Một quyển sách quan trọng

521

Một quyển sách quan trọng

Ronald Rolheiser, 2019-07-01

Mỗi năm, tôi viết một bài chia sẻ với độc giả tiêu đề và nội dung vắn tắt của mười quyển sách đánh động tôi trong năm. Tuy nhiên, đôi lúc, tôi đánh giá một quyển sách đủ xuất sắc để dành riêng một bài cho nó, đó là quyển sách mới của Robert Ellsberg, Phúc âm Sống – Đọc câu chuyện của Chúa trong Đời sống các thánh (A Living Gospel – Reading God’s Story in Holy Lives).

Robert Ellsberg là nhà xuất bản và tổng biên tập của Orbis Books, và với vai trò đó ông coi sóc việc in ấn một số tác phẩm thiêng liêng đầy tính thách thức cho thế hệ chúng ta. Ông còn biên tập các bài viết, nhật ký, và thư tín được chọn lọc của Dorothy Day, người mà ông được vinh hạnh ở cùng cộng đồng trong năm năm cuối đời của bà. Nhưng không chỉ xuất bản suy tư của người khác, Ellsberg còn lặng lẽ tạo nên một kho báu lớn lao với những bài viết về cuộc sống của các thánh. Ông có ba quyển sách lớn về cuộc đời của các thánh, “Các Thánh, All Saints”, “Hướng dẫn để Hạnh phúc của các Thánh, The Saints’ Guide to Happiness” và “Phúc thay giữa các phụ nữ, Blessed Among Women”  và mỗi ngày ông viết một bài về cuộc đời của một vị thánh cho tập sách nhỏ Cho chúng ta ngày hôm nay, Give Us This Day.

Ellsberg về cơ bản có thể được gọi là người viết hạnh các thánh, người viết lại đời sống của các ngài để làm nguồn hứng khởi cho chúng ta. Bất kỳ ai có một chút hiểu biết về linh đạo Kitô giáo đều biết tầm quan trọng của công việc này. Chính các Phúc âm cũng có thể được xem là hạnh các thánh vì đời sống Chúa Giêsu làm cho chúng ta hứng khởi và noi gương Ngài. Rồi thời giáo hội sơ khai, chúng ta có nhiều vị thánh tử đạo, và rất nhiều vị thánh xuất hiện trong thời trung cổ, thời hiện đại và cho đến tận bây giờ. Chúng ta đều được nghe về chuyện các thánh.

Tôi nghĩ nhiều người biết về quyển Hạnh các thánh, dài bốn tập rất kinh điển của Alban Butler. Các tiểu sử nhỏ này được phát hành từ 200 năm trước, tác giả dùng lối hành văn thời đó để viết về cuộc sống của các thánh. Lối hành này về căn bản phần nào bóp méo hiện thực để nêu bật bản chất, và điều này thường làm cho độc giả có ấn tượng các thánh được mô tả trong sách hoàn toàn không bị yếu đuối, không bị hạn chế do khả năng bình thường của con người. Thời đại của chúng ta không còn hiểu theo kiểu đó, và vì thế chúng ta cần có một dòng hạnh các thánh mới đem lại được bản chất mà không phải hy sinh đi phần hiện thực. Robert Ellsberg là người viết hạnh các thánh theo kiểu đó, và thời nay chúng ta cần đến hạnh các thánh.

Hồi tôi còn nhỏ, cuộc đời các thánh là một trong nhiều cách chủ yếu để dạy linh đạo. Tất cả chúng ta ai cũng có thánh bổn mạng, mỗi thành phố, mỗi giáo xứ đều có thánh bổn mạng riêng của mình, chúng ta đều đọc đời sống các thánh và có được hứng khởi để vươn đến các lý tưởng cao đẹp hơn nhờ các tấm gương như tấm gương của thánh Tarcisius đã bị ném đá đến chết vì bảo vệ Mình Thánh Chúa, như Maria Goretti sẵn sàng chết còn hơn để mất sự trong sạch, như thánh George nhờ sức mạnh đức tin mà có thể hạ gục con rồng, và như thánh Christopher với đôi mắt tiên liệu có thể giữ gìn chúng ta trên đường đời.

Dĩ nhiên, khi nhìn lại, bây giờ chúng ta có thể thấy các tác giả khi viết các mẫu chuyện này thường tự ý thay đổi các sự kiện lịch sử nhằm nêu bận vấn đề mấu chốt. Thật vậy, cả thánh George và thánh Christopher có vẻ như thiên về chuyện thần thoại hơn là chuyện thật. Dù sao đi nữa, các câu chuyện đó, cũng như chuyện về các vị thánh khác đã hướng đôi mắt chúng ta cao lên hơn một chút, cho chúng ta thêm chút can đảm, thêm chút mẫu gương sống của tinh thần môn đệ Kitô hữu, và giúp chúng ta hướng lòng về những gì cao đẹp hơn.

Ngày nay, chúng ta có một phiên bản khác về cuộc đời các thánh. Người giàu có, nổi tiếng, và thành công đã thay thế hẳn các thánh thời xưa. Quyển Hạnh các thánh của Butler đã bị thay thế bởi People Magazine, các quyển tiểu sử, các chương trình truyền hình, các website và hình ảnh về cuộc sống của những người giàu có và nổi tiếng. Và những cuộc sống này, dù có tốt lành như chúng ta thường thấy, lại không hẳn hướng đôi mắt và tâm hồn chúng ta về cùng một hướng như những gì mà cuộc đời của các thánh đã làm. Trong một nền văn hóa thần tượng hóa sự nổi tiếng, chúng ta cần những người nổi tiếng khác để khiến họ phải ghen tị. Robert Ellsberg đang đưa ra các người này.

Trong quyển này, Ellsberg thuật lại cuộc sống của bốn vị “thánh” đương thời, Dorothy Day, Thomas Merton, Henri Nouwen, và Charles de Foucault (chưa ai trong số các vị này được phong thánh). Nhưng ông tin rằng cuộc sống của họ có thể giúp chúng ta hình dung được theo Chúa Giêsu là như thế nào, giữa những phức tạp của thế hệ chúng ta.

Và điều này cũng đúng với Giáo hội. Khi nói về cuộc sống của Charles de Foucauld, Ellsberg viết: “Trong một thời đại mà Kitô giáo không còn đồng nghĩa với sự vươn ra của nền văn minh phương Tây và quyền lực thực dân, thì chứng tá của Foucauld – nghèo, không vũ trang, trần trụi mọi sự, không dựa vào thẩm quyền nào khác ngoài uy lực của tình yêu – hẳn là đại diện cho tương lai của Giáo hội, một Giáo hội bắt rễ trong ký ức về nguồn gốc và đấng sáng lập nghèo khó của mình.”

Các vị thánh có gì đó cho tất cả mọi người!

J.B. Thái Hòa dịch