Tư tưởng và Hiểu biết

215

Tư tưởng và Hiểu biết

Trích sách “Không trả lời có, cũng không trả lời không”, tác giả Tomi Ungerer. Nxb. l’écoles des loisirs.

Tại sao mình có những màu mình thích?

Tại sao mình phải học các chuyện?

Tại sao có nhiều sách vậy?

Ông khi nào cũng có lý khi ông trả lời các câu hỏi phải không?

Vì sao khi nào người ta cũng đặt câu hỏi?

Thời gian là gì?

Những người không ngủ ban đêm, họ làm gì khi giấc mơ đến?

Có thể nào con chỉ mơ đời của con?

Ai khám phá ra lửa?

Vì sao khi con nhắm mắt thì con thấy các hình ảnh nhỏ?

Có phải mình sẽ lớn lên nếu mình đọc sách người lớn không?

Vì sao con có những điệu nhạc trong đầu?

Mấy hòn đá có suy nghĩ không?

Mẹ nói triết lý trả lời tất cả mọi sự. Nhưng triết lý có biết cái ví tiền nhỏ con làm mất và con tìm mãi không ra không?

Có phải cầu vồng là để mấy con chim leo lên trời không?

Vì sao thời gian trôi qua?

Với anh Noam 10 tuổi của con, chúng con không đồng ý với nhau: như thế là không có gì tồn tại?

Điều thần diệu thật sự có tồn tại không?

Làm thế nào chúng ta xây dựng cuộc sống?

Các hòn đá có cảm thấy đau không?

Ở một nơi nào khác đâu đó, thì cũng chẳng nói lên được gì nếu Vũ trụ là vô tận?

Khôn ngoan là gì? 

Tại sao mình có những màu mình thích?

Adèle, 8 ans

Ông nghĩ đó là các phối hợp ý tưởng làm chúng ta thích một số màu. Chính vì vậy chúng ta có khuynh hướng thích màu xanh da trời, màu hồng phơn phớt hơn là thích màu xanh cứt ngựa, hay màu xám xịt. Người mù không có chọn lựa, họ chỉ có màu đen để thích. Màu đen là màu ông thích, nhất là khi nó được dùng để làm tương phản với các màu khác.

 

Tại sao mình phải học các chuyện?

Alexandre, 5 tuổi rưỡi

Vì bộ óc cũng như bao tử cần phải ăn. Trí nhớ cần phải được nuôi dưỡng bằng các hiểu biết mới.

Nhưng con tưởng tượng xem, con lạc đà sẽ thông minh như thế nào nếu bộ óc của nó nằm nơi cái bướu. Chúng sẽ chất đầy hiểu biết.

Đi học không phải là hình phạt khổ sai mà là một ưu đãi. Con sẽ làm gì nếu thầy giáo mệt mỏi, chán nản và bất công? Dễ: con cố gắng biết nhiều hơn thầy để khống chế thầy.

Các hiểu biết được dạy ở trường chưa đủ. Ông say sưa gom hiểu biết ở các lãnh vực khác nhau. Khi còn nhỏ ông chơi tem để biết địa lý với các tên kỳ lạ: Wallis-et-Futuna, Tanganyika, Costa Rica… Đạp xe đạp thì ông đạp hàng cây số để tìm đá hóa thạch, tìm khoáng chất. Đến năm 17 tuổi ông tự hào mình khám phá ra quặng phóng xạ, mà sau đó được chính thức khoanh thành vùng quặng. Ngay cả khi ông đi quá giang xe thì ông cũng đem theo búa địa chất và túi đeo lưng đầy đá. Ông nhặt rất nhiều khoáng vật magnêti ở vùng Laponie. Ở Canada, ông biết một loài hoa rất hiếm, hoa Albino Arethusa. Công ty thực vật xác nhận với ông, ông là người thứ ba chính thức tìm được hoa này.

Đó là niềm say sưa học các chuyện, nhất là khi những chuyện này ra khỏi chuyện bình thường.

 

Tại sao có nhiều sách vậy?

