Vấn đề sâu sắc của cô đơn 

521

Vấn đề sâu sắc của cô đơn

Trích sách Quả tim thao thức, The restless heart, Ronald Rolheiser. Chương 1 (3/3).

Vấn đề của cô đơn, rõ ràng không phải là một vấn đề mới, một vấn đề đặc biệt riêng của thời đại chúng ta. Con người luôn cảm thấy mình cô đơn. Tuy nhiên, chắc chắn một điều, ngày nay, nhiều người trong thế giới phương Tây đang mang tâm trạng cô đơn sâu đậm hơn với thời trước. Tại sao? Vì rất nhiều lý do chồng chéo nhau.

Đầu tiên, vì số lượng thì giờ giải trí mà nền văn hóa cung cấp cho chúng ta, chúng ta có được cái xa xỉ tập trung hơn vào các tương giao mà chúng ta cần. Chỉ mới các thế hệ gần đây, có lẽ vẫn còn ở thế hệ chúng ta, con người có ít thì giờ và sinh lực dư thừa để chú tâm vào các nhu cầu tâm lý và tinh thần. Vì mưu sinh, hầu hết thì giờ và sinh lực chúng ta dùng là để làm việc, thường là công việc tay chân và mệt mỏi. Nhiều bậc cha mẹ và ông bà dùng phần lớn thì giờ và sinh lực chỉ để sinh tồn, đáp ứng những đòi hỏi khắc nghiệt của cuộc sống, đương đầu với cuộc khủng hoảng kinh tế trong nhiều thập niên vừa qua, đấu tranh trong số phận của người nhập cư muốn được thừa nhận, học một ngôn ngữ mới, tìm một việc làm tốt, xây một căn nhà, trang trải cuộc sống, và lo cho con cái ăn học. Họ lao động đầu tắt mặt tối, để biến chính họ từ “bần hàn nên phú quý” về mặt kinh tế và về mặt xã hội. Những công việc này tiêu tốn hầu hết thì giờ, sinh lực và sáng tạo của họ.

Ngày nay, nhờ các công việc họ đã làm, toàn bộ đời sống đã thay đổi rất nhiều. Chúng ta, con cháu của họ, được sinh ra trong sung túc và lợi lộc mà họ đã làm việc cật lực để có. Chúng ta không cần phải tốn vô khối thì giờ, sinh lực, sáng tạo cho những công việc hút cạn sinh lực. Và kết quả là với sự sung túc và thì giờ rảnh rỗi, chúng ta gần như tự động chú trọng nhiều hơn vào các nhu cầu tâm lý và tinh thần – hoặc chúng ta dùng rất nhiều thì giờ và tiền bạc cố để xao nhãng, để khỏi chú trọng vào các nhu cầu này. Chúng ta xa xỉ, một xa xỉ mà những người đi trước không thể nào có được, là có khả năng trải nghiệm cô đơn trong chiều sâu thẳm tận cùng của nó. Thời giờ rảnh rỗi và sung túc, nó giúp chúng ta không cần phải vật lộn để sinh tồn về mặt thể lý, giúp chúng ta quay lại với bản thân và thúc đẩy chúng ta tìm một ý nghĩ sâu xa hơn, nội tại và tinh thần hơn. Như cách nói của một số người, nó đã sản sinh ra một “tính khí tâm thần cao hơn”. Sự nâng cao tâm hệ này cho phép giải phóng sinh lực tâm lý và tinh thần, ít nhất là ở dạng tiềm tàng. Tuy nhiên, sinh lực được giải phóng do sung túc và thì giờ rảnh rỗi phần lớn là không tổ chức, không trọng tâm rõ ràng, và thậm chí thường được nhận ra cách rõ ràng là một sinh lực không tích cực. Nó được trải nghiệm như một bồn chồn thao thức, một mãnh lực dẫn đường đẩy chúng ta vào mọi thứ, vào cô đơn.

Trong nghĩa này, chúng ta có thể trở nên cô đơn và bồn chồn hơn các thế hệ trước. Đó không phải là một chuyện tình cờ, chúng ta đã tiêu tốn hàng triệu đô la để giải trí, để uống rượu, để du lịch không ngừng, để có bất cứ cái gì hứa hẹn cho chúng ta một giây phút nghỉ ngơi, để khỏi bồn chồn thao thức.

Thêm vào sức mạnh cho cô đơn, đó là sự phân mảnh của xã hội, sự việc này được các nhà xã hội học phân tích rõ ràng. Nhà xã hội học thế kỷ XIX, Ferdinand Tonnies phân tích súc tích nhất trong sự phân biệt nổi tiếng của mình giữa một xã hội vì cái chung (Gemeinsckaft) và một xã hội vì cái riêng (Gesellschaft). Trước đây chúng ta sống trong một xã hội vì cái chung, một xã hội định hình bởi đại gia đình, ít chỗ cho cá tính, ít riêng tư, và ít biến đổi về mặt địa lý hay xã hội. Ngày nay phần lớn chúng ta sống trong một xã hội vì cái riêng, được định hình bởi gia đình hạt nhân, thiên về cá tính, và nhiều biến động. Sự đổi chiều này, dưới nhiều khía cạnh, cho chúng ta một tự do lớn hơn để quan hệ với những người chúng ta chọn, thì nghịch lý thay, nó phát sinh và làm sâu sắc thêm tâm trạng cô đơn.

