Chúa và Tình dục

1093

 

Ronald Rolheiser, 2011-10-16

Thế giới chúng ta nghĩ rằng đã hiểu tình dục. Thật ra là không hiểu. Hơn nữa, thế giới này còn bắt đầu phớt lờ và thậm chí còn khinh khi cách nhìn nhận của người Ki-tô hữu đối với tình dục.

Và bây giờ chúng ta đang trả giá cho điều đó, mà phần lớn là không nhận thấy: Tình dục, nếu vượt ra ngoài các giới hạn đúng mực của nó, lòng tôn trọng, cam kết vô điều kiện, và tình thương yêu, thì chẳng mang đến điều gì vui vẻ cho cuộc sống chúng ta, chỉ làm cho chúng ta phân lẻ và cô đơn hơn. Một phần những gì đang xảy ra với chúng ta được diễn tả trong ca từ ám ảnh của bài hát “Chiếc áo mưa xanh trứ danh” của Leonard Cohen, trong đó một người đàn ông nhắc nhở bạn mình về những hậu quả của việc anh ăn nằm với một phụ nữ mà anh ta không cam kết nghiêm túc: Anh đối xử với người phụ nữ nào đó như thể là bông tuyết rơi qua đời anh; và khi cô về nhà, cô chẳng phải là vợ của ai cả. Tình dục dễ dãi: một bông tuyết của đời ta. Được cho đi một cách lông bông nhẹ dạ.

Có quá nhiều tình dục trong văn hóa, nhưng điều đó chẳng đem lại được mái ấm cho ai, mái ấm nơi người ta cảm thấy được tôn trọng hoàn toàn, được an toàn vô điều kiện, có thể là chính mình, thoải mái và tự tin rằng niềm vui của câu chuyện làm tình của họ đang khiến cho trái tim họ lớn lao hơn, dịu dàng hơn, đầy lòng biết ơn hơn, đầy niềm vui hơn.

Với đôi lời mở đầu như vậy, tôi xin được giới thiệu quyển sách “Vị Thần Tình dục” của Rob Bell. Ông là mục sư của một nhà thờ Ki-tô giáo ở Michigan và ông viết những điều, trước nay người khác cũng đã cố gắng viết nhưng hiếm khi hay được. Điều ông làm là coi trọng cái sức mạnh thô, tính chất nhục dục và sự phức tạp đến mức mụ mị của tình dục và đặt nó vào góc nhìn nhân loại học, của Kinh thánh và của Ki-tô hữu vốn coi trọng một cách đúng mức cả tính phàm tục lẫn tính thiêng liêng của tình dục. Khác với nhiều tác giả Ki-tô, ông thừa nhận tính chất phức tạp trong tình dục của chúng ta mà không chối bỏ, không phỉ báng, hay bao bọc bằng lớp vỏ sùng đạo. Nhưng, khác với phần lớn tác giả thế tục vốn thật sự thừa nhận tác động trọn vẹn của tính chất phức tạp tình dục của chúng ta nhưng lại không thấy được ý nghĩa sâu xa hơn của nó, ông kết hợp chặt chẽ tính chất phàm tục và tính chất thiêng liêng của tình dục thành một quan điểm mà tức thì thấy ngay được vừa phàm tục vừa thiêng liêng. Đây là một ví dụ về cái nhìn sâu sắc đó của ông:

Đối với quá nhiều người trong chúng ta, tình dục là cuộc kiếm tìm một cái gì đó chúng ta còn thiếu, cuộc săn lùng không ngơi nghỉ một sự chấp thuận yêu thương vô điều kiện; và thế là chúng ta đi từ mối quan hệ này sang mối quan hệ khác, tìm kiếm điều đó. Nhưng, như Bell nói: Tình dục không phải là kiếm tìm cái gì đó còn đang thiếu. Nó là sự thể hiện của cái gì đó đã được tìm thấy. Nó là sự tuôn tràn, là sự tiến tới đỉnh cao của điều mà một người đàn ông và một người đàn bà đã tìm thấy ở nhau. Đó là sự tôn vinh cái điều sống động rõ ràng đang xảy ra giữa hai người với nhau.

