Gia đình
Khi mẹ giận, mẹ hay nói: “Không có ‘nhưng!’” Nhưng con nghĩ “nhưng” là có, con nghĩ “nhưng” là có thiệt trong đời sống. Vậy thì?
Làm sao mình biết người đó thương mình?
Làm sao mình học để làm cha?
Vì sao đôi lúc con sợ gia đình?
Con không có chị cũng không có anh. Có bình thường không khi con cảm thấy mình đơn độc?
Đối với cha mẹ, khi nào mình cũng là trẻ con?
Trích sách “Không trả lời có, cũng không trả lời không”, tác giả Tomi Ungerer. Nxb. l’écoles des loisirs.
Khi mẹ giận, mẹ hay nói: “Không có ‘nhưng!’” Nhưng con nghĩ “nhưng” là có, con nghĩ “nhưng” là có thiệt trong đời sống. Vậy thì?
Marco, 5 tuổi
Con nói với mẹ đó là cách dạy quá xưa rồi! Kiểu nói này có từ thời mà người ta nói trẻ con “chỉ nên nhìn mà đừng nghe chúng”, đó là câu ngạn ngữ người Anh hay nói. Người ta không bao giờ cho trẻ con nói. Cha mẹ phớt lờ ý kiến của con, phớt lờ lời con cái xin giải thích. Chính ông, khi còn nhỏ, ông cũng khổ vì bị cho là đứa bé không biết gì. Khi ông cố gắng giải thích thì mọi người ồ lên cười. Nhưng không được vậy! Trẻ con có quyền nói. Trẻ con không phải là những đứa bé ngu. Chúng biết em bé đến từ đâu, nhưng không biết người lớn đến từ đâu. Ba đứa con của gia đình ông đều có tiếng nói và chúng thường lên tiếng bằng cách bỏ phiếu. Liên kết với nhau, chúng là đa số tuyệt đối chống vợ chồng ông. Và thế là một ngày đẹp trời, chúng bắt vợ chồng ông dời cây thông Noel!
Sự thật thốt ra từ miệng trẻ con. Trẻ con có một năng khiếu bẩm sinh, qua sự ngây thơ của chúng, chúng diễn tả không quanh co và thường thường gần với thực tế hơn!
Làm sao mình biết người đó thương mình?
Emma, 6 tuổi
Chung chung chuyện này thể hiện qua sự dịu dàng. Chỉ cần nhìn các con vật thủ thỉ với con của nó là mình hiểu tình yêu là gì.
Vấn đề là nhiều cha mẹ và bạn bè thường “hướng nội”, có nghĩa là họ không cách nào diễn tả được tình cảm của mình, thường là do rụt rè.
Chỉ khi nào có vấn đề, tuyệt vọng, bệnh tật, đau khổ hay thất bại thì khi đó mới có thông cảm, thương xót hết sức mình.
Làm sao biết mình có được thương không? Chuyện này mình chỉ cảm nhận qua bản năng. Nếu không phải như vậy thì phải tìm lý do ở chỗ khác. Hoặc tình yêu đã ở đó, hoặc tình yêu đang chờ con.
Làm sao mình học để làm cha?
Simon, 6 tuổi
Vai trò người cha đã được tiến hóa. Ngày xưa, người cha đưa ra bổn phận, áp đặt kỷ luật với cái roi kèm theo. Bây giờ thì quà cáp thay roi thay búa.. Chính ông, ông cũng phét các con ông vài cái vào đít. Để cân bằng lực lượng, đôi khi ông cũng phải quỳ gối trước các con và nói: “Bây giờ đến lượt các con phạt cha”. Khi đó chúng đánh ông sau đít bằng bàn tay nhỏ bé của chúng!
Ông mất cha của ông lúc ông ba tuổi rưỡi. Và đây là một trong các kỷ niệm hiếm hỏi ông còn giữ lại: một người khổng lồ (dưới mắt con nít, tất cả người lớn là người khổng lồ) bồng ông ngồi trên đầu gối để đút cho ông ăn, cha của ông lấy hai ngón tay bịt mũi ông để ông nghẹt thở mà hả miệng ra, khi đó ông đút rau bi-na vào vì khi còn nhỏ, ông rất ghét rau này. Bây giờ đó là một trong các loại rau mà ông ưa thích.
