Không một cộng đồng nào được nói vụng về về cái chết của mình! Đó là câu nói của nhà nhân loại học nổi tiếng Mircea Eliade, và tôi dùng câu đó để kính viếng Otto Herschan, một nhà xuất bản Thiên Chúa giáo lâu năm, qua đời vào ngày 12 tháng 7 ở tuổi 84.
Trong nhiều năm ông là chủ bút và là Giám đốc Điều hành của một số các tuần báo Thiên Chúa giáo tầm quốc gia, bao gồm tờ Người đưa tin Thiên Chúa giáo (Catholic Herald) ở Anh, tờ Nhà quan sát Thiên Chúa giáo Scotland (Scottish Catholic Observer in Scotland), và tờ Irish Catholic ở Ai-len. Ông đem lại một nền tảng thú vị vào báo chí Thiên Chúa giáo.
Ông sinh ra ở Áo và khi lên 10 tuổi, cùng với mẹ, ông đến tỵ nạn tại nước Anh khi xảy ra Chiến tranh Thế giới lần thứ hai. Cha của ông, người đưa vợ mình và Otto lên con tàu Tốc hành Phương Đông (Orient Express) để tới Luân Đôn ngay trước khi ông qua đời, là một sĩ quan quân đội Áo, và trong những chương đầu tiên tự truyện của Otto, quyển Làn khói thiêng, ông mô tả những phiên tòa xét xử Thiên Chúa giáo ở Áo khi nước này dần rơi vào vòng kiểm soát của phát xít Đức.
Khi tới nước Anh, Otto được các cha dòng Biển Đức giáo dục trong trường dòng ở Herefordshire, Belmont Abbey. Sau khi tốt nghiệp, ông làm một thời gian ngắn trong ngành kế toán và quảng cáo, trước khi ghi tên học đại học, nhưng vì không đủ tiền nên ông buộc phải bỏ học sau một năm. Sau đó Otto hướng sức lực sang nhà hát, làm việc ở Nhà hát Boltons, câu lạc bộ kịch nghệ nổi tiếng nhất của Luân Đôn trong thập niên 1940. Ông làm việc ở đó trong nhiều vai trò: người vẽ phông cảnh, diễn các vai lẻ, và cuối cùng là trở thành người quản lý nhà hát, là vị quản lý nhà hát trẻ nhất Luân Đôn, mới ở tuổi 21. Các khó khăn tài chính đã buộc Nhà hát Boltons phải đóng cửa vào năm 1950. Sau đó ông làm việc cho truyền hình trong một thời gian, giúp sáng lập ra đài truyền hình thương mại đầu tiên ở nước Anh.
Điều này lại đưa ông trở về với nhà hát, nơi mà vào năm 1954, trong một buổi gây quỹ, ông đã gặp vị chủ tịch tờ báo Catholic Herald, ông này mời ông đảm nhiệm công việc quản lý tờ báo. Ông phản đối, nói rằng mình chẳng hề biết gì về chuyện điều hành một tờ báo, và ông nhận được câu trả lời: “Như thế có khi lại là khởi đầu tốt ấy chứ!” Thế là ông trở thành Giám đốc Điều hành tờ Catholic Herald trong gần 50 năm.
Với tầm nhìn và dưới sự dẫn dắt của ông, tờ Catholic Herald đã phát triển từ chỗ chỉ phục vụ một số lượng độc giả nhỏ, khép kín mà với họ, việc mua một tờ báo được coi như là một hành động mộ đạo, trở thành một tờ tuần báo Thiên Chúa giáo tầm cỡ quốc gia và quốc tế, có mặt trên các sạp báo trong toàn bộ thế giới nói tiếng Anh. Ông tuyển mộ những nhà báo tài năng từ giới báo chí thế tục, và Catholic Herald trở thành tờ báo năng nổ và được rất nhiều người tìm đọc. Là chủ bút của một số tờ báo Thiên Chúa giáo trong và sau thời gian Vatican II, ông luôn luôn có thể giữ cho tờ báo của mình đứng vững được trên cái ranh giới mong manh giữa hai ý thức hệ tự do và bảo thủ. Luôn luôn, người ta coi báo của ông là quá tự do đối với những người bảo thủ và quá bảo thủ đối với những người tự do. Vậy không phải là lời phê bình dở.
Là người xuất bản có ngân sách rất eo hẹp, Otto có tài phát hiện những nhà báo trẻ tài năng, thuê họ làm biên tập viên cho tờ báo của ông, sau đó vài năm, ông hết lòng chúc phúc cho họ khi họ chuyển sang những công việc có lương bổng cao hơn trong giới báo chí thế tục. Theo cách đó, ông đã giúp tạo dựng sự nghiệp cho nhiều nhà báo trẻ rất xuất sắc; nhưng đem lại lợi ích cho cả hai, những biên tập viên trẻ trung thiết tha cầu tiến mong được khởi nghiệp trong ngành báo chí và báo chí Thiên Chúa giáo hưởng lợi từ tài năng của họ. Trong những năm làm nghề báo, ông phát triển tình bằng hữu keo sơn với những vị lãnh đạo giáo hội ở khắp nơi, trong đó có Tổng giám mục Denis Hurley của Nam Phi và Hồng y Giáo chủ Franz Konig của Vienna.
Tôi gặp Otto lần đầu tiên vào năm 1990, khi ông tuyển tôi viết chuyên mục định kỳ cho tờ báo của ông, và suốt 20 năm từ đó trở đi, tôi đã có một tình bạn tuyệt vời với ông và Marie vợ ông. Dù là người khiêm tốn và dễ gần, ông luôn luôn có chút phi thường. Ông làm không khí thêm sinh động. Ông yêu cuộc sống, yêu công việc, yêu vợ sâu đậm, và đặc biệt yêu thích những bữa ăn tối kéo dài tới khuya, đậm đà hơn bởi rượu ngon, chuyện trò việc đạo, châm chọc, trêu đùa và tình bằng hữu được thêm hương vị qua những điếu xì gà ngon. Thời gian ngừng trôi trong những bữa tối như thế, liếc nhìn đồng hồ đeo tay là điều cấm kỵ, cọng thêm phải trả giá cho những bữa tối đó bằng sự mệt mỏi cả ngày hôm sau, thì anh cũng biết là, trong suốt những giờ đồng hồ ngồi bên bàn ăn với nhau như vậy, anh đang làm điều mà anh được mong làm trong suốt đời mình, đó là thưởng thức tình bạn, tình thương, thức ăn, trêu đùa, và chuyện trò việc đạo với nhau. Tôi luôn luôn nâng niu ký ức về những bữa ăn tối như vậy tại nhiều câu lạc bộ khác nhau của Otto, cũng như những giây phút với đôi vợ chồng dành thời gian cả ngày lái xe qua miền đồng quê nước Anh giữa mùa hè, cửa sổ xe hơi mở rộng, khói tẩu thuốc lá và xì gà phì phèo tỏa khắp, và cặp mắt Otto xem xét khắp cảnh quan, tìm ra những cảnh đẹp và kiếm xem có thể có quán rượu nào hay không.
Không một cộng đồng nào được nói vụng về về cái chết của mình! Và vì thế, là điều quan trọng khi nói rằng khi Otto Herschan qua đời, giáo hội và thế giới này đã mất đi một người lịch lãm, một người bạn tốt, một người thông thái, một người mà, giống như Chúa Giêsu, đã cố gắng hội tụ những người có niềm tin khác nhau ngồi chung lại một bàn, bàn của tình bằng hữu và đức tin.
J.B. Thái Hòa dịch