“Nhớ trường học mình, nhớ thầy cô mình, đó là chuyện rất quan trọng!”

117

“Nhớ trường học mình, nhớ thầy cô mình, đó là chuyện rất quan trọng!”

fr.zenit.org, Anita Bourdin, 2018-06-09

“Cha đi học khi cha 6 tuổi”

Ngày thứ bảy 9 tháng 6 – 2018, Đức Phanxicô đã có buổi gặp các em của nhóm “Xe lửa Trẻ em” ở Hội trường Phaolô VI . trong dịp này ngài đặc biệt nhắc các em nhớ trường học, nhớ thầy cô để giữ “gốc rễ” và từ đó có thể mang hoa trái đến cho đời mình. Sau đây là buổi trao đổi giữa Đức Phanxicô và các em.

Anna – Con tên là Anna Greta, con ở trường Giacosa. Con muốn hỏi cha: cha còn nhớ các cô giáo ở trường khi cha còn nhỏ không?

Đức Phanxicô – Cha đi học khi cha lên sáu, trường học của cha chỉ cách nhà cha 400 mét, cha đi bộ đến trường và đó là năm 1942 … Năm 1942 con ở đâu? … A! con chưa sinh ra! Cô giáo của cha tên Estela, cô giáo Estela dạy cha năm lớp một và năm lớp ba. Năm lớp hai và lớp bốn cha có một cô giáo khác. Cô dạy cha học đọc học viết, cô rất giỏi. Và khi cha học xong tiểu học, cha luôn nhớ các cô giáo, vì nhớ các thầy cô dạy mình đầu tiên trong đời là chuyện rất quan trọng, vì các thầy cô là người đầu tiên đưa các con vào đời. Và cha đã gọi điện thoại hỏi thăm cô khi cha lớn lên ở tuổi vị thành niên, khi cha làm linh mục. Và khi cha là giám mục, cha giúp cô khi cô bị bệnh. Cô mất khi cô 94 tuổi. Cha luôn hỏi thăm cô. Cha không bao giờ quên kỷ niệm này. Cha cám ơn con đã hỏi câu hỏi này!

Clara – Con xin chào cha, con tên là Clara và con muốn hỏi cha: khi cha còn nhỏ, cha ở khu phố và thành phố nào?

Đức Phanxicô – Cha cám ơn con. Cha có thể nói chuyện này được chứ? Cha ở thành phố đẹp nhất thế giới! Thành phố Buenos Aires, khu phố Flores, một trong các khu phố xưa cổ nhất thành phố, một trong các khu phố đầu tiên. Cha sống ở đó với gia đình, cha có năm anh em ở nhà … và khu phố này là khu phố bình dân, chưa có nhà cao tầng ở đó, chỉ có các nhà thấp thấp. Vào thời đó, có rất ít nhà cao tầng. Sau này người ta mới xây… Đó là khu phố đơn sơ chỉ có khoảng ba mươi căn nhà, khu phố có một sân chơi rất đẹp, cha chơi đá banh ở đó. Cha là thủ môn. Con biết vì sao cha là thủ môn không? Vì khi cha đá banh, cha có “đôi chân cứng, cặp giò cứng”. Có nghĩa là gì, có nghĩa là cha không phải là cầu thủ đá banh giỏi, cha không chạy nhanh, cha không biết cách lừa banh nên họ cho cha gác thành và cha gác được! Cha cám ơn con.

Malak – Con tên là Malak, con muốn biết làm thế nào cha lại hiểu được mình phải sống như thế nào và làm sao cha sống đời sống này cho đến ngày hôm nay?

Đức Phanxicô – Cha sống từng đoạn một vì cha đã học để thành hóa học gia và cha đã làm việc 4 năm trong ngành này. Vào cuối thời gian học, cha làm việc ở phòng thí nghiệm và cha rất thích. Và đến một lúc cha nhận ra cuộc sống này không tràn đầy cho cha và cha nghĩ: chúng ta phải làm một cái gì cho người khác, là bác sĩ … một cái gì như vậy. Và một buổi chiều, ngày đầu tiên mùa xuân ở Argentina, ngày 21 tháng 9, ở Argentina khác ở đây, ở đây ngày 21 tháng 9 là ngày đầu thu, trong lòng cha, cha cảm thấy mình phải là linh mục: bùm, cha được gọi! Tuy cha vẫn tiếp tục làm việc trong vài năm, nhưng xác tín này luôn ở đó, sau đó cha vào chủng viện. Nhưng lúc đó, bỗng nhiên cha cảm thấy mình sẽ là linh mục. Cha cám ơn con.

Giulia – Con là Giulia Vitale, con học trường “Ilaria Alpi”. Con muốn hỏi cha, trường của cha như thế nào.