Nhưng không vì vậy mà làm thay đổi hình ảnh người cha trong ký ức của các anh chị em ông, vì họ lớn tuổi hơn ông nên họ nhớ nhiều kỷ niệm về người cha, một người rất nhiệt tình và thương yêu con. Ông được nuôi dạy trong huyền thoại người đàn ông này phi thường ở mọi điểm, qua tài năng và cá tính đặc biệt của mình. Nhưng dù sao ông cũng là một ‘lãnh chúa’. Trẻ con khi nào cũng muốn tự hào về cha mình. Chúng cần ngưỡng mộ và tôn trọng người cha. Mà tất cả các người cha đều có khiếm khuyết. Có những người cha xa vắng, giận dữ, không kiên nhẫn, cau có khi có những chuyện lo lắng, hoặc gây gổ với vợ…
Đa số người cha muốn ghi vào đầu con cái sở thích và xác tín của mình. Nhưng mỗi đứa con nít đều có quyền chất vấn và có ý kiến riêng của mình. Để làm được như vậy thì nó phải có can đảm nói lên. “Như thế là không đúng!” “Đó không phải lỗi con!” “Con không đồng ý!” Như thế, trẻ con học làm cha ở cha mình. Đó là nhờ sự hỗ tương qua về của một tình yêu do bản năng: đứng trước con người độc nhất và không thể thay thế là người cha, chúng ta nghiệm thấy mình có nhu cầu thương và được thương.
Vì sao thỉnh thoảng con sợ gia đình?
Illona, 5 tuổi
Một gia đình là một tập hợp của những người khác nhau nhưng dính với nhau bằng máu mủ. Một chiếc bình kín trong đó mọi người ở gần nhau, chịu các luật lệ chung chung do cha mẹ áp đặt. Khi một thành viên trong gia đình quá khác, do bản chất chẳng hạn, thì người khác không hiểu họ. Khi đó sự cô đơn thật khủng khiếp, họ như người bị khinh miệt ruồng bỏ. Không một gia đình nào giống nhau, vậy mà hài hòa thì rất hiếm, các vụ gây gỗ nhau với hệ quả thù hằn của nó thường thì rất khó để chịu đựng.
Khi mình cảm thấy sợ gia đình, thì phải có can đảm lờ nó đi hay phải dám thảo luận về lý do, nhưng chẳng có bao nhiêu hy vọng mình sẽ được lắng nghe. Nếu gia đình là nhà tù, thì ông nghĩ chỉ còn cách là bỏ trốn.
Khi còn nhỏ, các ngày lễ vào mùa Giáng Sinh làm cho ông ngột ngạt. Sau khi phát quà, ông ra khỏi nhà đi lang thang ngoài đường.
Con không có chị cũng không có anh. Có bình thường không khi con cảm thấy mình đơn độc?
Coline, 10 tuổi rưỡi
Khi còn nhỏ, mới 6 tuổi ông được gởi đến ở nội trú nhà người bác. Ông không có bạn nói chuyện cũng không có bạn để chơi. Ông mất cha sớm. Cảnh bị bỏ rơi như vậy thật khốn khổ. Ông tìm vui với sách vở và vẽ. Trí tưởng tượng là người bạn thân nhất của ông. Với trí tưởng tượng, ông có được tự do mà bây giờ ông vẫn còn giữ cho đến giờ này.
Có được anh chị em là có bạn cùng chơi, cùng gây nhau. Như thế nó làm cho mình khỏi chán. Nhưng cũng có một số người vẫn cảm thấy chán dù có nhiều người chung quanh. Trong đám đông cũng vậy, nhiều khi mình cũng cảm thấy đơn độc!
Tuy nhiên trong các trò chơi mình cũng cần bạn, cần người hợp với mình. Phong cách để kết bạn vẫn là đơn sơ. Phải thử tìm bạn, mời bạn về nhà trong hy vọng họ sẽ mời mình lại. Dù các bạn là người nước nào hay ở thành phần xã hội nào. Nhưng cha mẹ phải đồng ý và vui vẻ tiếp đón.
Khi còn nhỏ, lúc tựu trường, ông có một thói quen: ông có quyển sổ tay ghi tên các bạn cùng lớp. Khi ông làm quen được với một bạn, ông ghi tên bạn ấy vào. Ông có thể nói, ngay từ học kỳ đầu, ông không còn kẻ thù nào. Ông luôn biết tránh gây gổ, tránh đánh nhau!
Đối với cha mẹ, mình luôn luôn là đứa con nít?
Rebecca, 9 tuổi
Khi mẹ của ông đã ngoài 80, và ông thì đã ngoài 50, nhưng mẹ ông khi nào cũng nói với ông:
– Tia sáng mặt trời của mẹ;
– Hoàng tử bé nhỏ của mẹ;
– Con gà con của mẹ.
Và mẹ còn dùng các thuật ngữ địa phương vùng Alsace của mẹ mà ông không tài nào hiểu được…
Khi ông 80 tuổi, ông đã phải xin người chị cả lớn hơn ông 8 tuổi đừng giới thiệu ông với người lạ là thằng em nhỏ bé của tôi! Chắc chị của ông muốn ông co lại nhỏ một chút trước khi chết hoặc khi vào hòm thì ông thành con nít lại!
Và đó là như vậy! Chúng ta lớn lên và trở thành người lớn, nhưng khi nào dưới mắt người thân, mình cũng còn nhỏ!
Marta An Nguyễn dịch
Xin đọc thêm: