Trích sách “Phanxicô, giáo hoàng của người nghèo”, Andrea Tornielli, nxb. Novalis
Từ khi làm giám mục phụ tá ở tòa giám mục đến khi hồng y Quarracino chết, ngày 28-2-1998, Bergoglio được sự kính trọng của hàng giáo sĩ, đặc biệt là các tu sĩ trẻ. Tất cả các linh mục ở Buenos Aires đều mến chuộng tính nhân đạo, đơn sơ, những lời khuyên khôn ngoan, và cha vẫn giữ như thế cho đến khi ngài làm chủ chăn của giáo phận. Cha bắt một đường giây điện thoại trực tiếp để các linh mục có thể gọi cha bất cứ lúc nào họ gặp vấn đề. Không có hàng rào cản, thư ký, hệ thống lọc. Giám mục luôn luôn ứng trực với thuộc cấp của mình.
Bergoglio tiếp tục ngủ đêm ở giáo xứ, ở bên cạnh các linh mục bị đau, đến ngồi hàng giờ bên cạnh linh mục bị đau ở bệnh viện. Mới đầu cha từ chối đến ở trong căn biệt thự lịch sự của tòa giám mục Olivos và vẫn ở trong căn hộ nhỏ. Nhưng rồi cuối cùng cha dọn về một phòng ngủ khiêm tốn của biệt thự. Cha vẫn còn thích nấu ăn cho khách và chẳng nệ hà gì công việc rửa chén. Cha đón về ở và săn sóc một giám mục phụ tá lớn tuổi cần người săn sóc.
Cha tiếp tục trả lời riêng các cuộc gọi điện thoại, giữ một quyển sổ hẹn. Cha không có thư ký riêng nhưng có một vài cộng sự viên và một vài nữ tu giúp một số việc khác nhau. Cha tiếp tục đi xe buýt và thích đi xe buýt hơn là xe điện ngầm vì ngồi xe buýt có thể thấy được dân chúng ngoài đường. Dân thủ đô quen dần với cha và biết cha nhiều hơn. Cha ăn mặc đơn giản. Khi đi du lịch, Jorge Mario – thích được gọi là “vị linh mục thích được là linh mục” – không bao giờ quên quyển sổ ghi chú, cha ghi tay các số điện thoại của bạn bè và người quen biết.
Và lúc nào cha cũng mang quyển kinh nhật tụng, trong đó có kẹp bản chúc thư của bà nội, bà viết trước khi cha chịu chức, phòng hờ lúc bà không còn sống để dự lễ phong chức. “Tôi rất gắn bó với quyển kinh nhật tụng, đó là quyển sách đầu tiên tôi mở ra trong ngày và cũng là quyển tôi đóng lại trước khi đi ngủ.” Trong quyển sách này có kẹp bài thơ “Rassa nostrana” của Nino Costa.
Phanxicô, Giáo hoàng của người nghèo, chương 7, Andrea Tornielli, Nguyễn Tùng Lâm dịch