Ngôn ngữ, biểu tượng và biết mình

789

Ngôn ngữ, biểu tượng và biết mình

Ronald Rolheiser, 2019-05-13

Tại công trình xây dựng một nhà thờ, một ngày nọ, một phóng viên hỏi hai người đàn ông đang làm việc ở đây, họ làm gì để kiếm sống. Người đàn ông thứ nhất trả lời: “Tôi là thợ nề.” Người thứ nhì nói: “Tôi xây dựng nhà thờ chính tòa!” Cách mà chúng ta nói lên kinh nghiệm của mình phần lớn nói lên ý nghĩa của nó.

Có nhiều cách nói khác nhau trong một ngôn ngữ, và một số ngôn ngữ nói sâu sắc hơn các ngôn ngữ khác.

Ba mươi năm trước, nhà giáo dục người Mỹ Allan Bloom đã viết một quyển sách có tựa đề: “Sự khép kín đầu óc của người Mỹ” (The Closing of the American Mind). Đây là luận điểm của ông: Ngày nay ngôn ngữ của chúng ta ngày càng thực nghiệm, một chiều và không có chiều sâu. Theo ông, điều này làm đầu óc chúng ta bị khép kín khi chúng ta tầm thường hóa kinh nghiệm của mình.

Hai mươi năm trước, trong bài tiểu luận khá khiêu khích, Chiến thắng của trị liệu (The Triumph of the Therapeutic), nhà xã hội học người Mỹ Philip Rieff cũng đã viết tương tự như vậy. Theo Rieff, chúng ta sống cuộc sống của mình dưới một hàng rào biểu tượng nhất định, nghĩa là, trong một ngôn ngữ và một tập hợp các khái niệm qua đó chúng ta diễn giải kinh nghiệm của mình. Và hàng rào này có thể cao hoặc thấp. Chúng ta có thể hiểu kinh nghiệm của mình trong một ngôn ngữ và trong một tập hợp các khái niệm mà chúng ta nghĩ chúng rất có ý nghĩa hoặc chúng khá nông cạn và chẳng có ý nghĩa gì. Kinh nghiệm sẽ phong phú hay nông cạn tùy thuộc vào ngôn ngữ mà chúng ta diễn giải nó.

Lấy ví dụ một người đàn ông bị đau lưng đi khám bác sĩ. Bác sĩ nói ông bị viêm khớp. Định bệnh này làm cho ông yên tâm. Bây giờ ông biết vì sao ông đau. Nhưng nếu ông không bằng lòng, ông đi gặp một nhà tâm lý học. Nhà tâm lý học nói các triệu chứng của ông không hẳn chỉ về thể chất mà ông đang trải qua cuộc khủng hoảng tuổi trung niên. Điều này cho ông hiểu nhiều hơn cơn đau của mình. Nhưng ông vẫn không hài lòng và đi gặp một vị linh hướng. Vị linh hướng không phủ nhận ông bị viêm khớp và đang qua cuộc khủng hoảng tuổi trung niên, nhưng vị linh hướng nói cơn đau này đúng là vườn Giếtsêmani của ông, là thập giá ông phải vác. Chúng ta nên nhớ, cả ba chẩn bệnh này đều nói về cùng một nỗi đau, nhưng mỗi người đặt nó dưới một hàng rào tượng trưng khác nhau.

Công việc của các nhà tâm lý như Carl Jung, James Hillman và triết gia Thomas Moore là giúp chúng ta hiểu rõ hơn vì sao có một loại ngôn ngữ chạm sâu hơn vào tâm hồn.

Ví dụ: Giữa các ngôn ngữ khác nhau, chúng ta thấy ngôn ngữ của tâm hồn trong một số huyền thoại và các truyện cổ tích có từ ngàn xưa. Sự đơn giản bề ngoài của các câu chuyện này che giấu một chiều sâu lạ lùng. Ví dụ câu chuyện Cô bé Lọ lem Cinderella: điều đáng chú ý đầu tiên là cái tên Cinderella, đây không phải là một tên thực nhưng là sự kết hợp của hai chữ: Cinder là tro tàn; và Puella là cô gái trẻ. Đây cũng không phải là câu chuyện cổ tích đơn giản về một cô gái trẻ cô đơn, bị đánh đập. Đây là một huyền thoại làm nổi bật tính năng động, nghịch lý, tái sinh mà chúng ta sống trong cuộc sống của mình, trong đó, trước khi mang đôi giày thủy tinh, trước khi là người đẹp trong buổi dạ vũ, trước khi lấy hoàng tử và sống hạnh phúc đời đời, đầu tiên hết chúng ta phải trải qua giai đoạn ở trong đống tro tàn, chịu đựng sỉ nhục và được thanh tẩy trong thời gian bụi bặm.

Chúng ta lưu ý cách câu chuyện này nói theo cách riêng của nó về linh đạo kitô, cái mà chúng ta gọi là “Mùa Chay”, mùa đền tội, trong đó chúng ta đánh dấu mình bằng tro tàn để bước vào thời gian khổ hạnh chuẩn bị cho niềm vui (vì lý do mà chúng ta chỉ biết qua trực giác) chỉ có thể có sau thời gian từ bỏ và thăng hoa. Câu chuyện Cô bé Lọ lem làm sáng tỏ một cách nào đó chiều sâu tâm hồn chúng ta. Rất nhiều huyền thoại nổi tiếng làm được điều này.

Tuy nhiên, không có một huyền thoại nào chiếu sáng tâm hồn chúng ta sâu đậm hơn là Sách Thánh. Ngôn ngữ và biểu tượng của nó đặt tên cho trải nghiệm của chúng ta theo cách giúp chúng ta nắm bắt được chiều sâu đích thực các trải nghiệm riêng của chính mình.

Như vậy, có hai cách chúng ta tự hiểu về mình: chúng ta có thể hoang mang hoặc chúng ta có thể ở trong bụng con cá voi. Chúng ta có thể bất lực trước cơn nghiện hoặc chúng ta có thể bị quỷ ám. Chúng ta có thể dao động giữa niềm vui và trầm cảm hoặc chúng ta có thể xen kẽ khi thì “ở Galilê” khi thì “ở Giêrusalem” với Chúa Giêsu. Chúng ta có thể bị tê liệt khi đứng trước nạn toàn cầu hóa hoặc chúng ta có thể đứng cùng Chúa Giêsu bên bờ giếng Samaria khi Ngài nói chuyện với người phụ nữ lương dân. Chúng ta có thể đấu tranh với lòng trung tín trong việc giữ các cam kết của mình hoặc chúng ta có thể đứng bên cạnh ông Gio-duệ, nhận được lệnh giết người Ca-na-an để giữ Đất Hứa. Chúng ta có thể bị viêm khớp hoặc chúng ta có thể đổ mồ hôi máu trong vườn Giếtsêmani. Ngôn ngữ chúng ta dùng để hiểu một kinh nghiệm xác định ý nghĩa của kinh nghiệm này đối với chúng ta.

Cuối cùng, chúng ta có thể xem đây là một công việc hay một ơn gọi; chúng ta có thể thất bại hay đi 40 ngày trong sa mạc; chúng ta có thể thất vọng cay đắng hay chúng ta có thể suy gẫm cùng Đức Mẹ; hoặc chúng ta có thể lệ thuộc vào tấm chi phiếu trả lương hay chúng ta là người xây nhà thờ chính tòa. Ý nghĩa phụ thuộc rất nhiều vào ngôn ngữ.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch