aleteia.org, Elisabeth de Baudoüin, 2015-09-05
Bước ra ánh sáng, 5000 thành viên của Phong trào “Các liên gia truyền giáo của giáo xứ”, khí cụ rao giảng Phúc Âm quý báu của Giáo hội, gặp Đức Phanxicô hôm nay ở Đại Thính Đường Phaolô VI.
“Giáo hội tồn tại là để rao giảng Phúc Âm.” Chân phước Phaolô VI đã nói câu trên trong Tông huấn Phải Loan báo Tin Mừng (Evangelii Nutiandi, 8 tháng 12-1975) và linh mục Piergiorgio Perini, gọi thân mật là cha Pigi, đã xem trọng câu này nên cha đã thành lập các liên gia truyền giáo của giáo xứ: từng nhóm huynh đệ giáo dân nhỏ được xây dựng trên lời cầu nguyện (đặc biệt thờ phượng Thánh Thể), phục vụ (dưới nhiều hình thức) và một buổi họp hàng tuần; một bộ ba sinh hoạt này giúp cho mỗi thành viên đào sâu đức tin của mình và làm chứng cho những người ở gần mình. Mục đích: giúp những ai còn ở xa giáo xứ tìm con đường trở về giáo dân, đơn vị căn bản của Giáo hội mà giáo dân có khuynh hướng lãng quên từ hàng chục năm nay.
Một chuyến đi quyết định ở Florida
Là cha xứ ở địa phận Milan được nhiều người công giáo Ý biết đến, cha Pigi cảm hứng từ một phương pháp rao giảng Phúc Âm của Giáo hội Tin Lành của mục sư Paul Yonggi Cho ở Seoul, Nam Hàn; phương pháp này được linh mục Ai-len Michael Eivers áp dụng ở một giáo xứ Florida. Trong một chuyến đi Mỹ, linh mục Pigiride như bị “sét đánh” và được “Phúc Âm hóa,” cha thành lập các liên gia truyền giáo rao giảng Phúc Âm trong họ đạo của mình ở Milan năm 1988.
Hàng ngàn liên gia truyền giáo rao giảng Phúc Âm trên khắp thế giới
Thoát thai từ Phúc Âm và kinh nghiệm của những cộng đoàn Kitô đầu tiên, khái niệm này bắn trúng hồng tâm, nhanh chóng phát triển ở Ý và lan rộng ra các nơi khác. Ngày nay, hàng ngàn giáo dân công giáo trên khắp thế giới là thành viên của “Các liên gia truyền giáo của giáo xứ”. Ở Pháp, nhóm đầu tiên ra đời năm 1994 ở Sanary-sur-Mer (Var) và sau đó lan qua các giáo xứ khác. Bây giờ có 250 nhóm ở trên 50 giáo xứ ở Pháp. Mỗi năm có một buổi hội thảo ở Âu Châu để báo cáo sinh hoạt và để thăng tiến.
Giáo hội công nhận
Rất quý báu nếu không muốn nói là rất mạnh, là khí cụ rao giảng Phúc Âm tích cực, các nhóm nhỏ này được Vatican chính thức công nhận (Hội đồng giáo hoàng của giáo dân). Lần công nhận đầu tiên “ad experimentum” trước đây là vào ngày 29 tháng 5-2009. Nhưng từ đầu, cha Pigi đã được Đức hồng y Carlo Maria Martini, địa phận Milan khuyến khích: “Đây là khởi đầu một cái gì sẽ là khuôn mẫu cho Giáo hội”.
Một Kitô hữu không rao giảng Phúc Âm là một Kitô hữu nghỉ hưu”
Linh mục Pigi luôn xác quyết giáo dân có một vai trò trọng tâm trong việc rao giảng Phúc Âm và đây không phải là một lựa chọn. Vị chủ chăn theo phong cách Bergoglio đi trước thời, đã phát biểu những chữ nghe như từ các bài giảng ở Nhà nguyện Thánh Mácta: “Một Kitô hữu không rao giảng Phúc Âm là một Kitô hữu nghỉ hưu, họ không làm thêm việc mình phải làm trong cuộc đời. Để hoàn thành nhiệm vụ này, đã có các bí tích tiên khởi của Kitô giáo và các ơn của Chúa Thánh Thần. Bạn không cần có tiến sĩ thần học! (…) Bạn đã rửa tội chưa? Có. Bạn đã nhận phép thêm sức chưa? Có. Vậy thì bạn phải ý thức về phép rửa tội và phép thêm sức của mình. Bạn phải là người rao giảng Phúc Âm. Nếu bạn không làm bổn phận này, bạn không phải là Kitô hữu. Bạn là Kitô hữu vì tên bạn có ghi vào sổ rửa tội, nhưng bạn không phải là Kitô hữu theo giáo huấn của Giáo hội và Chúa Giêsu Kitô”.
Đức Phanxicô tiếp 5000 thành viên “Các liên gia truyền giáo của giáo xứ”
Tác giả của Tông huấn Phải Loan báo Tin Mừng (Evangelii Nuntiandi), tông huấn chỉ đạo cho triều giáo hoàng của mình, đã tha thiết và hỗ trợ chương trình này của Giáo hội. Ngày nay chương trình này đã được vinh danh. Ngày 5 tháng 9, Đức Phanxicô sẽ tiếp 5000 thành viên của nhóm giáo khu nhỏ rao giảng Phúc Âm ở Đại Thính Đường Phaolô VI. Họ từ khắp nơi trên thế giới về họp ở Rôma. Chủ đề của đại hội: “Niềm vui Phúc Âm là niềm vui sứ mệnh”.
Marta An Nguyễn chuyển dịch