la-croix.com, Isabelle de Gaulmyn, 06-07-2015
Thế chiến thứ ba “từng phần”. Ở Sarajevo, thành phố tử đạo của các cuộc xung đột của người Balkan, thêm một lần nữa, Đức Phanxicô đã dùng câu nói đặc trưng để nói lên “bầu khí chiến tranh” hiện nay. Câu nói có thể gây hoang mang. Tuy nhiên không nên xem đây là xung đột giữa hai nền văn minh, nền văn minh Phương Tây chống Hồi giáo cực đoan. Chỉ cần nhìn các chọn lựa trong các chuyến đi Âu Châu của ngài thì thấy rõ. Đức Phanxicô không phải là không làm buồn lòng cho “các nước Kitô kỳ cựu” mà ngài chưa đến thăm như nước Pháp, Ba Lan hay Tây Ban Nha. Ngài thích đến với những nước ở bên lề, nơi người công giáo là cộng đồng thiểu số như Albania và Bosnia-Herzégovina. Cũng như các nước khác trên thế giới, ngài đến Hàn Quốc, Sri Lanka hay Giêrusalem, các chuyến đi của ngài không đặt ý thức hệ lên hàng đầu nhưng đặt tình nhân loại lên hàng đầu, ngài muốn ở gần các dân tộc bị xâu xé vì các cuộc xung đột.
Đức Phanxicô không đến đó trong vai trò chính trị. Lời của ngài là lời ngôn sứ. Như thế lời của ngài cũng ở trên cùng luống đi của các vị tiền nhiệm của mình, Đức Bênêđictô XVI (chiến tranh là một thảm kịch vô ích), Piô XII và nhất là Gioan Jean XXIII trong Thông điệp Hòa bình Dưới Thế ngài cho chiến tranh là phi lý. Trước khi Đức Giáo hoàng Phaolô VI tuyên bố “không bao giờ được có chiến tranh nữa” vào năm 1965 và sau đó các vị kế nhiệm này đều lặp lại. Đức Phanxicô còn đi xa hơn khi ngài đưa ra một phân tích toàn cầu về chiến tranh, những cuộc chiến không còn có thể phân tích theo kiểu “khối này chống khối kia”. Theo Đức Giáo hoàng Argentina, chiến tranh không phải là tai họa chỉ cần giải quyết với các bên xung đột. Chiến tranh bao gồm một sự toàn cầu hóa các bất công, các buôn bán trục lợi nhất là buôn vũ khí, buôn người mà có một số nơi, vì lợi ích, họ đã trục lợi từ bạo lực này.
Trong suy nghĩ của ngài, chiến tranh không phải là công việc độc quyền của các nhà ngoại giao. Nó là công việc của tất cả mọi người, trong sự xây dựng một xã hội toàn cầu, nơi con người bị biến mất đàng sau lợi nhuận, nơi lợi ích chung biến thành lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm. “Thế chiến thứ ba từng phần” chỉ là hậu quả khủng khiếp của cái mà Đức Giáo hoàng gọi là, và cũng là một câu nói sốc khác, “sự dửng dưng toàn cầu”.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch