Vatican Insider – Andrea Tornielli – 07/7/15
Từ Quito
Chúa Giêsu không bao giờ tìm cách ‘đóng vai giáo sư’ nhưng Ngài nói với trái tim con người để cho tất cả mọi người có thể hiểu được Ngài. Các trường học và đại học ngày nay cần phải giáo dục người trẻ hướng đến ‘phát triển một tâm thức phê phán, một tâm thức mở có thể chăm lo cho thế giới ngày nay,’ và giúp các em không làm ngơ trước thực tế chung quanh mình.
Trong buổi gặp gỡ với đại diện từ các trường học và đại học, Đại học tạo ra một từ mới trong tiếng Tây Ban Nha ‘doctorear’ [đóng vai giáo sư], để giải thích về cách tiếp cận của Chúa Giêsu và nhiệm vụ của các cơ sở giáo dục: Đừng đóng vai giáo sư, nhưng hãy chuẩn bị cho các thế hệ mới thể hiện được ‘trách nhiệm lớn hơn nữa trước các vấn đề thời nay, trước nhu cầu của người nghèo, và biết bận tâm về môi trường.’ Bởi thông điệp phúc âm hóa đích thực khuyến khích sự chung tay, sự theo đuổi công bằng xã hội, và chăm lo cho tha nhân và môi trường, coi sóc ơn tạo vật.
Hôm 07-7, Đức Phanxicô đến thăm Đại học Giáo hoàng Công giáo của Ecuador, một trường đại học tư được thành lập năm 1946, thuộc quản lý của giáo phận Quito, và được điều hành bởi các cha Dòng Tên, một trung tâm giáo duc với khoảng 30 ngàn sinh viên. Buổi gặp được tổ chức trên sân vận động ngoài trời với 5000 người tham dự. Thời tiết hôm nay vẫn cứ giao động giữa nóng và lạnh, nắng, gió và mưa. Sau khi giám mục trình bày về văn hóa, và hiệu trưởng có lời chào mừng giáo, thì đến lượt Carolayne Espinoza Jiménez, một sinh viên mở lời: ‘Chúng con muốn các trung tâm giáo dục của mình thể hiện được sự cởi mở với tất cả chiều kích của đời sống con người’ và ‘để đất nước chúng con nhận ra rằng thật sai trái, cả về văn hóa lẫn nhân văn, khi loại trừ tôn giáo khỏi các lớp học để bảo vệ tự do cá nhân và lương tâm của mỗi người. Trong khi đó, chủ nghĩa bất khả tri và chủ nghĩa vô thần lại đang được thúc đẩy rộng rãi.’
Và Đức Phanxicô, rút ra từ tông thư Laudato Si mới đây của mình, và từ chủ đề của chuyến công du lần này, đã yêu cầu các nhà giáo dục hãy có thái độ của Chúa Giêsu:
Chúa Giêsu có thể ‘vươn đến trái tim con người, vươn đến nhận thức và đời sống của họ, để họ có thể sinh hoa trái.’ Chúa Giêsu luôn luôn ‘mềm dẻo’ trong đường lối giảng dạy. Dạy dỗ người khác quan tâm đến tạo vật, nuôi dưỡng và chăm lo cho tạo vật, có thể nhận ra được rằng việc bảo vệ tạo vật gắn chặt với sự phát triển các khuôn mẫu và từ đó là phát triển công bằng xã hội. ‘Tạo vật là ơn để chia sẻ. Đây là không gian mà Chúa ban cho chúng ta để cùng chung tay với người khác, xây dựng một sự, chính là ‘chúng ta.’ Thế giới, lịch sử, chính là một sắp đặt để chúng ta xây dựng ‘chúng ta’ cùng với Thiên Chúa, với tha nhân, với trái đất. Ngày nay, bảo vệ và chăm lo cho tạo vật, bắt đầu từ những nỗ lực của chúng ta với người nghèo, không còn là một khuyến khích đơn thuần, nhưng là một đòi hỏi.
Chắc chắn một điều rằng, chúng ta không còn có thể quay lưng với thực tế, quay lưng với anh chị em chúng ta, và mẹ trái đất được nữa. Thật sai trái khi làm ngơ trước những gì đang diễn ra quanh chúng ta, như thể các chuyện này không tồn tại và không dính dáng gì đến đời sống chúng ta cả.