Đức Phanxicô – Trường của cha ở đường “Varela”, đây là con đường có những căn nhà thấp; trường có mặt tiền bằng gạch đỏ… Bên trái có một khu đất xanh rất đẹp nhưng mình không đá banh ở đó được vì có nhiều cây … rất đẹp. Nhà của cha cách đó 400 mét và cha đi bộ đến trường. Một kỷ niệm đẹp, cha còn nhớ một ngày 25 tháng 5 … Tháng 5 mùa thu đã bắt đầu ở Argentina và đã lạnh. Nhưng năm đó trời rất lạnh, cha đến trường dự ngày lễ ái quốc, vì ngày 25 tháng 5 là ngày lễ của đất nước cha. Khi lễ xong, lần đầu tiên cha thấy nước đá. Vào thời đó còn có nước đá, chứ bây giờ với khí hậu nóng lên, gần như chúng ta không còn thấy nước đá ở thành phố, nhưng vào thời cha thì thấy … Ở nhà có một lò sưởi đơn sơ, chỉ một cái lò cho cả nhà, rất đơn sơ, và có nước đá trên đường đến trường. Còn ở trường, khi bước vào trường có một khoảng sân, mình họp nhau tất cả ở đó, mình chơi ở đó giữa hai giờ học, các lớp học thì ở chung quanh khoảng sân này. Một giờ học thì có 10 phút ra chơi ở sân này. Đó là trường của cha, trường rất đẹp! Cách đây vài năm cha có về thăm trường, vì khi đó trường có một buổi lễ kỷ niệm ông hiệu trưởng đầu tiên của trường, mà hồi cha còn học, cha không biết, ông ở đó trước khi cha đến. Và khi cha vào trường, trường giống như ngày xưa khi cha còn học ở đó, giống y hệt và cha rất xúc động, cha rất thích. Cha cám ơn con.

Eiman – Con tên là Eiman. Cha cho con hỏi, khi cha còn nhỏ, cha thích chơi trò chơi nào?

Đức Phanxicô  – Trẻ con hồi đó rất thích chơi diều và tự làm lấy diều để chơi, với giấy nhẹ, với dây, với nan. Đó là trò chơi cha thích nhất. Và trẻ con cũng thích đá banh. Chúng cha làm giải vô địch đá banh cho con trai trong khu phố, rồi làm giải vô địch diều: ai làm diều đẹp nhất, bay cao nhất thì thắng. Và trẻ con chúng cha chơi như vậy. Rồi đến lễ hội các-na-van, trẻ con diễn hành trong lễ hội này. Ai cũng hoá trang, hóa trang theo sở thích của mình, rồi mình vừa đi vừa hát ngoài đường,  có người còn chơi với nhạc cụ, họ vừa đi vừa hát, rồi mình xin cha mẹ tiền mua sô-cô-la, mua những chuyện riêng của mình… Thời cha, lễ hội các-na-van rất đẹp. Rồi buổi chiều, mình đến con đường lớn nhất khu phố, cách nhà cha 600 mét, ở đây có cuộc diễn hành lớn cho cả khu phố, người lớn trẻ con; nhưng trẻ con mình làm trong khu phố … Hồi đó chúng cha chơi như vậy.

Jacopo – Con tên là Jacopo, con xin hỏi cha, cha cảm thấy thế nào khi các hồng y chọn cha làm giáo hoàng?

Đức Phanxicô  – Câu hỏi này ai cũng đặt cho cha! Khi đó Hồng y Ravasi ở bên cạnh cha … Cha cảm nhận Chúa muốn cha làm việc ở đây … và cha nói: “Vậy thì làm!” … Cha cảm thấy bình tâm, chính xác như vậy chứ không phải cha nói dối. Cha cảm thấy bình tâm cho đến ngày hôm nay.

Một hiệu trưởng trường – Các học sinh Rôma tặng các con một kỷ niệm nhỏ, đó là  câu chuyện công việc các học sinh Rôma trong khu phố, câu chuyện của các em. Mirko, Sara lên đây … Cả trường “Giovambattista Valente” của Rôma, xin các con lên đây, chúng ta có một ca đoàn …

Đức Phanxicô – Cám ơn, ông đã làm tất cả những chuyện này?

Ông hiệu trưởng  – Dạ, chúng con cám ơn Đức Thánh Cha. Cả trường xin cầu nguyện và xin cha ban phép lành. Con  xin thay mặt cám ơn.

(Hát)

 

Ông hiệu trưởng – Các học sinh Milan đã viết lại lời của bài hát “Bạn trẻ ở đường đã hát bài “Trẻ em ở đường Gluck”, bây giờ chúng ta cùng hát bài hát này.  

(Hát) 

Ông hiệu trưởng – Chúng tôi xin giới thiệu quà của học sinh Milan làm với đầu óc, quả tim, bàn tay bảng mô hình khu phố và trường học của các em. Xin các em và cô giáo lên tặng quà.

