Đức Phanxicô: “Người trẻ có một cái gì của ngôn sứ”
Ở tuổi 81, Đức Jorge Bergoglio nói chuyện với nhà báo, nhà văn Ý Thomas Leoncini, 32 tuổi. Các trích đoạn chưa từng đăng. Báo “Le Point” độc quyền đăng các trích đoạn của quyển sách “Chúa thì trẻ”.
lepoint.fr, Jérôme Cordelier, 2018-03-19
“Chúa thì trẻ!” Lời khẳng định được chính tay Đức Phanxicô ký, một trong các nhân vật được mến chuộng nhất, một trong các nhà lãnh đạo có ảnh hưởng nhất thế giới, và trùng hợp một người 81 tuổi nói chuyện với một người 32 tuổi, nhà báo, nhà văn Ý Thomas Leoncini. Theo Đức Giáo hoàng, “Chúa thì trẻ” vì “Chúa luôn luôn mới”, vì “Ngài là Đấng vĩnh cửu không có thời gian, nhưng có thể làm mới mình, luôn làm trẻ và làm trẻ mọi chuyện”. Đó là câu ngài viết trong quyển sách “Chúa thì trẻ” của của nhà văn Ý Thomas Leoncini do nhà xuất bản Robert Laffont và Presses de la Renaissance sắp phát hành ngày 22 tháng 3 – 2018 tại Pháp.
Không, Đức Phanxicô không nhường bước trước thời trang thích làm cho mình trẻ, ngài chê cười: mặt khác, có những lời dịu ngọt của những người lớn không chịu lớn lên, họ “bạn bè” với con cái mình, họ đi giải phẫu thẩm mỹ… Chính ở người chấp nhận tuổi của mình, với kinh nghiệm và với khôn ngoan, họ giao cho Đức Phanxicô nói với những người sẽ nối tiếp mình sau này trên thế giới. Quyển sách ra mắt cùng lúc có cuộc họp tiền thượng hội đồng của 300 người trẻ ở Rôma để chuẩn bị cho thượng hội đồng giới trẻ sẽ tổ chức vào tháng 10 năm 2018 sáng tỏ tại Rôma.
Các người lớn này “cạnh tranh mạnh” với các người trẻ
Đức Jorge Mario Bergoglio là cháu của những người di dân Ý, khi còn nhỏ đã sống tuổi thơ hạnh phúc ở Buenos Aires, các sách tiểu sử ghi lại, ngài đã lớn lên cùng với các bạn, vui vẻ cười đùa giữa các nhóm bạn ở khu phố Flores, các trao đổi ồn ào ở các cầu thang trong xóm, các bữa ăn đông đảo quanh bàn có nhiều thế hệ cùng ngồi chung. Linh mục, rồi giám mục, rồi giáo hoàng, ngài không bỏ bất cứ một dịp nào mà không nhấn mạnh đến tuổi, đến kinh nghiệm, đến tuổi già để nâng cao ký ức, để trao truyền cho thế hệ đi sau thường hay có khuynh hướng bỏ quên, trong khi ở các dân tộc bản địa vùng rừng già Amazzonia thường bảo vệ ký ức người lớn tuổi nhiều hơn là ở các xã hội hậu hiện đại tự cho là văn minh của chúng ta. Ngài đặc biệt bảo vệ vùng rừng già Amazzonia và người dân vùng này.
Giáo hoàng truyền giáo, ngài không mệt mỏi đi đến các vùng ngoại vi, vừa địa lý, vừa xã hội, vừa nhân bản để cổ động cho một “văn hóa gặp gỡ”, dựa trên đối thoại liên thế hệ để loan tải “cách mạng của sự dịu dàng”. Cứu tinh của người lớn tuổi là trao truyền ký ức, là những người “thật sự mơ cho tương lai”, cứu tinh của người trẻ là nắm bắt kinh nghiệm của họ để “mang các kinh nghiệm này đi tới đàng trước trong sứ ngôn”.