Điều này thực hiện bằng cách nào? Bằng việc cắt bỏ phần lớn sự phụ thuộc lẫn nhau, sự phụ thuộc này đã từng là nền tảng cho các mối quan hệ của chúng ta. Khi sống vì cái riêng, chúng ta say sưa tìm kiếm riêng tư và tự do, và không còn muốn bất cứ phụ thuộc lẫn nhau nào tác động lên chúng ta nữa. Chúng ta muốn được tự do để chọn người mà chúng ta sẽ liên hệ và mức độ sâu sắc với mối liên hệ đó. Vì thế, chúng ta tìm cách để làm cho tất cả mối quan hệ hàng đầu của chúng ta là những chọn lựa tự do. Bởi vậy, trong hôn nhân, chúng ta rời bỏ gia đình để nỗ lực xây dựng một gia đình hạt nhân riêng. Chúng ta tìm kiếm đời sống riêng tư, với một căn nhà riêng, xe riêng, văn phòng riêng, hơn nữa, chúng ta lại không bằng lòng như thế, chúng ta còn muốn căn nhà phải có phòng riêng, điện thoại riêng, truyền hình riêng, và nhiều thứ khác riêng. Khi chúng ta có những thứ này, và một cách có hệ thống, nó tuần tự cắt bỏ các mối quan hệ tương quan lẫn nhau của chúng ta, rồi chúng ta tự hỏi tại sao mình cô đơn. Chúng ta sống trong các thành phố lớn, giữa hàng triệu người và chúng ta liên hệ, liên hệ thật sự, với rất ít người, đặc biệt là trong nhiều lĩnh vực đời sống, chúng ta không còn cần đến nhu cầu chia sẻ với người khác nữa. Với lòng hăng hái chính đáng, chúng ta tìm kiếm riêng tư và tự do và thường thường, việc tìm kiếm này làm cho chúng ta ngày càng cô đơn sâu đậm hơn.

Cảm nhận về cô đơn được đẩy cao hơn bởi điều thường được gọi là “cú sốc tương lai”, một điều được nhà văn Alvin Toffler phân tích cách ý vị. Mặc dù luận điểm của ông không trực tiếp nhắm đến vấn đề cô đơn, nhưng ông đã nói rất đúng. Theo Toffler, khi tương lai thâm nhập vào hiện tại, chúng ta cảm nghiệm con người, nơi chốn, đối tượng, tổ chức và tri thức băng qua đời sống chúng ta trong một lối nhanh vội hơn. Trước đây, việc liên hệ với một tập thể cố định (gia đình và bạn bè), một địa lý không đổi (thường là nơi chúng ta sinh ra), các tổ chức không đổi (nhà thờ và câu lạc bộ xã hội), và tri thức không đổi (những điều học ở trường phổ thông và đại học phần lớn vẫn còn đúng) là một chuyện bình thường, có lẽ nó là toàn bộ đời sống chúng ta. Giờ đây với bước tiến nhanh của cuộc sống, với kỹ nghệ và tri thức bùng nổ chung quanh chúng ta, và với sự biến đổi liên tục, chúng ta thấy ra chúng ta liên hệ với một ít điều, một ít người trong một thời gian chẳng lâu bao nhiêu. Họ đến hôm nay và ra đi ngay ngày mai! Kết quả là làm tăng thêm cô đơn.

Toffler so sánh khéo léo điều này với điều xảy ra trong hiện tượng cú sốc văn hóa. Ví dụ như, nếu có ai đến tách chúng ta ra và đưa chúng ta đến một vùng đất mới lạ hoàn toàn, giữa những con người lạ lẫm, một ngôn ngữ mới lạ, một quy tắc xử thế khác biệt, và toàn bộ lối sống khác biệt tận căn, chúng ta hẳn sẽ chịu “cú sốc văn hóa”, một phần của nỗi đau sẽ là cảm giác cô đơn sâu đậm, của việc bị tách rời khỏi cội rễ chúng ta. Cú sốc tương lai cũng là một điều vô cùng tương tự. Khi ngày càng nhiều người đi qua đời chúng ta, và khi chúng ta dọn từ nơi này qua nơi khác, gốc rễ của chúng ta cứ bị bứng đi hoài, rời bỏ nhà cửa, xe cộ, tình thân trong cộng đồng (thậm chí có thể là cả người phối ngẫu và các tương giao), thì chẳng có gì ngạc nhiên khi chúng ta cảm thấy cô đơn hơn.

