Người Canada gốc Việt vươn đến các anh chị em Syria phải bỏ xứ mà đi

494

CBC – Brent Bambury

Alan Kurdi

Tấm hình em bé 2 tuổi Alan Kurdi nằm bất động bên bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ đã lan truyền khắp nơi. Alan, anh trai 5 tuổi Galib của em, và mẹ Reham, tất cả đều bị chết chìm khi cố gắng đi thuyền đến đảo Kos của Hi Lạp. Người cha người chồng tuyệt vọng của họ, Abdullah, thì sống sót.

Gia đình Kurdi chỉ là một trong số hơn 4 triệu người Syria đã phải chạy trốn cuộc nội chiến ở đất nước mình. Bên cạnh hàng chục ngàn người tị nạn khác đến từ Trung Đông và Bắc Phi, họ đang mạo hiểm tính mạng trên biển cả và đất liền để tìm một nơi cư trú.

Đây được xem là ‘khủng hoảng nhân đạo nặng nề nhất từ sau Thế chiến II’ và tấm hình em Alan đã cho thấy nỗi kinh hoàng của nhân loại, và lay động cả cuộc bầu cử ở Canada.

Bộ trưởng nhập cư và là ứng viên đảng Bảo thủ, Chris Alexander, đã ngưng chiến dịch tranh cử của mình hồi tuần này để giải quyết cuộc khủng hoảng. Ông và lãnh đạo đảng Bảo thủ, Stephen Harper bảo vệ chính sách tị nạn của chính phủ. Nhưng các lãnh đạo đối lập cho rằng như thế là không đủ, và yêu cầu cần phải làm hơn nữa.

Lãnh đạo đảng NDP, Tom Mulcair xem tác động của tấm hình em Alnan Kurdi, như tấm hình của Kim Phúc, cô gái nhỏ Việt Nam trần truồng chạy sau khi bị dính bom napal.

Chiến tranh Việt Nam đã tạo ra một cuộc khủng hoảng tị nạn, khi hàng trăm ngàn người tháo chạy sau khi Sài Gòn thất thủ. Canada đã tiếp nhận 50 ngàn người tị nạn Việt Nam, những ‘thuyền nhân’ vào cuối thập kỷ 1970 và đầu 1980.

Lien Tang là một trong số đó. Cô chỉ mới 11 tuổi khi trốn chạy khỏi Việt Nam với em trai mình. Hai em đến được trại tị nạn ở Malaysia, và rồi được một cặp vợ chồng ở Ontario, là Clayton và Rosemary Connell, đỡ đầu và đến được Canada. Vài năm sau, vợ chồng Conell cũng bảo trợ cho cả gia đình Tang, gồm em trai Tom của cô.

Tom Tang bây giờ, qua chương trình Lifeline Syria, đang đi đầu lan tỏa nỗ lực trong cộng đồng người Việt giúp đỡ đầu các gia đình người tị nạn Syria đến được Canada.

Tom và Liên Tang, đã được Brent phỏng vấn ở Toronto hôm thứ năm tuần trước.

Bài phỏng vấn này đã được chỉnh sửa để rõ ràng và ngắn gọn.

 

Brent Bambury: Liên, tôi muốn bắt đầu với bạn. Bạn nghĩ gì khi thấy những tấm hình về em nhỏ nằm trên bãi biển?

Lien Tang: Thật quá sức đau lòng Nhìn vào tấm hình làm tôi nhớ lại nhiều người đã phải rời bỏ quê hương Việt Nam, và tôi hiểu được tiếng kêu cần giúp đỡ này. Tôi là một trong số các thuyền nhân đã phải bỏ quê hương trốn chạy để tìm một tương lai tốt đẹp hơn cho mình và cho gia đình. Khi bạn ở trong trại tị nạn, bạn cần giúp đỡ và bạn muốn có người giúp đưa bạn ra khỏi đó. Nó như một cái động vậy, nên tôi muốn bước ra ngoài và thấy ánh sáng.

Brent: Khi bạn thấy những hình ảnh của các người tị nạn Syria, họ đang bồng con, họ đang bị nhồi nhét trên những chiếc tàu. Ký ức nào ùa về trong bạn?

Liên: Mùi. Tôi nhớ mùi dầu thật kinh khủng. Nó khiến tôi nôn mửa suốt. Chúng tôi cũng bị cướp đồ ăn và đủ thứ, và động cơ thuyền của chúng tôi bị hỏng, nên phải chạy bằng buồm.

Brent: Vậy nên lúc còn là một đứa trẻ nhỏ, bạn có ý thức được tình thế đó nguy nan và hiểm nghèo đến thế nào cho bạn không?

