Nỗi hối tiếc trong lòng

543

Nỗi hối tiếc trong lòng

Ronald Rolheiser, 06-9-2014

Trong quyển sách mới đây của mình, Phát kiến của đôi cánh (The Invention of Wings), Sue Monk Kidd mô tả Sarah, nhân vật nữ chính với những mâu thuẫn sâu sắc, một phụ nữ quá nhạy cảm, là con của một chủ nô và được sống trong nhung lụa. Nhưng sự nhạy cảm trong lòng của Sarah sớm vượt trên ý thức đặc quyền của mình và cô đã thực hiện một loạt những chọn lựa khó khăn để thoát ly bản thân khỏi cả tình trạng nô lệ và sự đặc quyền.

Có lẽ khó khăn nhất trong các chọn lựa nan giải của cô chính là việc chọn từ chối một lời cầu hôn. Sarah khắc khoải mong được kết hôn, được làm mẹ, được có con nhưng khi người đàn ông mà cô đã đem lòng yêu suốt nhiều năm trường cuối cùng cũng đến cầu hôn cô, thì trong lòng cô dấy lên một chuyện khó giải quyết và cuối cùng cô đã từ chối. Cô đã lưỡng lự thế nào?

Khi anh chàng Israel cuối cùng cũng đến cầu hôn cô, Sarah hỏi anh, liệu sau khi kết hôn, cô có còn được theo đuổi giấc mơ trở thành một mục sư phái Quaker hay không. Chàng Israel, một người thời đó, chỉ có thể nhìn nhận phụ nữ trong vai trò làm vợ, làm mẹ mà thôi, và anh đã trả lời thẳng. Với anh, chuyện cô vừa hỏi là không thể xảy ra. Ngay lập tức, Sarah trực cảm ngụ ý của câu trả lời này. “Đó chính là cách anh ấy nói rằng mình không thể vừa có anh ấy vừa giữ con người thật của mình được.” Người yêu của cô còn làm mọi chuyện trở nên xấu hơn khi cho rằng mong ước muốn làm mục sư của cô chỉ đơn thuần là một thứ bù đắp, một cái tốt phụ, nếu như cô không đạt được cái tốt nhất chính là hôn nhân. Cô từ chối thẳng lời cầu hôn của anh.

Nhưng dù đó là một sự dứt bỏ cao cả, nó vẫn tiếp tục làm cho cô đau đớn. Suốt đời mình, Sarah thường cảm thấy hối tiếc nhức nhối vì lựa chọn của mình, vì đã để cho các nguyên tắc của mình thắng vượt con tim. Nhưng cuối cùng, cô cũng hòa giải được với các hối tiếc của mình. Khi tham dự lễ cưới của em gái mình, cô càng cảm thấy nhức nhối hơn nữa nỗi cay đắng mất mát của mình, và cô chia sẻ với em mình: “Chị mong ước hôn nhân theo cách đau đớn của một người lãng mạn hóa một đời sống mà mình đã không chọn. Nhưng bây giờ, ngồi đây, chị biết rằng nếu lúc đó chị chấp nhận lời cầu hôn của anh Israel, thì chị cũng sẽ hối tiếc như vậy. Chị đã chọn nỗi hối tiếc rằng chị có thể sống với cái tốt nhất, là thế đó. Chị đã chọn một đời sống thuộc về mình.”

Trong đời, chúng ta luôn luôn có hối tiếc, có hối hận sâu sắc. Thánh Tôma Aquinô đã viết: Tất cả mọi chọn lựa đều là một từ bỏ. Vì lẽ đó, chúng ta thấy thật khó khăn để đưa ra những chọn lựa nan giải, đặc biệt khi nó liên quan đến việc dấn thân lâu dài. Chúng ta muốn những điều đúng đắn, nhưng chúng ta không muốn làm ngơ những điều khác. Chúng ta muốn tất cả chúng!

