Andrea Riccardi: “Đức Phanxicô đã trở thành nhà lãnh đạo không lẩn tránh vào đâu được”
revuedesdeuxmondes.fr, Jérôme Cordelier, 2018-11-26
Đức Phanxicô và ông Andrea Riccardi trong một buổi gặp với người tị nạn Syria ở Nhà Thánh Marta ngày 11 tháng 8 năm 2016.
Năm 1968, giáo sư Andrea Riccardi thành lập Cộng đoàn Sant’Egidio, một tổ chức Phi Chính Phủ hoạt động tích cực trên trận tuyến nhân đạo và đối thoại liên tôn giáo. Người được Đức Phanxicô lắng nghe, sử gia Ricardi giải thích nghệ thuật ngoại giao.
Trong tinh thần Công đồng Vatican II, cùng với một nhóm sinh viên, Cộng đoàn Sant’Egidio là giấc mơ tự do được giáo sư sử học Andrea Riccardi phát động tại Rôma năm 1968. Tổ chức Phi Chính Phủ này kỷ niệm 50 năm thành lập vào tháng 3 vừa qua với sự hiện diện của Đức Phanxicô ở vương cung thánh đường huy hoàng Mẹ Maria Trastevere. Hiện nay Cộng đoàn Sant’Egidio có 60 000 thành viên ở trên 70 quốc gia trên thế giới, Cộng đoàn hoạt động tích cực trên lãnh vực nhân đạo, xã hội và đối thoại liên tôn giáo.
Những người được mệnh danh là “mũ xanh của Giáo hội” là nghệ nhân hoạt động cho hòa bình, họ can thiệp trong việc giải hòa ở Cô-lông-bi hay ở Mozambique, và hiện nay họ giải quyết nhiều xung đột ở các nước Phi châu. Ngoài ra Cộng đoàn Sant’Egidio còn lo các hành lang nhân đạo cho người di dân. Nhà sáng lập, giám đốc Andrea Riccardi, cựu bộ trưởng Hợp tác Quốc tế và Hội nhập trong chính phủ Mario Monti, nhà trí thức nói tiếng Pháp, tác giả của nhiều khảo luận, ông là người có ảnh hưởng ở Rôma.
Andrea Riccardi đã cố vấn cho Đức Gioan-Phaolô II, ngài thường nhờ Cộng đoàn Sant’Egidio giúp trong các công việc ngoại giao, bây giờ ông rất được Đức Phanxicô lắng nghe, ông thường gặp ngài dù ông rất kín đáo về các buổi gặp này.
Trả lời cho tạp chí Revue des Deux Mondes, ông Andrea Riccardi giải mã đường lối chính trị ngoại giao của Đức Phanxicô.
Revue des Deux Mondes – Sự xích lại gần Trung quốc có phải là hiệu ứng của đường lối chính trị hòa hoãn được Đức Phanxicô chủ trương ngay từ đầu triều giáo hoàng của ngài phải không?
Andrea Riccardi – Sự xích lại gần Trung quốc là khối cuối cùng của bức tường chiến tranh lạnh bị rơi xuống. Vatican chưa bao giờ có quan hệ với chế độ Cộng hòa Nhân dân Trung quốc. Người công giáo ở Trung quốc phải chịu sự chia rẽ triệt để giữa cái gọi là Giáo hội chính thức và Giáo hội yêu nước. Vì sự thiếu thống nhất này nên sự có mặt của người công giáo ở Trung quốc bị suy giảm: không có trung tâm, không có hội đồng giám mục, không có động lực. Thậm chí ngày nay còn có nguy cơ sự có mặt này trở thành bên lề khi đất nước này đang ở đỉnh cao quyền lực và ảnh hưởng của họ trên thế giới. Vì thế phương thế ngoại giao của giáo hoàng được thúc đẩy.
Phương pháp này là gì?
Thương thuyết, thương thuyết và thương thuyết… Thương thuyết với sự táo bạo, kiên nhẫn, mềm dẻo và kháng cự. Thỏa thuận sơ bộ được ký giữa Trung quốc và Vatican ngày 22 tháng 9 chỉ là bước khởi đầu. Chỉ có một chương được đề cập đến: Trung quốc công nhận quyền can thiệp của Đức Giáo hoàng trong tiến trình bổ nhiệm các giám mục. Nhưng đó là một bước tiến quan trọng. Chúng tôi không bị lừa, đã có những đau khổ, những khó khăn, những vấn đề thích ứng.
