Sẽ có cái gì trên hành tinh sau chúng ta?
Có thú vị để chết không?
Mấy con chí của con, một khi chúng chết, chúng có đi ra nghĩa trang không?
Tại sao chúng ta không ăn thịt những người đã chết?
Người ta có suy nghĩ khi chết không?
Người ta có thể chết vì yêu không?
Vì sao chỉ có một đời sống?
Mình có phải chôn mèo, chó và các con vật khác không?
Trích sách “Không trả lời có, cũng không trả lời không”, tác giả Tomi Ungerer. Nxb. l’écoles des loisirs.
Sẽ có cái gì trên hành tinh sau chúng ta?
James, 4 tuổi
Dưới ảnh hưởng của ô nhiễm toàn cầu, con người sẽ biến mất cũng như các động vật năng động khác… Trừ con chuột! Con chuột là chuyên gia của sống còn.
Chính vì vậy nó sẽ nhanh chóng chiếm chỗ của chúng ta. Chúng sẽ đến ở trong nhà chúng ta, đầu tư vào các nơi công cộng, đi thăm viện bảo tàng và đến các thư viện để có sự hiểu biết khổng lồ, chúng sẽ nhanh chóng phát triển trí thông minh của chúng. Chúng sẽ học để tổ chức một xã hội được điều khiển bởi tính tham lam và ham muốn quyền lực. Nhờ một loạt liên tiếp các xung đột, chúng sẽ tàn sát lẫn nhau cũng như sẽ có nạn đông dân. Cho đến ngày một con chuột được giải Nobel sẽ phát minh ra loại siêu vi khuẩn tiêu diệt. Con này sẽ xóa hết tất cả các loại chuột phiến loạn khác ra khỏi danh sách chuột sống. Như thế tất cả mọi sự đều lặp lại! Cả đến vô tận và hư không.
Có thú vị để chết không?
Giovanni, 4 tuổi
Nó đáng sợ vì người ta gán sai nó cho tất cả các vụ hấp hối và tất cả những tai ương khác. Nó chỉ can thiệp để hoàn thành các tai ương tự nhiên hay các tai ương do con người gây ra. Bệnh tật, tai ương, chiến tranh không phải là trách nhiệm của nó. Nó chỉ đến gặt.
Cái chết vừa là chủ vừa là khách. Nó đón mình đi một chuyến săn khác, một cuộc phiêu lưu ở một thế giới khác. Khuây khỏa cho một số người, nhưng để lại cái tang đau buồn cho những người ở lại. Nó tôn trọng “Bản tuyên ngôn chung về nhân quyền” và đảm bảo chúng ta đều chết như nhau.
Với những ai có đức tin trong tôn giáo, thì họ rất sợ sự chuyến tiếp này. Đứng trước đe dọa phán xét cuối cùng, đâu sẽ là hình phạt? Địa ngục hay thiên đàng? Cả hai đều vĩnh viễn như một bản án.
Thêm nữa, mọi thứ đều tương đối: nếu địa ngục là thiên đàng của ma quỷ thì sao? Ai biết được nếu bạo chúa, những kẻ phạm trọng án, những tên bạo hành sẽ có nơi ở tốt, như những kẻ tra tấn có lẽ, để biết ơn sự hành hạ và các dịch vụ của họ khi họ còn sống. Vậy thì thiên đàng chỉ là một cánh đồng đơn điệu, nơi có hòa bình vĩnh cửu trong một trạng thái chán nản, mệt mỏi vĩnh viễn.
Thật ra thì cuối cùng thế giới bên kia vẫn là một bí ấn. Từ thuở tạo nhiên lập địa, con người cũng đã đặt câu hỏi, đã trừ quỷ, đã hy sinh, đã làm phù phép để may ra có đặc ân biết được điều không thể giải thích này. Chúng ta nợ rất nhiều với những bức tranh, với âm điệu như âm nhạc, với đền đài lăng tẩm, với kim tự tháp, với văn chương thi phú để hy vọng vén cho thấy điều bí ẩn. Vậy tại sao phải muốn giải thích chuyện không giải thích được? Về phần ông, ông thấy bí ẩn này là một hình thức hồi hộp kích động. Bị tính tò mò thúc đẩy, chúng ta có sốt ruột chờ chết để biết cái gì chờ chúng ta bên kia không? Trong trường hợp này, u minh cũng là một hình thức tự do. Cái chết là chắc chắn, và sự hiện diện của mình khi chôn mình thì cũng chắc chắn.
Vì vậy có thú vị để chết không? Đương nhiên! Tất cả đều có thể. Một ngày nọ ông bị hôn mê trong bệnh viện, ông thấy ở cuối đường hầm có một ánh sáng chói lòa không tả được! Ông có cảm tưởng mình trút được hết mặc cảm tội lỗi. Nhiều người cũng có kinh nghiệm này. Có phải trí tưởng tượng của ông tìm cách thăng hoa một tình trạng gần như trong mơ không? Nếu chúng ta có một linh hồn sống sót sau khi mình chết, thì phải tìm cho nó một chỗ (nếu không thì đó là một lỗ trống lớn)! Tại sao không phải là cầu vồng?
Mấy con chí của con, một khi chúng chết, chúng có đi ra nghĩa trang không?
Louis, 3 tuổi
Mấy con chí không có nghĩa trang vì:
- Nó không thể đào mồ trên da đầu.
- Mấy con chí là những con sống cá thể, nó không biết tổ chức.
- Nó không tin ở đời sống vĩnh cửu, nên nó sẽ hóa kiếp thành đứa lười biếng, ăn bám, không thích nghi với đời sống xã hội.
Tại sao chúng ta không ăn thịt những người đã chết?
Léon, 4 tuổi
Chúng ta giết súc vật để ăn. Như vậy chúng đã chết trước khi bị xẻ thịt. Dĩ nhiên tốt hơn là ăn thịt con vật đã chết, hơn là ăn vật còn sống như loài yêu tinh thích ăn thịt em bé mới sinh với chút muối, chút tỏi, chút bánh mì nhà quê.
Chiến tranh cũng là lò sát sinh, lò giết các binh lính, giết hàng khối trẻ em, đưa người dân vào lò hạ thịt. Vì sao người ta không ăn các nạn nhân này mà trong các vụ xung đột thường khi lại thiếu thức ăn? Vì đó là ăn thịt người.
Một lãng phí như vậy có vẻ phi lý. Vì sao không ăn no bụng một nồi các bà mẹ chồng, mẹ vợ, một nồi mấy trẻ vị thành niên, một nồi mấy người trên bảy mươi? Không! Cũng như nhiều loài động vật có vú, chúng ta gớm thức ăn từ chính loài của mình. Đơn giản trong bản chất là vậy.
Nếu con người ăn thịt nhau thì loài người đã biến mất từ lâu. Với nạn nhân mãn hiện nay, ở một thế giới có nơi còn có rất nhiều người bị đói thì không chừng sắp tới đây, con người sẽ vượt lên bản năng để ăn no nê đồng loại của mình.
Người ta có suy nghĩ khi chết không?
Manon, 6 tuổi
Với câu hỏi này, theo sự hiểu biết của ông thì không ai trả lời được. Khi hồn lìa khỏi xác ở trần gian này, thì nó có mang theo trong hành lý của nó lương tâm, kỷ niệm, hiểu biết đã chất chứa cả một đời không? Chỉ có cái chết là có câu trả lời cho mọi sự; để được vậy thì chúng ta phải kiên nhẫn. Ai chết sẽ biết.
Trong khi chờ đợi, không có gì ngăn chúng ta nghĩ về cái chết và tất cả những gì dính đến sự sống. Cũng như phải biết hưởng khả năng suy nghĩ nhiều chừng nào tốt chừng đó khi mình còn đang sống! Đó là khả năng kỳ diệu nhất dành riêng cho con người.
Lương tâm là cái cành của suy nghĩ, trí tưởng tượng trang điểm màu sắc cho cánh hoa.
Bài hát tiếng Đức thích nhất của ông có câu điệp khúc: “Các tư tưởng thì tự do, Die Gedanken sindfre!” Không ai có thể đoán được cũng như xâm chiếm được.