Liên: Đúng, tôi biết. Nếu có một cơn bão kéo đến, tôi hẳn đã chết rồi. Tôi cũng nghe về cá mập, và tôi sợ.

Brent: Bạn chỉ 11 tuổi khi lên tàu mà không có cha mẹ.

Liên: Đúng vậy.

Brent: Điều gì khiến bạn liều lĩnh như thế?

Liên: Bởi tôi biết, ở đó không có cuộc sống, không có tương lai cho gia đình và anh chị em tôi. Tôi quyết tâm rời đi vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người khác trong gia đình mình.

Brent: Ngay cả khi chỉ là một cô gái nhỏ, bạn đã biết đó là sự thật.

Liên: Đúng vậy.

Brent: Khi ở trong trại tị nạn, người ta hỏi xem bạn muốn đến đâu.

Liên: Đúng vậy.

Brent: Bạn nói gì với họ?

Liên: Tôi nói với họ là Hoa Kỳ, Canada và Úc. Rồi một ngày nọ, họ đến và bảo tôi rằng một gia đình ở Canada muốn đỡ đầu cho chúng tôi, rồi hỏi xem tôi có muốn đi không? Tôi mừng quá sức, quá hạnh phúc, và tôi đồng ý liền.

Brent: Là một cô bé 11 tuổi, làm sao bạn biết chắc là mình muốn như thế?

Liên: Tôi chỉ theo bản năng và cảm giác của mình rằng tôi sẽ ổn.

Brent: Và chuyện gì hẳn sẽ xảy ra cho bạn, nếu như bạn không liều lĩnh lên đường mà vẫn ở lại Việt Nam?

Liên: Tôi không biết ngày nay tôi sẽ ra sao. Có lẽ là đang bán bánh trên đường để giúp đỡ gia đình, và cố sinh tồn.

Brent: Tom, còn bạn thì sao? Bạn được đỡ đầu bởi chính gia đình Canada đã đỡ đầu cho Liên vài năm trước đó, nhưng bạn nghĩ chuyện gì có thể xảy ra cho bạn nếu bạn không rời Việt Nam?

Tom: Thành thật thì, tôi đã trở lại Việt Nam, gặp một vài bà con của mình và thấy cuộc sống của họ. Tôi có thể trở nên thế nào, thì chẳng biết được. Có thể là bán đồ ngoài đường để sống qua ngày. Hay tôi có thể thành một người thành đạt. Tôi không biết, thật khó khăn để hình dung xem đời tôi sẽ ra sao nếu được hay không được đỡ đầu qua đây.

Brent: Rõ ràng bạn tin rằng các cơ hội mà bạn có ở Canada này rất quan trọng trong đời bạn, và bây giờ bạn đang cố gắng thúc giục cộng đồng người Việt giúp đỡ đầu cho những người tị nạn Syria, vì cùng một lý do như thế. Có nhiều người Canada không biết liệu mình có thể làm gì để giúp những người cùng hoàn cảnh như gia đình Kurdi. Đỡ đầu cho một gia đình để đưa họ đến Canada thì cần những việc gì?

Tom: Chúng tôi đang làm việc với chương trình Lifeline Syria, cá nhân tôi và hai người nữa, để hi vọng đỡ đầu cho 3 gia đình từ Syria. Tốn khoảng 27.000$ để đỡ đầu một gia đình 4 người, và 30.000$ để đỡ đầu một gia đình 5 người. Số tiền này sẽ chu cấp căn bản cho chi phí 1 năm sinh hoạt của họ. Hi vọng chúng tôi có thể tìm được việc cho họ để họ tự lo được cho mình.

Brent: Và nếu một có nhóm đỡ đầu cho một gia đình, thì ai là người chịu trách nhiệmlớn nhất cho phúc lợi của từng thành viên trong gia đình.

Tom: Đây chính là điều chúng tôi đang nỗ lực. Chúng tôi chắc chắn sẽ làm việc rất chặt chẽ với bất kỳ ai muốn giúp, nhưng tận cùng, chúng tôi phải chịu trách nhiệm cho phúc lợi của các gia đình này khi họ ở Canada.

Brent: Có một cảm thức cấp bách về cuộc khủng hoảng tị nạn ở Canada này. Là một gia đình cũng từng trải qua cuộc khủng hoảng tị nạn, bạn nghĩ mọi chuyện đang được xúc tiến đủ nhanh hay chưa?

Tom: Thành thật thì không. Nếu bạn nghĩ về con số người Việt được đỡ đầu trong khoảng 1979-1980, 50.000 trường hợp, thì nỗ lực chúng ta đang làm bây giờ chẳng là gì cả. Chúng ta đang nói về 4 triệu người Syria không chốn nương thân. Tôi không cố gắng hạ thấp những gì chúng tôi đã trải qua, nhưng nếu so sánh, thì sẽ thấy cuộc khủng hoảng của người Syria trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng của người Việt nhiều.

Brent: Vậy nên trong cộng đồng của bạn cũng cùng chung cảm thức cấp bách này? Bạn đang ngỏ lời với cộng đồng của mình hỗ trợ cho nỗ lực này, bạn có nghĩ là sẽ có sự phản đối nào không?

Tom: Tôi hi vọng là chúng tôi sẽ không như vậy. Tôi khá tin chắc là sẽ không như vậy. Nhưng rõ ràng, là có người này người người kia, và cộng đồng chúng tôi cũng vậy. Tôi có gặp một số người để xin gây quỹ và bị từ chối thẳng thừng, nhưng điều này không có nghĩa là toàn thể cộng đồng không có lòng quảng đại.

Brent: Những người từ chối, họ nói gì với bạn?

Tom: Vâng, một số người bảo đó không phải là vấn đề của họ, và một số không muốn chịu trách nhiệm gì. Một số thì hiểu sai, và họ không muốn người Hồi giáo hay những người như thế vào cộng đồng. Nhưng bạn phải làm cho họ hiểu, và hi vọng việc động viên này không chỉ mở ra với người Canada nhưng cả người Việt đón nhận cảnh ngộ của những người này, bất kể là người Hồi giáo hay bất kỳ chủng tộc hay tôn giáo nào.

Brent: Tom, bạn có tự hào về thông số của Canada về đón nhận người tị nạn và nhập cư hay không?

Tom: Ngay bây giờ, thì không, theo những gì tôi đang đọc được, thì không. Tôi chỉ đang hình dung gia đình của mình, và tôi không nghĩ người Việt Nam sẽ được thế này, nếu như thời đó có cùng bầu khí chính trị như thời nay. Tôi nghĩ rằng, chúng ta, một quốc gia, những người Canada, có thể thực sự bước tới để xoa dịu đôi chút những đau buồn và bi kịch đang diễn ra ngay lúc này.

Brent: Liên, còn bạn thì sao? Là một người từng đi thuyền để đến được Canada, là một người Việt, bạn có tin rằng bây giờ Canada đang hành động với thiện chí tốt nhất đối với cuộc khủng hoảng tị nạn mà chúng ta đang phải chứng kiến lúc này?

Liên:  Họ có thể làm tốt hơn để giúp nhiều người Syria hơn.

Brent: Bạn có tin là cộng đồng của bạn sẽ dấn bước và giúp đỡ hay không?

Liên: Chúng tôi cố gắng hết sức mình, nhưng tôi không thể nói được gì về những người khác. Tôi chỉ có thể nói ra cảm nhận của riêng mình mà thôi.

Brent: Nhưng, những gì bạn cảm nhận là dựa trên một cảm nghiệm mà nhiều người Canada khác chưa từng có.

Liên: Đúng vậy.

Brent: Và bạn đang làm gì lúc này? Bạn đang làm việc gì ở Canada?

Liên:  Tôi đã trở thành một nhân viên vệ sinh phục hồi, và tôi làm việc cho bác sỹ Martha Roman.

Brent: Vậy bạn làm trong ngành nha khoa.

Liên: Đúng vậy.

Brent: Còn bạn, Tom?

Tom:  Tôi có nghiệp vụ kế toán, và có hãng kế toán của mình.

Brent: Vậy, theo bất kỳ tiêu chuẩn nào, cả hai bạn đều rất thành công

Tom: Đúng, và một lần nữa, đó là nhờ gia đình người Canada. Việc đỡ đầu cho 2 người em của tôi không chỉ là giúp cho hai người, mà là một gợn sóng lan tỏa. Chúng tôi bây giờ là một gia đình 40 người. Việc này đã giúp cho 40 người, và bây giờ, khi thành đạt hơn một chút, tôi gởi tiền về Việt Nam để giúp người nghèo xây nhà và lo nguồn nước. Thực sự thì không chỉ gia đình của tôi được hưởng lợi từ sự quảng đại của gia đình người Canada, nhưng là toàn thể cộng đồng. Vậy nên, tôi muốn người dân Canada hãy mở rộng lòng mình và thực sự ủng hộ cho chương trình Lifeline Syria.

refugees

Có thể liên lạc trực tiếp với Tom và Liên qua email: tomtangca@gmail.com để có thêm thông tin về nỗ lực đỡ đầu cho các gia đình tị nạn người Syria.

 

J.B. Thái Hòa chuyển dịch