Chi-lê: “Sự từ chức tập thể có tính cách lịch sử”

532

Chi-lê: “Sự từ chức tập thể có tính cách lịch sử”

fr.aleteia.org, Agnès Pinard Legry, 2018-05-18

Ngày 18 tháng 5, sau vụ từ chức tập thể của 34 giám mục Chi-lê, sử gia và nhà báo Christophe Dickès phân tích cho báo Aleteia tầm mức của sự kiện này.

Từ Chi-lê đến Rôma vào đầu tuần này, ngày thứ sáu 18 tháng 5, 34 giám mục Chi-lê loan báo từ chức tập thể sau khi họ nhận bản báo cáo về vụ lạm dụng tình dục ở Chi-lê. Sử gia và nhà báo Christophe Dickès, tác giả của cuốn Vatican, Sự thật và Huyền thoại, và cuốn Di sản của Bênêđictô trả lời báo Aleteia về sự kiện này.

Aleteia: Làm thế nào để phân tích sự từ chức tập thể này?

Christophe Dickès: Theo tôi, đây là sự kiện lịch sử mang hai tầm mức. Trước hết vì nó dính trực tiếp với con người của giáo hoàng, sau một sai lầm do chính ngài công nhận, và ngài đã sửa 180 độ khi biết các sai lầm của mình. Thứ đến ngài không ngần ngại triệu tập tất cả giám mục Chi-lê về Rôma, điều này cho thấy quyết tâm hành động của ngài. Trong ba ngày, các giám mục đã có thể nghe các kết luận của bản báo cáo của Đức Giám mục Charles Scicluna, hiệu tòa Malta, được ngài chỉ định làm điều tra viên đặc biệt đi Chi-lê sau chuyến tông du của ngài. Dĩ nhiên chúng ta không thể nào biết được chi tiết bản báo cáo nổi tiếng này. Đứng trước sự từ chức tập thể này, chúng ta có thể nghĩ trách nhiệm tập thể đã được công nhận. Trong khi đầu tuần, dư luận nói đến có khoảng mười mấy giám mục từ chức! Không khả năng? Không hệ quả? Không trách nhiệm? Tương lai sẽ nói… Nhưng chúng ta đang đối phó với các giám mục từ bỏ trách vụ của mình như giáo luật cho phép: “Bất cứ ai tự chủ có thể từ bỏ chức vụ trong hàng giáo sĩ của mình vì một lý do chính đáng”(Can. 187). Đâu là “lý do chính đáng” ở đây, nếu không chính xác là ý thức về công lý? Vai trò giám mục là quản trị, dạy dỗ và thánh hóa đàn chiên. Làm thế nào để quản trị, dạy dỗ cho đúng và nhất là thánh hóa đàn chiên mà không chính mình trau dồi ý thức của sự thật và do đó là công lý?

Sự kiện này có phản ảnh quyết tâm của Giáo hội công giáo muốn hướng tới ‘zero bao dung’ trong vấn đề ấu dâm không?

Rõ ràng là như vậy. Dù phải công nhận chúng ta đang đối phó ở đây theo một phản ứng, sau chuyến đi của giáo hoàng, chứ không phải là một công việc chủ xướng tích cực. Dù sao thì Đức Phanxicô vẫn còn ở bước chân của Đức Bênêđictô XVI. Chính trong tinh thần này mà sau khi được bầu chọn, ngài thành lập Ủy ban bảo vệ trẻ vị thành niên. Nhưng tiếc thay đã có các cuộc cãi vả với Bộ Giáo lý Đức tin như các vụ từ chức của các giáo dân làm việc trong ủy ban này đã cho thấy. Chung chung, vấn đề ấu dâm của Giáo hội chỉ có thể giải quyết được khi các hội đồng giám mục nhận ra đây là một công việc minh bạch, zero bao dung và cùng đồng hành bên cạnh nạn nhân. Ngắn gọn, họ phải đảm nhận phần trách nhiệm của mình. Rôma không thể hành động một mình để bắt các nơi áp dụng các tiêu chuẩn mới về những tội ác nghiêm trọng nhất Giáo hội. Năm 2016, các tiêu chuẩn này đã được bổ sung bằng một tông thư trong đó Đức Phanxicô quyết định một giám mục có thể “bị loại khỏi chức vụ của mình nếu họ phạm tội, vì do sơ suất hay thiếu sót gây ra các hành động nghiêm trọng về mặt pháp lý (cơ thể, tinh thần, thiêng liêng hay tài chánh) cho người khác”. Vậy thì nó bao gồm “các lạm dụng trên trẻ vị thành niên hay người lớn dễ bị tổn thương”. Vì thế từ nay, việc phán xét một giám mục không còn chỉ là trách nhiệm của Bộ Giáo lý Đức tin, nhưng còn là trách nhiệm của giáo hoàng, của các bộ liên hệ nhất là bộ phụ trách giáo sĩ. 

Như thế thực sự sẽ có ngày có hiệu quả không?

Mặc dù có các cố gắng của Vatican, các tội ác, các tai tiếng ấu dâm vẫn như cái bóng luôn bao phủ trên Giáo hội. Dù các hành vi buộc tội này đa số thuộc về quá khứ, nhưng theo tôi phải cần ít nhất cả một thế hệ để chân trời được sáng ra, đặc biệt khi đi từ lời qua hành động không phải là chuyện dễ dàng, như được tiết lộ một cách khủng khiếp qua sự việc Chi-lê.

Sự từ chức tập thể này nói lên gì về thẩm quyền của Đức Phanxicô?

Rất khó để trả lời câu này. Có phải các giám mục từ chức dưới chỉ thị của Đức Phanxicô hay họ từ chức theo quyết định riêng của họ sau các kết luận khủng khiếp của bản báo cáo không? Chúng ta có thể biết được điều này trong những ngày sắp tới. Sự nhận tội của Đức Phanxicô trong việc này là một điều tốt, như thế chứng tỏ quyết tâm muốn làm minh bạch và không vì thế mà phải chịu đựng.  Một lần nữa, các việc này phải được xét theo từng trường hợp, theo từng nước. Nhưng tiếc thay, Rôma phải giải quyết và quyết định các vụ này trong khi chính Đức Phanxicô muốn phân quyền về các Giáo hội địa phương, giao trách nhiệm cho các giám mục. Rôma không thể một mình quản trị 1,4 tỷ người công giáo! Trong các vụ này, trách nhiệm của các giám mục là ở trọng tâm, các giám mục là trụ chính của hàng giáo sĩ. Nếu Rôma can thiệp vào quá trễ với nguy cơ là chính mình bị dính bẩn theo, đó là vì thẩm quyền các địa phận đã không làm công việc của mình.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Xin đọc: “Sự từ chức của tất cả giám mục Chi-lê vùi đi trách nhiệm của từng người”

Ấu dâm: Tất cả giám mục Chi-lê đệ đơn lên Đức Giáo hoàng xin từ chức

Lạm dụng, nỗi đau của các nạn nhân “bị giết” thêm một lần nữa

“Tôi là một phần của vấn đề, tôi gây ra chuyện này và tôi xin lỗi”

Đức Phanxicô gặp ba nạn nhân bị lạm dụng tình dục ở Chi-lê