Nhưng chúng ta không thể có tất cả chúng, cho dù chúng ta có tài năng hay có nhiều dịp may đi chăng nữa, và đôi khi phải mất thật lâu chúng ta mới hiểu được nguyên do vì sao lại thế. Trong truyện trên, có đoạn Sarah, đã 30 tuổi, còn độc thân, thất nghiệp, gần như tách ly khỏi gia đình mình, nản lòng vì các giới hạn xã hội và hạn chế chọn lựa đối với phụ nữ, lúc này, cô đang sống nhờ bạn của mình, Lucretia, một nữ mục sư phái Quaker. Một tối nọ, khi ngồi cùng Lucretia, than thở về những giới hạn trong đời mình, Sarah lên tiếng: “Tại sao Thiên Chúa gieo trong lòng chúng ta nỗi khắc khoải thâm sâu đến thế. … và nếu nó chẳng đi đến đâu?” Sarah lúc này đang thở dài hơn là hỏi, nhưng Lucretia trả lời: “Thiên Chúa đổ đầy trên chúng ta đủ kiểu khắc khoải đi ngược với khuynh hướng của thế giới này, nhưng việc những khắc khoải đó chẳng đi đến đâu, tôi không dám chắc đó là do tay Chúa. … mà tôi nghĩ chúng ta biết việc này là do con người mà ra.”

Với Lucretia, nếu thế giới công bằng, chúng ta sẽ chẳng có những giấc mơ tan vỡ. Cô đúng phần nào, nhiều sai trái trên địa cầu này là do bàn tay chúng ta làm ra. Nhưng xét cho cùng, cội rễ cho sự thất vọng của chúng ta là từ một thứ sâu sắc hơn, ít đáng tội hơn, chính là sự bất xứng của cuộc đời. Đời sống, bên này miền vĩnh cửu, không trọn vẹn. Chúng ta, bên này miền vĩnh cửu, không trọn vẹn. Bên này miền vĩnh cửu, chẳng có gì trọn vẹn. Nói theo Karl Rahner là: Trong nỗi giày vò của sự thiếu hụt tất cả mọi thứ vốn có thể đạt được, đến tận cùng, chúng ta học biết rằng, trong đời này, tất cả mọi bản hòa âm đều phải chưa trọn.

Lời này có nhiều ý, chứ không chỉ là sự thật đơn thuần (dù không dễ tiếp thu) rằng, chúng ta không thể có tất cả hay làm được tất cả. Đời chúng ta có những giới hạn rất thật, và chúng ta cần phải ngừng việc lôi những thứ chúng ta không có, không đạt được mà hành hạ những gì chúng ta đang có, những gì chúng ta đã đạt được. Dù thời nay người ta nói rất nhiều đến mẫu thuẫn, nhưng không ai hiểu cho hết! Tôi cho rằng, hầu hết chúng ta đều để mình dính đến các hối tiếc kiểu: Tôi đã để cả đời để nuôi dạy con ngoan, con giỏi nhưng bây giờ tôi chẳng có nghề nghiệp gì. Tôi thành công trong công việc, nhưng lại thất bại trong vai trò làm chồng làm cha. Tôi chưa bao giờ kết hôn vì các lý do sai lầm, bây giờ tôi độc thân và cô đơn. Tôi đã hy sinh cuộc sống bình thường vì lý tưởng, nhưng bây giờ tôi nhớ da diết những gì tôi đã từ bỏ. Hay, chúng ta cũng như Sarah:  Tôi chưa bao giờ thỏa hiệp được với các nguyên tắc của tôi, nó mang lại cho đời tôi sự cô đơn tàn nhẫn.

Vấn đề không bao giờ là sống với những hối tiếc hay không có hối tiếc. Tất cả mọi người đều có hối tiếc. Nhưng, hy vọng rằng, chúng ta đã chọn được nỗi hối tiếc tốt nhất mình có thể mang trong lòng.

J.B. Thái Hòa dịch