Sonnier. Đó là xức dầu người hấp hối. Nhập thể cho chúng ta sức mạnh không thể lường được.

Nguyễn Kim Long dịch 

Xin đọc thêm:  Kết quả của Nhập Thể trong đời sống thiêng liêng (1/6)

Lời nói đầu sách Khát Khao Nên Thánh, Đi tìm một Linh đạo Kitô