Đức Tổng Giám mục Michel Aupetit: “Chúa muốn nói gì với chúng ta qua thử thách này?”

375

Đức Tổng Giám mục Michel Aupetit: “Chúa muốn nói gì với chúng ta qua thử thách này?”

lefigaro.fr, Jean-Marie Guénois, 2019-04-16 

Đức Tổng Giám mục giáo phận Paris nhận thấy đây là lời kêu gọi “hoán cải” tâm hồn trong vụ Nhà thờ Đức Bà bị cháy.

Đức Tổng Giám mục Michel Aupetit có cuộc phỏng vấn dài với báo Le Figaro ngay trước khi có vụ cháy Nhà thờ Đức Bà. Ngày thứ ba 16 tháng 4, ngài bổ túc thêm.

Le Figaro: Nhà thờ Đức Bà Paris là nhà thờ chính tòa của cha đã bị phá hủy một phần: cha đã mất gì vào tối thứ hai hôm đó?

Đức Tổng Giám mục Michel Aupetit: Dấu hiệu thiêng liêng của vụ cháy nhà thờ mẹ chúng tôi vào đúng ngày Thứ hai Tuần Thánh, khi tín hữu kitô bước vào Tuần Thương Khó và sự Sống Lại của Chúa Kitô là một nỗi đau vô bờ. Chúa muốn nói gì với chúng ta qua thử thách này? Ở đây chúng ta đang ở trong một cái chết phi lý, tiến đến huyền nhiệm của sự sống lại. Hy vọng của chúng ta sẽ không bao giờ làm chúng ta thất vọng, vì hy vọng này không phải được xây trên các toà nhà bằng đá, mà chúng luôn phải được xây lại, hy vọng của chúng ta được xây trên Đấng Sống Lại, Đấng vẫn ngự trị mãi mãi. Chúng tôi mất cái đẹp của bên ngoài, nhưng chúng tôi không mất viên ngọc quý bên trong: Đức Kitô hiện diện trong Lời, trong Nhiệm Thể của Ngài, Đấng hy sinh cho chúng tôi. 

Cha có lạc quan về việc tái xây dựng lại, về hỗ trợ tài chánh không?

Sự hủy hoại nhà thờ đã tạo một nhiệt huyết cầu nguyện và lòng rộng lượng của toàn thế giới đã làm cho tôi rất xúc động. Nhưng con đường còn dài. 

Nước Pháp, dù là người tin hay không tin, nhưng tối thứ hai toàn nước Pháp đều rúng động: Nhà thờ Đức Bà Paris là biểu tượng gì của họ?

Qua lịch sử của nó, Nhà thờ Đức Bà là tâm hồn của nước Pháp. Nó là dấu hiệu đức tin của dân tộc Pháp, dù dân tộc có quên, nhưng như Lacordaire (1802-1861) nói với Đức Mẹ, nước Pháp là “người con cả của Giáo hội”.

Giáo hội đang đi qua một cuộc khủng hoảng chưa từng có. Con tàu của nó đang bị cháy: có phải đây là một dấu hiệu thiêng liêng?

Ngoài việc xây dựng lại các hòn đá, Giáo hội còn phải xây dựng lại hoàn toàn bằng việc hoán cải quả tim. Chúa đã nói với Thánh Phanxicô Assisi: “Hãy di và xây dựng lại Giáo hội của Ta đang bị sụp đổ”.

Nhà nước kết thúc một cuộc thảo luận lớn, Giáo hội công giáo có mở một cuộc thảo luận cho mình không?

Giáo hội mở cuộc thảo luận ở cấp độ các người có trách nhiệm khi họ có ý thức về thực tế và về tầm nghiêm trọng của các sự kiện. Ngày nay, chính giáo dân dấn thân vào cuộc thảo luận này. Có một mối xáo trộn sâu xa nơi người công giáo, nhưng không phải họ khước bỏ các linh mục, vì tất cả đang kết hợp với nhau chung quanh một hy vọng chung, dù cho họ phải mang một nỗi đau rất lớn. Nhưng các tín hữu muốn nói lên và đó là điều họ đang làm hiện nay trong các giáo xứ. Như vậy là điều tốt. Họ cần nói lên những gì cuộc khủng hoảng này đã gây ra cho họ và chúng tôi phải giúp họ trong chiều hướng này. 

Đó là cuộc khủng hoảng ấu dâm hay khủng hoảng lòng tin nơi người tín hữu?

Cuộc khủng hoảng hiện nay buộc chúng tôi phải nhìn chúng tôi đến từ đâu chứ không phải chúng tôi hoạt động như thế nào. Các câu hỏi đơn giản nhưng đáng gờm: thế nào là một Giáo hội? Chúa Kitô muốn cho Giáo hội của Ngài điều gì? chúng ta có thật là tín hữu của Chúa Kitô không? Giáo hội không mất tất cả. Tôi thấy tình yêu đích thực của Chúa khắp nơi. Chúa Kitô luôn làm kinh ngạc. Như tên của họ cho thấy, tín hữu là người trung thành với Tin Mừng, với Giáo hội ở mọi nơi có đau khổ. Nhưng một cái gì đó đã không hoạt động… 

Các giáo sĩ?

