Đau buồn, giáo phận Orléans chôn linh mục Pierre-Yves Fumery
lavie.fr, Bénédicte Lutaud, Orléans, 2018-10-29
Nhà thờ Saint-Paterne
Ngày thứ hai 29 tháng 10, tại nhà thờ Saint-Paterne thuộc giáo phận Orléans đã cử hành tang lễ của linh mục Pierre-Yves Fumery, người tự tử ngày thứ bảy 20 tháng 10 vừa qua.
“Tại sao? Chuyện gì đã xảy ra? Tại sao một người vô tội lại đi nhanh và phủ phàng như thế?” Ai cũng tự hỏi. Nhưng với linh mục Jean-Louis Rodriguez, người bạn lâu ngày với linh mục quá cố, cha loại bỏ mọi nghi ngờ, rửa nhục cho bạn, cha vinh danh linh mục Pierre-Yves Fumery. Bạn của cha đã tự tử ngày 20 tháng 10 ở tuổi 38, khi bị điều tra sơ khởi vì “nghi ngờ tấn công tình dục trên trẻ vị thành niên dưới 15 tuổi”. Chưa có lời buộc tội chính thức nào được đưa ra. Trong lúc chờ đợi cuộc điều tra, bắt đầu từ cuối tháng 9, giám mục Jacques Blaquart, giáo phận Orléans đã xin cha nghỉ tạm vài tuần và nhờ một tâm lý gia trị liệu theo dõi. Linh mục Pierre-Yves Fumery trở lại giáo xứ ngày 8 tháng 10 nhưng không có công tác mục vụ. Trước khi tự tử, cha để lại một bức thư “xin lỗi mọi người đã có hành vi không đúng”.
Giáo phận Orléans bị sốc sau vụ tự tử của Linh mục Fumery
Ngày 29 tháng 10, đau buồn, toàn giáo phận đến nói lời tiễn biệt một linh mục, nhưng còn hơn nữa, tiễn biệt một người bạn, một người thân, một người đồng hành. Nhà thờ
Saint-Paterne cũng là nhà thờ linh mục Fumery nhận phép rửa tội chật ních người. Trên thềm nhà thờ, dưới bầu trời xám xịt buồn bã, một vài người khóc, họ ôm nhau để lên tinh thần cho nhau.
Linh mục Rodriguez nhắc lại quá trình ơn gọi của bạn mình, từ khi giúp lễ đến khi chịu chức năm 2014, cha giải thích với cộng đoàn: “Orléans là thành phố của linh mục Fumery, cha đã gắn bó với thành phố này, và nhà thờ Saint-Paterne là giáo xứ của cha… thậm chí cha còn cho đó là giáo phận của cha, chúng tôi hay nói đùa với nhau như vậy trong thời còn ở chủng viện”. “Pierre-Yves còn nhớ trong tuổi trẻ của mình, các linh mục là các nhà giáo và biết gần với các chủng sinh.”
Tại sao? Câu hỏi ở trong đầu chúng tôi và sẽ ở mãi, chắc chắn sẽ không có câu trả lời nào thích ứng trên trái đất này.
Cha Rodriguez kể tiếp về bạn mình, người được mọi người gọi là “PYF”, rồi “cha PYF”, từ năm 2002 khi được đào tạo làm linh mục, cha luôn tự tin và luôn cần thời gian để tìm hiểu mọi sự. Cha Rodriguez kết luận: “Tại sao? Câu hỏi ở trong đầu chúng tôi và sẽ ở mãi, chắc chắn sẽ không có câu trả lời nào thích ứng trên trái đất này nhưng nó sẽ được làm dịu, được nhẹ bớt bằng lời cầu nguyện của chúng ta”, sau đó cha mời mọi người hiệp nhất trong tinh thần cộng đoàn kitô hữu.
Linh cửu của cha Fumery được các linh mục khiêng chầm chậm vào nhà thờ, theo sau có các linh mục của địa phận Orléans, đặc biệt các linh mục của giáo xứ Gien (Loiret) nơi cha phục vụ. Khi vào nhà thờ, giáo dân chia buồn với gia đình: “Xin Chúa gìn giữ Pierre-Yves”. Như trong tất cả các tang lễ của linh mục, áo phụng vụ và khăn các phép được để trên quan tài.
Công lý và đúng mực
“Chính tôi, tôi cũng đặt cho mình các câu hỏi: tôi đã làm gì, tôi đã không làm gì, tôi đã làm gì không đúng?” Giám mục Jacques Blaquart
Trong bài giảng tự phát, gương mặt buồn, giọng đôi khi đứt quãng vì xúc động, đôi mắt dán chặt vào quan tài cha Fumery, giám mục giáo phận Orléans nói trực tiếp với người quá cố trong một lời van xin nhói lòng: “Cha xin lỗi con Pierre-Yves, cha đã không thấy nỗi tuyệt vọng của con, đã không nghe con đủ. Cha đã làm gì không đúng?” Rồi hướng về cộng đoàn, ngài nói: “Chính tôi, tôi cũng đặt cho mình các câu hỏi: tôi đã làm gì, tôi đã không làm gì, tôi đã làm gì không đúng?” Sau đó ngài cảnh báo “Satan, người chia rẽ” có thể lợi dụng thảm kịch này để “tìm người có tội.” Ngài mời cộng đoàn “làm thế nào để giữa các linh mục tương trợ nhau hơn, giữa giám mục và linh mục, giữa giáo dân với nhau, giữa giáo dân và linh mục nhưng “tôi là người đầu tiên tự hỏi, phải săn sóc nhau nhiều hơn, săn sóc cho Giáo hội bị tổn thương của chúng ta”, săn sóc những người bị “đau khổ vì xung đột, vì bệnh tật, vì tang tóc” hay đôi khi “bị tổn thương do chính Giáo hội gây ra”.
Nếu không ai còn dám biểu lộ một hành vi dịu dàng nào vì sợ hiểu lầm thì đời sống linh mục sẽ không còn mọi yêu thương sao?
Sau khi rước lễ, một người chị họ của linh mục Fumery và hai người bạn thân lên nói về các kỷ niệm riêng thời thơ ấu họ. Một người bạn thân của linh mục Fumery phát biểu: “Anh là người mà chúng tôi trông cậy, người gánh trên vai mình khổ đau của nhân loại để rồi cuối cùng anh lại bị đè bẹp dưới sức nặng của phán xét, của sự thiếu thông hiểu.” Sau đó anh đưa ra suy nghĩ của mình về tương lai của các linh mục: “Nếu không ai còn dám biểu lộ một hành vi dịu dàng nào vì sợ hiểu lầm thì đời sống linh mục sẽ không còn mọi yêu thương sao? Một đời sống không có tình dịu dàng, có phải đó là một đời sống chúng ta muốn cho các linh mục của chúng ta không? (…) Pierre-Yves, tôi rất buồn, rất đau lòng vì anh ra đi.” Mỗi chứng từ đều được giáo dân hết lòng vỗ tay.
Cuối lễ, giáo dân lên rảy nước thánh cho quan tài trong bài hát “Biết Yêu thương” của Florent Pagny, và sau đó là dọc lời cầu nguyện của linh mục Dòng Đa Minh Louis-Joseph Lebret mà linh mục Fumery để trên bàn làm việc của mình: “Lạy Chúa, xin gởi đến cho chúng con những người điên, những giữa dấn thân đến cùng, những người quên mình, những người yêu một cách khác hơn là chỉ bằng lời, những người hết mình cho sự thật và đi đến cùng.”
Đoàn rước gồm các linh mục, giáo dân, các cặp vợ chồng, các gia đình, các trẻ em và trẻ vị thành niên, các hướng đạo sinh mang khăn quàng vàng và trắng. Nhiều người chảy nước mắt, họ nương nhau đi, trao đổi với nhau vòng ôm an ủi. Khi rảy nước thánh trên quan tài, một linh mục không chịu đựng nổi đã bật khóc. Một linh mục lớn tuổi hơn đã nhẹ ôm vai và đưa linh mục này ra khỏi đoàn rước để cha được trút hết nổi đau buồn của mình. Hai chiếc áo lễ chầm chậm xa dần.
Ngày thứ sáu 2 tháng 11, giám mục Blaquart sẽ gặp các linh mục của địa phận mình để trả lời các câu hỏi và các chỉ trích nổi lên sau thảm kịch và để cùng nhau đối thoại.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Xin đọc: Tự tử của các linh mục: “Một hành vi mang tính biểu tượng nặng nề”
Linh mục Stéphane Joulain: “Đồng hành thiêng liêng với các linh mục cũng rất quan trọng”