Khi đối thoại với một nhà nghiên cứu khoa xã hội học và tâm lý học, Đức Phanxicô, người của thục địa và hành động đã trở thành nhà xã hội học. Ngài lấy làm tiếc người trẻ bây giờ lớn lên trong “một xã hội không gốc rễ”, mà “khi bước vào tuổi trưởng thành thì cho đó là một cái gì xấu”, và thường người lớn lại đi “cạnh tranh” với người trẻ, thậm chí còn là “đối thủ” của họ, ngay cả với những người rất trẻ, theo ngài, đây chỉ là trò lừa lọc, trò chơi của quỷ. Là người cha của tất cả, ngài mở đầu quyển sách một cách khiêm tốn lạ thường, ngài xin lỗi người trẻ “vì chúng tôi đã không luôn xem trọng họ”. Và trong cuộc đối thoại này, ngài đối xử ngang hàng với người phỏng vấn mình. Đó là sức mạnh lớn lao của nhà lãnh đạo được nuôi dưỡng lâu dài trong các Bài tập Linh thao của Thánh I-Nhã, luôn tìm cách có một quan hệ riêng tư, kể cả khi nói chuyện với người có quyền lực cũng như với đám đông khổng lồ. Đó là nhựa sống cho sự mến mộ và ảnh hưởng của ngài.
Người di dân, thay đổi khí hậu và sách nhiễu
Đức Phanxicô nói chuyện với nhà báo Thomas Leoncini, ngài không bao giờ rao giảng. Ngài trao truyền kinh nghiệm, trao truyền một đời sống, đời sống của ngài, ngài dò dẫm. Ngài thổ lộ một cách chân thành đến xúc động. Ngài trả lời tất cả mọi câu hỏi, từ thay đổi khí hậu cho đến vấn đề người di dân, nhưng ngài cũng nói đến sách nhiễu, đến “những bước tiến bộ lớn về kỹ thuật và khoa học”. Ngài cũng thấy hy vọng nơi thuyết bất khả tri, “chỉ cần con người tốt để họ có hy vọng”.
Nhưng ngài cũng cảnh giác người phỏng vấn mình về các ảo ảnh của thời buổi này, về mười lăm căn bệnh của người thời nay mà ngài đã từng nói đến như bệnh “Alzheimer thiêng liêng”, bệnh não trạng hóa đá, bệnh “lợi nhuận thời thượng”, bệnh ngồi lê đôi mách, bệnh xu nịnh… Như chúng ta sẽ thấy trong phần trích đoạn này, ngài cũng phẫn nộ trước nạn “ham muốn tích lũy”, một loại ngông cuồng của thời đại, mà theo công thức của triết gia Nicolas Tenaillon, tác giả quyển Trong đầu của Đức Phanxicô (Dans la tête du pape François, nxb. Solin/Actes Sud), thì Đức Phanxicô đã mạnh mẽ lên tiếng chống “tiền bạc phí phạm (xài phí sang trọng), tiền bạc che giấu (đầu tư mờ ám), ngài đặt những người không có gì vào trọng tâm sứ mạng của mình.
Các người trẻ có tất cả để mang đến cho xã hội chúng ta với điều kiện các người lớn tuổi không giam chặt họ trong tình trạng của họ, không lợi dụng họ theo kiểu “văn hóa thải loại”, mà Đức Phanxicô đã đấu trách kịch kiệt để chống trong Thông điệp Chúc tụng Chúa, với điều kiện phải đặt mình trong bước chân của họ, trong nhịp của các ngôn sứ này, vì “để hiểu người trẻ ngày nay, phải hiểu trong sự di chuyển của họ”. Đây là kinh nghiệm của một người lãnh đạo mà từ khi được lên ngôi từ năm năm nay, 19 tháng 3 – 2013, ngài đã không ngừng đi khắp nơi trên thế giới, đến những vùng xa xôi hẻo lánh nhất chưa một nhà lãnh đạo nào đặt chân đến.