Chúng tôi mang trách nhiệm. Linh mục cống hiến đời sống của mình để Chúa Kitô được biết và được yêu thương. Và như thế là họ làm điều tốt. Khi một linh mục làm điều xấu thì thật khủng khiếp. Làm sao một người cống hiến đời mình lại làm các hành vi tồi tệ như thế? Ấu dâm là một tội ác. Nhưng còn có các trường hợp lạm dụng quyền lực. Chẳng hạn khi linh mục xâm phạm trong khi tháp tùng thiêng liêng, thay vì giáo dục để người đó có tự do. Đó là vi phạm đến con người của chúng ta hay con người chúng ta phải là. Chúng tôi đã có biện pháp với thảm kịch này, nhưng chúng tôi còn phải tiếp tục chiến đấu với các vụ lạm dụng, ngay từ khi ở chủng viện.

Đôi khi các giáo sĩ cho cảm tưởng họ vô cảm với các nạn nhân thay vì bảo vệ…

Tôi không nói đến vô cảm, nhưng nói đến mù quáng. “Vô cảm” có nghĩa là không có tâm hồn, nhưng đây không phải vậy, điều may mắn không phải là trường hợp của đa số các linh mục. Sự việc là nhiều người từ chối nhìn thực tế.

Sự khép kín thường đi theo sự mù quáng: họ tự cho là không thể được, cho rằng điều này không thể xảy ra… Khi đó chúng ta ở trong sự lầm lạc không chối cãi được. Vì thế ngày nay chúng ta phải hỏi đâu là chỗ chúng ta dành cho giáo dân. Các giáo sĩ không có ý xấu, nhưng khi họ chỉ ở một mình, họ không thấy gì hết. Vì thế chúng ta phải có những cái nhìn khác, những người nói với chúng ta: “Như vậy là không được.” chính vì vậy mà tôi đề cử một phụ nữ vào Hội đồng Chủng viện. Tôi muốn có các gia đình trong hội đồng này…. Tôi cũng xin có một tâm lý gia vào Hội đồng bổ nhiệm các linh mục ở Paris để giúp chúng tôi phân định. Chúng tôi cũng phải đặt lại một số thứ trật trong cơ chế của mình. Trước hết chúng tôi không phải chỉ là những người “hoạt động”. Chúng tôi phục vụ cho Ơn sủng và điều cấp bách là chúng tôi phải đi ra khỏi tình trạng chức năng để vào trong tinh thần nhưng không, và dành thì giờ khi lễ xong ra chào giáo dân, như tôi vẫn thường làm. Họ cần và tôi cũng cần. Nếu tôi không biết “mất thì giờ”, thì tôi không thể nào theo Chúa Kitô.

Liên quan đến cuộc khủng hoảng nội bộ, một số người cho rằng phải “sửa chữa Giáo hội”…

Tôi sẽ không nói như vậy! Giáo hội có cần được sửa chữa không? Giáo hội luôn có những chuyện cần phải cải thiện, nhưng tôi sẽ đặt hai câu hỏi sau: vì sao chúng ta dâng hiến đời mình cho Chúa Kitô? Và tín hữu kitô, chúng ta là ai? 

Nhưng Giáo hội cũng phải chiến đấu cho uy tín của mình?

Không! Chúng ta phải chiến đấu cho uy tín của Tin Mừng và cho sứ điệp của Chúa Kitô, Đấng mà nếu chúng ta muốn đi theo, chúng ta phải hoán cải không ngừng. Không phải Giáo hội phải có uy tín, nhưng sứ điệp của Chúa Kitô phải có uy tín nếu chúng ta thật sự sống với sứ điệp này. 

Một linh mục ấu dâm luôn là quá. Nhưng đại đa số các linh mục phải trả giá cho những tội ác mà họ không bao giờ phạm. Cha nói gì với họ?

Tôi cố gắng sống tình anh em với các linh mục cũng như với giáo dân để gần với họ, những người hoàn toàn tận hiến và làm điều tốt. Tôi làm tất cả để khuyến khích họ. Một số bị cho là ấu dâm. Tôi đã tiếp xúc! Tất cả những chuyện này đã làm tổn thương đến các linh mục. Thật đau đớn trong khi họ quảng đại cống hiến đời mình cho người khác. Nhưng khi một chi thể bị đau thì toàn cơ thể bị nhiễm. Áp-xe không chữa bằng trụ sinh, phải lấy dao rạch nó ra. Không mở áp-xe ra đúng lúc, toàn cơ thể sẽ bị nhiễm trùng. Như vậy phải thấy sự việc trước mặt và phải ước lượng tầm mức nghiêm trọng của nó. Tha thứ chỉ có thể có được khi chúng ta nhìn vào sự thật của điều xấu chúng ta làm và chúng ta công khai công nhận nó.

Cha bị chấn động bởi vụ hỏa hoạn nhưng cha không cho cảm tưởng mình bị đè bẹp vì vụ cháy này…

Hy vọng là mạnh nhất… Tôi săn sóc người bệnh sắp chết nhưng không để mình bị xuống tinh thần! Tôi không nói tình trạng Giáo hội không nặng, nhưng đúng là mình phải phản ứng.