Để đưa vào thực tế, thỏa thuận này còn cần nhiều cuộc thương thuyết, kể ở cả cấp hạ tầng như Đức Giáo hoàng đã thừa nhận trong “Thư gởi người công giáo Trung quốc” vì tình trạng của Trung quốc rất phức tạp. Nhưng bằng cách xích lại gần như vậy, Giáo hội sẽ theo đuổi sứ mạng của mình: tìm kiếm sự tự do tôn giáo nhiều nhất có thể. Tôi xin nhắc lại, vai trò của Quốc gia trong việc bổ nhiệm các giám mục không mới lạ gì trong lịch sử. Các ví dụ về vấn đề này rất nhiều. Tôi nhớ nhà độc tài Tây Ban Nha Franco đã đề nghị danh sách ba giám mục cho giáo hoàng và giáo hoàng chọn giữa các giám mục được giới thiệu này. Rất nhiều chế độ muốn giới hạn quyền phong giám mục của Tòa Thánh. Napoléon III cũng tự chọn các giám mục, và giáo hoàng phong họ. Đó cũng là trường hợp của nhiều chính phủ Ý trước đây và ở nhiều nước ở Châu Mỹ La Tinh.
Về phía Trung quốc, đâu là động lực của họ?
Đây mới thực sự là vấn đề: Vì sao Trung quốc thông qua một thỏa hiệp với một tôn giáo và một Quốc gia mà từ lâu họ không có quan hệ ngoại giao? Họ có thể xem Vatican như một thực thể không đáng kể. Nhưng ý chí của chính phủ Trung quốc là muốn hài hòa đời sống xã hội, tránh kéo dài tình trạng khổ nhọc của người công giáo, đặc biệt về các lý do trật tự công cộng, sự đoàn kết và gắn kết xã hội. Một yếu tố khác: có được mối quan hệ trung thực với Tòa Thánh, một vương quốc thiêng liêng lớn của người công giáo. Người ta nhấn mạnh nhiều đến sự nhượng bộ của Tòa Thánh, nhưng tôi muốn nhấn mạnh đến sự xem trọng Tòa Thánh của Trung quốc.
Một cách chung, ông mô tả hành động ngoại giao của Đức Phanxicô như thế nào? Có khác với các vị tiền nhiệm của ngài không?
Tôi không nghĩ là khác. Có một sự liên tục với hành động của Đức Phaolô-VI trong nền ngoại giao về hòa bình, về tự do tôn giáo, trên điểm này Đức Phanxicô thêm vào việc bảo vệ của cải chung của thế giới, đặc biệt là môi sinh. Tòa Thánh thường được yêu cầu giải quyết trong nhiều vụ xung đột, như ở Cô-lông-bi, ở Mozambique. Nhưng nhất là Tòa Thánh quan tâm đến các đau khổ của người công giáo cũng như không công giáo. Có một đường lối ngoại giao trong các chuyến tông du giáo hoàng, nhưng cũng có đường lối này trong các mạng làm việc dưới trách nhiệm của hai nhân vật cao cấp: Hồng y Quốc Vụ Khanh Pietro Parolin, người lo vấn đề Trung quốc và bộ trưởng ngoại giao, Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher, người có rất nhiều kinh nghiệm ngoại giao.
Đức Phanxicô đánh giá cao các sứ thần Tòa Thánh, họ là các đại sứ của Vatican: ngài thường xuyên tiếp họ và giữ giữ quan hệ riêng tư với đa số sứ thần. Tôi nghĩ đến sứ thần Claudio Gugerotti ở Ukraina, một đất nước bị xáo trộn vì có xung đột chính trị quốc gia và xung đột trong hàng giáo sĩ, giữa các thượng phụ Constantinople và Maxcơva. Các sứ thần thành lập một mạng lưới dấn thân, hiệu quả, đáp ứng được các nhu cầu ngoại giao của trung tâm (những người giữ nhiệm vụ ở Vatican).