Trích đoạn 1: “Xin người trẻ tha thứ”
Tôi nghĩ chúng ta phải xin lỗi người trẻ bởi vì chúng ta không luôn xem trọng họ. Chúng ta không luôn giúp họ tìm con đường cũng không giúp họ phương tiện để đưa họ ra khỏi tình trạng bị loại trừ. Thường thường chúng ta không biết làm cho họ mơ và chúng ta không đủ khả năng làm cho họ hăng say. Là chuyện bình thường khi đi tìm tiền để xây dựng gia đình, xây dựng tương lai, ra khỏi tình trạng lệ thuộc người lớn mà người trẻ bây giờ đang lâm phải, họ ở quá lâu trong nhà cha mẹ. Quan trọng là làm sao tránh được khao khát phải gom tích cho có nhiều. Có nhiều người sống chỉ để tích tụ tiền, nghĩ rằng phải tích tụ để sống, như thử tiền bạc biến ngay lập tức thành thức ăn cho tâm hồn. Giống như sống để phục vụ tiền, chúng ta biết tiền bạc là cụ thể nhưng nó còn chứa một cái gì trừu tượng, dễ bốc hơi, một cái gì ngày hôm trước hôm sau có thể bay mất không báo trước: chúng ta nghĩ đến cơn khủng hoảng các ngân hàng, và gần đây các khiếm khuyết trong vụ trả tiền, (…)
Chính công việc là thức ăn nuôi dưỡng tâm hồn, chính công việc mới biến đổi thành niềm vui sống, cùng điều hành, cùng kết hợp trong một dự án và cùng làm việc trong một nhóm. Không tiền. Phải có việc cho tất cả mọi người. Mỗi người phải có cơ hội cụ thể để làm việc, để chứng tỏ cho chính mình, cho người thân, rằng mình có thể tự nuôi thân.
Chúng ta không thể chấp nhận sự lệ thuộc, chúng ta không thể chấp nhận bao nhiêu người trẻ bị chủ khai thác với những lời hứa hẹn hão, với lương hướng không bao giờ trả nại lý do là họ còn trẻ, họ phải có kinh nghiệm. Chúng ta không thể chấp nhận người chủ đòi hỏi người trẻ làm những công việc tạm bợ, đôi khi còn làm không công. Bởi vì tôi biết tình trạng làm không lương là có, đôi khi còn phải lọc lựa mới được làm. Đó là khai thác trục lợi, là tạo ra những cảm nhận xấu xa trong tâm hồn; những cảm nhận lớn lên dần dần và có thể làm xáo trộn các người trẻ.
Họ xin được lắng nghe và chúng ta có bổn phận phải nghe họ, đón nhận họ chứ không khai thác họ. Không có một thứ lỗi nào cho các chuyện này. (…)
Cầm quyền là phục vụ cho từng người trong anh em chúng ta, (…), mỗi người anh em là cấu trúc của dân tộc, không trừ một ai. Ai cầm quyền thì người đó phải nhìn lên cao, duy nhất để nói với Chúa, chứ không phải để đóng vai Chúa. Họ chỉ phải nhìn xuống để nâng người đang bị té lên.
Cái nhìn của con người luôn phải đi về hai hướng này. Nhìn lên cao, hướng về Chúa, nhìn xuống thấp với người bị té nếu họ muốn trở nên cao cả: các câu trả lời cho các vấn đề khó khăn nhất luôn tìm ra khi nhìn vào hai hướng này cùng một lúc. (…)
Hậu quả xấu nhất mà người có quyền mắc phải, chắc chắn đó là sự hủy hoại của chính họ. Nhưng cũng có một hậu quả xấu khác, có thể không phải là xấu nhất nhưng luôn tái diễn: cuối cùng họ thành lố bịch. Và người ta không bao giờ ‘lành’ được lố bịch. Ai là một trong các nhân vật lố bịch nhất lịch sử? Theo tôi, đó là quan tống trấn Philatô: ông biết ông đứng trước mặt Con Thiên Chúa, và Con Thiên Chúa dùng quyền năng của mình để rửa chân cho đồ đệ của mình, có phải vì vậy mà ông rửa tay? Tôi thật sự không tin vậy!
Thánh Gioan kể cho chúng ta, Chúa biết mình nắm trong tay tất cả quyền lực thế gian. Và Ngài đã làm gì với tất cả quyền năng này? Một hành vi duy nhất, đó là phục vụ, và đặc biệt phục vụ cho lòng tha thứ. Chúa Giêsu quyết định, rằng quyền lực phải được biến đổi, từ giây phút này và cho mãi mãi là phục vụ. Đâu là sứ mệnh đích thực mang tính sứ ngôn trong tất cả những chuyện này? Ngài đã lật đổ ngai của những người quyền thế và nâng những kẻ khiêm hèn lên. Quyền lực là phục vụ, là phải giúp người anh em cảm nhận mình được đối xử tốt, theo phẩm chất của họ. Ai phục vụ thì cũng ngang với người được phục vụ.