Hồi còn nhỏ khi thành phố Alsace của ông còn bị chiếm đóng, ông đi học và người ta nói với học sinh: “Các con đừng suy nghĩ gì vì đã có quốc trưởng Hitler suy nghĩ cho các con!” Người khác thì nói Chúa ghi hết tất cả suy nghĩ của mình. Nhưng không đúng, suy nghĩ của mình thuộc về mình và nhờ vậy mà mình khác với người khác. Và đó là một ưu tiên. Nếu suy nghĩ phải đi theo chúng ta qua thế giới bên kia thì chúng ta sẽ độc lập với vĩnh cửu.
Người ta có thể chết vì yêu không?
Alexandre, 7 tuổi
Khi cha của ông chết, ông mới ba tuổi rưỡi. Mẹ của ông có bốn người con và bà không có tiền. Bà phải nuôi dạy các con, bà đã làm một việc can đảm phi thường. Nếu bà không có bốn người con thì ông nghĩ bà sẽ chết.
Khi một người mà người đó là lẽ sống của mình, khi họ qua đời thì cả là một cú sốc dữ dội. Đứng trước khoảng không này, mình chỉ muốn chết.
Ở đâu con người có nghị lực để vượt lên? Chỉ có đời sống mới có thể cứu mình khỏi trống không, khỏi hư không, đó là đời sống của mình, đời sống mà mình có trách nhiệm. Và ông nghĩ đó là cách tốt nhất để sự sống thắng cái chết.
Vì sao chỉ có một đời sống?
Maia, 8 tuổi
Nhỏ, chúng ta sống đời sống của một đứa bé, sau đó là đời sống của trẻ vị thành niên, rồi đến tuổi người lớn, rồi đến tuổi già. Ông có thể nói, ông đã 86 tuổi, ông đã sống nhiều đời vì cuộc đời của ông qua nhiều giai đoạn.
Nhưng chúng ta có sống một đời duy nhất một lần không? Khi chúng ta mơ ban đêm, chúng ta ở trong một đời sống song song không? Thực tế có phải là một giấc mơ ngủ đứng không?
Nếu các tôn giáo hứa hẹn với chúng ta có một đời sống sau cái chết – than ôi! – thì họ không đồng ý về cách dùng. Một vài tôn giáo nói luân hồi, phù hợp với hình thức tái chế, một vài tôn giáo khác nói sẽ lên thiên đàng hay xuống hỏa ngục. Còn người Apache thì tin sau khi chết họ sẽ được tặng một miếng đất đi săn tuyệt đẹp. Ai chết sẽ biết.
Một vài người nghĩ chúng ta buộc phải sống lại cùng một đời sống. Như vậy thì nhịp sống sẽ rất lộn xộn, nhất là cho trẻ em chết khi còn nhỏ.
Mình có phải chôn mèo, chó và các con vật khác không?
Lucile, 8 tuổi
Vì lý do vệ sinh khi súc vật chết thì phải chôn. Nếu không thì chúng ta ở chung với xác thối và sẽ có bệnh dịch, ngoại trừ nếu chúng ta có các con linh cẩu lo việc này. Nhưng làm lễ tang cho chúng lại là một chuyện khác. Nếu các con vật đã trung thành ở với mình, ông nghĩ là mình nên có một buổi lễ để tỏ tình thương của mình.
Ông sống trong một nông trại ở Ai Len. Trong gia đình ông, khi có một con chó hay con ngựa chết thì tất cả người trong gia đình đều đến chào lần cuối. Mọi người mang hoa đến, trong buổi lễ, gia đình ông chọn đặc biệt cho con vật này tùy theo tính tình của nó.
Ông còn nhớ một con chó bẹc-giê của con trai ông, trước khi chôn, con chó được bọc trong lớp da cừu để làm cho nó cái hòm. Nơi chôn được đánh dấu bằng một tảng đá mà ông dựng lên như cái mộ.
Khi con ngựa chết thì rắc rối hơn vì phải cần xe đào đất để đào hố chôn. Nông trại của gia đình ông lớn nên có thể có nhiều lỗ lớn. Sẽ không làm như vậy được trong vườn ở thành phố.
Một nấm mồ là nơi ghi nhớ kỷ niệm. Nhưng mình cũng có thể thiêu và giữ tro trong hộp để kỷ niệm.
Trích sách “Không trả lời có, cũng không trả lời không”, tác giả Tomi Ungerer