Đàng thánh giá của các bạn trẻ trước khi kết thúc tiền-thượng hội đồng giới trẻ ở Rôma
cath.ch, Jacques Berset, 2018-03-23
Đàng thánh giá của các bạn trẻ ở đền thờ Thánh Gioan Latran | © Jacques Berset
Chiều thứ sáu 23 tháng 3 – 2018, đền thờ Thánh Gioan Latran đón 200 bạn trẻ tham dự tiền-thượng hội đồng giới trẻ ở Rôma. Trước khi đưa ra bản tài liệu cuối cùng cho các giám mục làm việc trong thượng hội đồng được tổ chức vào tháng mười sắp tới, các bạn trẻ đã đi Đàng thánh giá để dâng các đau khổ và các hy vọng của người trẻ của thế giới hiện đại này cho Chúa.
Các bạn trẻ đã suy nghĩ cật lực, đã có những buổi trao đổi phong phú và trong khi chờ đợi công bố bản tài liệu cuối cùng của tiền-thượng hội đồng, các bạn trẻ đã đi Đàng thánh giá do hồng y Lorenzo Baldisseri, tổng thư ký Thượng Hội đồng các giám mục và hồng y Kevin Farrel, bộ trưởng bộ giáo dân, gia đình và sự sống chủ sự. Cứ mỗi chặng, sau khi đọc Phúc Âm là một đoạn nói lên một tình trạng đau thương ở một nơi trên thế giới, tiếp theo là một lời cầu nguyện.
Đàng thánh giá của các bạn trẻ ở đền thờ Thánh Gioan Latran | © Jacques Berset
Các chứng từ đau nhói
Trong đền thờ huy hoàng xưa nhất của Giáo hội Tây phương, là nơi ở của các giáo hoàng cho đến thế kỷ 14, ngay từ chặng đầu tiên, các bạn trẻ nói lên các thống khổ của sự bách hại vì lý do tôn giáo đang xảy ra trên thế giới.
Hồng y Kevin Farrel chủ sự Đàng thánh giá của các bạn trẻ ở đền thờ Thánh Gioan Latran | © Jacques Berset
Tử đạo do nhóm Hồi giáo ISIS
Ở chặng đàng thứ nhất, đó là trường hợp của Salem Matti Kourk, tín hữu kitô 43 tuổi ở khu phố Bartalah, gần Mossoul, Irak, khi đứng trước các tên khủng bố ông đã không chạy trốn được vì bệnh tim. Ông đã bị quân khủng bố tra tấn đến chết sau khi họ chiếm vùng đồng bằng sông Nivine vào tháng 8 – 2014, xác của ông bị vứt ngoài đường.
Chặng thứ nhì là dịp để nhắc lại các hoàn cảnh nô lệ vẫn còn hiện nay ở một vài nước, như trường hợp của Joseph, ở Nam Xuđăng bị bán năm 1987 lúc em mới 7 tuổi. Trong vòng mười năm, em bị “chủ” hành hạ trước khi được trả tự do.
Nô lệ của ma túy
Chặng thứ ba khi Chúa Giêsu ngã lần thứ nhất dưới sức nặng của thánh giá là lời chứng đau nhói của cô Véronique, 21 tuổi, cô bị nghiện ma túy trong vòng 10 năm lúc cô mới 13 tuổi. Cuối cùng cô thoát ra khỏi tình trạng nghiện ngập sau khi thấy một người bạn chết vì nghiện.
Tất cả các chặng khác cho đến chặng thứ 14 đều lần lượt nói lên các vấn đề, từ buôn bán ma túy ở Mêhicô, nạn sách nhiễu trên các trang mạng xã hội, nạn mãi dâm của các cô gái trẻ ở Đông Âu của các băng nhóm tội phạm, nạn cắt xẻo cơ quan sinh dục ở một vài vùng ở Phi châu, sự khó khăn của một người tị nạn afghan trên con đường biệt xứ, các gia đình tan rã, các bạn trẻ tìm việc làm đầu tiên, các nạn nhân của khủng bố, án tử hình và tha thứ… Nhưng, các trải nghiệm đau khổ của các người trẻ này cũng mở ra các lối thoát hy vọng.
Sự Thương Khó mở ra sự Sống Lại
Qua suy niệm sự Thương Khó của Chúa Kitô, trong lời cầu nguyện các bạn trẻ thấy được ánh sáng của sự Sống Lại. Hồng y Farrell kết thúc với lời suy niệm: “Những gì chúng ta làm hôm nay là đi theo Chúa Giêsu (…) trong các giờ cuối cùng của Ngài. Đứng trước đau khổ của thế giới, chúng ta xin ơn được theo Ngài, theo lòng thánh thiện trắc ẩn của Ngài và không còn khép mắt trước các hoàn cảnh đau thương”.
Các bạn trẻ tham dự tiền-thượng hội đồng mừng lễ hội trước khi phân tán đi khắp bốn phương trời | © Jacques Berset
Sau đó vào buổi tối, các bạn đến từ khắp nơi trên thế giới về họp tiền-thượng hội đồng với những quan điểm nhiều khi rất khác nhau, đã họp nhau quanh bàn ăn, chia sẻ một tình bạn mới và tiếc là sắp xa nhau.
Vào ngày thứ 5 của tuần họp tiền-thượng hội đồng, 300 bạn trẻ tham dự đã thảo luận với nhau hai lần về tài liệu cuối cùng. Bản tài liệu này sẽ được duyệt vào ngày 24 tháng 3 và sẽ công bố và trình cho Đức Giáo hoàng vào ngày 25 tháng 3, trong ngày chúa nhật Lễ Lá. Theo trang mạng Crux, trang đã có thể xem ấn bản tạm thời của tài liệu thì vấn đề “tính dục” là vấn đề có rất nhiều “ý kiến tranh cãi khác nhau”.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Xin đọc: Tiền-thượng hội đồng giới trẻ: một cơ hội cho Giáo hội, một thách đố cho các giám mục
Nữ tu Nathalie Becquart: Các người trẻ thật sự thấy mình phải nói
Maxime Rassion: “Ý nghĩa sâu đậm để mang lại cho đời sống của con”
Các bạn trẻ Phi châu, các “ngôn sứ của châu lục”
Tiền thượng hội đồng giới trẻ khai mạc ở Rôma