Mười lời nói tốt lành của giáo hoàng vui tính nhất lịch sử

1201

Mười lời nói tốt lành của giáo hoàng vui tính nhất lịch sử

fr.aleteia.org, Ban biên tập, 2017-11-23

Ai nói các giáo hoàng không có tính hài hước? Biệt tài ứng đáp và tính hồn nhiên vui vẻ của Đức Gioan XXIII vẫn là nét đặc biệt của triều giáo hoàng của ngài.

Angelo Guiseppe Roncalli, thánh giáo hoàng Gioan Jean XXIII sinh ở Ý năm 1881, chịu chức linh mục năm 1904 lúc ngài 23 tuổi. Trong thời Thế Chiến Thứ Hai, ngài là đại diện Tòa Thánh ở Thổ Nhĩ Kỳ, ngài đã cứu một số lớn người do thái bị nhà cầm quyền nazi lùng bắt bằng cách cho họ “hộ chiếu quá cảnh” của phái đoàn Tòa Thánh.

Năm 1958, sau khi Đức Piô XII qua đời, ngài được bầu vào ngôi Thánh Phêrô và nhờ tính vui vẻ, đặc sủng và lòng rộng lượng nổi tiếng của ngài mà chỉ trong một thời gian ngắn, ngài được mọi người đặt tên là “giáo hoàng nhân lành”. Với ý muốn truyền tải sứ vụ của Giáo hội là loan báo Tin Mừng cho tất cả mọi thực tại của con người, ngài đã cho triệu Công đồng Vatican II để suy tư về cách nào mà mục vụ Giáo hội đáp ứng được các thách thức của một thế giới đang ngẫu biến.

Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII qua đời ngày 3 tháng 7 năm 1963, được Đức Gioan-Phaolô II phong chân phước trong Năm Thánh 2000 và được Đức Phanxicô phong thánh vào tháng tư năm 2014. Lễ kính ngài ngày 11 tháng 10. 

  1. Thợ may

Ngay lập tức sau khi được bầu chọn, Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII lui về phòng như truyền thống để mặc áo chùng trắng Giám mục Rôma. Vấn đề là ba áo chùng đã chuẩn bị sẵn không áo nào vừa cho ngài. Trong khi mọi người bối rối thì tân giáo hoàng vừa cười vừa trả lời: “Rõ ràng là các ông thợ may không muốn tôi làm giáo hoàng!”

  1. Giáo hoàng kia

Trong khi ngài tiếp một giám mục Ý hơi lâu hơn ấn định, thư ký của ngài vào phòng tiếp kiến để nhắc ngài còn một danh sách dài đang chờ ngài tiếp. Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII nói với giám mục khách: “Đôi khi tôi tự hỏi giáo hoàng là anh thư ký hay là tôi”. 

  1. Các nhân viên của Vatican

Trả lời cho một người hỏi có bao nhiêu người làm việc ở Vatican, Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII trả lời một cách tự nhiên: “Không hơn một nửa!” 

  1. Mẹ bề trên của Chúa Thánh Thần

Một ngày nọ, “giáo hoàng tốt lành” ra khỏi Vatican một mình để kín đáo đi thăm một người bạn linh mục đang nằm ở bệnh viện Chúa Thánh Thần. Khi ngài đến cửa, mẹ bề trên rất cảm động, bà nói với ngài: “Trọng kính Đức Thánh Cha, tôi là bề trên của Chúa Thánh Thần”.

Đức Gioan XXIII trả lời: “Ồ sự nghiệp của mẹ thật tuyệt vời! Còn tôi, tôi chỉ mới làm đại diện cho Chúa Kitô!”

  1. Tôi phải nói với giáo hoàng

Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII thú nhận với các cộng sự viên: “Đôi khi ban đêm tôi thức giấc, tôi nghĩ đến những vấn đề trọng đại. Tôi tự nhủ mình sẽ nói với giáo hoàng. Đến khi tôi hoàn toàn tỉnh ngủ, tôi mới nhớ lại, giáo hoàng là mình!”

Ngài luôn nhắc đi nhắc lại: “Mọi người có thể là giáo hoàng, bằng chứng là tôi đây!”

  1. Thánh Gioan-ngoại-thành

Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII là giáo hoàng đầu tiên của thế kỷ 20 đã thỉnh thoảng kín đáo rời Vatican để đi thăm những người thiếu thốn. Người La Mã, với đầu óc hài hước cố hữu gọi ngài là Thánh Gioan-ngoại-thành, ám chỉ đến ngôi thánh đường nổi tiếng Thánh Phaolô-ngoại-thành. 

  1. Gioan Ba-tít

Trong một lần tiếp một thượng nghị sĩ Mỹ, ông giới thiệu tôn giáo của mình: “Trọng kính Đức Thánh Cha, tôi là người ba-tít”.

Với đầu óc khôi hài của mình, giáo hoàng trả lời: “Tôi là Gioan, vậy mình bổ túc cho nhau!”

  1. Sách Thánh

Khi ngài tiếp giáo sĩ Rôma, giáo hoàng thường tiễn khách ra tận cửa phòng tiếp kiến. Giáo sĩ nhường bước cho ngài, nhưng ngài cũng nhường bước lại, ngài trịnh trọng tuyên bố: “Cựu Ước đi trước!” 

  1. Chị em của Thánh Giuse

Một ngày nọ có một nhóm nữ tu đến thăm ngài, họ giới thiệu họ là các chị em của Thánh Giuse (nữ tu Dòng Thánh Giuse). Giáo hoàng tốt lành đáp lại ngay lập tức: “Đúng là các xơ được giữ kỹ!”. 

  1. Để kết thúc

Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII thường có thói quen kết thúc cuộc gặp với các khách hành hương với một câu ám chỉ ngài luôn ở nội cung Vatican: “Xin quý vị trở lại đây, xin trở lại đây, khổ thay chúng tôi luôn ở đây!”

Marta An Nguyễn dịch