Con cái của cả thiên đàng và thế gian
“Lạy Chúa, dù tâm hồn con thiếu nhiệt thành, thiếu đức chính trực cao cả của các thánh, nhưng con đã nhận được từ Chúa một lòng cảm thông quá đỗi cho tất cả những khơi dậy từ đống hỗn mang tăm tối, vì con biết mình chắc chắn là con cái của thiên đàng cũng như của thế gian.”
Đây là lời của Pierre Teilhard de Chardin, và cũng như lời mở đầu lừng danh của thánh Augutinô trong Tự thú, chúng không chỉ nói lên sự căng thẳng nội tâm trọn đời của tác giả, nhưng còn xác định những nét nền tảng cho một linh đạo trọn vẹn. Với tất cả những ai có cảm xúc lành mạnh và thành thật, thì cả đời luôn có căng thẳng giữa những hấp dẫn quyến rũ của thế gian và sự lôi cuốn của Thiên Chúa. Thế gian, với các vẻ đẹp, vui thú, và vật chất của nó, có thể chiếm trọn và làm cho chúng ta tin rằng thế gian này là tất cả, và đời này là cần phải có tất cả. Ai còn cần điều gì cao xa hơn nữa? Chẳng phải đời sống trên thế gian này là đủ rồi hay sao? Hơn nữa, có bằng chứng gì về bất kỳ hiện thực và ý nghĩa nào ngoài cuộc sống đời này không?
Nhưng ngay cả khi chúng ta bị lôi kéo, một cách mạnh mẽ và đúng đắn, về phía thế gian và những gì nó đem lại, thì một phần trong chúng ta vẫn thấy mình đang ở trong, đang nắm lấy một hiện thực khác, chính là hiện thực thiêng liêng, vốn ban sơ mơ hồ hơn nhưng không kém dai dẳng day dứt. Và lòng chúng ta cũng nghe rằng, đây là sự thật, hiện thực này đến tận cùng cho chúng ta sự sống, và hiện thực này đáng được trân trọng, không thể làm ngơ. Và cũng như hiện thực của thế gian, hiện thực thiêng liêng cũng thể hiện mình vừa hứa hẹn vừa đáng sợ. Đôi khi, chúng ta cảm giác hiện thực thiêng liêng như một chiếc kén ấm áp, một mái ấm tột cùng, nhưng có khi chúng ta cảm giác quyền uy của thiêng liêng như một phán quyết đầy đe dọa so với sự thiển cận, tầm thường và tội lỗi của chúng ta. Đôi khi, thiêng liêng chúc phúc cho sự cố kết của chúng ta với đời này và các thú vui đời này, nhưng đôi khi thiêng liêng lại làm chúng ta lo sợ và tương đối hóa cả thế gian lẫn đời sống của chúng ta. Bằng cách xao nhãng và làm ngơ, chúng ta có thể đẩy xa hiện thực thiêng liêng, nhưng hiện thực này luôn có đó, luôn tạo căng thẳng nội tại mạnh mẽ trong chúng ta. Chúng ta chắc chắn là con cái của cả trời và đất, cả Thiên Chúa và thế gian đều có quyền được chúng ta chú tâm.
Đây là ý nghĩa tiền định. Thiên Chúa tạo nên chúng ta có vật chất, nhục thân, và có chiều hướng trần gian, với gần như mỗi bản năng trong chúng ta đều vươn đến những sự trần gian. Chúng ta không nên nghĩ rằng Thiên Chúa muốn chúng ta xa lánh thế gian này, chối bỏ vẻ đẹp chân thật của thế gian, hay cố gắng thoát khỏi thân thể mình, thoát ly các bản năng tự nhiên và thể lý của mình, để chăm chăm hướng về thiên đàng. Thiên Chúa không tạo dựng thế gian này như một phép thử, như nơi thử thách sự vâng phục và ngoan đạo của chúng ta trước sức hút của lạc thú trần gian để xem liệu chúng ta có xứng đáng vào thiên đàng hay không. Thế giới này có mầu nhiệm và ý nghĩa riêng của nó, một ý nghĩa chính Thiên Chúa ban. Thế gian không đơn giản là sân khấu để con người chúng ta diễn tấn kịch cứu rỗi đời mình rồi hạ màn rút lui. Nhưng đây là nơi cho tất cả chúng ta, cho các động vật, côn trùng, cây cỏ, đất đá, nước non chung hưởng một mái nhà.
Nhưng đây cũng chính là cội rễ cho căng thẳng lớn trong chúng ta. Trừ phi chúng ta bác bỏ những bản năng mạnh mẽ nhất hay những cảm thức lòng đạo mạnh mẽ nhất, còn không thì chúng ta sẽ luôn thấy mình bị giằng xé giữa hai thế giới, với những xung đột giữa lôi cuốn của thế gian và của Thiên Chúa. Tôi biết đích thực điều này trong đời mình. Tôi được sinh ra trong thế gian này với hai tình yêu không thể thay thế, và đã dành cả đời cũng như trọn sứ mạng của mình trong giằng xé giữa hai sự này: Tôi luôn yêu mến thế giới ngoại đạo vì sự tôn sùng sự sống, cảm kích những kỳ diệu trong thân thể con người và những vẻ đẹp cũng như khoái cảm của năm giác quan. Với các anh chị em ngoại đạo, tôi cũng cảm kích sự hấp dẫn của tính dục, sự êm ái của cộng đồng nhân loại, sự phấn khởi của óc hài hước châm biếm, và những món quà đáng kinh ngạc của nghệ thuật và khoa học. Nhưng, cùng lúc, tôi luôn thấy mình ở trong một hiện thực khác, là thế giới thiêng liêng, đức tin, và lòng đạo. Hiện thực này cũng luôn lôi cuốn sự chú tâm của tôi, và quan trọng hơn nữa, hiện thực thiêng liêng phủ bóng trên những chọn lựa lớn trong đời tôi.
Những chọn lựa lớn trong đời tôi thể hiện và phát tiết một căng thẳng lớn, vì chúng cố gắng chân thật với một dấu ấn kép bẩm tại trong tôi, đó là ngoại đạo và thiêng liêng. Tôi không thể chối bỏ hiện thực, sự lôi cuốn, và sự tốt lành của cả hai. Vì lý do này, tôi có thể sống một đời sống tận hiến, độc thân khiết tịnh cả đời, lo mục vụ thánh nhưng cũng vừa yêu mến sâu sắc thế giới ngoại đạo, cảm mến những khoái cảm của nó, và cả sự tốt lành của tính dục – cho dù vì trung thành với hiện thực thiêng liêng mà tôi đã chấp nhận từ bỏ nó. Đây cũng là lý do vì sao tôi triền miên tạ tội với Chúa vì những chống đối ngoại đạo của thế gian với Ngài, nhưng cũng không ngừng nói về Chúa cho thế gian. Tôi sống với những thành tín giằng xé.
Và tất yếu là vậy. Thế gian này được định để chiếm lấy hơi thở của chúng ta, ngay cả khi chúng ta cung kính sấp mình trước Đấng Tạo hóa của hơi thở đó.
J.B. Thái Hòa dịch