«Cuộc viếng thăm của ngài là một cơ hội giáo dục không thể tưởng tượng được»

302

«Cuộc viếng thăm của ngài là một cơ hội giáo dục không thể tưởng tượng được»

Aleteia, Carly Andrews. Gaelle Bertrand và Solène Tadié, 27-5-2014

Yiska Harani, giáo sư và chuyên ngành về đối thoại liên tôn gởi từ Giêrusalem cho chúng tôi nhận xét của bà trên cảm nhận của người Do Thái về chuyến đi Đất Thánh của Đức Phanxicô.

Nhận xét của bà Yiska Harani, bà thuộc Trung Tâm Giêrusalem về các quan hệ liên tôn Do Thái giáo và Thiên Chúa giáo (Jerusalem Center for Jewish Christian Relations) và các cơ quan khác của thành phố, thuộc chính quyền hay không, trong cương vị một giáo sư và người cổ động cho đối thoại giữa người Do Thái và Kitô hữu. Bà đặt một tầm quan trọng rất cao trong việc tạo ra một cuộc gặp gỡ riêng giữa người Do Thái và Kitô hữu, bởi vì theo bà, đây là điểm khới phát của một cuộc đối thoại phong phú. Bà trả lời phỏng vấn cho Aleteia về tình trạng của thành phố Giêrusalem và về chuyến đi của Đức Phanxicô.

Giêrusalem là một thành phố mà các tôn giáo khác nhau cùng sống chung với nhau. Sự quân bình của thành phố lại tùy thuộc vào tính đa dạng này. Cuộc sống ở một nơi như vậy sẽ như thế nào?

Yiska Harani: Tôi lớn lên ở Giêrusalem và đến một lúc tôi cảm thấy sống ở đây thật quá mãnh liệt đối với tôi. Vì thế tôi quyết định rời thành phố. Bây giờ tôi ở Tel Aviv, cách đây một giờ xe. Ở Giêrusalem, người dân cảm thấy cùng một lúc đó là gánh nặng mà cùng một lúc đó cũng là một đặc ân được ở đây. Đây là một nơi thiêng liêng nhưng người dân lại mang nhiều tâm trạng khác nhau. Đây cũng là thành phố của nhiều thái cực, một thành phố không yên tĩnh và không thanh bình. Và đó là cả một thử thách. Phải cố gắng sống trong lòng một xã hội luôn luôn mãnh liệt và luôn luôn có xung đột.

Ở Giêrusalem, người dân cảm nhận mình có một lòng sốt sắng trong việc mình thuộc về một cộng đoàn, sống một nơi thiêng liêng. Nhưng Giêrusalem cũng là một nơi rất khắc nghiệt. Làm việc ở đó với những người ở đó thì rất khó khăn, cả một thử thách. Nhưng phải làm để tạo điều kiện dễ dàng cho sự phát triển một lối sống chung của thành phố. Một cách khác, người dân sống trong các khu biệt cư (ghettos), nơi họ xây dựng và vẫn sống cô lập và riêng lẻ trong thế giới của họ.

Việc tự do giữ đạo cụ thể sẽ như thế nào đối với người dân và đối với nhà cầm quyền Giêrusalem? 

Yiska Harani: Từ 60 năm nay, việc tự do giữ đạo được tăng dần dần ở thành phố Giêrusalem. Trước đây, rất nhiều nơi thờ phượng không được đi tới. Bây giờ một cách chung chung, người Thiên Chúa giáo và Hồi giáo được giữ đạo nơi nào họ muốn. Và đó là cũng là trường hợp của người Do Thái, ngoại trừ ở Núi Ngôi Đền, nơi luôn luôn có vấn đề.