Manon, 5 tuổi

Vì chưa có đủ! Đúng vậy, phần lớn sách đã xuất bản không đáng để đọc! – phí của, hàng năm người ta đốt không biết bao nhiêu triệu cây để in sách. Nhưng nếu chín sách trên mười là không đọc được, thì như thế giải thích lý do vì sao chúng ta luôn cần thêm sách.

Đọc sách là một thức ăn, một quyển sách tiêu hóa là quyển sách sẵn sàng để tiêu thụ. Dù sách để thêm kiến thức hay để giải trí thì cũng phải biết chọn sách để biết phân biệt các phẩm chất của một… tác phẩm không có lỗi chính tả! Chính ông, ông cũng nợ sách vở rất nhiều cho giáo dục và cho trí tưởng tượng của ông. Chính vì vậy ông sẽ nói, không bao giờ có sách cho đủ!!

Để ông kể cho con nghe câu chuyện của bạn Rex Libris của ông. Ông này là người mê sách, ông sống trong cái nhà nhỏ đầy cả sách. Sách ở khắp nơi, chất đống lan tận bếp, vì thế từ lâu ông Rex chẳng có được bữa cơm nóng, ông chỉ còn một lối đi nhỏ để vào cầu tiêu. Thế là ông Rex quyết định xây thêm một phòng bên cạnh cái nhà nhỏ của mình để đựng sách. Vì ông không có tiền nên ông phải tự xây lấy, ông lấy sách thay gạch và ngói. Rồi thì cái lán sách cũng xây xong nhưng khi đó ông nhận ra mình không còn quyển sách nào! Ông đã hy sinh tất cả sách để xây lán!

 

Ông khi nào cũng có lý khi ông trả lời các câu hỏi phải không?

Lou, 8 tuổi

Không nhất thiết. Có bao nhiêu người nghĩ rằng mình luôn có lý? Đó là một hình thức kiêu ngạo, một khiếm khuyết độc đạo, loại bỏ tất cả thảo luận và thỏa hiệp. Đó là đặc nét của những người cuồng tín và độc tài ý kiến, lên án mọi chuyện trái ý.

Ông rất ghét các câu chuyện kết thúc bằng cãi nhau. Vì thế câu châm ngôn của ông là: “Khi người nào thấy mình có lý, thì tất cả mọi người sai.”

Lý lẽ, một khi nó co giãn thì làm cho các câu hỏi có rất nhiều câu trả lời. Vậy, co giãn dùng để chế tạo mấy cục đá để ném.

Sau khi ông trả lời một trong các câu hỏi của con, ông nghĩ cũng không đến nỗi tệ để thay đổi ý kiến.

 

Vì sao khi nào người ta cũng đặt câu hỏi?

Matteo, 7 tuổi

Để thỏa tính hiếu kỳ, để hiểu biết hơn, để bù cho các thiếu sót của mình.

Có hai loại câu hỏi.

Các câu hỏi cụ thể, căn cứ trên các hiểu biết thực sự. Trong trường hợp này, các câu trả lời giúp mình có thêm hiểu biết.

Và các câu hỏi trừu tượng gồm các câu hỏi về xúc cảm, lương tâm hay câu hỏi về cuộc hiện sinh. Trong trường hợp này thì các câu trả lời không có tính cách quyết định, nó cần được giải thích.

Dù sao, con đừng ngần ngại đặt câu hỏi, càng đặt nhiều càng tốt và dĩ nhiên là cũng cần tra tự điển, các tác phẩm chuyên ngành. Đây là vấn đề khai sáng. Khi trong đầu con đầy cả các cây đèn thì nó bắt đầu phát sáng.

Các câu hỏi được đặt ra khi thì như máy bay đáp xuống phi đạo, khi thì như con chịm đậu trên cành cây. Làm sao mà hai vật này bay được? Máy bay thì không có lông, con chim thì không có động cơ?

 

Thời gian là gì?

