Aleteia – cha Dwight Longenecker – 28/5/2015
Ngay sau khi Giáo hoàng Phanxicô được bầu, đã có những nhận định về ngài và hai bậc tiền nhiệm. Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II, với những lời đầu tiên trên cương vị giáo hoàng là, ‘Đừng sợ!’ chính là vị giáo hoàng can đảm. Giáo hoàng thông thái Bênêđictô XVI là người trí thức hơn cả, và Đức Phanxicô là giáo hoàng với trái tim lớn.
Trong bài phỏng vấn với tờ Tiếng nói Nhân dân, Đức Phanxicô đã biểu lộ khía cạnh cảm thương của mình, và ngài cũng bộc lộ những điểm mạnh điểm yếu của một trái tim lớn. Ngài nói về ‘ơn của nước mắt.’ Tình trạng bi đát và nạn buôn người chấn động ngài sâu sắc. Giáo hoàng nói rằng, ‘Như khi tôi thấy những gì diễn ra cho dân chúng Rohingya, những người ở Myanmar, đã lên tàu tìm nơi lánh nạn. Khi đến gần bờ biển, họ được cho một chút thức ăn, nước uống, rồi bị đẩy trở lại biển khơi.’
Các trẻ em đau bệnh ‘khiến tim tôi tan nát.’ Giáo hoàng nói răng, ‘Khi thấy họ, tôi nói với Chúa, ‘Tại sao là họ mà không phải là con?” Cũng vậy, khi viếng thăm các tù nhân, khiến ngài nhận ra sự yếu đuối của mình. Ngài luôn luôn nghĩ, ‘Tôi có thể đã ở đó. Nói cách khác, không một ai trong chúng ta chắc được rằng mình không bao giờ phạm phải tội ác, một tội sẽ cho chúng ta vào tù.’
Hàng triệu người trên thế giới mến ngài chính bởi lòng thương của ngài. Mọi người cảm thấy mình có thể kết nối với ngài, và ngài hiểu được niềm vui nỗi buồn của họ. Tuy nhiên, giáo hoàng Phanxicô cũng thừa nhận rằng trái tim lớn của ngài cũng cho ngài những rắc rối. Vấn đề là ngài nói ngay những gì lòng mách bảo. Ngài thấy các vấn nạn và đôi khi phải hành động trước, suy tính sau. Giáo hoàng Phanxicô đã nói trong buổi phỏng vấn rằng, ‘Tôi khá là không biết sợ, tôi hành động không cần nghĩ đến hậu quả. Đôi khi điều này khiến tôi phải đau đầu, bởi tôi sẽ nói nhiều hơn cần thiết.’
Đây cũng chính là điều khiến Đức Phanxicô hứng chịu những chỉ trích, đặc biệt từ người Công giáo bảo thủ. Giáo hoàng Bênêđictô XVI, một kỳ cựu ở Vatican, và luôn luôn là một thần học gia cẩn trọng, biết khi nào nói và khi nào im lặng. Một con người nhạy bén sâu sắc, Đức Bênêđictô XVI làm việc theo phong cách ngoại giao và thận trọng. Khi mọi chuyện trở nên tệ bất chấp ngài đã xử lý đúng đắn, thì ngài cảm nhận được sự việc và có chiều hướng rút lui.
Phong cách tự do hơn của Đức Phanxicô đã khiến người Công giáo phải dừng lại mà suy nghĩ. Họ đã phải thích ứng với một giáo hoàng tự phát từ trái tim. Với một vài người, sự thay đổi này không dễ dàng gì. Với người khác, Giáo hoàng Phanxicô chính xác là nguồn hơi tươi mới mà Giáo hội Công giáo đang cần. Một số những chân lý đức tin được Đức Gioan Phaolô và Đức Bênêđictô công bố, cần có một cách tiếp cận cởi mở hơn.
Và nghĩ như thế, khi giáo hoàng Phanxicô ‘khiến bạn đau đầu vì ngài nói nhiều hơn cần nói’ thì thay vì phiền lòng, chúng ta hãy thở sâu và nhận ra rằng Giáo hoàng Phanxicô là ‘trái tim’ giáo hoàng, cũng như Đức Gioan Phaolô là ‘can đảm’ và Đức Bênêđictô là ‘khối óc’ vậy. Cả ba đều quan trọng, và cả ba cân bằng cho nhau. Cả ba đều có điểm mạnh điểm yếu.
Những người Công giáo còn lo lắng cần phải hiểu Giáo hoàng Phanxicô, học cách chia sẻ khía cạnh thương cảm của ngài, và ‘đi với ngài.’ Thần Khí là Đấng dẫn dắt, và nếu giáo hoàng Phanxicô không phải là một thần học gia cẩn trọng, hay một triết gia can đảm như những bậc tiền nhiệm, thì ngài đang đem đến cho chúng ta những ơn ích và đặc tính của riêng ngài trên cương vị giáo hoàng.
Giáo hoàng Phanxicô nhắc nhở chúng ta rằng, trái tim của thông điệp mà giáo hội nhắn gởi, chính là tình yêu thương mà Thiên Chúa là Cha dành cho dân mình. Bởi thế, giáo hội cử hành các bí tích cứu độ, và dạy những giáo lý cùng hướng dẫn luân lý bất diệt. Giáo hội đứng lên chống lại các bạo chúa, làm việc vì hòa bình và công lý, vươn đến các tôn giáo khác, và tuyên xưng tin mừng Chúa Giêsu Kitô. Trái tim lớn của giáo hoàng Phanxicô nhắc nhở chúng ta rằng giáo hội không phải là cùng đích, nhưng là khí cụ cho một cùng đích, chính là biểu lộ tình yêu Thiên Chúa cho toàn thể dân Ngài.
Giáo hoàng Phanxicô là ‘giáo hoàng của dân.’ Đúng như ngài nói trong bài phỏng vấn tuần rằng , ‘Tôi làm linh mục để được ở với dân. Tôi tạ ơn Chúa vì bây giờ vẫn thế.’
J.B. Thái Hòa chuyển dịch