Nền ngoại giao Tòa Thánh không phải chỉ duy công việc của thể chế. Sức mạnh của nó ở trong rất nhiều mạng kín đáo, nhất là nhờ các hồng y, giám mục, linh mục và cả tu sĩ nam nữ…
Sức mạnh ngoại giao Tòa Thánh đáng kể là sự có mặt tại chỗ, tiếp xúc với các tình huống qua các Giáo hội khác nhau. Đây không những là các can thiệp kín đáo, nhưng nhất là sâu đậm, hiểu biết tận tường các nước mà Giáo hội dấn thân. Bên cạnh Trung quốc, Nga, Mỹ, Giáo hội còn có một cái nhìn tổng thể về thế giới, do Giáo hội quan tâm đến tất cả. Không một nước nào mà xa lạ với Giáo hội.
Cộng đoàn Sant’Egidio là một tổ chức công giáo không chính phủ rất mạnh. Làm thế nào mà Cộng đoàn có thể tạo được ảnh hưởng?
Cộng đoàn Sant’Egidio không những là tổ chức Phi Chính Phủ: Cộng đoàn còn là tập thể các tín hữu dấn thân giúp đỡ người nghèo và hòa bình trên gần bảy mươi nước trên thế giới. Cộng đoàn không phải là cánh tay mặt thế tục của ngoại giao Vatican. Chúng tôi có mạng riêng, giao tiếp riêng, công việc riêng. Vì trụ sở của chúng tôi ở Rôma, chúng tôi gặp các đại diện của Vatican. Chúng tôi có cùng mục đích tìm hòa bình qua đối thoại. Nhưng không được xem chúng tôi như một cấu trúc quyền lực quân sự trọng tâm của Vatican.
Ông có xem ông như các người ‘thầy’ của Đức Phanxicô không?
Đức Phanxicô không cần ‘thầy’. Đó là một giáo hoàng rất cởi mở, rất chân thành, rất trực tiếp, ngài đặt ưu tiên cho các giao tiếp cá nhân. Ngài không cần các sứ điệp viên bí mật, chẳng hạn chúng ta thấy ngài đối thoại với nước Nga. Ngoại giao là giao tiếp. Giao tiếp là chủ yếu. Và hội nhập các kitô hữu! “Giáo hội càng anh em với nhau, thì dân chúng càng anh em với nhau hơn”, thượng phụ Athénagoras I đã nói câu trên, ngài là thượng phụ Constantinople từ năm 1948 đến năm 1972 và đóng một vai quan trọng trong đại kết, ngài nối lại liên lạc với Rôma khi thượng phụ gặp Đức Phaolô-VI năm 1964, đó là lần gặp đầu tiên giữa hai Giáo hội gặp nhau kể từ năm 1439. Tháng 7 vừa qua tại Bari, thành phố cảng miền nam nước Ý, các giới chức cao cấp kitô giáo của Trung Đông và Đức Phanxicô đã gặp để bàn về tình trạng bi thảm ở Trung Đông: Giáo hội anh em, dân chúng anh em. Dù Đức Phanxicô đặt nặng vấn đề di dân hay môi sinh nhưng đối thoại liên tôn giáo và đại kết vẫn là khía cạnh chủ yếu trong hoạt động ngoại giao của Tòa Thánh. Và cũng trên lãnh vực này, Đức Phanxicô đã mở một chương mới khi ngài gặp Viện trưởng Viện đại học Al-Azhar ở Ai Cập trong thời điểm có các căng thẳng nặng. Đường lối ngoại giao của giáo hoàng nhắm đến một phạm vi lớn trong mục đích làm cho nhân loại có tinh thần anh em hơn và ít xung đột hơn. Chính trong mục đích này mà Đức Phanxicô duy trì các đối thoại cá nhân với nhiều nguyên thủ Quốc gia và chính quyền, ngài xin họ đến Rôma gặp mình. Các cuộc gặp gỡ này rất quan trọng: đó là dấu hiệu ngài xem trọng tất cả mọi người, không trừ một ai.
Theo ông, trên chính trường quốc tế, Đức Phanxicô có tác động như thế nào?