Từ nay, các nhà cầm quyền càng ngày càng gần với các cộng đoàn cùng sống trong thành phố. Vào thời của thị trưởng nổi tiếng Teddy Kollek (1965-1967), đã có một sự cởi mở rất lớn lao, dành ưu tiên cho các cộng đồng thiểu số. Chẳng hạn trường hợp của những người Syria Chính thống ở Giêrusalem. Mỗi lần có một buổi lễ ngoại giao hay một cuộc rước nào, họ đều được mời đến trình diễn nhạc của họ. Vào thời đó người ta đã có ý thức: thành phố này là thành phố đa văn hóa.

Tôi không nghĩ bây giờ luôn luôn được như vậy. Trong lãnh vực giáo dục, ít có môn học nào dạy về chủ đề «người khác», dù bộ trưởng giáo dục tuyên bố «tìm hiểu người khác» là chủ đề của năm. Rất nhiều trường học đã chọn chủ đề đối xử với «người khác» là một người Do Thái khác chứ không phải «người khác» là người Thiên Chúa giáo hay Hồi giáo.

 

Một cách chính yếu, trong lãnh vực giáo dục và cũng trong các bộ khác nữa.

Sự đa dạng của chúng tôi không được xem như một nguồn tài nguyên. Về phần tôi, tôi nghĩ ngược lại.  Chúng ta phải chú trọng đến các thành phần thiểu số này, phát triển các quan hệ với họ và hỏi họ xem họ cần những gì. Theo tôi, đây là điểm ưu tiên cần phải làm trong các trường học và trong ngành giáo dục.

Theo bà, đâu là ý nghĩa chuyến đi Đất Thánh của Đức Phanxicô? Và đâu là các hệ quả của nó?

Yiska Harani: Đây là một cơ hội tuyệt vời cho thế giới Kitô và cho các quan hệ giữa hai đạo, Do Thái giáo và Kitô giáo. Đối với Kitô hữu, cuộc gặp gỡ giữa Giáo hội Công giáo và Giáo hội Chính thống giáo có nghĩa thành phố của những xung đột này cũng có thể là nơi giải hòa với người khác. Điều này có tính biểu tượng rất cao. sự kiện Đức giáo hoàng và Thượng Phụ Constantinoble đã chia rẽ từ 1000 năm nay, hôm nay đến Giêrusalem để lặp lại vòng ôm của vòng ôm cách đây 50 năm cho thấy thành phố của chúng tôi cũng có thể có một cái gì cao hơn là các xung đột.

Người Kitô hữu địa phương được an ủi vì họ thấy hai hình ảnh lớn lao của Kitô giáo gặp nhau. Hai người đã làm cho cộng đồng Kitô giáo được mọi người thấy, không còn vô hình giống như nhiều người khác nghĩ. Vì thế cộng đồng Kitô giáo địa phương ở đây rất phấn khởi, họ tổ chức việc cổ động cho chuyến đi của Đức Phanxicô theo những gì họ mong muốn để mọi người nhìn thấy được họ. Tôi rất vui cho họ.

Về quan hệ Do Thái-Kitô giáo, tôi vui một phần vì Đức giáo hoàng đến đây để vinh danh việc bắt tay lịch sử của Đức Phaolô VI với Đại Thượng phụ Constantinople cách đây 50 năm, nhưng cũng vui vì ngược với Đức Phaolô VI cách đây 50 năm, Đức Phanxicô đến với cả Quốc gia chứ không đến chỉ vì Đất Thánh, cũng không chỉ vì dân tộc Do Thái. Tất cả những gì ngài làm trong chuyến đi này thì các giáo hoàng khác chưa bao giờ làm: đến từ phi trường quốc tế Israel, đến dinh Tổng thống, đến Trung tâm Heichal Shlomo, đến Núi Herzl, vân vân. Đây là một sứ điệp ngoài sức tưởng tượng, cũng là lần đầu tiên trong lịch sử của Vatican, đây là một lời khẳng định thực tế của sự quan hệ giữa Quốc gia Israel và với Do Thái giáo nói chung.

Tôi cũng rất vui vì dân tộc Do Thái được thấy, được nghe Đức giáo hoàng. Tôi ngồi trước máy truyền hình ở đây, thông dịch các sự kiện và đây là cơ hội để nói với người dân: «Quý vị nhìn xem! Những gì cho đến bây giờ quý vị chưa bao giờ biết thì bây giờ quý vị đã biết!» Tôi muốn nói đến quan hệ với Vatican và với thế giới của người Kitô, sự việc là đã có một cuộc đối thoại kéo dài từ 50 năm nay trong một tinh thần rất thân tình. Đây là dịp để trình bày cho người dân thấy một thực tế mà họ chưa bao giờ ý thức là có như vậy trong đời sống hàng ngày của họ.

Chuyến viếng thăm của Đức giáo hoàng là một cơ hội để giáo dục không thể hình dung được, dù, tiếc thay, vẫn còn nhiều người muốn xoay nó đi cho những mục đích khác của họ. Tôi tin chắc, sẽ có một vài người Do Thái cực đoan sẵn sàng đưa ra những cáo buộc sai lầm và tạo ra các mâu thuẫn nhưng nhìn chung, các cơ quan truyền thông truyền đi các tin tức đã cho phép họ thấy sự nổi bật của một mối tương quan có thật và sự dấn thân vì lợi ích chung cho một tương lai tốt hơn.

Bà nghĩ gì về Đức Phanxicô?

Yiska Harani: Tôi nghĩ không thể nào mà không thương Đức Phanxicô được! Đối với tôi, biểu tượng mạnh nhất là con người này, một người chưa từng chịu cảnh khắc nghiệt của Thế Chiến Thứ Hai như nhiều giáo hoàng khác, mà lại có một quan điểm nhìn từ bên ngoài đối với kinh nghiệm này và với nỗi đau khổ lớn lao này, ở một mức độ dấn thân sâu đậm như vậy được, không thể tưởng tượng được trong tương quan với những người Do Thái lại có được tầm mức này. Theo tôi, đây là một chiến thắng của Giáo hội, một chiến thắng đối với riêng ngài trong cương vị một người đã có chọn lựa này, nhưng cũng là một chiến thắng của Vatican khi đã dùng con đường này; Chúng tôi có ở đây một giáo hoàng, được mọi người chọn giữa tất cả mọi người, và con người không ai biết này đã lộ ra trước mặt thế giới, chứng tỏ rằng Giáo hội đã dạy cho người này mình phải thật sự hướng về cái gì, biết tương quan đích thực với Do Thái giáo trong thân tình và trong tình anh em. Tôi muốn cùng một lúc cám ơn nhân cách của ngài và cũng cám ơn Giáo hội cho các công việc của Giáo hội.

Đâu là các thử thách đặc biệt cần phải nêu ra để bảo đảm cho một cuộc đối thoại có kết quả giữa Thiên Chúa giáo và Do Thái giáo ? 

Yiska Harani: Nơi mà tôi xem là nơi thử nghiệm cho các quan hệ liên tôn là Núi Sion. Đó là nơi mà tất cả các giáo hoàng đều đến viếng thăm. Núi Sion là nơi thiêng liêng của người Hồi giáo, Do Thái giáo và Thiên Chúa giào. Từ sự kiện này, tôi nhận thấy ngọn núi này như một nơi mà chúng ta phải ý thức thành phố này là một thành phố đa tôn giáo, đa văn hóa và cả ba tôn giáo đều phải sống chung với nhau bởi vì lãnh thổ chung của họ là đặc tính thiêng liêng của đất này.

Núi Sion là nơi đặt ra rất nhiều vấn đề từ hai năm nay; nó là mục tiêu lợi dụng của những người Do Thái cực đoan. Tôi làm việc với những nhóm rất tốt gồm người Do Thái, Thiên Chúa giáo và Hồi giáo để biến nơi này thành một nơi thử nghiệm để giáo dục, nơi mọi người có thể đến nhìn, đến học lịch sử, một đường lối linh đạo và sự sống chung của những tôn giáo này.

Nguyễn Tùng Lâm dịch