Ở đúng vị trí của mình trong chương trình hoạch định
Ronald Rolheiser, 2002-06-30
Chúng ta cần làm gì để có được hạnh phúc? Cái gì mang lại cho chúng ta sự bình yên và ý nghĩa?
Cha Pierre Teilhard de Chardin có viết như sau về cuộc đời của ngài: «Một loại bản năng cốt lõi nào đó làm cho tôi ước chừng niềm vui, chỉ có niềm vui mới đáng công, góp phần nhỏ bé của cá nhân mình vào trong tổng thể lớn lao của vũ trụ; và rốt cùng, không có bất cứ cái gì khác có thể có một ý nghĩa đối với tôi. Để giải thoát ra khỏi cái tổng lượng vô tận của điều tuyệt đối, để lách mình ra khỏi một khúc đoạn của bản thể, vĩnh viễn – ngoài ra tất cả chỉ là phù phiếm, không thể chịu nổi.»
Đối với cha, vào lúc cuối ngày, chỉ duy nhất niềm vui mới đáng kể, cảm nhận mình vui do mình hợp tác một cách đúng đắn vào tổng thể mọi sự, do mình có một chỗ đứng trong bức tranh lắp hình vĩ đại của vũ trụ. Niềm vui và ý nghĩa do mình góp phần nhỏ bé vào tiến trình tổng thể của vũ trụ, không hơn không kém.
Nhìn thoáng qua, tất cả điều này có vẻ hơi trừu tượng, đặc trưng, và chỉ áp dụng cho giới ưu tú thuộc lãnh vực thiêng liêng, tuy nhiên những gì cha Teilhard nói ở đây thật sự cũng đúng cho tất cả mọi người. Trong thâm tâm, tất cả chúng ta đều cảm nhận được điều này dù có thể chúng ta không nhận thức rõ như ngài. Những lời của cha hoàn toàn đúng. Chỉ duy nhất một điều có thể mang lại ý nghĩa thật sự, chỉ duy nhất niềm vui mới mang lại bình an nhiều hơn lo âu, và niềm vui đó chỉ có được khi chúng ta ráp chính cuộc sống mình vào trong khoảng không gian đặc biệt dành sẵn cho mình trong vũ trụ và khi chúng ta không lấy chỗ nhiều hơn hoặc ít hơn chỗ thật của mình.
Nhưng làm cách nào để được đúng? Khi nào và cách nào chúng ta cảm nhận được những điều này?
Chúng ta trải nghiệm nó mọi lúc trong cuộc sống hàng ngày. Tại sao chúng ta cảm thấy mình tốt khi thành công một chuyện gì đóù? Có phải vì được ngưỡng phục, có phải vì cái tôi được vuốt ve, hay vì chúng ta vui cái thỏa mãn khi làm một điều tốt? Đúng, tất cả các lý do này đều đúng, dù không lý do nào sâu sắc nhất. Rốt cùng, dù không thường xuyên nhận thức về nó, nhưng trong thâm tâm, chúng ta cảm thấy vui vì mình đã góp phần nhỏ bé vào bức tranh tổng thể, góp một mẩu nhỏ vào bức tranh lắp ghép mà chỉ chúng ta mới cung cấp được, có thể đó là phần tử thiết yếu trong thành tựu cuối cùng của mọi sự. Đó là lý do vì sao chúng ta cảm thấy vui khi xây dựng được một cái gì, giúp đỡ một ai, sáng tạo một cái gì, nâng đỡ một người, giảng dạy một điều gì, hoàn thành một việc, nuôi dưỡng một người, giải phẫu thành công một ca mổ, ghi một bàn thắng, chùi rửa phòng tắm, nấu một bữa cơm, rửa chén bát, hay đơn giản làm bất cứ một chuyện gì đúng. Cảm giác thỏa mãn chúng ta cảm nhận lúc này có gốc rễ sâu xa. Chúng ta đã góp phần nhỏ bé của mình vào trong bức tranh tổng thể, giúp khai phóng một mẩu sự sống.
Ngược lại, tại sao chúng ta cảm thấy buồn khi thất bại, khi phụ lòng ai, khi thấy mình lãng phí một vài tiềm năng của mình? Có phải đơn giản chỉ là cảm giác của lòng tự hào bị tổn thương, của hụt hẫng, của hổ thẹn? Đúng, tất cả những điều này đều đúng, nhưng, một lần nữa, nó còn hơn thế. Rốt cùng chúng ta có cảm giác mình vô dụng một cách không chấp nhận được, vì mình đã không đứng vào chỗ đã dành sẵn cho mình trong vũ trụï, đã không góp phần vào trong tấm thảm lắp ghép này.
Sẽ hữu ích khi nhìn nhận điều này một cách có ý thức hơn, đặc biệt là để không gọi sai nỗi bồn chồn hiếu động của mình. Tại sao tôi đề cập đến chuyện này?
Bởi vì chúng ta sinh ra là đã quá hiếu động, triền miên lôi cuốn vì chúng ta nhận thức mình có một cái gì đặc biệt, phải làm một cái gì có ý nghĩa. Không ai muốn sống mà không để lại một dấu tích nào đó trên cõi đời này. Một châm ngôn phổ thông có nói: “Hãy sinh con, trồng cây, viết sách!” Có nghĩa là: “Để tin chắc mình có một cái gì bảo đảm, ít nhất là có một chút gì để đời.” Chúng ta thường thiếu khả năng tự biết mình hay không đủ ngay thẳng để chấp nhận nó, nhưng có một cái gì bên trong chúng ta (phần cung cấp năng lượng cho tính hiếu động ngồi không yên) hiểu chính xác điều đó muốn nói gì. Chúng ta muốn và cần để lại một dấu tích vĩnh viễn ở một nơi nào đó. Chúng ta được sinh ra vì lý do đó.
Nhưng thường thì chúng ta gọi tên sai nỗi bồn chồn không yên và những gì nó đang đòi hỏi chúng ta. Hợp lý thì nó phải như thế này: Chúng ta biết mình có nhu cầu để lại một dấu tích vĩnh viễn ở một nơi nào đó. Tuy nhiên chúng ta nghĩ điều này chỉ có thể làm được bằng cách nổi tiếng, được thế giới biết đến, luôn ở dưới ánh đèn màu, tên tuổi trên trang bìa tạp chí TIME. Đó là lý do giải thích tại sao chúng ta luôn luôn cố gắng đạt được một cái gì đó có ý nghĩa, một chuyện gì đó nổi bật, một điều gì đó sẽ trường tồn. Nhưng thường, cuộc sống chúng ta không được tầm mức như vậy. Chúng ta thấy mình nhỏ bé, tầm thường, không quan trọng, vì thế nỗi thao thức bắt đầu gặm nhắm chúng ta.
Các thỏa mãn và thất vọng hàng ngày có thể dạy cho chúng ta một bài học nào đó. Chúng ta cần lắng nghe sát với những gì chúng ta cảm thấy tốt hay không tốt. Cuộc sống hàng ngày có thể nhỏ bé, nhưng không nhất thiết chúng ta phóng đại chúng lên bằng tiếng tăm, bằng ghi công. Bạn không tạo được bất tử – bạn cũng không có bình an – nếu bạn là siêu sao. Bạn được bình an khi góp phần nhỏ bé vào bức tranh tổng thể, một phần cực kỳ bé mọn, nhưng đó là phần duy nhất dành cho bạn.
J.B. Thái Hòa dịch