01-02-15
Giáo hoàng Phanxicô đã có một động thái khác trong tuần qua, tô dậm thêm huyền thoại về khiêm nhượng và cải cách của mình, khi quyết định rằng thánh lễ thường niên trong đó sẽ trao dây pallium, biểu tượng chính thức cho cương vị của các tân tổng giám mục chính tòa, sẽ không tổ chức ở Roma, nhưng là ở các giáo phận nhà.
Sự kiện trao dây pallium này, theo truyền thống là một điểm nhấn trong thời gian mùa hè ở Roma. Nhưng Đức Phanxicô đã đi ra khỏi khuôn phép cũ, ấn định rằng, dây pallium sẽ được các sứ thần tòa thánh tận tay trao cho các tân tổng giám mục.
Hầu hết mọi người sẽ thấy đây là một cách phá vỡ truyền thống khác nữa của Đức Phanxicô, khi hạ bớt những sự kiện ở Vatican và nhấn mạnh tầm quan trọng của các giáo hội địa phương. Những ai có để tâm nghiêm túc trong thời Đức Bênêđictô XVI, hẳn sẽ đồng ý với ý kiến trên, ngoài trừ cụm từ ‘phá vỡ truyền thống.’
Thật vậy, việc cải cách mới nhất của Đức Phanxicô không phải là một chệch hướng với Đức Bênêđictô, nhưng là một ví dụ nữa cho thấy cả hai người dường như cùng chung tông điệu với nhau.
Một trong những quyết định đầu tiên của Đức Bênêđictô sau khi nhận ngai tòa vào năm 2005 là ngài sẽ không chủ tế các thánh lễ phong chân phước, và các việc phong chân phước sẽ không tổ chức ở Roma nữa.
Quyết định này cũng là hướng đến tầm quan trọng của các giáo hội địa phương, bởi việc phong chân phước xác nhận việc cộng đoàn địa phương tôn kính một vị nào đó là xác đáng, còn việc phong thánh mang tầm toàn thể Giáo hội. Đức Bênêđictô XVI cũng gởi đi một thông điệp rằng giáo hoàng không phải là tâm điểm chú ý, và Đức Phanxicô khi quyết định về dây pallium, cũng cùng suy nghĩ này.
Đây chỉ là phần nổi của tảng băng mà thôi. Tôi xin đưa ra đây một vài ví dụ khác về sự đồng điệu giữa hai giáo hoàng:
Biến đổi khí hậu, môi trường: Khi thế giới đang chờ đợi tông thư sắp đến của Đức Phanxicô về sinh thái, thì chúng ta nên nhớ rằng, Đức Bênêđictô XVI đã rất chú tâm đến môi trường đến mức được đặt tên là ‘Giáo hoàng Xanh.’ Trong triều giáo hoàng của ngài, Vatican đã ký một thỏa thuận trở thành quốc gia đầu tiên ở Châu Âu cân bằng về khí carbon, bằng cách trồng lại một dải rừng ở Hungari để cân bằng khí carbon thải ra ở Vatican, đồng thời lắp đặt các tấm năng lượng mặt trời trên Sảnh Tiếp kiến Phaolô VI.
Làm sạch sẽ tài chính: Đức Phanxicô đã xem việc tránh các tai tiếng tài chính trong tương lai là một trong những cải tổ cần thực hiện ở Vatican. Việc dọn dẹp này đã bắt đầu dưới triều Bênêđictô, giáo hoàng đầu tiên mở cửa Vatican cho các thanh tra thế tục từ bên ngoài vào, bằng cách mời cơ quan chống rửa tiền Moneyval của Hội đồng châu Âu. Cũng chính Đức Bênêđictô đã mở ra cơ quan giám sát tài chính với quyền lãnh đạo của chuyên gia chống rửa tiền người Thụy Sỹ, René Bruelhart, và ngài cũng đã bắt tay xem lại các tài khoản trong ngân hàng Vatican.