Samuel, 4 tuổi

Thời gian thì không có nguồn gốc. Thời gian ở trong cấu trúc vĩnh cửu. Nó đã có trước khi vũ trụ được tạo dựng. Nó thoát được sự kiểm soát của các thần thánh. Vũ điệu trình diễn của hành tinh đã cho nó nhịp điệu đầu tiên. Con người, trong nhu cầu cần kiến trúc của mình đã ngăn ô, đã chia nó từ đơn vị năm-ánh sáng đến đon vị sát-na giây. Cho mục đích này, con người đã phát triển các dụng cụ để đo thời gian: đồng hồ mặt trời, đồng hồ cát, đồng hồ nước, và từ cuối thế kỷ 18 là đồng hồ cơ khí có kim chỉ giờ, chỉ phút, chỉ giây.

Phút giây thì ghen với giờ, tuần thì ghen với năm, thế kỷ thì nhớ thời đã qua. Như thế, thời gian thấy trước mắt nó những chuyện khó coi, tính toán, đo đạc, ước lượng những chuyện phù du mà nó hoàn toàn không thèm biết đến.

Còn với chúng ta, thời gian trở thành khoảng không gian giữa hai sự kiện khi nó đã xảy ra. Quá khứ và tương lai cách nhau bởi một cái màn rất nhỏ mà người ta gọi là hiện tại. Chúng ta sống trong một chuỗi giây phút kết tụ lại theo… thứ tự thời gian.

Bạo chúa của sự chính xác thì áp đặt ngày, giờ giấc, thời khóa biểu, lịch làm việc. Để rồi chúng ta nợ thời gian vì sốt ruột, vì stress, vì đồng hồ báo thức… vì xức dầu. Như vậy chúng ta là đội ngủ của một chế độ đúng giờ mà thời gian thì lúc nào cũng đi trễ.

Dù vậy cũng có các phương tiện để mình tự do với vĩnh hằng. Về phần ông, ông từ chối… có tuổi. Độ dài thì tương đối, những giây phút vui vẻ thì qua nhanh hơn những giây phút buồn bã. Nếu ông phải mất năm phút để hút một điếu thuốc lá, mà ngôi làng ở cách đây hai mươi phút thì ông phải mất bốn điếu thuốc lá. Một cách để xem thường các bó buộc của giờ giấc.

Ông thích dùng thì giờ và giữ thì giờ hơn là giết thì giờ vì không có gì làm. Giữa lúc mình sinh ra và khi mình chết, chúng ta có thì giờ của một đời, như thế là có một chuỗi co giãn được đo đạc theo tính khí của mình, lúc hăng say lúc chán nản, để rồi kết thúc trong nghỉ ngơi của một thời gian chết.

 

Những người không ngủ ban đêm, họ làm gì khi giấc mơ đến?

Simon, 5 tuổi

Cũng như những người di dân, người ta làm cho họ một chỗ trong trí tưởng tượng của chúng ta. 

Có thể nào con chỉ mơ đời của con?

Ada, 6 tuổi

Tại sao không! Trong trường hợp này, giấc mơ là thực tế và mình sẽ ngủ khi mình thức!

Mơ là du lịch miễn phí! Là để trí tưởng tượng của mình bay bổng, bay trên thực tế.

Hồi nhỏ ông là đứa học trò rất đãng trí, rất mơ mộng. Chỉ cần ông nhìn đám mây qua cửa sổ lớp là đủ để ông tưởng tượng mình được cuộn mình trong chăn bay theo đám mây này trong gió! Khi đó ông sẽ có một cái nhìn thật đẹp về Trái đất mà ngôi trường của ông chỉ là cứt con ruồi như bao cục cứt khác.

Bỗng, một cú đấm vào bàn học của ông, ông thầy vừa giáng cho ông một cú phạt. Nhưng cẩn thận! Một ngày nọ, ông vẫn ở trên mây và từ đó, cả lớp không bao giờ tim thấy ông lại.

Ai khám phá ra lửa?

Mattias, 5 tuổi

Người ta không khám phá ra lửa, lửa luôn ở đó, dưới đất. Hành tinh của chúng ta như một cái bụng lớn đầy mắc-ma, chất mắc-ma mà núi lửa phun bùn và lửa khi nó bùng cháy. Nguồn gốc của lửa cũng tìm thấy trên bề mặt khi có sấm sét, khi sét đánh xuống trảng cỏ hay cánh rừng dễ cháy.