Giáo hội sẽ có thể cho phép phong chức cho các ông đã lập gia đình ở một độ tuổi chính chắn, như vậy sẽ gián tiếp đặt lại vấn đề độc thân…

Nên lưu ý đây là việc mở ra ở một số vùng nếu giáo hoàng quyết định. Sống độc thân đến từ một lời của Chúa Kitô. Đây không phải là độc thân cho chính mình. Đây là độc thân vì Nước Trời, một ơn cho thấy mình tận hiến hoàn toàn cho Chúa Kitô và cho Giáo hội. Tôi còn muốn đi xa hơn. Để là linh mục và để bỏ tất cả để đi theo Chúa Kitô, chúng ta có thể có ước muốn lập gia đình! Chúng ta phải chắc chắn, rằng một chủng sinh này sẽ là một người chồng tốt, người cha tuyệt vời. Nếu đó là một sự chạy trốn hay tệ hơn, nếu đó là một sự đồi trụy, thì đây là một sai lầm khủng khiếp. Sống độc thân đi đôi với hôn nhân, vì đó là thể hiện một cái gì mà Chúa Kitô đã hoàn toàn hiến thân cho Giáo hội của Ngài. Hiện nay về vấn đề “các ông đã lập gia đình ở một độ tuổi chính chắn có đức tin và đức hạnh tốt” (viri probati) không phải là chuyện lần đầu. Tôi cũng chịu trách nhiệm với các kitô hữu Đông phương. Trong số họ có một số người lập gia đình. 

Như thế có đặt vấn đề cho cha không?

Cá nhân tôi thì không. Khi Chúa gọi tôi, lúc đó tôi đã nghĩ đến việc đính hôn… Vì vậy tôi phải chiến đấu. Nhưng một khi tôi chọn độc thân cho Nước Trời thì tôi hiểu ý nghĩa này. Sống độc thân cho Nước Trời là dấu hiệu của một tình yêu đại chúng. Phải cần một độ trưởng thành lớn về mặt nhân bản mới vào được trong bí ẩn của ơn tận hiến này. Một số người sống rất khó khăn tình trạng này. Chúng ta tận hiến cùng một cách như khi mình tận hiến cho gia đình.

Các ơn gọi không còn, như thế phải làm gì?

Đúng vậy, bây giờ chúng tôi không còn nhiều ơn gọi. Nhưng tôi gặp nhiều người trẻ, họ cho tôi biết ho cảm nhận có một tiếng gọi. Vì thế tôi có mời các người trẻ này đến để cùng trao đổi về chức thánh, một số bạn đã đến! Họ đặt các câu hỏi với tôi. Như thế Chúa luôn gọi. Như thế chúng tôi phải xem làm thế nào để chủng viện là nơi để các bạn trẻ này học để đáp trả một cách tự do lời kêu gọi của Chúa Kitô để phục vụ, chứ không phải để được phục vụ. Chính đó là nơi thật sự của họ. Chúng tôi phải học để làm việc với giáo dân, vì sứ vụ của linh mục không nhất thiết là quyền lực của quyết định. 

Đâu là ưu tiên của cha cho các tín hữu?

Tôi cảm thấy một nỗi đau hiện sinh nơi người dân. Rất nhiều người đến xin tôi cầu nguyện cho họ. Những người này họ chờ một cái gì ở Giáo hội. Ngày 11 tháng 5 sắp tới, có thể sẽ có một buổi cầu nguyện về giải thoát và chữa lành ở nhà thờ Saint-Sulpice để tiếp nhận tất cả mọi hình thức đau khổ. Chúa Kitô sẽ là trọng tâm của buổi này trong sự hiện diện của Ngài trong Phép Thánh Thể, vì chính Ngài là Đấng cứu và chữa lành. 

Cha có lên diễn đàn để chống lại các quy luật của đạo đức sinh học không?

Nhân phẩm con người đang bị đe dọa. Đó có phải là hình học biến thiên, do một bên thứ ba quyết định theo tình trạng sức khỏe hay theo hệ tại của con người dù họ mong manh như thế nào không? Câu trả lời cho câu hỏi này sẽ có một tác động lớn. Tôi sẽ lên diễn đàn để thuyết phục. Tổng Giám mục giáo phận Paris không làm luật. Giám mục có nhiệm vụ khai sáng lương tâm và trí tuệ. Đây là công việc dựa trên lý trí, chứ không dựa trên khẩu hiệu. Tôi sẽ không bao giờ để mình mệt mỏi để nói những gì tôi thấy đúng cho nhân loại khi chúng ta đối diện với tương lai mà chúng ta tạo ra cho nó.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Xin đọc thêm: Trong đống tro tàn của Nhà thờ Đức Bà, một Tổng Giám mục đã ra đời

Đức Tổng Giám mục Michel Aupetit: “Cho Nhà thờ Đức Bà là cho cả trái tim của mình”

Trợ sinh nhờ y khoa, mang thai mướn, giai đoạn cuối đời… Đức Giám mục Aupetit huy động người công giáo