Các vụ xâm hại tình dục trẻ em: Đức Phanxicô đã quyết tâm ‘tuyệt đối không dung thứ’ cho các vụ xâm hại tình dục và đã lập một Ủy ban Bảo vệ Trẻ em phụ trách việc này. Đây cũng là một việc ngài hoàn thiện cho bước đi của Đức Bênêđictô, người nhất quyết ‘tuyệt đối không dung thứ’ và đã ban hành như là chính sách chính thức của Giáo hội. Đức Bênêđictô là giáo hoàng đầu tiên gặp gỡ các nạn nhân, và cũng là giáo hoàng đầu tiên đích nhân xin lỗi vì cuộc khủng hoảng này. Ngài cũng đã tích cực nhổ triệt để những bị cáo phạm tội này khỏi cương vị linh mục, và cho hoàn tục khoảng 400 linh mục bị kết tội, chỉ trong vòng 2 năm cuối tại vị.
Vươn ra những người vô tín ngưỡng Đức Phanxicô nổi tiếng vì có thể ngồi lại với bất kỳ ai, kể cả một nhà báo vô thần cánh tả ở nước Ý. Điều này nối tiếp tấm gương của Đức Bênêđictô, người đã đưa hồng y người Ý Gianfranco Ravasi đến Roma để mở dự án ‘Sân của Lương dân’ nhằm thăng tiến đối thoại với những người ngoại đạo. Một trong số ít lần Đức Bênêđictô phá vỡ thinh lặng sau khi thoái vị, là việc ngài viết thư cho nhà toán học vô thần Piergiorgio Odifreddi, vào cuối năm 2013, cảm ông ông vì đã viết một quyển sách về ngài và nêu ra một số điểm thảo luận.
Ngay cả tính khiêm nhượng được nhiều người ngưỡng mộ của Đức Phanxicô, cũng có thể thấy được nơi Đức Bênêđictô.
Ví dụ như, Đức Phanxicô được hâm mộ nhiều, vì không lâu sau khi được bầu, ngài trở về nhà trọ Casa del Clero, nơi ngài ở lại trước mật nghị hồng y, để gói gém hành lý và trả tiền phòng. Nhưng tám năm trước, ngay lập tức sau khi được bầu, Đức Bênêđictô cũng làm việc như vậy. Ngài về lại căn hộ cũ ở Piazza Leonina để gói ghém đồ đạc.
Ngài ghé lại gõ cửa 3 căn hộ khác cùng tầng với mình. Ngài không phải muốn chào từ biệt các hồng y sống ở đó, nhưng là để cảm ơn các nữ tu lo việc nấu ăn và dọn dẹp, vì đã là người bạn hàng xóm tốt của ngài.
Những điểm trên không chối bỏ những khác biệt rõ ràng giữa Đức Bênêđictô và Đức Phanxicô, rõ ràng nhất là sự đối lập giữa một trí thức với một mục tử. Về mặt chính trị, bản năng của Đức Phanxicô có tính ôn hòa hơn, và còn phải nhắc đến khuynh hướng của Đức Bênêđictô là tập trung vào các nguyên tắc trừu tượng, còn Đức Phanxicô thì vào những tình trạng cụ thể.
Tại sao lại thường rất khó để nhận thấy những nét chung giữa 2 giáo hoàng này?
Một phần bởi Đức Bênêđictô bị mang tiếng khá xấu, như là ‘Chó dữ của Chúa’ hay ‘Hộ pháp Vatican.’ vốn thường làm lu mờ đi những khía cạnh đáng chú ý trong nghị trình và nhân cách của ngài. Còn với Đức Phanxicô, đường lối và cá tính của ngài luôn nổi bật.
Dù giải thích thế nào đi nữa, thì thực tế là, dù có nhiều khác biệt bên ngoài về cá tính và phong cách, nhưng xét lâu dài sâu xa, thì cả hai có thể xem như những giáo hoàng anh em, cùng chung tông điệu hoàn hảo.’
J.B. Thái Hòa chuyển dịch