Cha sống ở Roma, thời tiết lạnh vào mùa đông, và đôi khi có những người già sống gần Vatican chết vì lạnh. Và các con chẳng bao giờ đọc thấy chuyện này trên báo hay tin tức đâu. Chuyện này không phải là tin tức. Nhưng chứng khoán mất 2 điểm, thì sẽ là chuyện giật tít khắp toàn cầu … Thế đó.
‘Em của con đâu?’ Chúa đã hỏi Cain như thế. Và cha hỏi câu này với các on, các thành viên của Đại học Công giáo: anh em của con đâu?
Ở đây trong cơ cấu đại học này, thật đáng để suy gẫm về cách thức chúng ta giáo dục về trái đất của mình, vốn đang kêu lên tận trời … Câu hỏi của cha, cho các con, những nhà giáo dục là: Các con có canh chừng cho các sinh viên của mình, giúp cho các em có một tâm thức phê phán, một tâm thức mở có thể chăm lo cho thế giới ngày nay, hay không? Liệu có được một tinh thần tìm kiếm các câu trả lời mới cho các thách thức đủ loại mà xã hội đặt ra cho chúng ta hay không? Các con có thể khích lệ các em đừng làm ngơ trước thế giới quanh mình hay không?
Cuộc đời chúng ta, với đủ những bất định, mơ hồ, và vấn đề, liệu có chỗ trong các giáo trình đại học hay các hoạt động hàn lâm khác hay không? Chúng ta có tạo điều kiện và ủng hộ một thảo luận xây dựng thúc đẩy đối thoại vì một thế giới nhân văn hơn hay không?
Con đường suy tư dành cho tất cả chúng ta, các gia đình trường học, và giáo viên. Làm sao chúng ta có thể giúp cho các người trẻ đừng xem bằng đại học đồng nghĩa với địa vị cao, tiền bạc, và danh giá xã hội. Làm sao chúng ta góp phần làm cho giáo dục ghi dấu trong các em một trách nhiệm lớn hơn nữa trước các vấn đề thời nay, trước nhu cầu của người nghèo, và các bận tâm về môi trường?
Và các người trẻ, các con có nhận ra rằng thời gian học hành này không phải chỉ là một quyền, mà là một đặc ân hay không, các con có thấy được rằng nhiều bạn bè, bà con, hay nhiều người khác mà các con không biết, đang mong muốn có một mái nhà mà thôi, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, lại không có được. Và việc học hành của chúng ta giúp chúng ta cảm nhận được sự đoàn kết với họ đến mức nào đây?
Các cộng đồng giáo dục đóng một vai trò quan thiết trong việc phong phú hóa đời sống dân sự và văn hóa. Phân tích và mô tả hiện thực thôi thì không đủ, cần phải hình thành những môi trường cho suy tư sáng tạo, cho thảo luận thăng tiếng các giải pháp cho những vấn đề hiện thời.
Đối mặt với sự toàn cầu hóa của luận thuyết kỹ trị, điều cấp bách chúng ta cần làm là tiếp tục suy tư và thảo luận về tình trạng hiện thời của mình. Chúng ta cần phải tự hỏi mình xem mình muốn một nền văn hóa như thế nào, và không phải chỉ cho bản thân mà thôi, nhưng là cho con cái và con cháu của chúng ta nữa. Chúng ta đã được nhận trái đất này như của thừa kế, như ơn ban. Và chúng ta phải tự hỏi mình: ‘Chúng ta muốn để lại một thế giới như thế nào? Chúng ta muốn cho đời mình ý nghĩa hay đường hướng nào đây? Tại sao chúng ta ở đây? Mục đích công việc và mọi nỗ lực của chúng ta là gì?
Các sáng kiến cá nhân luôn là điều tốt đẹp và căn bản, nhưng chúng cần phải có một bước tiến hơn nữa: chúng ta được khích lệ hãy nhìn vào hiện thực một cách kết cấu chứ không phải phân mảnh, hãy tự hỏi mình những câu hỏi qui kết hết tất cả chúng ta, bởi chúng ta không được phép loại trừ.’
J.B. Thái Hòa chuyển dịch