Con người phải khám phá ra một tiến trình để làm lửa. Chỉ tình cờ mà một tia lửa tóe ra khi hai hòn đá lửa chạm nhau, như cái bật lửa của chúng ta hiện nay. Diêm quẹt của người Thụy Điển cũng mới có gần đây. Có biết bao nhiêu vụ cháy nhà được biết là do trẻ con chơi với hộp quẹt?

Người Hy Lạp ngày xưa kể câu chuyện thần Prometheus ăn cắp lửa của thần Zeus để cho loài người để họ đốt lò sưởi, nấu ăn, làm giàn thiêu như giàn thiêu Giăng Đắc. Zeus là thần của các vị thần nên đã phạt thần Prometheus về vụ ăn cắp lửa này, Prometheus bị cột vào cục đá và hàng ngày bị con chim đại bàng đến mổ gan ăn. Nhưng hình phạt nào sẽ áp dụng cho ông là người có thói quen lấy bật lửa của người khác?

 

Vì sao khi con nhắm mắt thì con thấy các hình ảnh nhỏ?

Louise, 7 tuổi

Vì chúng ta có trí tưởng tượng. Chỉ cần nhắm mắt lại để cho vô thức dẫn mình đến những chuyện ngạc nhiên. Hai mắt nhắm lại là màn hình còn hấp dẫn hơn màn hình truyền hình, với điều bất ngờ trong chương trình của nó.

Trong giấc ngủ, chúng là phim ảnh của mình. Chúng ta sẽ làm gì nếu mình không có mí mắt!

 

Có phải mình sẽ lớn lên nếu mình đọc sách người lớn không?

Julien, 4 tuổi

Đúng, và làm thế nào! Nhất là khi mình ma-lanh hơn người lớn. Đọc sách là làm phong phú, nó làm cho chúng ta phát triển bộ óc. Quyển sách ông thích đọc nhất là quyển Tự điển Larousse minh họa. Nhờ nó mà ông học để gieo tư tưởng của ông như hoa bồ công anh (pissenlit) gieo hạt của mình trong gió. Một cuộc phiêu lưu kỳ diệu khi khám phá một danh từ mới! Con có bao giờ gặp một người hình phễu ở bộ lạc ăn thịt người không (anthropophage infundibuliforme)?

 

Vì sao con có những điệu nhạc trong đầu?

Ada, 5 tuổi

Bộ óc giống như một miếng phô-mai đầy cả bọng khí. Ở đó có những con chuột vừa hát vừa gặm nhắm. Có vẻ như chúng rất thích được ăn uống!

“Con vỏi con voi, cái vòi đi trước, hai chân trước đi trước, hai chân sau đi sau, còn cái đuôi đi sau rốt”.

 

Mấy hòn đá có suy nghĩ không?

Stephan, 8 tuổi

Các hòn đá thì không có bộ óc, nhưng không vì thế mà nó không có ký ức, ký ức của nó có từ hàng triệu năm.

Thỉnh thoảng ông cầm một hòn đá, ông áp vào lỗ tai và ông nghe… Phải tưởng tượng qua sự im lặng của nó.

Khi hòn đá ở trong đống đổ nát, nó kể câu chuyện bị cướp phá mà nó làm chứng.

Một hòn đá lăn như đá cuội tả cho ông biết những người chết đuối mắc cạn trên bãi cát sỏi.

Đá hóa thạch kể câu chuyện thời xa xưa của nó.

Chúng ta đừng quên thạch anh (quartz) ở trong đá hoa cương và là cấu trúc của cát, mà bây giờ nó làm mạch cho bộ nhớ của máy tính.

Khi còn nhỏ, ông đã ném một hòn đá để làm vỡ khuôn cửa sổ mà ông thấy nó nhìn ông không thiện cảm. Bây giờ ông muốn tìm lại nó để biết vì sao có chuyện này. Nếu các hòn đá không suy nghĩ thì chúng cũng là chất liệu để mình suy nghĩ.

Tái bút: Một ngày nọ, trong một bữa ăn trưa, cựu tổng thống Pháp Valéry Giscard d’Estaing cũng đã đặt cho ông câu hỏi này!

