Đức Phaolô-VI, Chân phước Romero và Đức Phanxicô, cùng một chiến đấu
Bức tranh tường của Chân phước Romero, Tổng Giám mục bị ám sát ở San Salvador, tại Bệnh viện Chúa Quan Phòng | © Jacques Berset
cath.ch, 2018-10-04
Ngày 4 tháng 10-2018, ông Roberto Morozzo della Roca, người viết tiểu sử Chân phước Romero và Đức ông Guido Mazzotta, cáo thỉnh viên trong việc phong thánh cho Đức Phaolô-VI đã ghi nhân: “Chân phước Oscar Romero và Đức Phaolô-VI đã thực hiện Phúc Âm qua tình yêu cho người nghèo nhất,”. Di sản của hai vị đã được Đức Phanxicô tiếp tục thực hiện một cách rộng lớn.
Theo ông Roberto Morozzo, một hình thức “yêu nước tích cực theo phong cách Châu Mỹ La Tinh” rõ nét nơi Đức Phanxicô cũng như nơi Chân phước Romero. Còn về phần mình, Đức ông Mazzotta ghi nhận có sự gắn kết của Đức Phanxicô với tầm nhìn phúc âm hóa trong Tông huấn Loan báo Tin Mừng Evangelii nuntiandi (1975) của Đức Phaolô-VI. Tài liệu huấn quyền này nhấn mạnh đến vai trò của mọi tín hữu kitô chứ không phải chỉ một mình vai trò của các linh mục.
Thao thức thực hiện Tin Mừng qua tình yêu cho người nghèo là thao thức của ba nhân vật này. Đức Tổng Giám mục Romero đã bảo vệ cho những người khốn cùng nhất để chống lại áp bức hung bạo của chế độ. Nơi Đức Phaolô-VI, ngài diễn tả qua việc bán vương miện giáo hoàng để giúp các công việc từ thiện. Một cách chung chung, Đức Phaolô-VI cho rằng phải luôn thương người nghèo hơn để phục vụ họ tốt hơn.
Đường hướng thiêng liêng của Đức Phaolô-VI
Đức ông Guido Mazzotta giải thích, trong tiến trình phong thánh của Giovanni Battista Montini, các bài viết riêng của ngài đã không được dùng đến. Nhưng kinh nghiệm giáo hoàng của ngài là chất liệu được dùng. Đức ông nhấn mạnh, đặc nét của Đức Phaolô-VI là giáo dục người trẻ. Bản thân Đức ông Mazzotta cũng thường xuyên tiếp xúc với giáo hoàng để hiểu phương cách giáo dục của ngài, để mang ra áp dụng trong giáo xứ của mình.
Đức Phaolô-VI cũng là một nhà hướng dẫn thiêng liêng am tường, nhà cáo thỉnh viên khẳng định: “Phần hay đẹp nhất trong quá trình phong thánh là phần đọc các chứng từ của các tín hữu được ngài hướng dẫn về mặt thiêng liêng.”
Một liên kết chặt chẽ giữa hai người
Còn về phần Chân phước Romero, nhà viết tiểu sử Roberto Morozzo của ngài cho biết, Chân phước đã có một liên lạc sâu đậm với Đức Phaolô-VI: “Chân phước rất trung thành và xem giáo huấn của Đức Phaolô VI là kim chỉ nam của mình“
Ngoài ra tác giả Morozzo còn nhấn mạnh đến các lý do tôn giáo của vụ ám sát Giám mục Salvadori, đây là một cái chết do hận thù đức tin, điều kiện cần thiết để công nhận việc ngài tử đạo. Theo Morozzo, “Đức Giám mục Romero tìm cách để bảo vệ người dân chống lại lực lượng nổi loạn quân sự, vì lý do tôn giáo bởi vì các chọn lựa của ngài dựa trên nguyên tắc kitô”.
Tuy nhiên chuyên gia về Đức Tổng Giám mục Romero ghi nhận có những khó khăn trong tiến trình phong thánh, nhất là vào thời Đức Bênêđictô XVI (2005-2013). Năm 2007, trong chuyến đi từ Ba Tây về, Đức Bênêđictô XVI cho rằng: “Romero là vị thánh, nhưng còn tồn tại một vấn đề: ngài thiếu một sự hợp nhất chung quanh tên ngài”. Thực vậy, trong một thời gian dài, có một kẻ nứt chung quanh các quan điểm chính trị của Giám mục San Salvador. Dù vậy, theo nhà viết tiểu sử Morozzo, chính Đức Bênêđictô XVI đã giải tỏa án phong thánh của Tổng Giám mục Romero.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Xin đọc: Chân Phước Oscar Romero – Một chiến thắng cho Giáo hoàng Phanxicô
“Tại sao Đức Giáo hoàng lại làm vậy?”, tân hồng y San Salvador tự hỏi