Bạn mong chờ gì khi gặp Đức Phanxicô?

260

popeindc.cua.edu, Tchad Pecknold, 2015-07-15

Chúng ta chờ gì ở Đức Phanxicô khi ngài đến Mỹ tháng 9 này. Dù chúng ta mong chờ điều bất ngờ nơi Đức Phanxicô nhưng điều bất ngờ này không phải là không có câu trả lời.

Bạn mong chờ gì khi gặp Đức PhanxicôHiện nay chúng ta ai cũng biết ít nhiều về Thông điệp Chúc Tụng Chúa, thông điệp nói về «căn nhà chung của chúng ta.» Tôi nghĩ một vài chủ đề quan trọng mà chúng ta đã thấy khi ngài đến Nam Mỹ cũng sẽ trở lại hàng đầu khi ngài đến Mỹ vào tháng 9 này. Đây là vài điểm:

  1. Đức Phanxicô thích đưa ra những hình ảnh cá thể. Thông điệp không những nói đến thay đổi môi sinh hay khí hậu nhưng còn nói đến «căn nhà chung của chúng ta.» Hình ảnh tượng trưng rất mạnh nhắc cho chúng ta nhớ đến Đức Bênêđictô XVI cũng hay nói đến thiên nhiên là một cái gì có trước chúng ta, một món quà Thiên Chúa cho chúng ta, và chúng ta không thể nào cứ lạm dụng hoặc lèo lái theo ý mình. Hình ảnh căn nhà làm cho chủ đề có tính cách cá biệt hơn nhưng nó cũng nhắm đến một mục đích. Mỗi lần bạn nghe Đức Giáo hoàng nhắc đến «căn nhà chung» là bạn phải nghe đây là một thách thức cho chủ nghĩa tương đối. Tôi nghĩ là chúng ta sẽ nghe lại chủ đề này vào tháng 9 nhất là khi ngài nói chuyện ở Nghị viện bị chia rẽ về mặt chính trị.
  2. Chủ đề hoán cải cũng là một chủ đề quan trọng trong thông điệp Chúc tụng Chúa. Một cách nền tảng, Đức Phanxicô cho rằng chúng ta xa Chúa khi tạo ra những thói quen có tính tự hủy hoại và bây giờ điều cần thiết nhất là phải quay trở lại với Chúa. Ngài nhắc chúng ta hoán cải cả về mặt hiện sinh lẫn siêu hình, nhận biết căn nhà chung là món quà của Đấng Tạo Dựng, hoán cải về với Chúa cũng như về với Người Cha, về với Chúa Kitô, về với các thánh, những người chỉ cho chúng ta cách làm sao để hòa hợp giữa Chúa và tạo dựng. Hoán cải trong và bởi Thánh Thể, Đấng nối kết giữa thế giới được tạo ra với căn nhà trên trời và làm cho chúng ta nghĩ đến lợi ích chung cho tất cả mọi người. Mùa thu này chúng ta sẽ nghe tiếng gọi hoán cải này.
  3. Trong Thông điệp Niềm vui Tin Mừng, Đức Giáo hoàng đã nhấn mạnh sự cần thiết đối với người Công giáo là phải theo tiếng gọi «truyền giáo»: Tất cả tín hữu Công giáo được gởi đến thế gian này là để rao giảng Tin Mừng cho người nghèo, không phải chỉ nghèo về mặt vật chất nhưng nghèo cả về mặt thiêng liêng, những người thua thiệt vì không có Chúa.
  4. Theo Đức Phanxicô, một «văn hóa gặp gỡ» là thể hiện cho việc truyền giáo, và «đối thoại» dính liền với truyền giáo. Chúng ta thấy trong cách ngài luôn nói đến Chúa như một Người Cha và Maria là Mẹ của chúng ta, tất cả chúng ta đều cần đến Cha, Mẹ. Đó là bối cảnh thiêng liêng của gặp gỡ, một chữ mà chúng ta sẽ nghe như lời mời gọi bắt chước Đức Mẹ nói Xin Vâng với Chúa, và cũng là tiếng gọi ở trong vòng tay cứu rỗi của Mẹ Thánh Giáo hội.
  5. Đức Giáo hoàng là bậc thầy của các hành vi. Ai cũng thấy và ai cũng hiểu ngay các hành vi này, khi tổng thống Bolivia Evo Morales tặng ngài cây thánh giá búa liềm, cặp mắt của ngài tỏ ý không bằng lòng ngay. Những hành vi nhỏ nhưng cực mạnh, thậm chí mang tính ngôn sứ của Đức Giáo hoàng, bây giờ chúng ta đã quen thuộc nhưng chúng ta phải cẩn thận khi bình luận nó.

Nói chung, Thông điệp Chúc tụng Chúa và chuyến đi Nam Mỹ của Đức Phanxicô đã cho chúng ta một vài chỉ dẫn để biết chúng ta mong chờ gì trong chuyến đi Mỹ của Đức Phanxicô vào tháng 9 này.

Tchad Pecknold là giáo sư thần học ở Đại học Công giáo Mỹ, phân khoa thần học và tôn giáo.

Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch