Các thách thức của cuộc họp thứ 3 giữa Đức Phanxicô và Vladimir Putin

707

Các thách thức của cuộc họp thứ 3 giữa Đức Phanxicô và Vladimir Putin

Đức Phanxicô và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong lần gặp ngày 11 tháng 6 năm 2015

cath.ch, 2019-07-03

Vào đầu chiều thứ năm 4 tháng 7-2019, Đức Phanxicô sẽ tiếp Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin. Trong cuộc họp này, tình hình quốc tế sẽ được thảo luận rộng rãi với mối quan tâm đặc biệt dành cho kitô hữu Đông phương.

Vladimir Putin, người theo đạo chính thống, đứng đầu một quốc gia chưa từng có giáo hoàng nào đến thăm, là một trong các nguyên thủ quốc gia đã đến thăm giáo hoàng Achentina nhiều nhất, vì ngày 4 tháng 7 sẽ là chuyến thăm thứ ba của ông tại Vatican. Một đặc điểm của tổng thống Nga: ông trễ hẹn. Năm 2013, ông để Đức Phanxicô chờ 30 phút, và năm 2015 ngài chờ gần một giờ. 

Vấn đề cấp bách ở Trung Đông

Gần bốn năm sau cuộc gặp gỡ cuối cùng này, hai vị nguyên thủ Quốc gia sẽ thảo luận các chủ đề mà họ đã thảo luận. Bắt đầu với số phận của các tín hữu kitô Đông phương – đặc biệt là ở Syria, nơi có sự hiện diện quân sự của Nga. Đức Tổng Giám mục Paolo Pezzi, Tổng Giám mục Maxcơva nói với hãng tin SIR: “Đây là một trong các chủ đề Đức Phanxicô quan tâm nhiều nhất trong cuộc gặp này.” Ngài nói thêm với hãng tin Vatican News: “Nga là một quốc gia quan trọng cho hòa bình.”

Trên thực tế, “tình hình nghiêm trọng” ở Syria đã được Đức Phanxicô nêu lên năm 2013 với yêu cầu “quan tâm đặc biệt cho hòa bình”. Hai năm sau, yêu cầu này được Đức Phanxicô thúc bách hơn, ngài nhấn mạnh đến “sự khẩn cấp tìm kiếm hòa bình” cho khu vực này của thế giới. Trong cuộc họp lần thứ hai này, ngài chủ yếu nói về Trung Đông.

Đối thoại giữa người công giáo và người chính thống Nga

Ucraina là hiện trường các xung đột của Nga cũng sẽ ở trong chương trình nghị sự. Đặc biệt vì buổi tiếp kiến này sẽ diễn ra vào ngày hôm trước hai ngày gặp gỡ của Đức Phanxicô với  các nhà lãnh đạo của Giáo hội Công giáo Hy Lạp Ucraina.

Các chủ đề cũng đã được thảo luận trong năm 2013 và 2015. Trước buổi gặp thứ hai này, Đức ông Sviatoslav Schevchuk, người đứng đầu Giáo hội Công giáo Đông phương đã viết thư cho Đức Phanxicô xin ngài “là tiếng nói của người dân Ucraina (…) như người cha bảo vệ con mình”. Đứng trước Vladimir Putin, người kế vị Thánh Phêrô đã xin ông “chân thành và chủ yếu cố gắng để đạt được hòa bình”.

Mặc dù Nga là một Quốc gia chính thức thế tục, cuộc gặp của Tổng thống Putin với Giáo hoàng là một phần trong việc xích lại gần nhau giữa người công giáo và người chính thống Nga. Đây là những gì Vladimir Putin ngụ ý trong lời chúc đầu năm 2018 của mình với Đức Phanxicô, ông hy vọng Rôma và Maxcơva sẽ tiếp tục hợp tác với nhau để có một “đối thoại giữa các nền văn minh và tôn giáo.” 

Một lời mời sẽ có?

Nếu giáo hoàng Achentina rất gắn bó với mối liên hệ này với Thượng phụ Matxcơva và chú ý để không can thiệp vào công việc nội bộ của Chính thống giáo, nhưng tình trạng này luôn tạo căng thẳng. Giáo hội Chính thống Nga thực sự đã nổi dậy chống lại Thượng phụ Đại kết Báctôlômêô kể từ khi Thượng phụ quyết định trao quyền tự trị cho Giáo hội Chính thống Ucraina. Tuy nhiên, gần đây Đức Phanxicô đã có một cử chỉ hữu nghị rất mạnh với Thượng phụ Constantinople, ngài tặng thánh tích quý báu của Thánh Phêrô. Còn hơn nữa, ngài chấp nhận việc Giáo hội Hy Lạp-công giáo Ucraina xin nâng lên hàng chế độ phụ quyền, điều này được xem như một chạm trán với chế độ phụ quyền chính thống của Maxcơva.

Hồng y Kurt Koch và phái đoàn Tòa Thượng phụ Constantinoble nhận thánh tích Thánh Phêrô ngày thứ bảy 29 tháng 6 tại Vatican, lễ Thánh Phêrô – Phaolô.

Cuối cùng, chuyến thăm này của Tổng thống Nga có phải là cơ hội để đưa ra lời mời đầu tiên cho Đức Phanxicô đến Nga không? Theo Tổng Giám mục Pezzi, một cử chỉ như vậy sẽ rất “đáng mong đợi” nhưng gần như ngài không tin điều này. Về phần mình, người phát ngôn của tổng thống Nga không thể xác nhận hay phủ nhận liệu lời mời như vậy có nằm trong chương trình nghị sự hay không.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Ở Nga, 80% tín hữu nhận mình là chính thống giáo nhưng chỉ có 3% giữ đạo  

Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ hội kiến với Đức Phanxicô lần thứ ba