Cuối cùng, đi kèm với tất cả những điều này là tác động của truyền thông hiện đại, đặc biệt là quảng cáo. Cũng như cú sốc tương lai, việc phá vỡ gia đình nhiều thế hệ, việc biến động liên tục, và những yếu tố khác làm tăng thêm sự cô đơn của ta, truyền thông hiện đại và quảng cáo thổi bùng lên ngọn lửa cô đơn, và thường đưa chúng ta đến một miệng núi lửa. Các kênh truyền hình, tạp chí, phim đĩa xem tại nhà, và nhiều kiểu quảng bá loan ra các ý niệm về tình yêu và tính mật thiết, về tự do và cộng đồng, về tiếng cười và sự hiện diện, những điều mà những người khác đạt tới!

Trên màn hình và tạp chí liên tục có những nhân vật dường như bộc phá được bí ẩn của cô đơn và đã đạt được những điều mà tâm hồn chúng ta mong muốn nhưng chẳng bao giờ có được. Và rồi chúng ta bỏ nhiều thì giờ để ngồi xem và ghen tỵ với cuộc sống hào hứng, thú vị, hài hước, thân mật của họ với người khác, và tất nhiên là ghen tỵ với cơ thể rám nắng đẹp đẽ, tự do và nguồn tiền không bao giờ cạn của họ! Nhìn xem người khác có được tình yêu và thân mật, dù chỉ qua phim ảnh, không thể giúp giảm bớt mà thậm chí còn thổi bùng lên ngọn lửa trong quả tim thiêu đốt đau đớn của chúng ta. Đời sống riêng của chúng ta đầy dẫy những chuyện vụn vặt và những yếu đuối nhỏ bé, những chuyện làm nên phần nào cuộc sống hiện thực, nó dường như không bao giờ có tầm vóc gì với các đời sống chúng ta thấy trên phim ảnh và truyền hình. Chúng ta như đang sống “qua tấm kính, tối tăm”; còn họ thì không. Vì thế cảm giác về nản lòng, thiếu thốn và cô đơn của chúng ta càng tăng cao.

Tôi nhớ lại thời tôi mười mấy tuổi, khi xem quảng cáo của các hãng Pepsi, Coke, và Seven-Up trên truyền hình, các người trẻ luôn luôn là những người xinh đẹp, có làn da đẹp, miệng luôn tươi cười, hào hứng chào đón sự sống, rảo bước với khuôn mặt đương đầu với gió, trong cánh rừng xanh ngát dịu dàng, tay trong tay, ôm lấy nhau không chút ngại ngần, rõ ràng nơi mỗi người, đời sống của họ có sự thanh thản. Một quảng cáo như thế đối với tôi, luôn là một tấm gương, một tấm gương đau lòng cho tôi thấy chính mình, mặt đầy mụn và thiếu tự do, thiếu hứng thú, say mê, không có một ý thức hân hoan, tôi ngập ngừng và do dự trong các quan hệ, vẫn thường chẳng có ai để cùng tay trong tay, không thanh thản, ngược lại chạy đua trong kiếm tìm, tôi, một thiếu niên cô đơn, và thời gian của tôi là thời gian kéo lê đôi chân một mình, trong một cảm giác cô đơn và thiếu thốn thiêu đốt trong người.

Truyền thông hiện đại và quảng cáo, cũng thường như vậy, đẩy cho chúng ta có cảm giác rằng sự bí ẩn của cô đơn có thể bị xuyên thấu; những người khác đã làm được và họ không còn cô đơn như mình. Chúng ta ở trong số ít người đã lỡ mất đời sống này. Điều này đóng một vai trò không nhỏ trong việc hằn sâu nỗi đau cô đơn của chúng ta.

Con người luôn cô đơn. Nỗi cô đơn xuất phát từ cấu trúc căn bản của chúng ta, với tư cách là những hữu thể nhân tính. Tuy nhiên, vì những yếu tố vừa được nêu trên, tâm trạng cô đơn ngày nay của chúng ta dường như đang bị hằn sâu hơn, mở rộng hơn, và nhanh mạnh hơn, dần dần đi đến đỉnh cao, đe dọa sẽ vỡ tan ra một ngày nào đó. Tai ương đó không còn xa nữa. Xã hội của chúng ta dường như đang hướng đến một cuộc khủng hoảng tâm lý, cơn đau đầu tiên dường như đã đến trong chúng ta, và nỗi thống khổ tận cùng sẽ là một chấn động đối với những cột trụ của tâm trí chúng ta và thậm chí cả nền văn minh của chúng ta.

J.B. Thái Hòa dịch

Xin đọc thêm: Lời nói đầu sách Quả tim thao thức 

Đặt vấn đề về cô đơn 

Khuôn mặt giấu kín của cô đơn