lefigaro.fr, Vincent Tremolet de Villers, 2019-04-18
Trước khi Ông Homais (1) lên tiếng, chúng ta hãy thoát ra khỏi các hiểu lầm. Trước vụ cháy, không ai nghĩ rằng Nhà thờ Đức Bà luôn là ngôi nhà thờ của thế kỷ 13. Thánh Lu-i chưa bao giờ ngắm được tượng La Pietà của Nicolas Coustou, Bossuet cũng không biết các máng xối của chúng ta và trước khi là hoàng đế Napoléon, Bonaparte cũng chưa nghiêng mình trước cây thánh giá bằng vàng do Đức Hồng y Lustiger thiết đặt. Các thế kỷ phai màu đã phá hủy các bức tượng, đã nâng các vòm lên, đã móc lên rồi kéo xuống các tấm thảm. Kiến trúc sư Viollet-le-Duc (1814-1879), người có lẽ không tin vào Chúa hay Quỷ, khi khôi phục nhà thờ đã đã cực kỳ tỉ mỉ chăm sóc, ông có một hiểu biết sâu đậm về nơi chốn, về cấu trúc, về tâm hồn của ngôi nhà thờ. Với một sự cẩn thận vô cùng mà người thừa kế xa xuôi của những người xây dựng đầu tiên đã phóng một mũi tên hướng lên cao đến tận trời.
Hôm nay Thủ tướng Pháp Édouard Philippe nói đến một “nóc tháp mới thích ứng với kỹ thuật và thách thức của thời đại chúng ta”, Tổng thống Emmanuel Macron thì nói đến một “hành vi của kiến trúc đương đại”. Chúng ta hãy nghe kiến trúc sư Viollet-le-Duc nói: “Người nghệ sĩ phải hoàn toàn mờ nhạt. (…) Đây không phải là làm nghệ thuật, nhưng chỉ là tuần phục vào nghệ thuật của một thời không còn nữa.” Ông báo trước: “Một sự phục hồi có thể thảm họa cho di tích hơn là sự tàn phá của nhiều thế kỷ và sự nổi giận của dân chúng, vì thời gian và các cuộc cách mạng phá hủy chứ không thêm gì”.
Nhà thờ Đức Bà Paris không thuộc về chúng ta. Sau khi đã không thể nào gìn giữ nó, chúng ta lại có thể cho rằng mình “sẽ xây đẹp hơn trước sao”? Ai có thể nghĩ mình sẽ cải thiện được gì thêm cho kim tự tháp, “làm đẹp hơn” điện Panthéon, làm phong phú thêm hí trường Colisée hay nhà nguyện Sixtine bằng một “hành vi đương đại? Và các sản phẩm của thời đại chúng ta có đẹp đến mức cho phép chúng ta thương hại các di tích trong quá khứ của mình không? Các tuyệt tác dạy chúng ta bài học khiêm nhường.
Nhà văn Saint-Exupéry nài nỉ: “Tôi cần nóc tháp của nhà thờ chính tòa.” Không một cuộc thi kiến trúc nào lo lắng cho việc ghi tên cá nhân mình vào công trình của những người thợ đẻo đá vô danh đã làm trong hàng thế kỷ, mà họ không thể nào tận mắt thấy nó khi xong việc.
Lại làm sao có thể khẳng định xây lại “đẹp hơn trước”?
(1) Homais là nhân vật hư cấu trong tiểu thuyết Madame Bovary của văn hào Pháp Gustave Flaubert
Marta An Nguyễn dịch
Xin đọc thêm: Khi lò lửa rực cháy làm bừng lên ký ức