Trích đoạn 2: “Trò chơi của quỷ”
Có vẻ như lớn lên, già đi, vào tuổi trưởng thành là một cái gì xấu. Đồng nghĩa với một đời sống cạn kiệt, bất mãn. Gần như ngày nay tất cả đều được trang điểm hoặc che lấp. Như thử sống là một cái gì không còn ý nghĩa. Gần đây tôi nói về chuyện buồn bã khi thấy nhiều người muốn ‘lột da tim’! Thật đau lòng khi thấy người nào như muốn xóa đi hết tất cả các vết nhăn của bao nhiêu lần gặp, của bao nhiêu niềm vui, nỗi buồn! Chúng ta thường thấy người lớn chơi trò chơi trẻ con, họ thấy cần phải ở cùng mức với trẻ vị thành niên, nhưng họ không hiểu đó chỉ là trò lừa lọc. Đó là trò chơi của quỷ. Tôi không tài nào hiểu làm sao người lớn lại đi cạnh tranh với một đứa bé, nhưng buồn thay càng ngày chúng ta càng ghi nhận có những chuyện này. Như thử người lớn nói: “Bạn còn trẻ, bạn có cơ hội tuyệt vời này, bạn có nhiều hứa hẹn, nhưng tôi muốn được trẻ hơn bạn, tôi có thể trẻ được, tôi có thể giả vờ trẻ và như thế tôi còn tốt hơn bạn”.
Có quá nhiều bậc cha mẹ vẫn là trẻ vị thành niên trong đầu họ, họ có cuộc sống phù du mãi mãi, và với ý thức hay trong vô thức, họ làm cho con mình là nạn nhân của trò chơi sa đọa này. Bởi vì, một mặt họ nuôi dạy con trong loại văn hóa phù du, mặt kia họ làm cho con cái mình càng ngày càng không có gốc rễ, lớn lên trong một xã hội mà chính xác tôi cho là “mất gốc”.
Cách đây vài năm khi tôi đi taxi ở Buenos Aires: anh tài xế rất lo lắng, gần như anh bị hoảng hốt, ngay lập tức, anh làm cho tôi biết, anh là một người rất lo âu. Anh nhìn tôi trong kính chiếu hậu và hỏi: “Cha là hồng y?” Tôi trả lời đúng, anh hỏi tôi: “Nhưng cha làm gì với những người trẻ này? Tôi không biết làm gì với mấy đứa con tôi nữa. Chiều thứ bảy vừa qua tôi thấy bốn cô con gái vừa mới lớn, ở tuổi con gái tôi, các cô ôm bốn xắc chứa rượu vodka, whisky và các thứ rượu khác. Tôi hỏi các cô làm gì với những thứ này, các cô trả lời: ‘Chúng tôi về nhà để chuẩn bị party tối nay’”. Câu chuyện này làm tôi suy nghĩ: những cô gái trẻ này như những đứa con mồ côi, các cô không có gốc rễ, các cô chỉ muốn trở thành các cô gái mồ côi của chính thân thể mình, của chính lý lẽ riêng của mình. Muốn party thành công thì phải say bí tỉ sao! Nhưng một bữa tiệc say thì còn có ý nghĩa gì nữa?
Điểm này có nghĩa là họ đến một nơi đầy ảo tưởng, mang theo mình một thân thể mà họ không còn kiểm soát được, một thân thể không theo cái đầu, theo quả tim mà chỉ theo bản năng, một thân thể không ký ức, một thân thể chỉ có xác thịt phù du. Chúng ta không còn gì nếu chúng ta không còn cái đầu, không còn quả tim; chúng ta chẳng là gì nếu chúng ta đi theo bản năng, không lý trí. Lý trí và quả tim đưa chúng ta đến gần nhau một cách thực sự; chúng ta đến gần Chúa vì chúng ta có thể nghĩ về Chúa, chúng ta quyết định đi tìm Ngài. Với lý trí và quả tim, chúng ta có thể hiểu người đau khổ, cảm nhận chúng ta cũng như họ, chúng ta là người mang điều tốt và vị tha. Chúng ta đừng bao giờ quên Lời Chúa: “Nhưng giữa anh em thì không được như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em” (Mc, 10, 43).
