Phong thánh các giáo hoàng: Sự hợp lý của sứ điệp được đặt lại vấn đề
la-croix.com, Samuel Lieven, 2018-02-08
François Mabille là nhà nghiên cứu của Nhóm các tôn giáo, xã hội, thế tục (GRSL) ở Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia CNRS, chuyên gia về công giáo trong các quan hệ quốc tế
Từ triều giáo hoàng Đức Gioan-Phaolô II, đã có một sự mở rộng lớn trong tiến trình phong thánh trong Giáo hội. Trước hết là nguyên nhân có tính cơ chế: Giáo hội càng phát triển và càng phổ quát thì càng có nhiều người có khả năng được phong chân phước.
Nhưng cũng có các lý do chính trị: chủ nghĩa cộng sản ngày hôm qua, và hồi giáo ngày hôm nay, đặt các cộng đoàn thiểu số kitô hữu trong tình trạng bị bách hại, và kết quả là gia tăng số lượng các cuộc phong chân phước. Thêm nữa, Đức Gioan XXIII và Đức Gioan-Phaolô II lại quan tâm đến lòng mộ đạo bình dân mà các nhà thần học đã bỏ qua cho đến lúc đó.
Chính trong bối cảnh này, chúng ta cần phải xem lại các vụ phong thánh hàng loạt của các triều giáo hoàng. Nhờ toàn cầu hóa, họ đã trở thành hình ảnh biểu tượng chung cho tín hữu kitô. Sự phong thánh của họ cũng nhằm nói với cộng đồng thế giới này: khi phong chân phước cho Đức Phaolô VI, Giáo hoàng Phanxicô đưa ra hình ảnh người của đối thoại.
Cuối cùng, như Đức Bênêđictô XVI đã nhấn mạnh khi ngài từ nhiệm, thời gian của thế gian không phải là thời gian của Giáo hội. Nói cách khác, không thể chờ một hay hai thế kỷ để nhận biết các đức tính của giáo hoàng này hay giáo hoàng kia để đề nghị phong thánh cho họ, như trong trường hợp của Đức Gioan-Phaolô II, khi ngài vừa qua đời là giáo dân đã xin phong thánh ngay lập tức “Santo subito”.
Tuy nhiên việc phong chân phước gần như tự động cho các giáo hoàng không phải không tạo vấn đề, bắt đầu bằng sự nhất quán trong sứ điệp nói với tín hữu. Phong chân phước chung cho Đức Piô IX (1846-1878), tác giả Văn kiện Syllabus nghiêm khắc lên án tính hiện đại và Đức Gioan XXIII (1958-1963), ngôn sứ của công đồng Vatican II chắc chắn là cách Giáo hội nhấn mạnh đến sự hiệp nhất của mình. Nhưng đối với người quan sát bên ngoài, thì đây là một khác biệt lớn! Mặt khác có những nhóm áp lực ở Vatican tìm cách tận dụng việc phong chân phước cho giáo hoàng này hay giáo hoàng kia với những lý do chính trị hơn là lý do thiêng liêng hay mục vụ.
Vai trò chính trị của Đức Phaolô VI
Đức Phaolô VI ở Nadarét ngày 5 tháng 1 – 1964 / AFP
Cuối cùng là tốc độ của tiến trình – thậm chí không tôn trọng thời hạn như trong trường hợp của Đức Gioan-Phaolô II – không phải lúc nào cũng được làm sáng tỏ chung cho toàn bộ của tiến trình. Dù cho đặc sủng ngoại hạng của ngài, hình ảnh của Đức Gioan-Phaolô II vẫn gây nhiều mâu thuẫn, đặc biệt ngài đã ủng hộ không điều kiện cho Marcial Maciel, người sáng lập tai tiếng của Binh đoàn Chúa Kitô (Légion du Christ).
Trong trường hợp của Đức Gioan XXIII là ngài đã che chở cho các giám mục thỏa hiệp với chế độ Vichy ở Pháp, trong thời ngài làm sứ thần tại Pháp sau chiến tranh, cũng là một yếu tố luôn làm cho các sử gia bàn luận.
Cũng vậy với với Đức Phaolô VI trong vai trò chính trị của ngài ở Ý trong nhiều năm ngài lãnh đạo. Tất cả các vấn đề này đưa đến tâm điểm của vấn đề: chúng ta giữ lại gì khi phong thánh một giáo hoàng? Vượt ra ngoài các đức tính cá nhân của các ngài, đâu là tầm quan trọng của những gì thuộc về tập thể?
Muốn đi quá nhanh, nhất là việc công nhận các phép lạ, chính là tính hợp lý của tiến trình phải được đặt lại vấn đề, đặc biệt dưới mắt của những người không công giáo và những người không tin mà Giáo hội tìm cách để đối thoại với họ.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Xin đọc: Một phép lạ được công nhận do lời cầu bàu với chân phước Phaolô VI
Đức Phaolô VI có thể sẽ được phong thánh trong năm kỷ niệm 50 năm thông điệp Sự sống Con người
Di sản của Giáo hoàng Phaolô VI
Di sản đích thực của Đức Giáo hoàng Phaolô VI
Đức Phaolô VI, Giáo hoàng của Công đồng
Hồng y Paul Poupard: “Đức Phanxicô là con của Công Đồng và của Đức Phaolô VI”