Đến với Chúa thì tốt hơn là ngồi buồn bã

544

Đến với Chúa thì tốt hơn là ngồi buồn bã

 

Trích sách Tập sống vượt lên nỗi sợ, Forgotten among the Lilies, Learning to Love Beyond Our Fears, Ronald Rolheiser

Sigmund Freud xem chứng rối loạn thần kinh chức năng là căn bệnh của những người bình thường và khẳng định ít nhiều mọi người đều mắc chứng bệnh này. Đúng, với điều kiện định nghĩa người mắc chứng này như Freud định nghĩa: người thấy mình đau nhiều hơn mức bình thường. Theo Freud, chứng rối loạn thần kinh chức năng là trạng thái bứt rứt hơn là một căn bệnh.

Theo Freud, trạng thái bứt rứt này do kìm nén bản năng tính dục. Theo khái niệm của ông, chúng ta là những sinh vật hữu tính, vô vọng và không thể nào chữa được tình trạng hữu tính này, chúng ta có một khả năng quá giới hạn để diễn tả tính dục, nên chúng ta buộc phải kìm nén phần lớn năng lượng dục tính của mình. Năng lượng bị kìm nén này, rốt cùng sẽ thống trị cuộc sống chúng ta một cách tiêu cực. Vì vậy, ai cũng sống trong trạng thái bứt rứt tận căn.

Chắc chắn có một vài sự thật trong chuyện này.

Gần đây, các tư tưởng gia Martin Heidegger và Ernesr Becker đều đồng ý rằng ai cũng bị chứng rối loạn thần kinh chức năng nhưng lý do căn bản của chứng này ít mang tính cách kìm nén dục tính cho bằng kìm nén vì sợ chết. Theo họ, chúng ta có cảm nhận sâu đậm về cái chết và, dù ý thức hay không ý thức, chúng ta đều kìm nén cảm nhận này. Cuối cùng là bị rối loạn thần kinh, làm chúng ta không vui sống vì sợ chết. Một lần nữa, có rất nhiều sự thật trong chuyện này.

Gần đây hơn, một số tâm lý gia và nhất là tiểu thuyết gia, cho rằng có một lý do khác giải thích tại sao chúng ta bị bứt rứt tận căn. Theo họ, nếu tính dục bị kìm nén, nếu sợ chết làm mất thăng bằng cuộc sống và tạo nên day dứt khôn nguôi, thì đó không phải là lý do vì vậy mà chúng ta không biết được bình an và bằng lòng. Họ cho rằng chứng rối loạn này có một lý do khác.

Nền văn hóa phương Tây nhấn mạnh đến tầm quan trọng và ý nghĩa của cá nhân, giảm thiểu tầm quan trọng của Thiên Chúa. Hai điểm, tầm quan trọng của đời sống cá nhân và sự thiếu vắng Thiên Chúa, không thể gặp nhau mà không tạo ra nỗi day dứt khôn nguôi trong nội tâm chúng ta.

Kết quả là tình trạng khó chịu tận căn khi, một bên là chân lý được Thiên Chúa mạc khải lại được dạy trong một thế giới độc lập với Thiên Chúa.

Điều gì sẽ xảy ra khi chúng ta được dạy là mỗi người đều có giá trị, chúng ta là những con người đặc biệt, được gọi đến thế gian này và để lại đây một dấu vết trường cửu… vậy mà chúng ta lại sống trong một thế giới không ai biết mình, không tên tuổi, bị đồng hóa, bị xét qua thành quả và không thể nào diễn tả một cách có ý nghĩa?

Điều gì sẽ xảy ra khi chúng ta được dạy cuộc sống chúng ta có ý nghĩa sâu đậm, nhân cách, ước mơ, nỗi đau, niềm vui, và tình yêu có tầm quan trọng vô cùng… và thế giới chúng ta đang sống lại không cho chúng ta cảm nhận này?

Điều gì sẽ xảy ra khi chúng ta nghi ngờ mọi tài năng của mình, với tất cả mọi chuyện tinh tế tạo nên một cuộc sống độc đáo… và chúng ta lại sống trong một thế giới chẳng hề quan tâm đến đời sống chúng ta và tỏ ra chán nản khi chúng ta bắt đầu kể về bản thân mình?

Điều gì sẽ xảy ra khi thế giới nói với chúng ta rằng các giấc mơ của chúng ta là đúng, chúng ta có một giá trị vô cùng, nhưng cũng chính thế giới này, vì không còn nương dựa vào Thiên Chúa, nên không thể làm cho chúng ta cảm nhận mình là đặc biệt?

Điều gì sẽ xảy ra? Đúng! chúng ta lo lắng, bứt rứt. Chúng ta trở nên những người bất mãn, tuyệt vọng sâu xa. Những niềm vui mà cuộc sống đem đến lại trở nên mờ nhạt và vô nghĩa vì chúng ta thấy chúng tầm thường, còn chúng ta chỉ là những người nhỏ bé, hạn hẹp, ít được biết đến, ít tiếng tăm và không được công nhận.

Cuối cùng rồi chúng ta bị thất vọng, cảm thấy bị kẹt trong đời sống gia đình, nó ngăn không cho chúng ta đến nơi muốn đến, gặp người muốn gặp. Gia đình và bạn bè không làm chúng ta vừa lòng, bởi vì họ cũng như chúng ta, tầm thường, nhỏ bé. Họ quá giống chúng ta, làm sao giúp chúng ta ra khỏi cơn day dứt. Chúng ta mơ tiếp xúc với những người nổi tiếng, giàu có, quyền lực, làm lãnh tụ, với những người có tầm quan trọng dưới mắt mọi người, những người nói ra được mọi người kính nễ.

Chúng ta bị ám ảnh với nhu cầu biểu đạt, thực hiện một cái gì đó độc đáo và lâu dài. Chúng ta sợ chết đi mà không lưu danh.

Cuộc sống thường ngày của chúng ta có vẻ tầm thường và tẻ nhạt, phần lớn chúng ta sống trong tình trạng chờ, chờ ai đó, cái gì đó, giây phút nào đó đến để tôn vinh tầm quan trọng và giá trị của chúng ta.

Thế giới của chúng ta dạy chúng ta là những người quý giá, quan trọng nhưng lại tước khỏi chúng ta điều duy nhất mang đến cho chúng ta sự quý giá và ý nghĩa, Thiên Chúa. Và đó là điều khơi lên cơn nhức nhối khôn tả.

Cảm nhận về tầm quan trọng của cuộc sống cá nhân và sự thiếu vắng ý nghĩa của Thiên Chúa không thể gặp nhau mà không tạo nên cơn day dứt và một tình trạng bứt rứt khôn nguôi.

Chỉ Thiên Chúa mới cho chúng ta cảm nhận về sự quý giá và ý nghĩa tối hậu của mình. Chỉ một đời sống bám rễ trong cầu nguyện, nơi chúng ta sống ẩn mình thỏa nguyện trong Đức Ki-tô và chấp nhận, ở mức độ này, nỗi đau của tình trạng không được biết đến, thì khi đó cơn nhức nhối và nỗi bất mãn mới ngưng ám ảnh chúng ta, và tình trạng bứt rứt mới xóa mờ để chúng ta có được thanh thản và bằng lòng. 

Nguyễn Kim An dịch

Xin đọc thêm:Ở nhà tối thứ sáu