Trích sách Quả tim thao thức, The restless heart, Ronald Rolheiser. Chương 1 (2/3).
Cho dù chúng ta chối bỏ cô đơn, thì nó vẫn hiển hiện khắp nơi. Nó không cần chỉ dẫn chuyên nghiệp, không cần tài liệu để xác nhận trên tư cách xã hội hay cá nhân rằng chúng ta cô đơn. Tất cả những gì chúng ta cần làm là nhìn quanh mình, hay nhìn sâu thẳm vào chính mình, để hiển nhiên thấy sự cô đơn, choáng váng, đau đớn. Chẳng hạn khi nhìn các thống kê về việc uống rượu, thuốc kích thích (cả loại nặng và nhẹ), việc mua bán sản phẩm khiêu dâm, và số người tự tử, bạn sẽ thấy chúng ta đang là những con người cô đơn, đang sống trong nỗi đau. Thế giới phương Tây tiêu thụ hàng triệu kí-lô thuốc an thần, thuốc ngủ mỗi năm. Và hàng năm, chúng ta thấy ngày càng tăng số lượng người đi tìm các nhà tư vấn chuyên ngành, đau khổ do căng thẳng thần kinh và rối loạn tâm thần, tham dự trong các nhóm gặp gỡ, các nhóm nhạy cảm, các kiểu cọ tôn giáo, các hình thức sống chung và hôn nhân mới, và các quan hệ bừa bãi.
Điều này không nhất thiết nói lên tâm trạng cô đơn, còn có các yếu tố khác. Tuy nhiên, cô đơn là yếu tố lớn trong việc gây nên những hiện tượng này.
Chúng ta còn thấy các hiện tượng đi kèm với tâm trạng cô đơn này trong các lĩnh vực khác nữa. Qua nhiều thập kỷ vừa qua, chủ đề cô đơn đã là chủ đề nổi bật ngày càng nhiều trong triết học, nghệ thuật, văn học, tâm lý học, tư tưởng tôn giáo và tư tưởng xã hội. Những cái gọi là nghệ thuật đại chúng, âm nhạc hiện đại, phim ảnh, văn học hiện đại, các tạp chí phổ thông và những điều tương tự đều tập trung rất nhiều vào cô đơn như một trong những chủ đề chính và hấp dẫn. Sự thịnh hành và phổ biến của chủ đề này trong tư tưởng và nghệ thuật hiện hành nói lên tâm hồn chúng ta có chiều hướng cộng hưởng khi nghe nói về tâm trạng cô đơn.
Có lẽ ví dụ rõ ràng nhất về điều này là âm nhạc đại chúng. Cũng như các dạng nghệ thuật khác, âm nhạc chỉ trở nên đại chúng khi nó giao cảm được với một số trải nghiệm của con người. Vì vậy, tính đại chúng trong nhiều thể loại nhạc rock hiện đại, đặc biệt nơi các thể loại nghèo nàn âm sắc, đã gây khó chịu nơi những người đánh giá âm nhạc qua giá trị của giai điệu du dương, hòa âm cân đối và lời nhạc của nó. Khi so sánh với nhạc cổ điển, nhiều thể loại rock hiện đại yếu kém rất nhiều về tất cả các khía cạnh này. Thế mà hàng triệu người tụ tập để nghe, hàng triệu người mua các loại nhạc này. Tại sao? Lý do khá đơn giản là vì nó đồng cảm với quần chúng. Theo cách nào đó, và trong một lúc nào đó, các tiếng guitar, tiếng trống ầm ầm gào thét với tiếng ca sĩ quằn quại, nắm bắt được tâm trạng hoang mang, dày vò, đau đớn, cô đơn của tâm trí chúng ta mà điệu nhạc giao hưởng của Beethoven và các loại nhạc cổ điển khác không làm được. Trong nhiều cách, nhạc rock của thời đại này nói về nền văn hóa của chúng ta giống như nhạc Blue nói lên tâm trạng bị áp bức, bị nô dịch trong suốt thời gian nô lệ của người da đen. Chúng ta thích một thể loại nhạc khi “nó ăn khớp”, khi nó đánh đúng vào tình cảm bên trong chúng ta.
Ai xứng đáng là biểu tượng chính xác cho nỗi đau thời đại của chúng ta hơn ca sĩ rock đang quay cuồng quằn quại, gào thét vào máy thu âm, gần như bị át đi bởi tiếng guitar và trống, cố gắng xông mình để nói với, để xuyên sâu vào tai, vào quả tim con người – nếu không, là một cố gắng ít nhất để xuyên qua áp lực của âm thanh? Những bản thu âm của anh bán được là do sự quay cuồng quằn quại trong âm nhạc và cơ thể của anh không khác gì tâm trí và tâm hồn của chúng ta, cũng đang quay cuồng và quằn quại khi cố vật lộn để giao tiếp, vật lộn để thực hiện một mối quan hệ, vật lộn để được hiểu, vật lộn để xuyên thấu điều bí ẩn đã chia tách chúng ta khỏi tâm trí và tâm hồn tha nhân. Chúng ta nữa, chúng ta cũng đang cố sức xông mình để nói với người khác, trong bất kỳ cách thức có thể nào!
Tuy nhiên, ngay cả nếu không có các thi sĩ, nghệ sĩ, nhạc sĩ, các nhà bình luận chuyên nghiệp nói lên tâm trạng cô đơn giùm cho chúng ta, thì chúng ta vẫn nhận thức sâu sắc về việc chúng ta cô đơn; tiếng nói của quả tim chúng ta, một quả tim vẫn thường lắng nghe chính nó nhưng phần nhiều qua nỗi đau, là điều quá đủ để nói với chúng ta về tâm trạng cô đơn.
Chúng ta là những con người khác nhau cùng tô điểm cho nhân loại. Bất chấp các khác biệt giữa chúng ta, và bất chấp những gì mà đời sống đánh lận này đối đãi với ta, quả tim chúng ta tất thảy đều nói cùng một ngôn ngữ, ngôn ngữ của tình yêu. Dù cho một phần của ngôn ngữ tình yêu cũng là ngôn ngữ của nỗi đau và cô đơn. Chúng ta mong mỏi một tình yêu trọn vẹn, một hợp nhất say mê với Thiên Chúa hay với tha nhân. Nhưng trên thực tế, không phải luôn luôn được giống như trong mơ ước và mong mỏi. Vì thế, qua cuộc sống, chúng ta trải nghiệm không chỉ tình yêu mà còn là hụt hẫng, bồn chồn, căng thẳng, và cô đơn. Trong đời sống, tất cả chúng ta đều bị hụt hẫng cách nào đó trong khát khao sâu thẳm nhất của mình để có thể chia sẻ hiện hữu và sự phong phú của chúng ta cho tha nhân. Chúng ta sống và biết rằng tha nhân không hiểu rõ trọn vẹn chúng ta và họ sẽ không bao giờ hiểu rõ trọn vẹn chúng ta, họ ở “ngoài đó” và chúng ta ở “trong đây”. Thánh Phaolo gọi đời sống này như “qua một tấm kính, tối tăm” một bí ẩn, một tấm màn, một lớp sương vô thực chia tách chúng ta khỏi Thiên Chúa, khỏi tha nhân, và khỏi điều chân thực (I Cor. 13:12-13).
Quả tim của chúng ta không được tạo nên để sống qua “tấm kính, tối tăm”, nhưng là để kết hợp hoàn toàn với Thiên Chúa và với tha nhân. Vì thế, khi chúng ta cố gắng chọn một con đường để băng qua tấm kính mờ mịt của những chuyện không hiện thực, của bí ẩn cuộc sống, tâm hồn chúng ta cô đơn và từ đó, nó nói với chúng ta không chỉ về tình yêu mà còn về nỗi đau. Nhiều lúc, nỗi đau không quá buốt nhói và chúng ta cảm thấy mình gần với Thiên Chúa và với tha nhân. Lúc khác, nỗi đau trở nên không chịu nổi đến mức chúng ta mường tượng đến địa ngục, nhận ra rằng cô đơn là đe dọa tối hậu, là nỗi kinh hãi quyết định có thể liên kết với tất cả những khốn khổ khác. Dù hầu hết các nỗi đau có thể dai dẳng chịu đựng được: bất mãn với giá trị đời sống và với quan hệ tha nhân, nản lòng với một đối tượng nào đó, một khát muốn vô định, một luyến tiếc với quá khứ hay với bạn bè, một thao thức bồn chồn không cho chúng ta nghỉ yên và không cho chúng ta sống giây phút hiện tại, một cảm giác bất hòa, một hoang tưởng, một ý thức về việc thiếu vắng điều gì đó trong cuộc đời, một sự trống rỗng không thể giải thích được.
Dù vậy, chúng ta thường chạy trốn cảm giác cô đơn, và nghĩ rằng đó là một cái gì đó không đúng trong bản thân mình. Chúng ta không muốn để người khác thấy mình cô đơn, giữ nó như một cái gì riêng tư, như một chuyện hổ thẹn. Nhưng các tâm hồn khác cũng nói một ngôn ngữ giống chúng ta. Nhà tâm lý học và trị liệu lừng danh Carl Rogers đã nói.
Lúc nào tôi cũng có cảm tưởng như các cảm xúc sâu đậm nhất của tôi là điều kín mật nhất, riêng tư nhất, và do đó không một ai có thể hiểu được, nhưng hóa ra đó là những cảm xúc có cùng làn sóng với nhiều người. Nó làm cho tôi tin rằng những gì riêng tư nhất và đặc biệt nhất của mỗi chúng ta, nếu chúng ta biết chia sẻ và biểu lộ thì nó có thể là yếu tố gần như nói với người khác cách sâu đậm nhất.
Cảm nghiệm của tôi về cô đơn, chắc chắn là một trải nghiệm, có lẽ giống vô cùng với điều mà Roger đã cảm nghiệm trong lòng. Cô đơn không phải là một hiện tượng hiếm hoi và kỳ lạ. Nó ở trọng tâm trong đời sống bình thường của mỗi người.
Chúng ta sống như trong một tấm kính, tối tăm, trong lớp sương mù vô thực giữ tâm hồn chúng ta trong nỗi đau của một tình yêu dang dở. Đây là nỗi đau của cô đơn. Chúng ta mộng tưởng nhiều về một cái gì trọn vẹn và có những ngày, khi nỗi đau quá lớn, chúng ta đã phải bật khóc. Nhưng hầu hết chúng ta câm lặng, câm lặng với nỗi cô đơn và với mạch đập thâm sâu trong lòng.
J.B. Thái Hòa dịch
Xin đọc thêm: Lời nói đầu sách Quả tim thao thức