Theo quan điểm của Bell, tình dục trong giới hạn đúng mức của nó (cam kết vô điều kiện, lòng tôn trọng và tình thương yêu) là để đối lập với tính chất tan vỡ của đời sống chúng ta và sự phân lẻ của thế giới chúng ta. Cái “nhất thể” biểu hiện trong sự ăn nằm là nhằm để mang cái “nhất thể” vào thế giới này: Người đàn ông và người phụ nữ đã trao bản thân họ cho nhau này là để đem lại cho thế giới một tia hy vọng, một sự hiển bày của Chúa, một mẩu “nhất thể” trên trái đất. Có phải đó là nguồn gốc cho cụm từ “làm tình” xuất hiện hay không? Ý thức được rằng một điều gì đó huyền nhiệm xảy ra trong tình dục, một điều gì đó tốt lành và cần phải được tạo ra? Một điều gì đó được đưa vào thế giới, trao tặng cho thế giới này. Cùng nhau, người đàn ông và người đàn bà này là tốt đẹp cho sự an lành của toàn thế giới này theo một cách thức huyền nhiệm sâu sắc nào đó.

Bell nói rõ ràng về tính chất thiêng liêng của tình dục và điều đó thực ra củng cố sức khống chế không khoan nhượng của tình dục như thế nào: Trên thiên đường chúng ta sẽ được thấu hiểu trọn vẹn … Đó chính là điều mà người ta khao khát trong tình dục, chẳng phải vậy hay sao? Được thấu hiểu mà vẫn được thương yêu, vẫn được nâng niu và chấp thuận. Chẳng phải tình dục trong sự biểu hiện chân thực, vui tươi nhất, trong trắng nhất và lớn lao nhất của nó chính là một phút giây của vĩnh cửu hay sao?

Hơn nữa, ông không hề viễn vông và ngây thơ về những gì mà sức mạnh khống chế của tình dục có thể gây ra với chúng ta và nó có thể để lại những dấu vết hối hận đối với lòng trong trắng của chúng ta lẫn trên tấm áo choàng rửa tội của mình. Ông quả quyết với chúng ta rằng Chúa biết tình dục có sức mạnh đến mức nào và vì vậy đã lường trước những rủi ro nhất định. Quyển sách của ông kết thúc với một câu chuyện về một cuộc hôn nhân đáng ao ước của một cặp vợ chồng lý tưởng, nhưng vài năm sau đó họ đã chia tay: Tôi kết lại quyển sách này với câu chuyện như vậy bởi vì cuộc đời không hề thẳng hàng thẳng lối. Mà đau lòng. Rủi ro. Không phải bao giờ mọi chuyện cũng giải quyết ổn thỏa. Đôi khi chẳng hề có một lối mở nào cả. Đôi khi mọi chuyện tan tành và chúng ta tự hỏi liệu có có bất kỳ ý nghĩa gì trong bất kỳ điều gì trong số đó hay không. Chúng ta những muốn đóng chặt lòng mình, phong kín bốn bề trái tim, và nghiến răng đi tiếp, tự hứa rằng đừng bao giờ mở lòng ra như vậy một lần nào nữa. Nhưng chúng ta phải tin rằng chúng ta có thể hồi phục từ bất kỳ chuyện gì. Tôi phải tin rằng Chúa có thể sắp đặt cho bất cứ điều gì – bất kỳ ai – tìm lại với nhau. Tôi phải tin rằng vị Chúa mà Giê-su mời gọi chúng ta đặt lòng tin tưởng vào là tốt lành như lời Chúa nói. Thương yêu… Tha thứ… Khoan dung… Đầy lòng nhân từ….

Vấn đề với tình dục là giáo hội không coi trọng đam mê đúng mức, trong khi thế giới lại không coi trọng sự trinh bạch đúng mức. Tình dục lành mạnh đặt nền tảng trên sự cộng hưởng của cả hai, đam mê và trinh bạch, sự phàm tục và tính thiêng liêng. Quyển sách của Rob Bell tôn vinh sự cộng hưởng đó.

J.B. Thái Hòa dịch