Hận thù và tôn giáo chân chính

259

Ronald Rolheiser, 2009-04-05

Có một câu nói thường được gán cho là của văn sĩ người Mỹ G.K. Chesterton, nội dung tương tự như thế này: Công giáo là tôn giáo bị ghét nhiều nhất trong mọi tôn giáo, đó là lý do tại sao tôi biết đó là tôn giáo chân chính. Đây là một lời bình phẩm rất hay, nhưng nó cần phải dè dặt.

Ngày nay, chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan (không phải Hồi giáo chính thống) có thể là tôn giáo bị ghét nhiều nhất. Nhưng có phải đây là chuẩn mực của một tôn giáo chân chính?

Không phải tất cả hận thù đều như nhau. Chúng ta hận thù vì những lý do khác nhau. Hơn thế, như chúng ta biết, hận thù không đối nghịch với yêu thương, nó là dửng dưng. Hận thù là tình thương đã xoay chiều, là tình thương lớn lên với ghen ghét. Chúng ta chỉ có thể ghét một ai đó mà chúng ta đã từng yêu thương.

Đức Giêsu bị ghét, và là mục tiêu của tính ghen ghét cay chua. Vì vậy Người bị đóng đinh vào thập giá. Nhưng tại sao người ta lại ghét Người? Tại sao người ta lại đố kỵ với Người?

Đức Giêsu bị ghen ghét vì lòng bao dung, không phân biệt đối xử của mình. Đức Giêsu đã dang tay ra ôm lấy những người tội lỗi và những gì bị cho là bất xứng. Người làm cho đền thờ trong sạch, trong nghĩa Người giảng dạy cho dân chúng thấy họ không cần phải đi qua người trung gian để gặp Thiên Chúa. Đức Giêsu làm cho Thiên Chúa và tình yêu của Thiên Chúa dễ tiếp cận như vòi nước bên cạnh, không để cho quyền lực chính trị, xã hội, tôn giáo do con người dựng lên đi xa khỏi tiếp cận này. Người bị ghen ghét vì người đã thách thức những giới hạn thông thường chung quanh Thiên Chúa và tôn giáo.

Và Đức Giêsu bị ghen ghét do chính lòng tốt, đức hạnh của mình, bởi Người tỏa ra tình yêu thương, mà một cách nghịch lý nhưng lúc nào cũng giống nhau, chính lòng tốt lại nảy sinh ra ham muốn và ghen tương cho đến khi chính đương sự chết hoặc bị giết chết. Họ ghen ghét với Đức Giêsu vì Người tốt, trong quả tim Người có một tấm lòng yêu thương tất cả mọi người.

Chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan bị ghét hầu hết vì những lý do ngược lại. Họ bị ghét vì tính độc đoán, hẹp hòi, cứng ngắt trong các rào chắn họ dựng quanh Thượng Đế và tôn giáo, và với vẻ bên ngoài nhân danh Thượng Đế, họ có thể dùng yêu thương, lòng tốt, lòng trắc ẩn để cổ võ cho bạo lực và những hành động thiếu lòng nhân. Giống như Đức Giêsu, họ cũng bị  ghét, nhưng với những lý do hoàn toàn khác biệt.

Vì thế chúng ta phải thận trọng không dựa một cách mù quáng vào câu nói của Chesterton khi thấy mình bị ghét hay trở thành mục tiêu của đố kỵ, nhất là khi bị ghét vì tôn giáo hay quan điểm đạo đức của mình trong một vấn đề nào đó. Các thánh thường bị ghen ghét, cũng như những kẻ độc đoán và có tinh thần thiển cận cũng bị ghét. Nhưng các thánh bị ghen ghét một cách khác hơn những kẻ độc đoán, tôn giáo chân chính bị ghen ghét một cách khác biệt hơn tôn giáo mạo danh.

Sự ghen ghét nhắm vào các thánh là có thật, đôi khi họ còn bị bách hại và bị đóng đinh vào thập giá, giống như trường hợp của Đức Giêsu và các thánh tử đạo. Tuy nhiên, một khi đối tượng của ghen ghét đó chết hay bị giết chết, một khi ghen ghét đó được tẩy đi, tinh thần của người từng bị ghét thường chuyển hóa được trái tim của ai đã từng đóng đinh người đó khi: Họ ngước nhìn lên người đã bị họ làm tổn thương. Và đó là điều xảy ra sau khi Đức Giêsu chết, trong đời sống chúng ta, điều này xảy ra nhưng ít bi thảm hơn.

Có bao giờ bạn có kinh nghiệm quen biết một người nào đó, mà bằng đủ mọi lý do đã làm bạn tức giận, gây xáo trộn, thất vọng, ghen ghét, đố kỵ, làm cho bạn vừa cảm thấy khó tả, vừa khó chấp nhận họ; nhưng sau khi họ qua đời, dưới ánh sáng của sự việc họ ra đi, nỗi tức giận, ghen ghét và đố kỵ được rửa sạch và bạn nhận ra lòng tốt, đức chính trực của cuộc đời họ, kèm theo một nỗi buồn và tiếc nuối về cách bạn đã đối xử với người đó khi họ còn sống không? Lòng ghen ghét và đố kỵ đã chuyển thành tôn trọng và bạn nhận ra bạn trở nên tốt hơn vì đã hiểu được một người mà bạn đã từng ghen ghét.

Sau khi một ai đó mất đi, chúng ta tiếp nhận tinh thần của họ theo một cách mà không thể nào chúng ta có được khi họ  còn sống. Điều này cũng đúng với Đức Giêsu, và đó là lý do tại sao Người bảo chúng ta, Người phải đi xa trước khi gởi Thần Khí đến cho chúng ta. Chỉ sau khi Đức Giêsu chết đi, các môn đệ – cũng như những kẻ đóng đinh Người mới hiểu được đầy đủ con người đích thật của Đức Giêsu. Tinh thần, chúng ta nhận được sau cái chết của một ai đó, thanh lọc giá trị cuộc đời họ, mà khi họ còn sống, chúng ta không bao giờ có thể lãnh hội được, lúc mà bằng mọi lý do, chúng ta phản ứng với lòng kính phục hoặc bức rức, độ lượng hoặc hụt hẫng, yêu thương hoặc ghen ghét, hay bằng các kết hợp khác nhau của tất cả điều này.

Cũng vậy với chống đối và ghen ghét mà đôi khi người khác nhìn vào chúng ta qua đời sống tôn giáo và đạo đức của chúng ta. Cảm nhận của họ về chúng ta, ghen ghét hay khâm phục, không quyết định chúng ta tốt hay xấu, nên thánh hay cuồng tín. Chỉ tinh thần chúng ta để lại đằng sau sẽ quyết định điều đó.

J.B. Thái Hòa dịch