Bí mật hạnh phúc của người Đan Mạch

1001

lapresse.ca, Silvia Galipeau, 2015-08-09

Bí mật hạnh phúc của người Đan MạchTheo tác giả Mỹ Jessica Alexander, nếu người Đan Mạch đứng đầu các nước hạnh phúc nhất thế giới một cách có hệ thống thì vì họ họ dạy con hạnh phúc.

Không bao giờ sai. Vì mỗi năm Đan Mạch vẫn là nước đứng đầu có những người hạnh phúc nhất. Tại sao? Vì sao lại dính đến con của họ? Ít nhất đó là chủ đề mới của tác giả Mỹ Jessica Alexander, người viết quyển sách về cách giáo dục trẻ con của người Đan Mạch.

Phỏng vấn, giải thích và phân tích.

Hạnh phúc như một cha mẹ Đan Mạch

Jessica Alexander là một tác giả Mỹ, lập gia đình với một người Đan Mạch từ 13 năm nay. Bà cùng với với một nữ trị liệu gia Đan Mạch Iben Sandahl viết quyển sách đầu tiên về cách cha mẹ Đan Mạch dạy con: The Danish Way of Parenting. Chúng tôi đặt một vài câu hỏi.

Theo bà, nếu người Đan Mạch đương nhiên đứng đầu những nước hạnh phúc nhất là vì họ dạy trẻ con hạnh phúc, để đến lượt con cái mình, chúng sẽ trở thành những người lớn hạnh phúc, có đúng không?

Đúng, đó là lập luận chính quyển sách của tôi. Tôi có con với một người Đan Mạch, tôi nhận ra tôi thích các lời khuyên của những người thân Đan Mạch hơn tất cả những gì tôi có thể đọc hoặc tìm thấy trên Internet. Một ngày nọ, tôi nghe chồng tôi nói với con gái về một lối khá đặc biệt mà tôi gọi là “tái cấu trúc”, (reformulation), điều này đã làm tôi giựt mình: có một cách dạy con của cha mẹ Đan Mạch! Và cách này thật độc đáo! Chính vì vậy mà cùng với nữ trị liệu gia Iben Sandahl, chúng tôi nghiên cứu về vấn đề này và đưa ra những nét chính của cách dạy làm sao để con người có hạnh phúc.

Một em bé hạnh phúc là như thế nào?

Đây là một câu hỏi khó vì đa số các em bé đều hạnh phúc. Điểm khác biệt nơi các em bé Đan Mạch là chúng bình thản, thích ứng với hoàn cảnh, có giáo dục và có sức chịu đựng. Chúng có lòng tốt, thấu cảm và thường chín chắn trước tuổi. Nhưng vẫn giữ tính trẻ con. Ở Đan Mạch rất hiếm khi, có thể nói không bao giờ nghe trẻ con rống lên. Có một lòng tin tưởng và tôn trọng bao trùm, điều tôi chưa bao giờ thấy giữa người lớn và trẻ con ở nơi khác. Những trẻ con này khi lớn lên, đến lượt chúng sẽ là những người lớn hạnh phúc, thích ứng giỏi và điều này phản ảnh trong tất cả các cuộc điều tra về hạnh phúc, và năm này qua năm khác, đã 40 năm!

Như thế chính xác giáo dục Đan Mạch là gì?

Cha mẹ Đan Mạch rất tích cực trong việc dạy lòng thấu cảm và nâng giá trị người khác. Thành công ở đây xem như thành quả công việc của một nhóm chứ không phải là thành quả riêng của một người. Cha mẹ Đan Mạch rèn nhiều hơn về sự tự tin của con mình (tôi giá trị như thế nào với người khác) và ít hơn về tin vào mình (nhấn mạnh mình có thể làm hoặc có, so với người khác). Theo họ, đó là nguồn gốc của thoải mái và hạnh phúc lâu dài.

Và đâu là điểm khác biệt với giáo dục Mỹ?

Trước hết cha mẹ Đan Mạch không nhồi nhét con mình bằng đủ thứ sinh hoạt. Chơi ở đây được xem là điều quan trọng nhất, lúc nhỏ và ngay cả đã lên trung học. Họ tôn trọng rất nhiều cái gọi là ‘vùng phát triển’, trong việc tập làm, để trẻ con tự làm, chỉ giúp chúng vừa phải để không làm hại đến niềm vui của chính sự học hỏi. (…) Trong khi ở Mỹ, khi trẻ con chơi, cha mẹ có cảm tưởng chúng mất thì giờ và chúng phải học nhiều hơn. (…) Một khác biệt khác: thấu cảm. Ở Đan Mạch, thấu cảm được dạy ở trường từ lớp mẫu giáo. Thấu cảm là một môn cũng quan trọng như môn toán và tiếng Anh. Tất cả là “thật” ở đây. Các chuyện cổ tích của Andersen (tác giả Đan Mạch nổi tiếng nhất) không được viết lại để có hậu như ở Mỹ. Chẳng hạn cô gái đuôi cá cuối cùng sẽ không lấy hoàng tử. Cô chết vì buồn và biến thành bọt biển. Khi đọc những chuyện này cho con nghe, cha mẹ có thể nói đến nhiều loại cảm xúc và được cảm nhận, như thế giúp trẻ con phát triển lòng thấu cảm. (…) Và đánh đòn bị cấm ở Đan Mạch năm 1997. Người Đan Mạch dùng ngoại giao để nói chuyện với trẻ con, tránh dùng tối hậu thư. Đây là một văn hóa rất hòa bình. Cha mẹ xử lý vấn đề thay vì phạt. Cuối cùng, người Đan Mạch đặt rất cao giá trị của “hygge,” một lối sống vui vẻ, thân mật, đơn giản, thưởng thức những chuyện nhỏ trong cuộc sống với người thân yêu. Một trong các giá trị chính của họ: thì giờ “ấm áp” trong gia đình, đặt cao “chúng ta” trước “tôi”.

Bà hy vọng độc giả giữ được gì ở cách giáo dục này?

Điều tôi hy vọng nhiều nhất là độc giả sẽ đặt lại vấn đề về cách họ dạy con. Là người Mỹ, Canada hay người nước khác, chúng ta thường khó để có thể nhìn đến mức độ nào, nền văn hóa của chúng ta đã hình thành các giá trị, các cách chúng ta dạy con cái. Các cách đối xử của chúng ta quá ăn sâu nên chúng ta ít có khuynh hướng đặt lại vấn đề. Chúng ta quả quyết đó là cách duy nhất để làm. Nếu chúng ta thật sự suy nghĩ về vấn đề này, và nếu chỉ áp dụng chỉ một trong các khía cạnh giáo dục kiểu Đan Mạch, chẳng hạn kiểu “ấm áp hygge”, thì tôi tin chắc mình sẽ có những thế hệ trẻ con hạnh phúc hơn.

Jessica Alexander và Iben Dissing Sandahl, The Danish Way of Parenting: A Guide to Raising the Happiest Children in the World, Forlaget, 2015. Bản dịch tiếng Pháp và tiếng Ý đang tiến hành.

Marta An Nguyễn chuyển dịch