Trích đoạn 3: “Đôi cánh của ngôn sứ”
Để hiểu người trẻ ngày nay, phải hiểu họ trong chuyển động. Chúng ta không thể cứ đứng im bất động rồi cho rằng mình ở cùng tầng sóng với họ. Nếu chúng ta muốn đối thoại, chúng ta phải di động, khi đó chính họ sẽ đi chậm lại để lắng nghe chúng ta, chính họ mới là người quyết định sẽ làm. Và khi họ đi chậm lại, thì sẽ có một hình ảnh khác sẽ bắt đầu: một động thái trong đó người trẻ sẽ thích ứng với bước chân chậm hơn để lắng nghe, khi đó người lớn tuổi sẽ đi nhanh hơn để đến gặp họ. Hai bên ràng buộc lẫn nhau: người trẻ đi chậm hơn, người lớn tuổi đi nhanh hơn. Và đó là cách chúng ta có thể tiến tới. Tôi muốn trích lời của triết gia Aristote thời thượng cổ trong quyển sách Thuật hùng biện (Rhétorique) sách II chương 12, ông nói: “Đối với người trẻ, quá khứ vẫn còn ít, tương lai thì có nhiều. Trên thực tế, ngay từ ngày đầu của cuộc hiện sinh, chúng ta thấy ký ức là không có gì và hy vọng là tất cả. Họ dễ bị lầm vì lý do chúng tôi đã đưa ra; thực sự, họ sẵn sàng hy vọng. (…) Và họ dũng cảm hơn, vì họ sẵn sàng bị lôi cuốn và có hy vọng tốt; đặc điểm đầu tiên của các nét cá tính này làm cho họ không sợ và đặc điểm thứ nhì là mang lại sự đảm bảo. Thực tế, người ta không bao giờ sợ khi người ta giận và hy vọng kiếm được một cái gì làm cho họ liều lĩnh”. (…)
Một người trẻ có một cái gì đó của một ngôn sứ và họ phải nhận thức được chuyện này. Họ có đôi cánh của ngôn sứ, thái độ của ngôn sứ, khả năng nói lời sứ ngôn, không những nói mà còn làm. Một ngôn sứ ngày nay chắc chắn có khả năng để lên án, nhưng nhất là, người ngôn sứ mang lại một viễn cảnh. Các người trẻ có hai đức tính này, dù đôi khi họ diễn tả vụng về các lời lên án của mình. Và người trẻ cũng có khả năng xem xét kỹ lưỡng tương lai và nhìn xa hơn. Và người lớn thường độc ác, họ thường bỏ mặc sức mạnh của các người trẻ này. Thường thường người trẻ bị mất gốc và thay vì giúp họ để họ trở thành ngôn sứ thì người lớn lại làm cho họ trở thành trẻ mồ côi, những người bị loại trừ. Các người trẻ ngày nay lớn lên trong một xã hội không gốc rễ. (…)
Chính vì thế một trong những chuyện đầu tiên chúng ta phải nghĩ đến trong cương vị cha mẹ, gia đình, mục vụ, là phải có những nơi để bắt rễ, nơi để xây dựng mối quan hệ, nơi để phát triển mạng lưới quan trọng này, giúp người trẻ cảm thấy mình đang ở nhà mình. Đây là sự tha hóa khủng khiếp nhất cho một người khi họ thấy mình không có gốc rễ, có nghĩa họ không thuộc về ai. (…)
Ngày nay, các mạng xã hội cho bề ngoài của một không gian kết nối với người khác; Internet cung cấp cho người trẻ cảm nhận thuộc về một nhóm độc nhất. Nhưng vấn đề của Internet chính là tính chất ảo của nó: nó để người trẻ như bay trên không, và hệ quả là cực kỳ dễ bay hơi. Tôi thích nhớ lại một câu của nhà thơ người Argentina Francisco Luis Bernárdez: “Để cây có hoa, bạn phải sống với những gì bạn đã chôn nó”. “Khi chúng ta nhìn những bông hoa đẹp trên cây, chúng ta đừng bao giờ quên rằng nếu chúng ta vui thích khi ngắm hoa thì đó là nhờ rễ của nó”.