Ngài trở nên người không lẩn tránh vào đâu được, người mà người ta phải xem đó là lãnh đạo thế giới và thiêng liêng với một quyền uy cao lớn, có thể là lớn nhất… Với ảnh hưởng này, “Đức Phanxicô trở nên nhà lãnh đạo không lẩn tránh vào đâu được”, quan trọng nhưng không phải là tất cả, chúng ta đừng nói quá gì, ảnh hưởng này nối kết qua nhân cách của ngài, cũng như thế giới ngài đại diện trong địa hạt người công giáo.
Sự tỏa rạng của Đức Phanxicô cũng do bối cảnh quốc tế…
Lẽ dĩ nhiên. Với sự kích động của các chia rẽ, các căng thẳng trên thế giới và cơn khủng hoảng điên cuồng của các cộng đoàn, nhất là ở Âu châu, trào lưu dân tộc chủ nghĩa dâng cao, cùng với chủ nghĩa mị dân thì tiếng nói của giáo hoàng phải được nghe.
Các vụ tai tiếng lạm dụng tình dục trong Giáo hội liên tiếp được đưa ra, các tấn công nội bộ hung bạo… Đức Phanxicô đã trải qua một mùa hè khủng khiếp. Làm sao chiến đấu chống hình ảnh bị lu mờ của ngài.
Vấn đề hình ảnh không phải là vấn đề chính mà ngài quan tâm. Chủ yếu ngài bảo vệ đời sống Giáo hội, ngài sẽ thanh tẩy. Các vụ tai tiếng tình dục có từ thời trước triều giáo hoàng của ngài. Ngài phải trả nợ quá khứ. Nhưng ngài quả quyết hành động, với tinh thần trách nhiệm và minh bạch. Và các tấn công nội bộ chống giáo hoàng luôn có trong các năm của triều giáo hoàng.
Phải làm gì để chống tai họa này?
Ngài đã nói với các giám mục. Ngài đã viết cho tín hữu để lên án các vụ lạm dụng tình dục trong “Thư gởi Dân Chúa”. Giáo hội suy yếu ở một vài nước và vấn đề vẫn chưa chấm dứt. Sự đau khổ của các nạn nhân thì sâu đậm. Giáo hội phải tìm lại uy tín của mình đối với trẻ em và gia đình. Nhưng tất cả các vấn đề này không thể giải quyết chỉ nhờ vào đặc sủng của giáo hoàng. Nó cũng có phần trách nhiệm của các giám mục và sự hiểu biết của người công giáo. Chúng ta đi vào một giai đoạn mới của Giáo hội. Đây không phải là mùa xuân, nhưng có thể đây là dịp để tái sinh và để chia trách nhiệm.
Đức Phanxicô là một trong các nhà lãnh đạo đầu tiên trên thế giới can thiệp cho số phận bi thảm của người di dân. Chúng ta còn nhờ chuyến tông du đầu tiên của ngài là đến đảo Lampedusa năm 2013, và ngài lên tiếng ở Nghị viện Âu châu tháng 11 năm 2014: “Biển Địa Trung Hải không thể nào trở thành nấm mộ khổng lồ”. Ngày nay có một số người chỉ trích ngài đã đi quá trong vấn đề này, bảo vệ các quan điểm không thực tế cho lắm. Ông nghĩ gì về vấn đề này?
Đức Phanxicô là giáo hoàng của thời toàn cầu hóa và người di dân thể hiện một hiện tượng chính yếu trong thế giới hiện nay. Trên vấn đề chủ yếu này, ngài triển khai một bài diễn văn quan trọng, ngài cố gắng giữ một quan điểm quân bình giữa đón nhận và hội nhập. Đức Phanxicô hiểu chủ đề này sẽ là chủ đề trọng tâm của thế kỷ 21. Ngài làm công việc của mình và ngài nói lên. Và ngài thực tiễn hơn nhiều người nghĩ vì ngài có một tầm nhìn về lâu về dài, chẳng hạn khi ngài thúc dục các nhà lãnh đạo toàn cầu quan tâm đến tương lai của Phi châu, và nhất là các thế hệ trẻ để các thế hệ này tìm một tương lai ở đất nước của họ.
Marta An Nguyễn dịch