Trọng kính Đức Thánh Cha, đây là bảng mô hình khu phố Gallaratese của Milan, bảng mô hình trường “Ilaria Alpi” và bánh mì do các bà mẹ của các nhóm sắc dân thiểu số trường chúng con làm. Bản mô hình trường “Tommaso Grossi” của Milan, các học sinh và quà của trường Monte Velino. Còn đây là mô hình trường Gramsci ở Rôma, trường Giovambattista Valente ở Rôma. 

(Hát) 

Đức Phanxicô – Cha cám ơn rất nhiều về các câu hỏi và các món quà các con tự tay làm. Các món quà này rất quý vì các con không đi mua để mang lại mà các con tự tay làm! Các con hiểu chứ? Điều quan trọng là các con đã làm với đầu óc, với bàn tay và với quả tim của chúng con, là cái gì có chiều sâu và có bàn tay con người. Làm thế nào chúng ta làm được những chuyện này? Với cái gì? Chúng ta cùng lặp lại chung với nhau: (Trẻ con lặp lại) với đầu óc, quả tim và bàn tay.

Cha muốn nói với các con một chuyện nhỏ, một chuyện rất nhỏ, cha sẽ hỏi các con một câu hỏi cuối, rồi cha đi, rồi cha để các con yên. Các con đồng ý chứ? [“Không!”] Không à? Vậy các con không muốn ở yên à? Đây là câu hỏi mà cha lặp lại từ một trong các câu hỏi của các con đã đặt ra cho cha: cha có nhớ cô giáo đầu tiên của cha, trường của cha không. Vậy các con đừng bao giờ quên các người thầy đầu tiên của mình, đừng bao giờ quên trường của mình? Vì sao? Các con nghe này, vì đó là gốc rễ văn hóa của mình. Nhưng gốc rễ là gì? Cha sẽ cho các con một ví dụ. Các con trả lời cho cha câu chuyện này nhé: một cây mà mình bứng gốc rễ, nó có nở hoa được không? [“Không!”] Các con có chắc không? [“Chắc!”]

Một cây không có gốc rễ không thể cho hoa trái, còn chúng ta, là con người, chúng ta có gốc rễ không? Có, chúng ta có gốc rễ thiêng liêng, gốc rễ gia đình, gốc rễ trường học. Vì thế cha nói với các con: “Các con đừng quên trường của mình, vì đó là gốc rễ văn hóa của con. Và nếu một bé trai, một bé gái, một thanh niên, một thiếu nữ quên trường của mình, thì họ có thể cho hoa trái trong cuộc đời của họ không? [“Không!”] Không! Một bé trai, một bé gái có mang hoa trái cho đời mình không? [“Không!”] Và các con có thể mang hoa trái không? Không! Các gốc rễ! Cha sẽ dạy cho các con một chữ mà các con không bao giờ được có trong cuộc đời. Các con nghe kỹ và học nhé: “Tôi không được để bứng gốc”. Các con hiểu không? “Bứng gốc”. Thế nào là bị bứng gốc? Là không có rễ. Tôi không được để bứng gốc, có nghĩa là không gốc rễ. Vì thế các con phải nhớ trường của mình, các cô thầy giáo của mình, như thế sẽ giúp các con luôn giữ gốc rễ của mình trong cuộc sống để đời mình được mang hoa trái.

Đó là điều cha muốn nói. Cha cám ơn các con rất nhiều về buổi gặp gỡ này. Đây là cả một công việc của các con. Và bây giờ cha phải nói với các con: như thế là đã bốn năm cha đến với các con, hàng năm các con đến đây bằng xe lửa, chúng ta cùng cám ơn Sở Hỏa Xa Ý đã cho các con phương tiện đến đây, xin cám ơn và cám ơn rất nhiều! Các con lớn nhỏ đều đã đặt câu hỏi cho cha. Các con biết câu nào cha thích nghe nhất không?

Một em – Cha có nhớ các cô giáo ở trường của cha không …

Đức Phanxicô  – Đúng rồi, đó là câu hỏi đó. Nhưng còn một câu hỏi còn hay hơn … Các con có muốn cha nói cho các con nghe không? Ai cũng đặt cho cha các câu hỏi rất hay, nhưng lúc cuối, có một em bé trai ngồi trước mặt cha hỏi cha: “Khi nào thì người ta cho cha ăn trưa?” [Ngài cười và mọi người đều cười]. Cha chúc các con có một bữa ăn trưa ngon miệng. Xin Chúa chúc lành cho các con! Cha ôm tất cả các con vào lòng. Xin hẹn gặp lại các con!

Marta An Nguyễn dịch

Xin đọc: Năm 2018: Xe lửa trẻ em “Parvis des Gentils” 

Năm 2017: Xe lửa trẻ em: Đối thoại với Đức Giáo hoàng

Năm 2016: Đức Phanxicô sẽ tiếp “Xe lửa trẻ em”