Theo tôi, một con đường khả thể là con đường đối thoại, đối thoại của người trẻ với người lớn tuổi: một tương tác giữa người trẻ và người lớn tuổi, kể cả đôi khi đối thoại với thế hệ người lớn trung gian. Người trẻ và người lớn tuổi phải nói chuyện với nhau và họ phải nói chuyện nhiều hơn, thường xuyên hơn: đây thật sự là một vấn đề cấp bách! Và cả người lớn tuổi cũng như người trẻ phải chủ động. Có một câu trong sách Cựu Ước (sách Giôen 3, 1) nói như sau: “Con trai, con gái ngươi sẽ là ngôn sứ, người già sẽ được báo mộng.”
Nhưng xã hội này gạt ra bên lề người này, người kia, xã hội gạt người trẻ cũng như người lớn tuổi. Khả năng của người lớn tuổi là mang lại ký ức cho người trẻ, làm cho họ đích thực thành người mơ mộng thực sự cho tương lai; còn người trẻ thì có khả năng học những bài học này, học các giấc mơ và mang nó đi tới đàng trước trong lời sứ ngôn. Để người trẻ chúng ta có được tầm nhìn, để họ là những người mơ mộng, để họ dám đương đầu và dũng cảm với thời gian sắp tới, thì quan trọng phải nghe các giấc mơ sứ ngôn của tổ tiên họ. Các người lớn tuổi mơ mộng, các người trẻ ngôn sứ đó là con đường cứu tinh cho xã hội mất gốc của chúng ta: hai thế hệ bị loại trừ có thể cứu tất cả chúng ta.
Giáo hoàng Phanxicô, “Chúa thì trẻ” – Nói chuyện với Thomas Leoncini”. Nxb. Robert Laffont – Presses de la Renaissance.
Thomas Leoncini, nhà báo, nhà văn, nhà nghiên cứu xã hội và tâm lý người Ý, đồng tác giả với nhà xã hội học Zygmunt Bauman (1925-2017) trong quyển sách “Nati liquida” tạm dịch Sinh ra lỏng (Sperling & Kupfer), quyển sách được xuất bản sau khi nhà xã hội học Bauman qua đời ngày 9 tháng 1 – 2017 tại Anh. Zygmunt Bauman là một trong các nhà xã hội học lớn của thế giới, các sách của ông đề cập đến chủ đề “thế giới lỏng, hiện tại lỏng, tình yêu lỏng…”.
Từ lâu Đức Phanxicô đã quan tâm đến các nghiên cứu xã hội của nhà xã hội học Zygmunt Bauman. Qua quan hệ gần gũi tri thức với ông Bauman, sau lần gặp ông ở Hội nghị thượng đỉnh Liên tôn cầu nguyện cho hòa bình tại Axixi, ngày 20 tháng 9 năm 2016, Đức Phanxicô mong muốn gặp nhà nghiên cứu xã hội Thomas Leoncini, người đồng tác giả với ông Bauman trong quyển sách “Nati liquida”. Ngày 7 tháng 4 năm 2017, Đức Phanxicô đã tiếp kiến riêng nhà báo tại Nhà Thánh Marta, buổi tiếp kiến kéo dài một giờ. Dịp này nhà báo đã tặng Đức Phanxicô quyển sách đối thoại 100 trang giữa Bauman và Leoncini, thế giới của các thế hệ trẻ sinh sau những năm 80 và lần đầu tiên khai phá những người thuộc về một xã hội lỏng, thường kỳ tiến hóa như các sắc dân thổ địa, nhấn mạnh đến việc biến đổi cơ thể, các hình xâm, các quan hệ liên nhân vị, hiện tượng bắt nạt, năng lực của tấn công.
Nhà xã hội học Zygmunt Bauman đọc diễn văn tại Hội nghị thượng đỉnh Liên tôn cầu nguyện cho hòa bình tại Axixi, nước Ý ngày 20 tháng 9 năm 2016, ba tháng trước khi ông qua đời, 9 – 1 – 2017.
Nhà báo Thomas Leoncini ngày 19 tháng 3-2018 trong buổi họp tiền thượng hội đồng ở Rôma cùng ngồi bàn chủ tọa với Đức Phanxicô, người đầu tiên bên mặt.
Xin đọc: Đức Phanxicô: “Các bạn trẻ không được để mình bị biến chất!”
Nếu bạn nghĩ rằng Thượng Đế đã chết, xin mời bạn đọc câu trả lời của Zygmunt Bauman
Marta An Nguyễn dịch