 

Mẹ nói triết lý trả lời tất cả mọi sự. Nhưng triết lý có biết cái ví tiền nhỏ con làm mất và con tìm mãi không ra không?

 Arthur, 7 tuổi

Ví tiền bị mất hay bị lạc đâu đó, mất nó là một bài học. Phải cẩn thận hơn để không bị mất lại. Khi ông còn nhỏ, ông đi bộ, ông đi quá giang xe hay ông đi xe đạp, ông giữ cái ví tiền nhỏ trong áo có sợi dây cột lại.

Bị mất, cái ví nhỏ này có thể mang hạnh phúc đến cho người chủ mới.

Bị lạc, thì có thể nó nằm đâu đó dưới ghế.

Dù sao cái ví tiền cũng có thể thay thế được. Buồn nhất là mình mất mẹ mình ở nghĩa trang hay mất lý lẽ để rồi vào nhà thương điên.

 

Có phải cầu vồng là để mấy con chim leo lên trời không?

Maddalena, 3 tuổi

Đúng, chính ở cầu vồng mà chúng đi tìm màu sắc cho lông của mình. Nếu ông nói đúng là vì ông thấy câu hỏi dễ thương, câu trả lời của ông chỉ đúng trong trí tưởng tượng. 

Vì sao thời gian trôi qua?

Julia, 5 tuổi rưỡi

Vì nó không có chọn lựa. Chúng ta không thể làm nó ngừng. Nó không quay lại được, nó tiếp tục đường đi của nó. Vì thế không được để một giây phút nào mất đi…

Nhưng ít nhất, cũng như đám mây, nó không bao giờ lặp lại.

 

Với anh Noam 10 tuổi của con, chúng con không đồng ý với nhau: như thế là không có gì tồn tại?

Andy, 9 tuổi

Nếu không có gì đồng nghĩa với trống không, là vì chúng ta có một định nghĩa khoa học. Và nếu nó đồng nghĩa với hư không, là vì chúng ta có một định nghĩa siêu hình. Như không có gì xảy ra.

Không có gì, làm sao lại không có gì, vậy trước đây thì sao?

 

Điều thần diệu thật sự có tồn tại không?

Simon, 9 tuổi

Điều thần diệu là điều không giải thích bề ngoài được. Ảo thuật gia biểu diễn dựa trên các phù phép mà chỉ có họ là người nắm bí mật. Có nghĩa là khi họ chơi bài, xoay các vòng hay xoay mũ là họ chơi trò ảo tưởng.

Điều thần diệu đích thực mình tìm thấy ở thiên nhiên. Con quan sát con sâu cuộn trong cái kén, rồi khi ra khỏi cái kén nó hóa thành con bướm với đôi cánh muôn màu muôn sắc khác nhau.

Trong cuộc sống cũng có những giây phút thần diệu. Đôi khi mình thấy hạnh phúc cũng dựa trên chuyện ảo tưởng. Dù sao những giây phút thần diệu này là những giây phút đáng sống, phải biết thưởng thức!

Làm thế nào chúng ta xây dựng cuộc sống?

Valentine, 6 tuổi

Đầu tiên hết là xây nền móng cho cuộc đời ể nó có nền tảng vững chắc. Qua giáo dục và qua hiểu biết. Cứ mỗi cục gạch, mỗi cục đá xây tường là một hiểu biết mới, một kinh nghiệm mới. Với tuổi thơ, chúng ta có tầng trệt với sảnh rộng mênh mông để thuận tiện cho việc đi tới đi lui, cha mẹ ngồi canh ở chòi gác cổng.

Tới tuổi vị thành niên thì chúng ta lên tầng một, nơi chúng ta có thể đi lên tiếp. Nếu chúng ta có tham vọng, chúng ta có thể dùng thang máy. Tuy nhiên chúng ta sẽ không biết khi nào có động đất, có hỏa hoạn hay có dội bom. Khi đó tất cả phải bắt đầu lại.

Và đó là cách thế nào chúng ta xây dựng cuộc sống. Nhưng ông sẽ nói một bí mật: dù leo lên cầu thang là chuyện tốt, nhưng có được người thuê nhà cùng leo thì cuộc đời cũng có lợi lắm.

Các hòn đá có cảm thấy đau không?

Kaisa, 5 tuổi

Có lẽ khi hòn đá đó nằm trên nấm mồ. Các hòn đá cuội sống chung với nhau có lẽ là các hòn đá hạnh phúc nhất. Một hòn đá trong số chúng biến mất có lẽ sẽ làm cho những hòn đá chung quanh buồn. Một hạt cát thì có gì để sợ, trừ ra khi nó được trộn vào xi-măng thì đáng sợ thật. 

Ở một nơi nào khác đâu đó, thì cũng chẳng nói lên được gì nếu Vũ trụ là vô tận?

Hugo, 12 tuổi

Ngược lại chứ! Chúng ta ở một nơi để tìm được nơi đó là nơi ẩn trú, là nhà mình. Như người du mục ở lều, con chim có tổ, con chuột chũi có hang, con ốc sên có vỏ, tất cả làm thành cái vô tận và cái vũ trụ của mình. Một khoảng không gian sống là đủ cho nhu cầu của chúng ta.

Nếu có các nhà tiên tri, các triết gia và các phi hành gia tìm kiếm nơi cư trú không giới hạn thì cũng giống như khoảng trống không ẩn trú trong hư vô. Vô tận ở trên đầu chúng ta, nhưng không vì thế mà chúng ta ngủ ngoài trời khi thời tiết âm 15 độ.

 

Khôn ngoan là gì?

Joseph, 5 tuổi rưỡi 

Đối với người lớn, một đứa trẻ ngoan là khi nó vâng lời, ngồi yên không lăng xăng, không làm ồn. Vậy xem như hoàn toàn không có đứa bé này, nó nhàm chán và bình lặng như một hình ảnh không có khuôn mặt. Dứt khoát là đáng chán!

Đó là: “Im miệng và vâng lời!” Nhưng, trẻ con không phải là con vật nuôi trong nhà! Chính các khác biệt trong tính tình nói lên nhân cách của mỗi người và theo ‘tiến bộ thi công’ của các hình phạt mà nó có được kinh nghiệm!

Với tuổi và với già nua người ta có các kinh nghiệm vinh quang, lầm lạc hay hối tiếc. Và vì thế người lớn tuổi dè dặt và chừng mực hơn. Chúng ta có thể hình dung khôn ngoan như cái cột chỉ dẫn giương cao tấm bảng mình có bộ râu bạc. Lời giảng lặp đi lặp lại. Vậy thì nó sẽ rất chán, nhất là khi nó trở nên nghiêm túc.

Tuy nhiên những người “khôn ngoan” cũng tốt trong một vài chuyện: họ ở đó để mình tới hỏi ý kiến. Trước một việc khó nghĩ, một vấn đề, ông thường hỏi ý kiến với người khôn ngoan lớn tuổi hơn và ông thật hạnh phúc. Người ta không đi qua sa mạc mà không có người hướng dẫn.

Vì ông mồ côi cha lúc 3 tuổi rưỡi nên khi nào ông cũng kết bạn với những người lớn tuổi hơn để hỏi ý kiến họ. Người cố vấn cũng là người có óc phê phán. Ông anh cả của ông là người đầu tiên đóng đinh các lời bình trên đầu giường ông. Chẳng hạn “Em phải kiên trì.”

Và như thế mình kéo dài sự giáo dục suốt cả đời mình. Còn ông, với nghề của ông, ông đưa ra các khôn ngoan của ông trong tạp chí Triết học này. Nếu các lời khuyên của ông xấu thì con chỉ việc áp dụng ngược lại.

Marta An Nguyễn dịch

Trích sách “Không trả lời có, cũng không trả lời không”, tác giả Tomi Ungerer. Nxb. l’écoles des loisirs.

Xin đọc thêm:

Súc vật

Tình bạn  

Tình yêu

Tiền bạc

Hành tinh và Vũ trụ

Trẻ con và người lớn 

Gia đình  

Con người và bản chất con người

Đạo đức và Xã hội

Cái chết

Thiên nhiên và Khoa học 

Sợ  

Thành kiến